Bà Công
Bà là hiện thân những mảnh hồn làng. Lấy chồng nhưng không có con, bà đi hỏi vợ hai cho chồng. Cưới về, nhà thành hai chị em. Người em ấy sinh cho ông dượng 4 con trai, con cả tên Công.
Thái Hạo | 08:32 05/03/2024
Bà Công
Tôi ngồi nhìn bà, như nhìn một thế kỷ dằng dặc của làng mạc và non nước này trên khuôn mặt đã nhăn nheo, dấu vết của trầu và vôi quện đỏ còn hằn sâu trên từng nét chỉ môi
Công là tên con cả của bà. Ở quê tôi có tục như thế, khi người con cả lấy vợ lấy chồng thì cha mẹ sẽ được gọi theo tên của người con ấy, cái tên cha sinh mẹ đẻ sẽ thành tên cúng cơm, như húy kỵ, ai mà gọi thì sẽ là bất kính, hỗn hào. Lúc tôi còn bé tẹo đã thấy mọi người gọi bà Công. Cho đến lúc ngồi viết những dòng này, tôi cũng chưa bao giờ biết tên thật của bà.
Bà Công là chị gái của bà ngoại tôi, mẹ tôi gọi là dì, dì Công. Bà ngoại mất đã lâu, từ lúc tôi còn đi học xa nhà. Tết này bà Công tròn 100 trăm tuổi, mẹ và các cậu tôi xuống thăm bà, về kể rằng bà còn minh mẫn lắm, giọng nói vẫn sang sảng, nhớ và kể những chuyện xa lắc xa lơ.
Bà Công lấy chồng nhưng không có con. Rồi bà tự mình đi hỏi vợ hai cho chồng. Cưới về, nhà thành hai chị em. Người em ấy sinh cho ông dượng 4 con trai, con cả tên Công. Rồi ông mất, chắc phải gần 50 năm rồi, để hai bà lại với nhau. Vẫn sống chung một nhà, cùng nhau nuôi con, mọi công to việc lớn trong nhà do bà Công chỉ huy, sắp xếp. Người em thì hiền lành và nghe lời chị lắm, hai chị em tình cảm còn hơn ruột thịt. Mẹ tôi kể, “hai gái lấy một chồng” nhưng hòa thuận, bà hai một mực tôn trọng bà cả, chị chị em em không bao giờ có lời to tiếng nhỏ. Hai bà chung nhau nuôi con, con kêu dì là mẹ, thương và nể sợ có khi còn hơn cả với mẹ đẻ. Nội chuyện dù không sinh nhưng tên bà được gọi theo tên người con cả của bà hai đã thấy “vai vế”, phép tắc trong nhà. Cách đây dăm năm, bà hai mất. Giờ còn mình bà Công ở lại.
Ngày tôi còn bé, nhà nghèo lắm, bà ngoại tôi thì đau yếu quanh năm, lúc nào cũng trùm khăn trên đầu, sợ nước sợ gió, tôi nhớ mãi mùi dầu cao con hổ của bà. Bà ngoại người Đông Tào lấy chồng về Tây Tào trên tôi. Xưa, Đông Tào và Tây Tào làm thành một làng rộng lớn, làng Tào Sơn; cũng không biết từ khi nào, làng được tách ra làm hai. Ngày xưa mà khác xóm, khác làng là nghe như xa xôi nghìn trùng. Dân Tây Tào tôi thì ngoài làm ruộng còn biết chạy chợ buôn bán ngược xuôi. Từ thời Lê, Đông Tào đã có nhiều người đỗ đạt làm quan lớn, như tiến sĩ Lương Chí. Ở làng ấy có một xóm nhỏ sát nằm cánh đồng chuyên nghề bắt ốc mò cua, nổi tiếng khắp vùng vì lam lũ, chịu khó. Nhà bà Công tôi ở xóm ấy.
