| Hotline: 0983.970.780

Không để tàu cá ra khơi nếu chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:17 (GMT+7)

Để chống khai thác IUU hiệu quả, Sóc Trăng kiên quyết không cho tàu cá hoạt động trên biển nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bảng nội quy hoạt động Cảng cá Trần Đề được lắp đặt tại khu vực bốc dỡ hàng hóa qua cảng, với những quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản khai thác. Ảnh: Kim Anh.

Bảng nội quy hoạt động Cảng cá Trần Đề được lắp đặt tại khu vực bốc dỡ hàng hóa qua cảng, với những quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản khai thác. Ảnh: Kim Anh.

Nằm trên tuyến đường chính dẫn ra Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng), bảng nội quy hoạt động với những quy định rất rõ về đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản khai thác được Ban Quản lý cảng đề ra.

“Lên, xuống hàng thủy sản phải có kệ, bạt… lót bảo quản. Không để hàng thủy sản, nước đá tiếp xúc trực tiếp xuống mặt cảng. Giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn lao động trong suốt thời gian tàu neo đậu”.

Những quy định này, đối với ngư dân, chủ tàu hay người lao động hàng ngày ra vào cảng hầu như đều đã thuộc “nằm lòng”.

Anh Trần Quốc Trọng, một lao động tại Cảng cá Trần Đề cho hay, hằng ngày, khi vận chuyển cá lên bờ, anh đều sử dụng bạt hoặc cao su để trải trên nền cảng. Sau đó quét dọn, vệ sinh nền sạch sẽ, tránh để xảy ra tình trạng hôi thối khu vực xung quanh. Công việc này không còn là trách nhiệm mà trở thành ý thức của mỗi cá nhân tham gia hoạt động tại cảng.

Bên cạnh đó, hầm bảo quản hải sản cũng được chủ tàu sử dụng vật liệu chống ăn mòn, không độc. Khi cập cảng, sản phẩm khai thác sẽ được xử lý lại bằng nước sạch trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Là địa phương có nghề cá đang phát triển, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm của tỉnh Sóc Trăng đạt trên 70.000 tấn. Với thế mạnh này, việc trang bị kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Bên cạnh nâng cao ý thức cho chủ phương tiện và ngư dân trực tiếp đánh bắt, cũng góp phần giảm tổn thất sau khai thác, cung ứng cho thị trường những mặt hàng thủy sản chất lượng.

Ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay toàn tỉnh có 801 tàu cá, trong đó có 344 tàu có chiều dài trên 15m. Đơn vị đã cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho trên 340 tàu cá, đạt 99,4%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Các tàu cá có chiều dài trên 15m buộc phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tàu dưới 15m cũng phải ký cam kết an toàn thực phẩm khi hoạt động trên biển. Ảnh: Kim Anh.

Các tàu cá có chiều dài trên 15m buộc phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tàu dưới 15m cũng phải ký cam kết an toàn thực phẩm khi hoạt động trên biển. Ảnh: Kim Anh.

Mặt khác, thời gian qua, trong quá trình thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu, hầu hết doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng rất cần nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hiện nay, hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm khá đơn giản. Tuy nhiên, trong 10 chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tàu cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có một số chỉ tiêu yêu cầu quá cao. Do đó, hầu hết các tàu cá đều xếp loại B về an toàn thực phẩm, định kỳ 12 tháng phải kiểm tra duy trì điều kiện.

Để chuẩn bị phục vụ đoàn kiểm tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC), Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng kiên quyết không giải quyết cho các tàu cá chưa có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm được hoạt động trên biển.

Tỉnh Sóc Trăng hướng tới 100% tàu cá của địa phương được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và các giấy chứng nhận có giá trị hiệu lực. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Sóc Trăng hướng tới 100% tàu cá của địa phương được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và các giấy chứng nhận có giá trị hiệu lực. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bảo quản hải sản sau khai thác, khuyến khích ngư dân khai thác vùng biển xa thành lập các tổ hợp tác, tương trợ nhau trong quá trình khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản. 

Ngày 18/1/2022, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản. Thông tư này quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nếu không tàu cá sẽ không được ra khơi khai thác.

Không chỉ vậy, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng nói rõ, tàu cá không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.

Xem thêm
Khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai

Tối 19/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.