Bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển tại Côn Đảo gắn với phát triển du lịch
Quảng bá tài nguyên rừng, biển góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo.
Lê Bình | 16:05 27/05/2024
Thưa quý vị và bà con.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập ngày 31/3/1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khu rừng cấm Côn Đảo.
Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới vào năm 2013, là thành viên thứ 11 của Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á vào năm 2019, Vườn Di sản ASEAN thứ 55 của các nước Đông Nam Á vào năm 2022.
Vườn quốc gia Côn Đảo có lợi thế là đa dạng sinh học cao. Những năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo triển khai nhiều mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng đã và đang được xây dựng, triển khai, thu hút du khách. Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với phóng sự của phóng viên Nông nghiệp radio mới thực hiện tại Côn Đảo.
Với độ che phủ của rừng đạt gần trên 80%, Vườn quốc gia Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo còn tương đối tính nguyên vẹn về phân bố, cấu trúc của thành phần sinh vật biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, thân mềm, bò sát biển, thú biển, sự phân bố của các loài cá ở 3 tầng mặt, giữa và đáy biển.
Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới, là giao điểm hội tụ rất nhiều sinh vật biển từ cả phía Bắc, phía Nam biển Đông. Vườn quốc gia gồm 2 hợp phần bảo tồn rừng và biển. Hợp phần bảo tồn rừng là hình ảnh của rừng Việt Nam thu nhỏ vì có các loài thực vật đại diện cho các kiểu rừng, các hệ sinh thái của 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Ba hệ sinh thái chính ghi nhận tại đây là rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô.
Trong những năm qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đã phê duyệt nhiều đề án bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng bền vững gắn liền với công tác bảo tồn. Theo Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, ông Lê Văn Phong, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021 đến 2030, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, làm nguồn lực cho việc xây dựng phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững.
Trích băng ông Phong: Liên quan đến bảo tồn khu Ramsa Vườn quốc gia, nó là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với Côn Đảo trong thời gian sắp tới theo hướng bảo tồn, đa dạng sinh học. Côn Đảo không phá vỡ môi trường và lấy môi trường để phát triển du lịch chất lượng cao. Đề án kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn rất lớn, trong đó đầu tư cho Vườn quốc gia, liên quan đến các đảo nhỏ, bảo tồn các rặng san hô, tạo ra sản phẩm khai thác du lịch.
Vườn quốc gia Côn Đảo đang khai thác nhiều sản phẩm du lịch sinh thái trong khu Ramsar Côn Đảo như: đi bộ xuyên rừng, tham quan rừng mưa nhiệt đới hải đảo, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái biển, xem rùa đẻ trứng, lặn xem san hô, leo núi ngắm rừng, du lịch thể thao, khám phá thiên nhiên…
Trong đó, có một số sản phẩm du lịch sinh thái mang tính đặc trưng cao và đang được khai thác hiệu quả như tour xem rùa đẻ trứng, lặn biển ngắm san hô, đi bộ trong rừng, ngắm cảnh hoang dã trong rừng phát hiện những sinh vật độc đáo của khu vực…
Theo Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Pho, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phê duyệt 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên với gần 910ha, tuy nhiên phải đảm bảo các quy định giữ vững mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, giữ vững độ che phủ rừng.
Trích băng ông Pho: Bên cạnh chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học rừng thì hàng năm chúng tôi cũng có những phương án để bảo vệ đa dạng sinh học trên biển. Vườn quốc gia Côn Đảo chủ yếu là bảo tồn, bảo vệ môi trường là chính. Còn kết hợp phát triển kinh tế cũng thực hiện nhưng chúng ta ưu tiên cho công tác bảo tồn. Thế nên, phát triển kinh tế phải lựa chọn. Chúng tôi có quy định, quy chế cho từng khu vực để kiểm soát chuyện đó, để tránh việc phát triển ồ ạt, không kiểm soát.
Từ bãi Ông Đụng, tuyến tham quan rừng Sở Rẫy mang lại trải nghiệm như thú vị. Đây là cánh rừng mưa nhiệt đới trải dài trên đồi thấp vào rừng, du khách vừa có cơ hội tìm hiểu nhiều loại cây lá hoa đa sắc, vừa nghe tiếng hót của đủ loại chim.
Quá trình xuyên rừng, du khách được tận mắt nhìn thấy những loài thực vật quý hiếm như cây găn méo, lát hoa, nhiều cây cổ thụ, hàng chục người ôm và nhiều loài dây leo độc đáo. Lặn biển ngắm san hô là một trong những loại hình du lịch được nhiều du khách chọn trải nghiệm khi đến Côn Đảo. Mãn nhãn với thế giới san hô muôn sắc màu, kiểu dáng, du khách còn mãn nhãn với đàn cá bơi lượn quanh san hô cũng lung linh, huyền ảo không kém.
Xem rùa đẻ là loại hình cũng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Côn Đảo yêu thích. Mùa sinh sản của rùa biển vào khoảng tháng 4 - 10 hàng năm. Du khách không chỉ được trải nghiệm xem rùa đẻ mà còn chứng kiến rùa con buông trứng chào đời, được tham gia thả rùa con về đại dương. Chị Hoàng Mỹ Linh, du khách đến từ TP.HCM thích thú.
Trích băng Mỹ Linh: So với nơi khác thì bảo tồn ở Côn Đảo rất là tốt so với rất nhiều Vườn quốc gia em đã đi. Em cũng đã từng đi coi rùa đẻ trứng. Một môi trường sống rất tự nhiên để rùa về. Dịch vụ bảo tồn ở đây cũng rất là tốt luôn.
Thưa quý vị và bà con.
Phát triển kinh tế rừng nếu hài hòa được các lợi ích kinh tế xã hội, môi trường sẽ góp phần phát huy hết giá trị rừng, mang lại phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Quảng bá tài nguyên cũng giúp cho tỉnh giảm được ngân sách chi cho bảo vệ rừng, đồng thời hỗ trợ cộng đồng dân cư nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua phát triển du lịch còn góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Công Đảo. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển tại Côn Đảo gắn với phát triển du lịch
Quảng bá tài nguyên rừng, biển góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Những ngôi nhà mới đang dần được dựng lên, thắp lên ánh sáng hy vọng cho người dân nơi đây và đánh dấu cho sự phục hồi tại mảnh đất này.
Song song với việc phát triển nông nghiệp tốt, mã số vùng trồng đã mở ra nhiều cơ hội để nông sản của người nông dân vươn tầm ra thế giới.