Bà Công cũng nghèo, nhưng vì thương em gái ốm yếu, bà thường khăn gói lên thăm và phụ việc nhà. Cơm nước, giặt giũ và quét tước hết sân trước vườn sau cho em, xong thì bà lên nhà tôi, cách cũng xa. Tôi nhớ mãi dáng bà với cây chổi vển trong tay. Mỗi bận bà lên là nhà tôi sạch từ ngoài ngõ ra sau vườn, tay quét, miệng nói, giọng sang sảng. Bà ra sau vườn đào củ dong vào luộc cho chúng tôi ăn. Bà như muốn làm hết tất cả mọi việc, lo hết tất cả mọi việc cho đàn con cháu. Cứ thế, bà đi về giữa hai làng, miệt mài qua bao năm thắng đằng đẵng, tưởng như bước chân có thể làm mòn những con đường hoang vu cỏ dại.
Gần 30 năm trước nhà tôi lên núi ở, xa thêm một quãng dài. Rồi bà ngoại tôi mất, nhưng bà Công vẫn thường lặn lội lên thăm bố mẹ và chị em tôi, vẫn quét trước quét sau, vẫn tay làm miệng nói. Bà đi bộ khoảng 7 cây số, miệng nhai trầu, bàn chân Giao Chỉ cong như lưỡi liềm, lội qua những đường đê, bờ ruộng, lội qua đất đá, bụi và sương muối. Sáng bà lên, chiều lại đi bộ về. Lần nào bố mẹ tôi cũng cố giữ bà ở lại nhưng bà không nghe, nói phải về lo cho chúng nó. Năm thì mười họ, có hôm nào bà chịu ở lại, cả nhà sung sướng lắm. Tôi nhớ mãi mùi quần áo bà, cái mùi của trầu không thơm thơm, nồng nồng, âm ấm, không biết phải tả thế nào, chỉ nhớ thôi.
Rồi tôi đi học xa nhà, bà cũng yếu dần, lâu lắm rồi bà không lên nhà tôi được nữa. Năm tôi về quê, xuống thăm bà, bà vẫn còn nhận ra. Chuyện những bụi tre trong vườn, chuyện những củ dong riềng, dong ta, chuyện ngày xưa mỗi bận bà lên...
Ngày mùng 8 Tết năm nay, tôi xuống. Bà đau, vì 2 ngày trước bà bước xuống giường bị trượt chân. Tôi hỏi bà nhớ cháu không, bà nói nhớ, nay cháu làm mô rồi... Bà bảo, thôi chết được rồi, cho khỏi đau. Bà cũng muốn sống để nhìn thấy con cháu làm ăn, sum họp, nhưng phải sống khỏe mạnh, không thì làm khổ chúng nó. Bây giờ sướng hơn rồi, ngày xưa có cái võng cói khiêng người chết xong thì ông ngoại mi cũng phải lấy quăng lên mái nhà, rồi mang xuống giặt đi mà nằm, thèm miếng củ chuối cũng không có mà ăn. Bây giờ nhìn con cháu hết đói khổ, bà yên lòng rồi. Bà còn kể, chồng bà và ông ngoại tôi là anh em cọc chèo nhưng thân và thương nhau còn hơn anh em ruột, hợp nhau lắm. Nhà người ta mà vợ bỏ công bỏ việc lên làm cho em thì về nặng nhẹ chửi bới khổ lắm, nhưng dượng [chồng bà] không bao giờ. Tốt lắm, đời như vậy là sướng không gì bằng... Bà nằm, mắt nhắm nghiền, miệng vẫn nói chuyện, bằng cái giọng ấm áp và đầy sức mạnh quen thuộc đã đọng sâu trong trí tôi từ suốt những năm thơ bé.
Người con dâu cả của bà mang sữa vào, đặt lên cổ bà một chiếc khăn đã sờn nhưng giặt sạch sẽ, trắng tinh, trông từng sợi vải như tơi lên, nghe được cả mùi thơm của nắng mới. “Mẹ uống sữa nào”, bác gái vừa nói vừa múc sữa trong ly đút cho bà. Bà bảo uống ít thôi, no khó chịu lắm. Sữa en-sua đấy, mẹ uống đi mới mau khỏi được. Bà bảo “thôi, còn khỏi cái chi nữa”, miệng cười móm mém, lộ mấy chiếc răng đen bóng lưa thưa còn sót lại.
