Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho người dân tới đó

Bá Thắng - Thứ Bảy, 22/06/2024 , 11:17 (GMT+7)

Ngành lâm nghiệp giờ trải rộng, từ giống, chế biến gỗ, đến dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái…, đòi hỏi người nghiên cứu phải liên tục tìm tòi, đổi mới, sáng tạo.

LTS: Công tác 35 năm tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS), GS.TS Võ Đại Hải luôn trăn trở với vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng rừng, chuyển giao công nghệ nhanh chóng cho người dân, góp phần giúp ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Giám đốc VAFS, hiện là thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành nông lâm nghiệp nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Đau đáu bài toán nghiên cứu và chuyển giao

Đất nước những năm đầu Đổi Mới hừng hực khí thế thi đua sản xuất. Nhiệt huyết ấy ngấm vào tôi ngay khi trở về từ Trường ĐH Lâm nghiệp Liên Xô (cũ) và công tác tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS). Có lẽ, những người làm lâm nghiệp thời ấy đều trăn trở với câu hỏi làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

Hai nhiệm vụ cơ bản được đặt ra, đó là nâng cao năng suất, diện tích rừng và tăng tỷ lệ  giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận vào sản xuất. Để thực hiện được cả hai nhiệm vụ, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường công tác quản lý được đẩy mạnh, đặc biệt đối với lĩnh vực giống cây lâm nghiệp. Là viện nghiên cứu trọng điểm, VAFS đã nghiên cứu được trên 200 giống mới được Bộ NN-PTNT công nhận, với năng suất vượt 20m3/ha/năm, gấp đôi so với mức trung bình thời bấy giờ.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhận Cờ thi đua của Chính phủ nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: Bảo Thắng.

Nghiên cứu được giống tốt đã khó, nhưng chuyển giao những tri thức ấy đến người dân thế nào cũng là cả vấn đề. Một thời gian dài, người trồng rừng lay lắt với mức tăng trưởng 10m3/ha/năm, thân gỗ bé bằng cổ tay. Hầu như chẳng ai trồng rừng dám mơ đến chuyện làm giàu bởi họ quen canh tác quảng canh bằng công nghệ gieo hạt, hình thức trồng rừng mà cả một chu kỳ 10 năm có khi được "nhõn" 70-80m3 gỗ.

Phân tích rõ tình hình như vậy nên VAFS kiên trì ưu tiên cho các giống cây mọc nhanh. Người dân mình rất hay, cứ cái nào nhìn được tận mắt, sờ được tận tay là sẽ dễ "nói chuyện" hơn nhiều. Nếu cứ quanh quẩn mấy giống 10-15m3/ha/năm thì không ăn thua. Chúng tôi xác định bước ngoặt để thay đổi nhận thức của người dân phải đi từ khúc cua về công nghệ giống. Đồng thời, mỗi khi có kết quả nghiên cứu nào mới đều phải tìm cách chuyển giao cho cơ sở sản xuất càng sớm càng tốt. Đầu tiên là chuyển giao theo cách thông thường, thông qua các cơ quan quản lý để từ đó chỉ đạo, áp dụng thông qua hệ thống quản lý Nhà nước. Ngoài ra, còn một kênh nữa là VAFS phối hợp xây dựng những mô hình khuyến lâm, dự án sản xuất thử nghiệm để chuyển giao cho doanh nghiệp, công ty và hộ gia đình.

Nhưng như thế là chưa đủ, bởi còn một bộ phận không nhỏ những đối tượng ở xa, hoặc không có điều kiện đến tận nơi, thực chứng, thực nghiệm. Vì vậy, song song với nghiên cứu các công trình, đề tài khoa học, cán bộ VAFS còn biên soạn nhiều ấn phẩm, tài liệu tập huấn hoặc tờ rơi để lan tỏa kiến thức đi thật xa.

