| Hotline: 0983.970.780

Tiến thoái lưỡng nan trong xử lý đàn chó hoang cả trăm con

Thứ Tư 22/05/2024 , 07:30 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Chó hoang lâu nay trở thành vấn nạn khó giải quyết của Côn Đảo, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến vùng an toàn dịch bệnh dại và khách du lịch khi đến đây.

Đàn chó hoang tại huyện Côn Đảo có thể tới hàng trăm con, vừa ảnh hưởng đến an toàn của người dân, vừa có nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Ảnh: Lê Bình.

Đàn chó hoang tại huyện Côn Đảo có thể tới hàng trăm con, vừa ảnh hưởng đến an toàn của người dân, vừa có nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Ảnh: Lê Bình.

Theo bà Phan Thị Tím, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, hiện trên địa bàn có lượng chó hoang rất đông. Điều này xuất phát từ việc có nhiều lao động tự do đến địa bàn để sinh sống và làm việc. Theo thói quen, mỗi lao động hoặc gia đình như vậy thường nuôi 1 - 2 con chó để bầu bạn hoặc giữ nhà. Tuy nhiên, khi trở về đất liền, họ để số chó này ở lại đảo.

Không người chăm sóc, số chó này thường chạy rông khắp các khu dân cư để tìm thức ăn, tự tìm chỗ sinh tồn. Ban đầu, số chó này không quá nhiều nhưng sau nhiều năm với tỉ lệ sinh tự nhiên, hiện số chó hoang này đang mất kiểm soát.

“Thống kê chưa đầy đủ, số chó hoang này rất nhiều, lên tới hàng trăm con. Đây cũng là đối tượng mà chúng tôi khó kiểm soát nhất bởi không thể tiêm chủng, bắt nhốt cũng không được”, bà Tím chia sẻ.

Thường, chó thả rông được đội bắt về và thông báo cho chủ nuôi đến chuộc, cam kết thực hiện tốt việc xích và rọ mõm. Tuy nhiên, đối với đàn chó thả rông, huyện Côn Đảo đang bối rối bởi không thể có những khâu xử lý tiếp theo.

“Đất hạn chế, không có người nuôi và cũng không thể có kinh phí nuôi đàn chó hoang này. Chúng tôi cũng đã liên hệ với nhiều trung tâm, trường đại học để trao tặng làm mục đích nghiên cứu khoa học nhưng đều bị từ chối vì khoảng cách quá xa, khó vận chuyển. Vì mục đích nhân đạo và theo các hướng dẫn hiện hành, Côn Đảo cũng không thể tiêu hủy đàn chó này. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan đối với chúng tôi”, bà Tím cho hay.

Thành viên đội bắt chó thả rông phải bịt kín mặt khi làm việc để tránh bị phát hiện, gây rối. Ảnh: Lê Bình.

Thành viên đội bắt chó thả rông phải bịt kín mặt khi làm việc để tránh bị phát hiện, gây rối. Ảnh: Lê Bình.

Cùng với chó hoang, chó có chủ nuôi đang được thả rông đang làm tăng nguy cơ cắn người và gây mất an toàn giao thông cho khách du lịch và người dân trên địa bàn. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện Côn Đảo có tổng cộng 115 ca tiêm phòng dại do chó cắn. Rất may, chưa ghi nhận trường hợp nào là người nước ngoài là nạn nhân trong số này.

Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức bắt chó thả rông trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này cũng vướng phải nhiều khó khăn đang cần khắc phục từ từ.

“Nhân sự bắt chó tại chỗ của huyện không có vì người dân không muốn tham gia do nguy hiểm, nghề không ổn định. Hiện, đội bắt chó thả rông đang sử dụng kỹ thuật bắt bằng thòng lọng, vợt lưới do 1 nhân sự phụ trách. Hơn nữa, địa bàn rộng, khó vây bắt nên năng suất chưa cao”, ông Phong thông tin.

Chủ nuôi cầm dao rựa và dao Thái nhằm hù dọa, tấn công đội bắt chó thả rông sau khi xin bất thành. Ảnh: LB.

Chủ nuôi cầm dao rựa và dao Thái nhằm hù dọa, tấn công đội bắt chó thả rông sau khi xin bất thành. Ảnh: LB.

Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, tính đến tháng 4/2024 cho thấy, tổng đàn từ các tổ trên 9 khu dân cư là 928 con/ 516 hộ. Số chó này được Côn Đảo kiểm soát khá tốt. Tỉ lệ tiêm chủng trên đàn vật nuôi này đạt gần 90%.

Đội bắt chó thả rông cũng gặp phải nhiều khó khăn khác trong lúc làm việc. Trong đó, việc xung đột với các chủ nuôi trở nên phổ biến nhất. Khi không thể xin lại chó từ đội, nhiều chủ nuôi chó đã cầm dao, ghế, gậy… để hù họa, tấn công nhằm lấy lại chó. Rất may, các thành viên khác trong đội đã kịp thời ngăn cản, khuyên và nhờ lực lượng công an huyện đến xử lý kịp thời.

Chưa hết, do đặc thù địa bàn huyện Côn Đảo cô lập, ít dân cư nên nhiều người không muốn tham gia đội bắt chó thả rông vì tâm lý e ngại quen biết, sợ mất lòng. Thậm chí, các thành viên đội bắt chó còn bị các đối tượng chặn đầu xe hoặc đến nhà để chửi hù dọa.

UBND huyện Côn Đảo cho biết sẽ mạnh tay hơn với vấn nạn chó thả rông trên địa bàn nhằm giữ vùng xanh về bệnh dại và sự an toàn của khách du lịch cũng như người dân trên địa bàn. Lực lượng công an, bảo vệ dân phố cũng sẽ được tăng cường nhằm đảo bảo an toàn cho lực lượng bắt chó thả rông.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn bệnh dại và kiểm soát chó thả rông sẽ được UBND huyện quán triệt và làm cơ sở đánh giá cuối năm cho từng đơn vị, Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ đầu vào

Nỗ lực sản xuất sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, quyết tâm nâng cao chất lượng, tạo nền móng giúp sầu riêng Cần Thơ từng bước chinh phục các thị trường quốc tế.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).