Quảng Ninh hiện có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, đến hết năm 2023, đã có 918 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khi tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích gần 1.430ha. Trong đó, TP Hạ Long có 172 hộ gia đình được hỗ trợ với tổng diện tích trồng rừng là 280ha, huyện Ba Chẽ có 746 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ với tổng diện tích trồng rừng là 1.150ha.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là gần 30 tỷ đồng. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho 918 hộ gia đình, cá nhân là gần 18 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tiền mua cây giống là 17 tỷ đồng, số tiền chi phí quản lý là 690 triệu đồng.
Kinh phí giải ngân vay vốn qua ngân hàng chính sách là 11 tỷ đồng cho 276 hộ gia đình, cá nhân với lãi suất ưu đãi (hộ gia đình, cá nhân trả gốc và lãi theo hợp đồng vay vốn). Trong đó, TP Hạ Long có 52 hộ gia đình các nhân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền là 2,2 tỷ đồng, huyện Ba Chẽ có 224 hộ gia đình các nhân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.
Hiện nay, rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, trong đó đối với lợi ích kinh tế là mang lại doanh thu, lợi nhuận cao do sản lượng, chất lượng đạt cao, được giá, trong quá trình trồng rừng còn tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc, giảm sâu bệnh...
Những cánh rừng gỗ lớn cho sản lượng gỗ trung bình đạt 120-150m3/ha, đủ tiêu chuẩn để làm nguyên liệu đồ mộc, với mức giá thu mua là 2,4 triệu đồng/m3, tăng gấp đôi so với trồng rừng gỗ nhỏ. Cùng với lợi ích kinh tế, rừng gỗ lớn còn hạn chế suy thoái đất, giữ nguồn nước, tạo ra lượng ô xy cung ứng cho nhu cầu đời sống con người.
Anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP Hạ Long) là một trong những hộ điển hình trong việc gìn giữ, nhân rộng rừng lim hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, gia đình anh Lộc sở hữu gần 10ha rừng cây gỗ lớn, trong đó có 500 cây lim hàng chục năm tuổi, cùng hàng trăm cây lim nhỏ.
"Để có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình, dưới tán rừng, tôi trồng xen nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như ba kích, khôi tía, trà hoa vàng. Đồng thời, cải tạo vườn đồi, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới", anh Lộc cho biết.
Không chỉ phát triển cánh rừng của gia đình, anh Lộc còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa phương tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng cây gỗ lớn. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết 08 NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đề ra kế hoạch trồng 5.000ha rừng gỗ lớn (lim, giổi, lát). Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện trồng được 3.755ha (năm 2022 là 2.288 ha; năm 2023 là 1.078 ha; 2024 là 650 ha), đạt 75% mục tiêu Nghị quyết.
Ngày 4/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy ký văn bản số 784 về việc đăng ký hưởng ứng trồng rừng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đóng góp nguồn lực để trồng trên 1.400ha lim, giổi, lát trong năm 2024, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu trồng 5.000ha cây gỗ lớn đã đề ra.