GS.TS Võ Đại Hải bên các giống nuôi cấy mô tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Từng chút một, những giống chất lượng và tiến bộ kỹ thuật của VAFS đã đi khắp mọi miền Tổ quốc. Những người làm nghiên cứu tại viện thấy vui vì trong số 5 triệu ha rừng trồng mới, có tới hơn 80% giống được cung cung cấp bởi viện. Càng mừng hơn khi những đột phá về khoa học công nghệ liên tục được tiếp nối. Thống kê trong giai đoạn 2021 - 2023, có 24 tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã được thẩm định và công nhận, trong đó 16 tiến bộ về giống, 2 tiến bộ về nuôi dưỡng rừng, 6 tiến bộ về chế biến và công nghiệp rừng. Đặc biệt, khoảng 70 giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận, gồm: 31 giống keo các loại, 21 giống bạch đàn, 7 giống tràm, 1 giống mắc ca và 10 giống bản địa.

Có thể nói, ngành lâm nghiệp đang hưởng một “chùm” chính sách, như Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng… Nhờ đó, Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu giống cây lâm nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu lâm sản đã trở thành “trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ của thế giới”.

Những tiến bộ và khoa học công nghệ được đông đảo người dân và địa phương đón nhận. Có lẽ nguyên nhân một phần đến từ chất lượng gỗ sau khai thác và một phần vì những giống do VAFS chọn tạo có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại và các điều kiện bất thuận như biến đổi khí hậu, sa mạc hóa… Đó là điều rất đáng ghi nhận khi biết rằng tại Indonesia và Malaysia, có những đợt rừng chết vài trăm nghìn ha, thậm chí có đợt lên đến 1 triệu ha. Hiện nay Indonesia đã dừng trồng kiểu trồng thuần và nhiệm vụ của những người làm khoa học là phải dự đoán được nguy cơ về bệnh chết héo trên cây keo, bạch đàn và một số loại sâu bệnh khác, tiến tới giảm tỷ lệ chết của cây trồng xuống dưới mức 5-15% như hiện tại.

Người dân mình biết điều này không? Tôi nghĩ là biết chứ. Giờ "thế giới phẳng" rồi nên VAFS chưa thể bằng lòng với những cách tuyên truyền cũ. Do đó, vài năm trở lại đây, viện đã hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp - những cơ sở gần với người dân hơn. Thông qua các kết quả chuyển giao, viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để khi công nghệ đến tay người dân là phù hợp tối đa với thực tiễn và điều kiện cụ thể. Song song với đó, chúng tôi liên kết với Sở Khoa học và Công nghệ để giải quyết một, hoặc một nhóm vấn đề xuất phát ở địa phương đó. Từ chỗ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ở Trung ương, cán bộ khoa học của viện đã góp phần giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách của tỉnh, đồng thời rút ngắn được thời gian ứng dụng triển khai vào sản xuất.

Trước đây, theo cơ chế cũ, việc chuyển giao giống, công nghệ phải qua nhiều bước nên số lượng hạn chế. Giờ VAFS và nhiều viện nghiên cứu công lập khác theo cơ chế tự chủ, nên chúng tôi thực hiện quyết liệt chủ trương: Nghiên cứu chọn tạo được cái gì là chuyển giao ngay. Chuyển giao sớm ngày nào là người dân và ngành được lợi ngày đó.

Trên quan điểm ấy, chúng tôi đang thí điểm việc chỉ tập trung chọn tạo giống. Do nguồn lực của viện có hạn, nếu đợi đến khi sản xuất thành cây giống, đủ tiêu chuẩn trồng rừng thì người dân phải chờ rất lâu. Thay vào đó, ngay khi cây đâm rễ, hoặc thành cây mầm là chúng tôi lập tức xúc tiến hoạt động chuyển giao. Doanh nghiệp sẽ nhận mầm về và tự ươm trong vườn, khi đủ tiêu chuẩn thì xuất bán, hoặc tổ chức sản xuất với người dân, chủ rừng. Như vậy, viện chỉ tập trung vào một khâu quan trọng nhất là nghiên cứu ra giống chất lượng cao và chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm này ra thị trường.

Cuốn sách giới thiệu các giống cây trồng lâm nghiệp và tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn. Ảnh: Bảo Thắng.

Những hướng đi mới trong lâm nghiệp

Trong nhiều năm, khai thác các giá trị từ rừng hầu như tập trung vào gỗ, xem năng suất được bao nhiêu m3 trên 1ha. Thực tế, là chức năng của rừng rất đa dạng. Phải xác định rõ, đây là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của cộng đồng trên đất nước.

