Phản biện được và mất về dự án cống Cái Lớn - Cái Bé sau gần 2 năm đi vào vận hành

LTS:  Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng và đi vào vận hành gần 2 năm. Do quy mô và tầm quan trọng của hệ thống này, trước, trong và sau khi xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau. Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của TS. Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường xung quanh "siêu công trình thủy lợi" này.

Nhiều bạn đọc hỏi tôi đánh giá về dự án hệ thống công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé sau gần 2 năm vận hành vì trên các phương tiện thông tin đại chúng có một số ý kiến đánh giá trái ngược nhau, đặc biệt là bài của ông Nguyễn Ngọc Trân. Vậy đâu là chân lý, là sự thật để người dân và các cấp lãnh đạo có cái nhìn khách quan, khoa học và thực tế về dự án nói trên?

Theo tôi biết, ngay từ năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Trân đã viết bài phản biện về hệ thống công trình cống Cái Lớn - Cái Bé. Bộ NN-PTNT đã có công văn số 3710/BNN-TCTL ngày 10/6/2022 do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ký phúc đáp ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân về “Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1”.

Nội dung công văn này chưa thuyết phục được ông Trân, nên năm nay, ông lại viết tiếp với một số câu hỏi cụ thể cần giải đáp.

Trong mọi thể chế quản lý nhà nước ở mọi lĩnh vực việc đề xuất hay triển khai một ý tưởng khoa học hay quyết định một chính sách, một nhiệm vụ vào thực tiễn bởi một hoặc nhiều chuyên gia sẽ được hoàn thiện hơn nếu có một sự phản biện đầy đủ từ các chuyên gia khác có chuyên môn và kinh nghiệm.

Ở Việt Nam trước đây trong cơ chế quan liêu bao cấp thường rất coi nhẹ việc phản biện, đặc biệt khi phản biện có ý kiến trái chiều. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo ít quan tâm đến tham khảo ý kiến phản biện khi ra quyết định, nhiều nhà chuyên môn thường ngại đưa ra các luận cứ trái chiều vì sợ mất lòng nên ý kiến nhận xét ít tác dụng, ít hiệu quả.

Từ khi cầm bút làm công việc phản biện xã hội, tôi đã tự nhủ phản biện không phải là phản đối. Phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lý luận và khoa học về chủ đề của chính sách, của pháp luật, của quyết định, của tác phẩm, dự án được phản biện, mà tiến hành phân tích, xác định giá trị, những chỗ đúng, mới mẻ, sáng tạo, cần phát huy, những chỗ thiếu sót, cần bổ sung, những chỗ không chuẩn xác, cần sửa chữa trong chính sách, pháp luật, quyết định hoặc tác phẩm ấy.

Tùy trường hợp, mà phản biện nặng về biểu dương thành tựu, hoặc nặng về vạch rõ khiếm khuyết, hoặc cân đối giữa hai phần khen và chê. Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là "phản", mà là "biện". Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận, nhất là kỹ năng ngôn ngữ, nếu không sẽ thiếu thuyết phục hay dẫn đến hiểu lầm.

Phản biện về các dự án, đòi hỏi người viết phải có kiến thức và luôn cập nhật được kiến thức mới, phải thực sự hiểu biết sâu về chuyên môn, nói có sách mách có chứng và biết cách thuyết phục những người trong cuộc.

Bất cứ tác động nào của con người vào tự nhiên đều có được và mất (bài toán trade-off), không bao giờ được tất cả cho nên khi muốn xây dựng công trình phải chứng minh sự cần thiết, và các câu hỏi phải làm cái gì như thế nào, khi nào để cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất, đồng thời có các giải pháp giảm thiểu các mặt tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được xây dựng xong và đi vào vận hành gần 2 năm. Do quy mô và tầm quan trọng của hệ thống này, trước, trong và sau khi xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả những ý kiến không đồng thuận là điều dễ hiểu vì phụ thuộc tiếp nhận thông tin, góc nhìn và nhận thức của mỗi người.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển và hóa giải các thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đang và sẽ phải đối mặt, nên những ý kiến khác nhau về hệ thống này cũng cần được trao đổi nhằm tăng cường sự hiểu biết và góp phần tạo sự nhất trí chung cho những công việc trong tương lai.

Các vấn đề mà ĐBSCL đang phải đối mặt là:

1. Tính biến động và sự suy giảm dần của nguồn nước và chất lượng nước.

2. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan.

