Với trên 57% diện tích tự nhiên là rừng, Lai Châu đã và đang khai thác thế mạnh này để thu hút doanh nghiệp cùng người dân tham gia vào phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Tại Hội chợ Sâm Lai Châu diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những điều kiện thuận lợi của Lai Châu để phát triển cây sâm như: Có dải khí hậu trung tính và ôn hòa; có 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, có nhiều vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hệ sinh thái rừng và thảm thực vật vô cùng phong phú, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%.
Theo các nghiên cứu, cây sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bổ hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, phát triển thuận lợi ở những vùng rừng núi cao hoang sơ, sương mù bao phủ và lạnh về mùa đông, với tiềm năng phát triển cây sâm khoảng gần 40 nghìn ha. Đó là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển ngành sâm và thực phẩm chức năng từ sâm dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng.
Sâm Lai Châu đã từ lâu được đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu phát hiện và sử dụng để nâng cao sức khỏe, nay trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.
Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene quý của sâm Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và đầu tư, phát triển cây sâm, tạo cơ hội cho các hộ trồng sâm được trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, nguồn giống... giúp đồng bào thiểu số, biên giới của tỉnh Lai Châu và các tỉnh trong vùng trồng được sâm và các loại cây dược liệu thoát nghèo và tiến tới vươn lên làm giàu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lai Châu, Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng trong bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị của cây sâm Lai Châu. Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác ở nước ta và dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao. Và là cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam thực thụ, hướng tới mục tiêu tỷ đô-la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới.
Chủ tịch nước mong muốn "sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi 'Quốc bảo' của Việt Nam và phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò của 'Quốc bảo' trong quốc kế dân sinh". Để đạt được tầm nhìn và mục tiêu này, còn rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam hay một số địa phương khác hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các Bộ, Ngành.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, trước hết là Bộ NN-PTNT quan tâm đến công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, trong đó có sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số cây sâm khác ở một số địa phương. Phổ biến những ưu điểm vượt trội của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Nâng tầm giá trị của cây sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe cả thể chất và tinh thần của con người...
Đối với sâm thì đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế du lịch.
Tỉnh cũng cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Lai Châu để “sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, tỉnh bạn; đồng thời cùng với sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã có khởi sắc và đạt kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được củng cố, giữ vững, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành, trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những lợi thế riêng có của địa phương, nhất là phát triển các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao.
Từ đó, nhiều nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn các loại dược liệu thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh cũng được tiến hành. Kết quả đã chỉ ra sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm Lai Châu thuộc họ nhân sâm (hay còn gọi là Ngũ gia bì) chi sâm (Panax), là loài cây đặc hữu có phân bố trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè; dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Sâm Lai Châu phân bố ở độ cao 1.400m - 2.200m so với mặt nước biển, với khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù bao phủ.
Đây cũng là khí hậu của phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng trồng trọt trên quy mô lớn. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy sâm Lai Châu có hàm lượng saponin tổng số rất cao, lên tới 21,34%. Đặc biệt, sâm Lai Châu có Majonosid- R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở Sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu. Sâm Lai Châu đã được Bộ NN-PTNT cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Ông Kim Suk Bum, Giám đốc Công ty BRIDIA tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, sâm Lai Châu có chứa các ginsenoside loại ocotillol như majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu có thông tin cho rằng sâm Việt Nam có chứa nhiều ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.
Đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư trồng và phát triển cây sâm Lai Châu; tổ chức các hội thảo khoa học; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu…
Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, liên kết trồng được nhiều vườn sâm tập trung tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đây cũng chính là một trong nhiều giải pháp giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, rõ ràng, rất cần có sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương; sự giúp đỡ của nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để hình thành liên kết, trong đó nhà khoa học sẽ cung cấp các luận cứ, kỹ thuật, doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm và người dân liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ rừng.
Đặc biệt cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước có ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sâm phát triển; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây sâm Lai Châu; xây dựng hệ thống chỉ dẫn; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu đến người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.
“Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân các dân tộc, Lai Châu hoàn toàn tin tưởng rằng cây sâm Lai Châu sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng “thoát nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống” của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu”, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 520.000ha đất lâm nghiệp (chiếm 57% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Trong đó, rừng đặc dụng trên 41.000ha (chiếm 8%), rừng phòng hộ là 265.000ha (chiếm 51%), rừng sản xuất là trên 213.000ha (chiếm 41%)...
Tỉnh Lai Châu xác định, phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng từng năm của Lai Châu được nâng lên và đã đạt gần 51%. Nhờ đó, mang lại lợi ích lớn về môi trường, nguồn nước và kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, khi trên 70% số hộ tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng có nguồn thu nhập ổn định.
Tỉnh Lai Châu cũng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhiều loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao được nhân dân bảo tồn và phát triển như: Sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất, đương quy, thảo quả, hà thủ ô... Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Lai Châu trong niều năm qua.
Trên đây là những lợi thế cho tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế lâm nghiệp đặc biệt là dược liệu. Tại Hội chợ Sâm Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Trong đó, thúc đẩy phát triển vùng trồng sâm Lai Châu và xây dựng nhà máy chế biến sâu đa dạng sản phẩm sâm Lai Châu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung bền vững, tạo sinh kế cho người dân, vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với các đơn vị, doanh nghiệp.
Việc ký kết là dấu mốc quan trọng, đánh dấu cho quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Nam Sơn cho biết, theo biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Đại Nam Sơn, Tập đoàn sẽ được tỉnh Lai Châu giới thiệu vùng trồng sâm và các loại cây dược liệu khác, trong đó có cây trà, đưa các vùng này vào quy hoạch phát triển cây dược liệu Việt Nam. Đây là bước quan trọng nhằm xây dựng thương hiệu sảm phẩm cho sâm Lai Châu nói riêng và các loại dược liệu của Việt Nam nói chung.
Tập đoàn Đại Nam Sơn cũng có trách nhiệm nghiên cứu, bảo tồn giống, phát triển các vùng nguyên liệu; thực hiện các dự án nông nghiệp, nông dược gắn kết với dự án du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương về môi trường tự nhiên, sinh thái, lợi thế về giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...
Ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Việt cho biết, Hội chợ Sâm Lai Châu (vừa được tổ chức từ ngày 11 - 13/11) là nhịp cầu kết nối chính sách khuyến khích đầu tư của trung ương, của tỉnh với các doanh nghiệp.
"Với lợi thế xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và cây dược liệu, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn nhằm chủ động và đa dạng hoá các sản phẩm nòng cốt của công ty. Công ty hiện đã ký cam kết đầu tư dự án trồng mới 20ha sâm Lai Châu tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu với quy mô 2 tấn/năm. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030.