Nhắc đến Đồng Tháp là nhắc đến những ao sen tỏa hương thơm ngát, vẻ đẹp thơ mộng của vườn hoa Sa Đéc hay những cánh đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay… Mộc mạc và thơ mộng là vậy, nhiêu đó thôi chưa thể nói hết về chốn sông nước miền Tây này. Đồng Tháp còn hiện lên với hình rất đỗi nguyên sơ, có phần sống động hơn khi đến Vườn Quốc gia Tràm Chim, lắng nghe âm thanh nơi thiên nhiên hoang dã.
Nếu phía Bắc nổi tiếng với Vườn quốc gia Cúc Phương, phía Nam vang danh với khu rừng già Nam Cát Tiên, thì miền sông nước Đồng Tháp lại vô cùng tự hào khi sở hữu Vườn Quốc gia Tràm Chim. Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng lõi Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, với tổng diện tích 7.500ha, nằm trong địa giới của 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng là trên 30.000 người.
Vườn Quốc gia Tràm Chim là một khu đất ngập nước và cũng được xem là túi trữ nước ngọt phục vụ đắc lực người dân ĐBSCL sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tràm Chim còn được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam. Nơi đây nổi bật với hệ sinh thái phong phú và cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đang sở hữu rất nhiều loài chim quý hiếm, điển hình như sếu đầu đỏ. Sự phong phú về các loài động, thực vật đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên đa dạng và độc đáo cho Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Nói về lịch sử Vườn quốc gia Tràm Chim, năm 1985, Tràm Chim được UBND tỉnh Đồng Tháp thành lập với tên gọi là Công ty Nông Lâm Ngư trường Tràm Chim, với mục đích là trồng tràm và khai thác thủy sản, và để giữ lại được một phần hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa. Trong đó, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Vườn Tràm Chim. Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh, nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ. Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim, cấp quốc gia, theo Quyết định số 47/TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo thông tư số 4991/KGVX, với diện tích 7.500ha.
Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.
Vườn quốc gia Tràm Chim được ví như lá phổi xanh của vùng đất này, và ngày càng được phát triển mạnh, trở thành một trong các điểm du lịch sinh thái ở Đồng Tháp. Với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình cùng một bầu không khí trong lành, thoáng đãng, đến Vườn quốc gia Tràm Chim chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời.
Có thể nói, Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” này là nơi phát triển của thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài khác nhau. Hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước, gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Và đặc biệt là loài sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc – một tài sản thiên thiên vô giá của Vườn quốc gia Tràm Chim ở vùng Đất Sen hồng.
Dự án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với mục tiêu phục hồi, phát triển sếu bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên.
Hơn một thập kỷ qua, số lượng sếu đầu đỏ hoang dã ở Việt Nam và Campuchia đã suy giảm hơn 80%. Theo đó, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010, giảm xuống còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.
Trước tình hình này, Hội Sếu Quốc tế (ICF) và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chương trình phục hồi quần thể sếu đầu đỏ ở Thái Lan và Việt Nam. Đồng thời, ICF, VZA và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) về việc nuôi, thả, giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Đối với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, hằng năm, tùy theo nhu cầu và khả năng sẽ cung cấp sếu đầu đỏ con cho Vườn Quốc gia Tràm Chim để nuôi tiếp tục và thả về tự nhiên. Quá trình này tuân theo quy định pháp lý của quốc gia và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, cũng như sự an toàn của động vật.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Điều hành Dự án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Nào giờ vùng đất Sen hồng - Đồng Tháp luôn tự hào là tỉnh có Khu Ramsar thứ 2.000 được thế giới công nhận, nơi đây mỗi năm có đàn sếu đầu đỏ bay về sinh sống. Nhưng thời gian gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và môi trường nên đàn sếu ngày càng giảm dần bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim sinh sống, thậm chí có năm không có con nào bay về. Đặc biệt, trong năm 2023, Đồng Tháp rất vui mừng và được Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan quan tâm, hằng năm sẽ cung cấp sếu đầu đỏ con cho Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Theo ông Thiện, sau khi lễ ký kết giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Tổ chức công viên động vật học Thái Lan về bảo tồn Sếu đầu đỏ, địa phương đang tiến hành cho xây dựng Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, giai đoạn 2022 - 2032 và gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng đệm nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho sếu ở ngoài vùng đệm. Dự án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ triển khai thực hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim và vùng phụ cận trong huyện Tam Nông.