3. Tác động của biến đổi khí hậu mà rõ nét và nghiêm trọng nhất là sự gia tăng mực nước ở các vùng cửa sông, ven biển.

4. Yêu cầu ngày càng cao, càng đa dạng đối với hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất và dân sinh.

Để hóa giải các thách thức này, bên cạnh các giải pháp phi công trình, cần từng bước hình thành một hệ thống thủy lợi đồng bộ, nhiều tầng, hợp lý từ đầu mối đến mặt ruộng. Việc lựa chọn trình tự thực hiện phụ thuộc vào nguồn lực sẵn có và điều kiện cụ thể mỗi vùng.

Riêng cống Cái Lớn - Cái Bé được ưu tiên thực hiện theo tôi hiểu có 3 lý do: (1) Tính nhạy cảm của chế độ thủy văn trong vùng, (2) Tác động liên vùng và, (3) Những biến động về kinh tế xã hội ở vùng bán đảo Cà Mau trong thời gian gần đây cộng với những cơ hội mà các cống này kết hợp với các công trình đang có ở vùng bán đảo Cà Mau tạo ra.

Tôi không tham gia tư vấn cho dự án hệ thống công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé cho nên các bình luận về bài viết này là với trách nhiệm của chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nói có sách mách có chứng, trên tinh thần xây dựng để rộng đường công luận.

Tôi không giải trình các ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Trân mà là phản biện của phản biện để những người quan tâm có cái nhìn đầy đủ, khách quan, khoa học và thực tế hơn.

Phản biện 1

Theo quy trình vận hành tạm thời hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé của Bộ NN-PTNT ban hành, công trình này được thử nghiệm trong 2 năm, sau đó xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức. Tại sao hai năm mà không ngắn hơn hoặc dài hơn?

Theo tôi hiểu, những người làm dự án căn cứ Mục a, Khoản 2, Điều 24 Luật Thủy lợi 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội có quy định: “Chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào khai thác”.

Căn cứ Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT ký ngày 15 tháng 5 năm 2018, quy định trình tự các bước xây dựng và nội dung của bản quy trình vận hành. Trên cơ sở đó, Ban 10 (thay mặt Chủ đầu tư) đã tiến hành lập quy trình vận hành và trình Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4789/QĐ-BNN-TCTL, ký ngày 6 tháng 12 năm 2021 trước ngày khánh thành công trình là phù hợp với Luật Thủy lợi.

Lý do chỉ phê duyệt quy trình vận hành tạm thời và tại sao lại là 2 năm, bởi vì:

Sự thận trọng của Bộ NN-PTNT, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là hệ thống lớn, chế độ thủy văn - thủy lực phức tạp cũng như tầm quan trọng của quy trình vận hành quyết định đến sự thành công của cả hệ thống, nên Bộ NN-PTNT đã cân nhắc để có bản quy trình vận hành hoàn thiện cần có thời gian thử nghiệm là 2 năm.

Ngoài ra, theo Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT thì phải thử nghiệm vận hành trước khi phê duyệt quy trình. Trong khi đó hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé chỉ đảm bảo vận hành đầy đủ nhiệm vụ dự án khi các công trình cống ven biển An Biên - An Minh hoàn thành, theo kế hoạch đầu tư thì hệ thống này sẽ hoàn thành trong thời gian năm 2023, do vậy thời gian tối thiểu để đảm bảo thử nghiệm cần thiết là phải 2 năm.

Công tác mô phỏng số (mô phỏng bằng mô hình thủy lực): Việc mô phỏng bằng mô hình thủy lực ở 2 giai đoạn là lập dự án và lập quy trình vận hành có những điểm khác nhau như: (1) Giai đoạn lập dự án, chủ yếu tập trung vào mục tiêu nhiệm vụ của công trình có đạt được hay không. Ví dụ cống Cái Lớn kiểm soát mặn tại cầu Cái Tư dưới 1g/l; (2) Giai đoạn lập quy trình vận hành chủ yếu tập trung chi tiết về vận hành và thời gian vận hành trong năm như thế nào, cống nào đóng (đóng bao nhiêu cửa) cống nào mở phối hợp như thế nào để đảm bảo mục tiêu đạt được là tốt nhất.

Việc ban hành quy trình tạm thời là phù hợp, thể hiện sự thận trọng và cầu thị của Bộ NN-PTNT đối với một công trình lớn, trong một khu vực nhạy cảm, sử dụng đất đa dạng, gần cửa sông mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc kiểm nghiệm này sẽ cập nhật để tăng tính chính xác của mô hình, giúp xây dựng quy trình vận hành phù hợp hơn với thực tiễn.