Rừng còn giữ vai trò chủ chốt trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 25 triệu người Việt Nam. Vai trò của rừng càng trở nên rõ nét ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi dân cư sống bên trong hoặc tại vùng đệm các khu rừng đa số là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số.

Làm thế nào khai thác được các chức năng của rừng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định sinh kế cho người dân là một nhiệm vụ rất quan trọng. Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó nhấn mạnh một số yếu tố như: Giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng; Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm; Nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050; Hỗ trợ các chủ rừng tự tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí…

Tôi đặc biệt chú ý tới vấn đề đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Nếu như trước đây, chi trả dịch vụ môi trường rừng hầu hết đến từ các cơ sở sản xuất thủy điện, thì nay có thêm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Có thể suy nghĩ thế này, trước đây chúng ta tuyên truyền, vận động người dân giữ rừng với mục đích tương đối rộng và chung chung là bảo vệ môi trường, gìn giữ cho thế hệ mai sau, thì nay có một mục đích cụ thể, thực chất, sát sườn: Rừng giàu, cấu trúc ổn định, không bị tác động thì sẽ “bán” được tiền. Điều ấy chắc chắn làm thay đổi hẳn nhận thức của người làm nghề rừng bởi lâu nay họ chỉ quan tâm duy nhất tới gỗ.

Nếu soi chiếu vào lúc thực hiện Chương trình 327 (Quyết định 327-CT về phủ xanh đất trống đồi trọc) hay Dự án 661 (Quyết định 661/QĐ-TTg về trồng mới 5 triệu ha rừng), bán tín chỉ carbon thực sự là một câu chuyện cổ tích. Nhưng giờ chúng ta đã làm được, và không hề quá khi nói rằng đó là một bước tiến rất dài trong việc phát triển nông lâm nghiệp.

Vấn đề tín chỉ carbon không mới trên thế giới. Từ năm 2007, nhiều quốc gia đã hình thành thị trường tín chỉ carbon theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Theo đó, các quốc gia phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ carbon tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Các giống keo lai tự nhiên như BV102, BV333 BV340, BV566; giống keo lai tam bội X201; một số dòng vô tính bạch đàn lai cho vùng cao Tây Bắc UP434, UP190, UP164, UP435, UG123, X9, UG112, UG113 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được đón nhận rộng rãi. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại một số hội thảo, tôi từng được nghe các chủ rừng tâm tư, chẳng hạn “Đang có 10ha rừng, làm thế nào để bán tín chỉ carbon”, hay “Trồng rừng tre nứa, rừng hỗn giao, giờ có nên chuyển đổi sang trồng keo, trồng bạch đàn để bán được nhiều tín chỉ không?”. Tất cả thắc mắc ấy, chung quy đều xuất phát từ việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng phải bổ sung cho nhau. Ví dụ, trước đây năng suất của rừng là 15 m3/ha/năm. Nhờ ứng dụng các tiến bộ mới, chủ rừng nâng được năng suất lên 20m3, nghĩa là chỉ được giao dịch 5m3, chính là phần rừng được nâng cao chất lượng. Đó là nội dung mà những người đang khai thác các giá trị từ rừng phải nắm rõ.

Năm 2015, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được đưa ra tại COP21, trong đó quy định các bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện đóng góp tự nguyện (NDC) về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bản cập nhật NDC mới nhất của Việt Nam cam kết, đến năm 2030 sẽ giảm 15,8% lượng phát thải so với kịch bản BAU (trước đó là 9%).

Như vậy, không phải giảm phát thải khí nhà kính bao nhiêu là được bán hết từng ấy, mà còn phải trừ đi trách nhiệm đóng góp với quốc tế (NDC). Chúng ta chỉ được trao đổi phần dôi ra, sau khi thực hiện các biện pháp nôm na là “thực hành tốt” và chứng minh, định lượng cụ thể được con số này.

Vừa qua, Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung bộ. Một câu hỏi được đặt ra, là nâng cao chất lượng rừng để bán nhiều hơn tín chỉ carbon có khó không? Tôi xin trả lời từ góc độ khoa học. Chúng ta đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030 và tập trung bảo vệ hơn 10 triệu ha rừng này. Nhiều mô hình, sáng kiến quản lý rừng tự nhiên của cộng đồng, nhóm hộ gia đình, hay các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… được xây dựng.