Dự án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với mục tiêu phục hồi và phát triển đàn sếu bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Trong vòng 10 năm (từ năm 2023 đến 2033), mục tiêu của dự án là nuôi thả 150 cá thể sếu với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tự tồn tại ngoài tự nhiên.
Dự án có 4 nội dung chính gồm: nuôi, thả sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn. Quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Hiện nay, Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Xung quanh khu vực này là vùng đệm với diện tích 1.623ha sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thay vì trước đây người dân sản xuất lúa sử dụng phân thuốc hóa học là phần lớn.
Mô hình thực hiện 3 giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tổng diện tích thực hiện 200ha, kinh phí trên 13,6 tỷ đồng. Trước mắt, đã vận động được 15 hộ đăng ký canh tác lúa hữu cơ gần 100ha, từ vụ hè thu 2023 ở khu vực vùng đệm giáp với khu A4, Vườn Quốc gia Tràm Chim để tạo môi trường sinh thái quanh khu vực phát triển của sếu.
Hiện nay trong vụ lúa hè thu 2024, có nhiều hộ dân ở xã Phú Đức và xã Tân Công Sính tham gia mô hình canh tác hướng hữu cơ với diện tích khoảng 100ha, hiện lúa được trên 45 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ chín.
Qua cách làm lúa hữu cơ thân thiện với môi trường và giảm chi phí, hầu hết những nông dân trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim đều rất ủng hộ . Chỉ cần có đầu ra được bao tiêu ổn định và đảm bảo lợi nhuận là nông dân sẵn sàng mở rộng diện tích trồng.
Bên cạnh đó, còn giúp nâng cao sinh kế của người dân trong vùng đệm gắn liền với chương trình phục hồi phát triển đàn sếu, phát triển du lịch tại Vườn quốc gia, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng tràm. Song song đó, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia…
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Tháp còn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng Vườn quốc gia Tràm Chim và đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng lại tour, tuyến du lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho huyện Tam Nông gắn với phục hồi và phát triển du lịch về sếu.
Ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lấy ý kiến của các nhà chuyên gia, khoa học nhằm đưa ra kế hoạch phục hồi hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc đề án bảo tồn sếu đầu đỏ. Theo dự thảo kế hoạch của Vườn quốc gia Tràm Chim, mục tiêu giai đoạn 1 (2024 - 2025) phục hồi ít nhất 50ha sinh cảnh cỏ năng kim tạo nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ; 30ha lúa ma thuần loài khoảng 70% từ nguồn gen còn lại; 20ha hoa hoàng đầu ấn và tác động ít nhất 430ha tại các phân khu A1, A4, A5 để cải tạo đất.
Giai đoạn 2 (2026 - 2032) sẽ nâng diện tích các khu sinh cảnh cần phục hồi lên gấp nhiều lần giai đoạn 1, mục tiêu đến năm 2032 có ít nhất 1.500ha sinh cảnh được tác động nhằm cải tạo và phục hồi sinh thái, tạo nguồn thức ăn cho sếu.
Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia sao cho đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy chữa cháy trong giai đoạn mùa khô tại vườn. Mực nước thí điểm giai đoạn 1 tại các khu A2 155cm, khu A3 130cm, khu A4 125cm và khu A5 125cm (căn cứ mực thước tại các cống).
Để cụ thể việc triển khai phát triển sếu đầu đỏ và bảo tồn động vật quý hiếm sếu đầu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, mới đây, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đến khảo sát vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim tại các khu A1, A4, A5 là nơi sếu đầu đỏ từng về kiếm ăn và vận động nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ tại vùng đệm phục vụ dự án bảo tồn sếu. Riêng khu A1 có diện tích gần 5.000ha, đây là vùng lõi của Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước làm nơi cư trú, kiếm ăn cho các loài chim nước.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, khu A1 từng là nơi sếu về kiếm ăn trong nhiều năm liền và là nơi cuối cùng sếu về vào năm 2021. Đây là khu vực nằm sâu trong vùng lõi của vườn, hệ sinh thái đa dạng, có những gò đất nhô cao hơn so với mực nước. Giai đoạn đầu của dự án sẽ điều tiết mực nước ổn định, thực hiện phương pháp xử lý riêng để cải tạo đồng cỏ khô nhằm phục hồi đồng cỏ năng kim và lúa ma.
