Bản tin Thủy sản ngày 13/6/2024: Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra
Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra khá phổ biến tại Hà Tĩnh; Giống, thức ăn phải đồng hành để phát triển cá nước lạnh; Nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận ổn định.
Quỳnh Anh | 16:07 13/06/2024
Bản tin Thủy sản ngày 13/6/2024: Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Giống và thức ăn phải luôn đồng hành để phát triển cá nước lạnh
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản xuất cá nước lạnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống. Theo Cục Thủy sản, trong sản xuất cá nước lạnh ở Việt Nam, giống và thức ăn là 2 vấn đề phải luôn đồng hành để cùng đi được xa. Việc sản xuất giống cá nước lạnh cũng phải có kế hoạch. Để phát triển cá nước lạnh trong thời gian tới, Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tổ chức và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nước lạnh; tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống…
- Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra phổ biến
Trong lĩnh vực khai thác, tại Hà Tĩnh, thời gian qua việc khai thác tận diệt hải sản ven bờ đang diễn ra một cách khá phổ biến. Thống kê cho thấy có 80% số lượng tàu thuyền của ngư dân cả tỉnh đang tập trung khai thác hải sản vùng biển ven bờ. Trong số đó, vẫn còn rất nhiều tàu cá khai thác bằng nghề giã cào, xung điện, dùng chất nổ hủy hoại môi trường. Đó là chưa nói đến hàng loạt tàu giã cào ngoại tỉnh vào xâm hại vùng biển nơi đây. Hàng năm cứ tháng 3 đến tháng 7 sẽ có một số lượng lớn hải sản bố mẹ vào bờ sinh sản. Nếu như cùng thời điểm này của nhiều năm trước, mỗi ngày bà con ngư dân có thể khai thác hàng tấn cá bạc má, cá mú và câu được cả trăm kg mực thì nay sản lượng đạt rất thấp. Một số loại hải sản truyền thống trở nên thưa vắng, thậm chí không còn xuất hiện.
-
Nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận ổn định
Với hoạt động nuôi trồng, tháng 5 năm nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh Bình Thuận đạt gần 220 ha. Lũy kế 5 tháng năm 2024 đạt gần 1.100 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng trong tháng 5 ước đạt gần 700 tấn. Lũy kế 5 tháng năm 2024 ước đạt gần 3.400 tấn. Riêng nghề sản xuất tôm giống khá ổn định, nhu cầu tôm giống trên thị trường tăng cao do vào vụ nuôi chính, các cơ sở sản xuất tôm giống đang đầu tư đẩy mạnh sản xuất. Sản lượng tôm giống sản xuất tháng 5 đạt khá với 1,9 tỷ con, lũy kế 5 tháng năm 2024 ước đạt 9,2 tỷ con, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.
- Sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng đạt 2.300 tấn/năm
Với đối tượng nuôi là cá nước lạnh, Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, bắt đầu thử nghiệm từ năm 2006, đến nay toàn tỉnh đã có 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng diện tích khoảng 54 ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Sản lượng cá nước lạnh trên toàn tỉnh đạt 2.300 tấn/năm đem lại giá trị ước đạt tới 450 tỷ đồng. Tiêu thụ cá tầm tương đối thuận lợi, do đã hình thành chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu là nắng nóng kéo dài; nguồn nước cho sản xuất cá nước lạnh bị hạn chế; tác động của thiên tai làm các ao hồ nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế…
-
Nuôi thủy sản vùng biển hở bằng lồng HDPE cho lợi nhuận cao
Còn trong lĩnh vực nuôi biển, Tháng 5/2023, tỉnh Khánh Hòa đã phát động nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở với 10 hộ nuôi thí điểm đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia, đồng thời hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE nuôi cá biển, 12 ô lồng vuôngHDPE nuôi tôm hùm. Đến nay, sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt hơn 170%, mô hình nuôi tôm hùm đạt hơn 110%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 130%. Mô hình thí điểm này đảm bảo được môi trường bền vững trong quá trình nuôi biển. Đặc biệt, tiết kiệm được diện tích mặt nước và tạo điều kiện để ngư dân quản lý tốt vùng nuôi bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 13/6/2024: Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra
Nạn khai thác tận diệt vẫn diễn ra khá phổ biến tại Hà Tĩnh; Giống, thức ăn phải đồng hành để phát triển cá nước lạnh; Nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận ổn định.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.
Từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi cao hơn 350mm.