Tuy nhiên, do tỷ lệ rừng nghèo và nghèo kiệt chiếm khoảng 65% diện tích rừng tự nhiên, việc để rừng tự phục hồi và nâng cao chất lượng gặp nhiều thách thức. Với rừng trồng, lượng carbon được lưu trữ trong đất (bể carbon) sẽ tăng nếu trồng nhiều cây gỗ lớn, hoặc trồng xen một số loại cây công nghiệp, cây ngắn ngày để rừng nhanh khép tán.

Tháng 8/2023, Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow, trong đó phấn đấu phục hồi và nâng cấp chất lượng diện tích rừng tự nhiên nghèo đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030. Cùng với phát triển dịch vụ môi trường rừng, có thể nói những chủ trương của Đảng, Chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển nghề rừng, cũng như xã hội hóa nghề rừng, giúp ngành lâm nghiệp từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách Nhà nước đến nay cơ bản đã tự chủ được, duy trì giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỷ USD và là một trong những lĩnh vực xuất siêu lớn của nền kinh tế.

Hơn 30 năm trước, mục tiêu của chúng ta là trồng rừng lấy sản lượng, có thể tới mấy trăm nghìn hecta 1 năm để phủ xanh đất trồng đồi trọc. Tuy nhiên, theo định hướng của ngành lâm nghiệp thời gian tới, tỷ lệ che phủ rừng sẽ được giữ ổn định ở mức hơn 42%. Bài toán “nâng cao chất lượng rừng” lại có thêm những biến số mới đòi hỏi người làm nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, từng bước chuyển dần sang nghiên cứu chọn tạo các giống cây bản địa lá rụng, cây gỗ lớn để trong tương lai gần, những rừng cây bản địa chất lượng cao sẽ được xây dựng trên toàn quốc. Ngoài khai thác gỗ, người dân có thể chạm tới giấc mơ làm giàu từ rừng, bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu.

GS.TS Võ Đại Hải cùng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng Bùi Duy Ngọc quan sát tiêu bản gỗ tại phòng giám định. Ảnh: Bảo Thắng.

Lan tỏa tri thức đến đông đảo người dân 

Trong nền nông nghiệp số hóa hiện nay, công tác truyền thông những năm qua đã làm rất tốt. Thực tế hoạt động của VAFS là minh chứng cho điều này. Khoảng chục năm trước, thỉnh thoảng một số chủ rừng vẫn hỏi nhau địa điểm tìm mua giống chuẩn, nhưng nay rất nhiều trong số họ, kể cả doanh nghiệp đã tìm tới viện để đặt mua dài hạn.

Rõ ràng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào điều ấy, tạo ra bước chuyển, truyền cảm hứng để người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. Tại sao nói như vậy, bởi thông tin báo chí luôn mang hơi thở của cuộc sống, hấp dẫn và gần gũi với đại bộ phận độc giả. Bên cạnh đó, khi tiếp cận thông tin báo chí, người dân luôn trong tâm thế chủ động. Họ có "quyền" chọn thông tin. Cái nào cần thiết, phù hợp sẽ ưu tiên, thậm chí lưu và đọc lại, xem lại nhiều lần.

Tôi xin kể một câu chuyện thế này. Nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước đã khai thác dịch vụ tại những danh lam thắng cảnh. Một thác nước đẹp tại miền Nam, chỉ riêng tiền bán vé cho du khách qua cửa, cũng thu tới hơn 2 tỷ đồng/năm, mang lại nguồn thu quan trọng cho lực lượng tuần rừng, bảo vệ rừng tiếp tục giữ đất, bám rừng. Tuy nhiên, khi đến thực tế tại đây, tôi nhận thấy rằng khách tham quan chủ yếu là người dân địa phương và khu vực lân cận. Lượng khách quốc tế và miền Bắc còn khá khiêm tốn. Nếu hình ảnh và thông tin về thác nước này được truyền tải rộng rãi trên báo chí, tin rằng doanh thu từ tiền bán vé không dừng ở con số 2 tỷ.

Chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT, mà trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhiều lần nhắc về phát triển lâm nghiệp thành một ngành kinh tế, xây dựng cơ sở theo chuỗi giá trị. Trong chuỗi ấy, ngoài sự tham gia của “3 nhà” là nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà dân, không thể không nhắc tới “nhà báo”.

Trong dòng chảy ấy không thể không kể đến sự tham gia của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, xuyên suốt 79 năm hình thành và phát triển, báo đã kịp thời truyền tải tất cả các chủ trương, chính sách và định hướng phát triển của ngành để dư luận được biết đến rộng rãi. Thông qua các bài báo, độc giả đã cập nhật được tình hình tổ chức sản xuất, những khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ, những thành tựu mới nhất cả trong nước và thế giới. Trong thành tựu phát triển chung của ngành, có sự góp sức rất lớn của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều hình thức thể hiện mới trong việc truyền tải thông tin. Bên cạnh báo giấy tiếp tục duy trì, báo còn đẩy mạnh trang điện tử, giúp người dân cập nhật nhanh chóng thông tin. Ngoài ra, còn mảng truyền hình giúp truyền tải sống động, cụ thể và dễ hiểu hơn, đặc biệt là với những vấn đề khoa học mới, đặc thù hoặc có hàm lượng chuyên môn cao.

Hiện tôi đang trực tiếp tham gia một nhóm Zalo về thông tin lâm nghiệp, có đầy đủ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm cho đến các địa phương, viện nghiên cứu và cả Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tất cả những bài báo mới nhất, những thông tin về lâm nghiệp hàng ngày đều được tổng hợp, báo cáo kịp thời và đầy đủ.

Ngành lâm nghiệp đang khát một hệ thống cơ sở dữ liệu về các giống mới, đồng thời nêu rõ về năng suất, đặc điểm vùng trồng, quy trình canh tác. Cùng với đó, là danh mục các đơn vị sản xuất giống đủ tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng. Nhưng số hóa được rồi, thì phải nghĩ cách làm thế nào truyền tải đầy đủ, sinh động tới cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, các chủ rừng, nhất là khi độ phủ của lâm nghiệp hiện rất rộng, từ giống, chế biến gỗ, cho đến dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái…

Tôi tin Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ gánh vác một phần sứ mệnh ấy. Cùng nhau, tất cả sẽ tạo lập sự bền vững, cả về mặt tài chính lẫn môi trường, xã hội, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp và chủ rừng tiến nhanh, tiến mạnh đến ngành lâm nghiệp xanh.

Bá Thắng (ghi)
Tin khác
Ấn Độ giám sát hoạt động khai thác IUU bằng máy bay không người lái
Ấn Độ giám sát hoạt động khai thác IUU bằng máy bay không người lái

Maharashtra trở thành bang đầu tiên ở Ấn Độ sử dụng máy bay không người lái để thực thi các quy định liên quan đến luật biển.

Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao

QUẢNG NINH Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin tưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho dự án chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao.

Dưa bao tử, hy vọng mới cho vụ đông Sơn La
Dưa bao tử, hy vọng mới cho vụ đông Sơn La

Phối hợp với Doveco, nông dân xã Chiềng Sung giờ đã có hướng đi mới cho vụ đông, vươn lên làm mô hình tiêu biểu cho toàn huyện.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025
Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025

Hoa mai là biểu tượng quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam. Nhặt lá đúng cách là kỹ thuật quan trọng giúp mai nở đúng dịp.

Tổng Bí thư: Công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của nông nghiệp
Tổng Bí thư: Công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của nông nghiệp

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp.

Chính sách logistics xanh của Bỉ
Chính sách logistics xanh của Bỉ

Những biện pháp logistics xanh mà Bỉ áp dụng gồm giảm phát thải carbon, tăng cường sử dụng vận tải đa phương thức, phát triển đội xe điện...

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Hoa Kỳ: Bang Florida đang làm gì để chống lại bệnh héo cam?
Hoa Kỳ: Bang Florida đang làm gì để chống lại bệnh héo cam?

Trước những thách thức về dịch bệnh và thiên tai, các sáng kiến mới như cây bẫy côn trùng và cải tiến gen giúp gượng dậy ngành công nghiệp cam tại Florida.