Về hợp tác kinh tế - thương mại, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Belarus năm 2023 đạt 65,3 triệu USD (giảm 42,6% so với năm 2022), trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Belarus đạt 24,1 triệu USD (tăng 15,4%), nhập khẩu từ Belarus vào Việt Nam đạt 41,2 triệu USD (giảm 55,6%).
Về đầu tư, tính đến quý I năm 2024, Belarus có 3 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 32,25 triệu USD, đứng vị trí 68 trên tổng số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Các mặt hàng nông sản chính Việt Nam xuất khẩu sang Belarus gồm: thủy sản, gạo, sắn, hạt điều, chè. Ngoài ra, các mặt hàng khác đang được tích cực đẩy mạnh xuất khẩu như trái cây nhiệt đới, rau, cà phê. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu phân bón từ Belarus.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thủy sản là một trong hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Belarus. Tuy nhiên, mới có 55 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (Belarus là một thành viên của Liên minh này). Hiện còn 29 cơ sở đang bị đình chỉ (đã được phép nhưng tạm thời bị cấm để xem xét, xử lý, khắc phục) và gần 100 cơ sở đủ điều kiện nhưng chưa được cấp phép nhập khẩu thủy sản vào Liên minh Kinh tế Á - Âu.
“Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cấp phép cho Belarus xuất khẩu sữa, các sản phẩm từ sữa và đang xem xét hồ sơ nhập khẩu các sản phẩm thịt, với ưu tiên trước cho thịt bò. Như vậy, so với tiềm năng 2 nước thì tôi cho rằng kim ngạch thương mại hiện nay còn khá khiêm tốn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đối với thịt bò, sau khi nghiên cứu tài liệu do phía Belarus cung cấp, Cục Thú y ra Công văn số 33 thông báo các tài liệu về giám sát dịch bệnh và giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt bò không xương do phía Belarus cung cấp đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam. Gần đây nhất là công văn số 1075 thông báo để hoàn thiện quá trình đánh giá nguy cơ nhập khẩu, Cục Thú y đang xây dựng kế hoạch tổ chức đi kiểm tra thực tế chuỗi sản xuất thịt bò không xương của Belarus trong thời gian tới.
Đối với thịt lợn, phía Belarus chưa bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu đối với thịt lợn theo yêu cầu của Cục Thú y. Đối với thịt gà, Cục Thú y sẽ xem xét hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt gà sau khi hoàn tất việc xem xét hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt lợn của Belarus.
Theo kế hoạch, sẽ tổ chức đoàn sang kiểm tra hệ thống chăn nuôi và giết mổ của Cục Thú y, dự kiến sẽ sang Belarus trong quý 3/2024.
Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou đánh giá thương mại hai chiều giữa hai nước đang có sự chuyển biến tích cực, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Belarus rất đa dạng. Về giấy chứng nhận các sản phẩm thịt bò, đại sứ ghi nhận và cảm ơn phía Cục Thú y và Bộ NN-PTNT đã tích cực phản hồi.
Để xúc tiến hoạt động thương mại nông sản giữa hai bên, phía Belarus mong muốn hai nhóm công tác nông nghiệp sẽ triển khai họp trực tuyến vào thời gian phù hợp. Đại sứ cũng đề nghị hai bên trao đổi về giống cây trồng, lĩnh vực Belarus có thế mạnh và ủng hộ việc đưa sinh viên Việt Nam sang Belarus học tập và đào tạo trong nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng tình với đề xuất làm việc trực tuyến giữa hai Bộ Nông nghiệp để tìm kiếm những cơ hội hợp tác tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị tăng cường nhập khẩu thủy sản, cà phê, các loại hạt, trái cây, gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam sang Belarus. Đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trong khi không cạnh tranh với các sản phẩm của Belarus, nhất là trong bối cảnh an ninh lương thực và xung đột chưa có dấu hiệu dừng lại. Hai bên cần tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thông quan nhanh chóng để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu theo quy định.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị hai bên lựa chọn các công ty thương mại lớn làm đầu mối kết nối xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản này.