Phản biện 2

Dự án được duyệt như thế nào?

Dự án được hình thành là cả quá trình hàng chục năm từ các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, đến quy hoạch, nghiên cứu, lập dự án. Trong đó, công tác lập hồ sơ nghiên cứu khả thi được thực hiện từ năm 2010.

Đây là dự án nhóm A, theo quy định của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ là cấp quyết định đầu tư, danh mục công trình phải được Quốc hội thông qua.

Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên cơ sở kết quả đề nghị của Hội đồng liên ngành (hội đồng gồm các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT và lãnh đạo UBND 5 tỉnh vùng dự án).

Sau đó, dự án được Quốc hội bố trí danh mục trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2017-2021.

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Thành phần hội đồng thẩm định gồm 22 chuyên gia, là một trong số ít dự án có số lượng thành viên hội đồng nhiều như vậy, và đã phải trải qua các phiên họp về kỹ thuật, thẩm định...

Để giám sát môi trường trong quá trình thi công và vận hành ban đầu dự án, Bộ đã giao cho một đơn vị chuyên ngành (không phải trực thuộc Bộ) đó là Viện Khoa học môi trường thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Qua hơn 2 năm đưa vào vận hành (cống Cái Bé), gần 1,5 năm với cống Cái Lớn, môi trường vùng dự án nằm trong điều kiện cho phép. Việc này, bất kỳ ai cũng có thể vào trang web hỗ trợ vận hành của dự án (Cailoncaibe.thuyloivietnam.vn) để biết được chất lượng nước tại từng điểm giám sát của vùng.

Phản biện 3

Vấn đề đầu tư dự án?

Để phát huy dự án này cần phải có những công trình bên trong vùng dự án để phục vụ cho từng vùng sản xuất. Cống Cái Lớn - Cái Bé chỉ là công trình đầu mối lớn và chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát ở những năm cực đoan, khi mà các hệ thống công trình nội đồng không thể kiểm soát được thì các công trình này mới điều tiết và đưa chế độ thủy văn và xâm nhập mặn về như 1 năm bình thường và khi đó thì các công trình nội đồng lại vận hành đảm bảo sản xuất.

Ngay từ khi lập dự án và qua các cuộc hội thảo khoa học, đã nhận thức sẽ có những tác động nhất định bởi công trình này mang tính tổng thể để kiểm soát nguồn nước chung, còn để phát huy dự án này cần phải có những công trình bên trong vùng dự án để phục vụ cho từng vùng sản xuất.

Năm 2018, để thuyết minh sự cần thiết xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, báo cáo tóm tắt của Dự án dài 48 trang đã 11 lần đưa ra lập luận vì đầu tư chưa/không đồng bộ, và 7 lần viện dẫn cần đầu tư hoàn chỉnh. Điều này có nghĩa là cần đầu tư tiếp cho Dự án, ở giai đoạn kế tiếp, hoặc kéo dài giai đoạn 1, nếu muốn đạt được Mục tiêu và Nhiệm vụ đề ra cho Dự án!

Khái niệm hoàn thành nhưng còn thử nghiệm của các công trình xây dựng không phải là mới. Thí dụ, dự án Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên do Nhật Bản thực hiện đã hoàn thành 93% và được chạy thử nghiệm với 100 khách mời gồm cả lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, công nhân và người dân (https://vnexpress.net/ngay-chay-thu-cua-metro-ben-thanh-suoi-tien-4550871.html). Như vậy, trong các dự án có xây dựng công trình sau khi hoàn thành một số hạng mục hay một số giai đoạn nào đó có thể được vận hành thử nghiệm để tìm ra các ưu, khuyết điểm và cách vận hành đem lại hiệu quả cao nhất.

Phản biện 4

Độ dềnh nước hạ lưu

Đối với một dự án công trình lớn như các cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, sẽ có những tác động trong khi vận hành cho mục tiêu ngăn mặn cho vùng rộng lớn nhưng có thể gây trở ngại cho vấn đề khác như dềnh nước, tiêu úng… tại một số khu vực trũng thấp. Trong tính toán của các Viện, đã xác định độ dềnh nước lớn nhất khi đóng cửa cống khoảng 30cm. Hạ tầng (đê bao) hiện có chưa đáp ứng (kể cả khi chưa có cống cũng đã bị ngập, nay có cống thì ngập gia tăng thêm), vấn đề này tỉnh Kiên Giang đã nhận trách nhiệm sẽ đầu tư dần (kết hợp nâng đê bao làm đường giao thông nông thôn).