Để sếu có thể trú ngụ quanh năm thì mực nước trong rừng là một trong những yếu tố then chốt và khó thực hiện, vì mỗi năm có mùa nước nổi dâng cao, cần có sự theo dõi và tính toán thêm. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong lưu ý Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim, trong thực hiện phục hồi sinh thái cần có đánh giá hiện trạng nước qua các năm để chủ động mực nước, đảm bảo tốt phục hồi sinh thái nhất là phục hồi bãi năng kim và lúa ma.
Ngoài ra, tại các khu A4, A5, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp còn đề nghị Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim giữ nguyên hiện trạng tràm khu vực này, hướng đến tạo hệ sinh thái tốt nhất, trong đó chú trọng phục hồi sinh cảnh tự nhiên Vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, phát triển sếu cũng như các loài động vật khác.
Ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, điểm cốt lõi của dự án là làm sao phục hồi hệ sinh thái của vườn quốc gia gần giống với môi trường mà sếu có thể sinh sống, hướng tới giữ chân sếu ở lại và nhân đàn. Khi thực hiện, cần giữ nguyên rừng tràm đã trồng, xem xét tỉa thưa tràm tái sinh tạo cảnh quan môi trường thông thoáng làm bãi đáp cho sếu.
Vườn Quốc gia Tràm Chim nổi tiếng từ lâu về du lịch nông nghiệp sinh thái. Khi khách du lịch đến đây không thể bỏ qua trải nghiệm đi xuồng ba lá len lỏi qua các cánh rừng tràm. Cảm giác lướt trên mặt nước, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tận hưởng không khí trong lành sẽ mang đến cho du khách những phút giây thư giãn tuyệt vời.
Ngoài cảnh đẹp ra, Vườn Quốc gia Tràm Chim còn có hơn 200 loài chim, Tràm Chim là thiên đường cho những ai yêu thích quan sát chim. Du khách có cơ hội chiêm ngưỡng và chụp lại những khoảnh khắc tuyệt vời của các loài chim quý hiếm trong môi trường tự nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, hệ thực vật tại Tràm Chim cũng rất đa dạng và phong phú với hơn 130 loài thực vật khác nhau. Du khách có thể tham gia các tour du lịch sinh thái để khám phá những cánh đồng cỏ năn, cỏ lác xanh mướt và những khu rừng tràm cổ thụ. Chưa kể, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Tràm Chim là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ "sống ảo". Từ các cánh đồng sen nở rộ, rừng tràm ngập nước và những cánh đồng hoa hoàng đầu ấn bạt ngàn sẽ mang đến cho bạn những bức ảnh ấn tượng.
Thời điểm để chiêm ngưỡng Tràm Chim với khung cảnh đẹp nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 9 - 12 hằng năm. Lúc này, cảnh quan thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim vô cùng bình yên, mộng mơ với nước ngập tràn các cánh đồng và rừng tràm, tạo nên một bức tranh sống động và đầy màu sắc. Những năm trước, sếu đầu đỏ còn về nhiều ở Vườn Quốc gia Tràm Chim để kiếm thức ăn là củ năng vào tháng 2 - 5 hằng năm, nhưng vào thời điểm này, khách du lịch đến Tràm Chim sẽ được chiêm ngưỡng những vũ điệu ấn tượng của loài sếu đầu đỏ.
Ngoài ra, khách du lịch có thể tham gia các hoạt động khám phá sinh vật trong rừng, sau đó nghỉ ngơi, thưởng thức các món ngon được chế biến từ các loại cá đồng ở quanh khu vực này. Quả thực, Vườn Quốc gia Tràm Chim là một điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích khám phá và trải nghiệm thiên nhiên với những nét riêng biệt về hệ sinh thái cùng các hoạt động thú vị.
Có lẽ thời điểm này Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ tạm nghỉ ngơi một thời gian sau sự cố cháy rừng vừa mới đây, nhưng bất cứ ai cũng mong, rằng sớm thôi, khu bảo tồn thiên nhiên ấy sẽ khỏe mạnh trở lại. Khi đó, khách du lịch chắc chắn ghé thăm Vườn Quốc gia Tràm Chim để cảm nhận những nét mộc mạc về miền sông nước Đồng Tháp, cũng như sự phong phú đa dạng của thiên nhiên Việt Nam.