Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/6/2024: Vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh
Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh; Đẩy mạnh tái sinh rừng tự nhiên; Rừng chỉ được bảo vệ tốt khi có người dân tham gia.
Quỳnh Anh | 17:08 26/06/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/6/2024: Vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Vườn Quốc gia Cúc Phương nhân nuôi thành công 10 cá thể cầy vằn con
Thưa quý vị và bà con, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam vừa nhân nuôi thành công 10 cá thể cầy vằn con. Đây là thành công lớn nhất từ trước đến nay trong việc sinh sản, bảo tồn loài cầy vằn, cũng là tiền đề quan trọng đem lại hi vọng tái phục hồi quần thể cầy vằn ngoài tự nhiên. Với những thành công đã đạt được, Vườn Quốc gia Cúc Phương sẽ tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược bảo tồn cầy vằn 2019 - 2029 và hi vọng đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá cho hoạt động sinh sản bảo tồn và phục hồi các loài khác tại Việt Nam.
- Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh
Trong lĩnh vực thực thi pháp luật về lâm nghiệp, Theo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 560 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị xâm hại hơn 94 ha. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 88 vụ, 12 ha rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, các vụ phá rừng xảy ra từ đầu năm tới nay chủ yếu là lấn chiếm đất rừng. Hầu hết đều liên quan đến dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh khác đến. Công tác quản lý rừng còn nhiều hạn chế, do thiếu nguồn nhân lực. Các công ty lâm nghiệp, chủ rừng, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng không đủ kinh phí chi trả lương, trợ cấp cho người lao động. Một lượng lớn lao động quản lý bảo vệ rừng đồng loạt nghỉ việc…
- Đẩy mạnh tái sinh rừng tự nhiên
Với lĩnh vực phục hồi, phát triển rừng tự nhiên, từ nhiều năm nay, tỉnh Bình Thuận luôn tăng cường quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có. Toàn tỉnh có hơn 9.300 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tiếp tục đẩy mạnh tái sinh tự nhiên. Trong năm 2023, địa phương đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2.050 ha; chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những khu vực nhạy cảm về môi trường tiếp tục được nâng cao. Công tác phục hồi rừng được chú trọng. Hiện nay, Sở NN-PTNT Bình Thuận đang xây dựng kế hoạch trồng và phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở và đất đồi núi chưa sử dụng đến năm 2025 trên địa bàn.
-
Tăng cường ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 34.000ha đất lâm nghiệp. Xác định việc theo dõi, giám sát diễn biến rừng là nhiệm vụ phải diễn ra liên tục, thường xuyên, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ điều tra, theo dõi diễn biến rừng. Cùng với đó, ngành kiểm lâm tỉnh đưa vào sử dụng phần mềm FMS, cho phép thông tin cảnh báo cháy rừng từ các dữ liệu thu thập tại các trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh, gửi về máy chủ FMS Vĩnh Phúc; số hóa, lưu trữ toàn bộ dữ liệu và tài nguyên rừng lên máy chủ để phục vụ nghiệp vụ quản lý lâm nghiệp. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, đặc biệt sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phầm mềm ứng dụng, thiết bị công nghệ cao.
-
Rừng chỉ được bảo vệ tốt khi có người dân tham gia
Với hoạt động bảo vệ rừng, Xác định nhiệm vụ quản lý,bảo vệ rừng chỉ thực hiện tốt khi nhân dân hiểu, tham gia, đặc biệt là người dân sống gần rừng. Và giải pháp để người dân hiểu, tham gia bảo vệ rừng là tuyên truyền, vận động để bà con thấy được lợi ích từ rừng, chủ động quản lý, bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng tới người dân. Trong 6 tháng đầu năm, ngành kiểm lâm Điện Biên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền gần 600 lượt với gần 31.700 người tham gia và vận động gần 25.100 người ký cam kết bảo vệ rừng. Tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, bản được gần 1.500 lượt với gần 1.800 giờ phát.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/6/2024: Vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh
Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Đắk Lắk tăng mạnh; Đẩy mạnh tái sinh rừng tự nhiên; Rừng chỉ được bảo vệ tốt khi có người dân tham gia.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.