Con cháu bà ở quây quần xung quanh đây cả, chỉ vài bước chân là tới. Tôi không biết nhiều nhưng nghe mẹ kể, dù cả nhà đều là nông dân nhưng nhà cửa sạch sẽ và chăm sóc bà kỹ lắm, ai cũng thương và “sợ bà một phép”, nói là nghe răm rắp... Vài năm trước bà còn tự ở riêng trong gian nhà từ ngày xưa của bà, bà tự hái rau đi chợ bán, tự ăn uống sinh hoạt, chỉ khi nào đau ốm mới cần đến con cháu, bây giờ thì bà nằm rồi. Ngoài kia, bên bờ sân, những cây đào còn lác đác hoa trên cành và ruộng lúa bắt đầu lên xanh trong gió ấm.
Uống sữa xong, người con dâu lau miệng cho bà, bà nói, các ông các bà ấy chết hết rồi, chết từ đời nào cơ, giờ còn mỗi mình bà. Bà sống 100 năm rồi, chứng kiến hết rồi...
Tôi ngồi nhìn bà, như nhìn một thế kỷ dằng dặc của làng mạc và non nước này trên khuôn mặt đã nhăn nheo, dấu vết của trầu và vôi quện đỏ còn hằn sâu trên từng nét chỉ môi. Đôi tai to chảy dài và khuôn miệng rộng, những đường nét cương nghị, hào sảng còn đó dù thời gian đã thổi tàn đi những tươi tắn của một thời quá vãng xa xưa.
Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng, rồi thời gian lầm lũi đi qua, chồng chết, vợ của chồng cũng chết, em trai, em gái, tất cả đều đã lìa bỏ trần gian. Còn mình bà ở lại, nuôi con, nuôi cháu, như muốn ôm hết vào mình. Tôi hỏi bà, bây giờ bà mong muốn nhất điều gì. Bà bảo, muốn chi nữa, được rồi. Thời của bà khổ lắm, nhìn chúng nó bây giờ có nhà xây, có công việc, ăn uống không thiếu chi, nếu sống thêm thì chỉ mong để nhìn con cháu như thế thôi là đủ vui rồi...
Tôi biết mình sẽ nhớ bà, như nhớ một bà tiên nhân hậu trong cổ tích, nhưng con người nhỏ bé ấy dường như lại cũng mang trong mình một sức mạnh thiêng liêng nào đó gợi những bà Trưng bà Triệu của đất nước này. Chỉ huy cả một đại gia đình, mang theo niềm kính sợ và thương yêu, gần gũi đến lạ kỳ.
Nhìn bà, như nhìn một mảnh hồn làng, hồn nước, hồn của những gia đình Việt nổi nênh mà bền bỉ lạ lùng, đang phất phơ níu giữ một sợi chỉ màu trong chiều xuân nắng nhạt.
Tôi biết, bà sẽ không thể ở mãi, cũng như tôi, như bất kỳ ai đã đến với cuộc đời này, nhưng một người như bà mà ngày nào đó phải ra đi là sẽ mang theo mãi mãi một khoảng trời, một vùng đất, một mảnh hồn làng, không biết phải tìm đâu...
Thái Hạo
Bà Công
Bà là hiện thân những mảnh hồn làng. Lấy chồng nhưng không có con, bà đi hỏi vợ hai cho chồng. Cưới về, nhà thành hai chị em. Người em ấy sinh cho ông dượng 4 con trai, con cả tên Công.
Thái Hạo
Tin liên quan
Các chương trình
Những người con xa quê trở về đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các bản làng với giống cây mới và cách thức canh tác mới.
Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều nghệ nhân dân tộc Dao Thanh Y miệt mài truyền dạy cho thế hệ sau làn điệu dân ca, thêu may thổ cẩm.