Theo tôi hiểu, việc chưa dự tính đúng hiện tượng nước dâng ở hạ lưu cống khi đóng cống là một trong những hạn chế do chưa hiểu biết đầy đủ hiện tượng, các công cụ tính toán được sử dụng chưa có khả năng mô phỏng sát hiện tượng cục bộ này, cần được nghiên cứu khắc phục sớm.

Phản biện 5

Xin kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sự cần thiết giám sát Dự án Xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 và Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, làm rõ những mập mờ giữa hai dự án, các giai đoạn, tổng dự toán của hai dự án, khái niệm “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm”… , từ đó những bài học cần rút ra cho quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư công.

Về ý kiến của cử tri, giám sát của Quốc hội về dự án hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé:

- Trong các năm 2016-2019 cử tri các tỉnh liên tục kiến nghị thực hiện dự án.

- Đầu năm 2017, Đoàn đại biểu của Quốc hội (do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, và các Ủy ban Kinh tế, Khoa học công nghệ) đi thực địa vùng dự án để xem xét sự cần thiết xây dựng của dự án.

- Tháng 7/2020, Đoàn lãnh đạo Quốc hội đến công trình kiểm tra thực hiện (đoàn gồm Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ Phan Xuân Dũng, các đại biểu Quốc hội chuyên trách...).

- Tháng 5/2022, Đoàn Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội đã đi kiểm tra giám sát công trình sau khi hoàn thành (đoàn gồm ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban, các đại biểu chuyên trách, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang).

Ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Trân rất đáng trân trọng, nhất là đã lớn tuổi, vẫn nhiệt huyết nhưng không phải lĩnh vực chuyên môn sâu của mình nên còn có hạn chế cũng là điều dễ hiểu.

Chính phủ và Bộ NN-PTNT cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện xã hội là rất đúng. Tuy nhiên, với các bài phản biện như của ông Nguyễn Ngọc Trân, không nhất thiết Bộ phải làm công văn trả lời mà chỉ cần giao cho các Viện trực tiếp tham mưu về chuyên môn trả lời hoặc mời tác giả đến Viện để thảo luận chuyên sâu về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Sau khi hoàn thành dự án cống Cái Lớn - Cái Bé, các công trình khác vẫn cần phải tiếp tục xây dựng theo bài toán kiểm soát hệ thống nguồn nước. Bài toán quy trình vận hành chung còn phải xét đến các cụm công trình Quản Lộ - Phụng Hiệp, U Minh Hạ và Nam Bạc Liêu… Các cơ quan tham mưu của Bộ cần kiến nghị tổng kết, đánh giá việc vận hành, trình Bộ ban hành chính thức quy trình vận hành hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé.

Theo tôi được biết, tài liệu mực nước nhiều năm của các trạm Gành Hào, Năm Căn, Sông Đốc (xem hình phía dưới) trong những năm gần đây vùng ven biển bị nông lên do bồi lắng từ vật liệu sên vét của các vuông tôm làm cho nước biển bị dâng lên dưới tác động của gió.

Về lý thuyết, vùng đất mũi Cà Mau bị nông lên nhiều hơn và do vậy mực nước phải dâng lên nhiều hơn so với trạm Gành Hào và Sông Đốc. Tuy vậy, số liệu thực đo nhiều năm lại cho thấy mực nước tại trạm Năm Căn (đại diện cho đất mũi) lại dâng lên ít hơn nhiều và đang có xu thế giảm so với trạm Gành Hào, Sông Đốc.

Lý do của hiện tượng này chính là sự phân bố “loang lổ” hầu như không có quy luật của các vùng mặt nước nuôi tôm xem lẫn các vệt rừng tạo thành một mặt đệm răng cưa, nhấp nhô tương tự như những mố nhám nhân tạo có tác dụng như là những vật cản hiệu quả đề tiêu hao năng lượng và giảm vận tốc gió làm cho nước dâng tại đất mũi giảm đi nhiều. Các vệt rừng, khoảng trống không có quy luật rõ ràng lại đáp ứng tốt với hướng gió luôn thay đổi (xem biểu đồ hoa gió).

Các nhà khoa học nên tham vấn người dân tiếp tục nghiên cứu về mô hình phát triển bền vững có thể dựa theo các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên (1) Sinh kế của người dân, (2) Ổn định hoặc có lợi về môi trường, (3) Hiệu quả kinh tế của những hạng mục có thể tính ra thành tiền.

Tô Văn Trường
Trọng Toàn
Đào Chánh - TL