| Hotline: 0983.970.780

Côn Đảo cao điểm rùa về đẻ trứng

Thứ Ba 14/05/2024 , 06:20 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu Từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tất bật đón hàng trăm cá thể rùa biển từ khắp nơi về đẻ trứng, duy trì nòi giống.

Hằng năm, có hàng trăm cá thể rùa biển chọn Côn Đảo là nơi đẻ trứng, duy trì nòi giống. Ảnh: LB.

Hằng năm, có hàng trăm cá thể rùa biển chọn Côn Đảo là nơi đẻ trứng, duy trì nòi giống. Ảnh: LB.

Bãi rùa đẻ lớn nhất Việt Nam

Mới đây, một “sản phụ” rùa biển đã vượt hàng ngàn km từ Malaysia đến Côn Đảo để lựa chọn dịch vụ sinh nở cao cấp, chuyên nghiệp ở đây. Rùa mẹ nhanh chóng chuyển dạ, hạ sinh 108 quả trứng thành công. Yên tâm "gửi gắm" đàn con cho cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Côn Đảo, rùa mẹ nhanh chóng về với biển, hồi hương trở về Malaysia.

Số trứng này sẽ được Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh ấp nở và kiểm soát nghiêm ngặt. Theo lịch trình, đến tháng 6 tới, các chú rùa con "mang quốc tịch Malaysia" sẽ được thả về đại dương. Đây không phải là dịp hiếm thấy khi Côn Đảo "đón tiếp" rùa quốc tế đến đẻ trứng. Trước đó, đã có nhiều mẹ rùa từ khu vực Đông Nam Á đến Côn Đảo để đẻ trứng và hàng trăm chú rùa được hạ sinh, trở về với đại dương.

Hiện, Côn Đảo có 16 bãi rùa đẻ trứng như: Bảy Cạnh, Bến Đầm, Hòn Tài, Hòn Tre Lớn, Hòn Cau và Bãi Dương. Trong đó, Hòn Bảy Cạnh được các các “mẹ rùa” ưu tiên chọn lựa, với 70% rùa biển đến đây đẻ trứng. Từ tháng 4-11 hằng năm là mùa sinh sản của rùa biển nhưng cao điểm rùa về đẻ trứng từ tháng 5-9.

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, trong năm 2023, đơn vị đã cứu hộ, di dời về các hồ ấp trứng 2.262 tổ trứng, với tổng lượng 217.257 quả. Số rùa con nở sống, di chuyển, thả về biển có kiểm soát là 166.177 cá thể, tỷ lệ rùa nở trở về biển đạt trên 81%. Rùa mẹ sẽ được đeo thẻ inox với dòng chữ “CON DAO VIET NAM; Tel: +842543830698” để nhận diện.

“Chúng tôi đã bấm thẻ cho 441 cá thể rùa, theo dõi rùa mẹ được đeo thẻ... Ước lượng, năm 2023 có khoảng 765 cá thể rùa mẹ về vùng biển Côn Đảo đẻ trứng”, ông Pho cho hay.

Theo tập tính, rùa biển lên bờ đẻ trứng sẽ tìm những địa điểm thuận lợi, an toàn rồi mới đào hố sâu chừng 60cm để đẻ. Mỗi lần hạ sinh, rùa thường đẻ khoảng 80-120 trứng. Trước khi trở về với biển, rùa mẹ sẽ lấp cát, ngụy trang cho tổ của mình. Phần còn lại, sẽ nhờ vào lực lượng kiểm lâm nơi đây.

Rùa thường lên bờ đẻ vào ban đêm nên công tác kiểm soát, di dời trứng về nơi an toàn cũng được lực lượng kiểm lâm chú trọng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Rùa thường lên bờ đẻ vào ban đêm nên công tác kiểm soát, di dời trứng về nơi an toàn cũng được lực lượng kiểm lâm chú trọng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Thường, rùa sẽ lên bờ đẻ trứng vào ban đêm. Do đó, thời điểm này, lực lượng kiểm lâm phải thức trắng đêm để thực hiện tuần tra, theo dõi, hỗ trợ rùa mẹ. Toàn bộ số trứng sẽ được chuyển về hồ ấp nhân tạo để đảm bảo an toàn, tránh bị thủy triều dâng hoặc các loài động vật khác xâm hại.

Theo anh Trần Đình Đồng, Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, tuy công tác bảo tồn rất vất vả nhưng anh em ai cũng vui mỗi khi được “phục vụ” các mẹ rùa. Dù đã thực hiện công việc này được nhiều năm nhưng với anh Đồng, mỗi lần tận tay nhẹ nhàng đưa từng quả trứng vào lồng để chuyển tới vị trí ấp nhân tạo là một niềm vui.

Lực lượng kiểm lâm sẽ nhanh chóng tiến hành ghi nhận thông tin và di dời đúng thời gian quy định. Theo đó, trứng sẽ được di dời không quá 3 giờ đối với các bãi đẻ gần hồ ấp và không quá 6 giờ đối với các bãi xa hồ ấp.

“Nếu chưa kịp di dời được về hồ ấp thì chúng tôi sẽ làm dấu tổ đẻ, xóa dấu vết rùa lên đẻ, tăng cường bảo vệ, di dời tổ trứng về hồ ấp sau 40 ngày. Rùa biển rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng trắng nên mọi công tác, anh em sẽ thực hiện trong bóng tối. Khi rùa đẻ thì sử dụng ánh sáng hỗ trợ từ đèn chuyên dụng”, anh Đình Đồng chia sẻ.

Mỗi năm, có cả trăm ngàn cá thể rùa con được ấp nở tại Côn Đảo và thả về với đại dương. Ảnh: Lê Bình.

Mỗi năm, có cả trăm ngàn cá thể rùa con được ấp nở tại Côn Đảo và thả về với đại dương. Ảnh: Lê Bình.

Với những kiểm lâm viên tại Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, cứu hộ và ấp, thả rùa con về với biển không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã xét xử 4 đối tượng về tội môi giới, mua trứng rùa biển với tổng 2 năm tù giam và tiền phạt 1,05 tỉ đồng.

Trước đó, vào sáng 12/6/2023, các đối tượng cất giữ 5 quả trứng rùa biển trong hành lý đem lên máy bay. 4 trong 5 quả đó là trứng của loài Vích (Chelonia mydas). Đây là loài được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của Việt Nam và quốc tế.

Theo thống kê của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, hằng năm, có từ 150.000-170.000 rùa con được ấp nở tại các hồ, ấp trứng của vườn và trở về biển an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ rùa con sống đến tuổi trưởng thành chỉ có 1/1.000 con. Do đó, bảo tồn rùa biển luôn được đặc biệt chú trọng.

Tiềm năng du lịch và giáo dục bảo tồn rất lớn

Côn Đảo không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước bởi các loại hình du lịch tâm linh mà còn kể cả du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn.

Trong số đó, trải nghiệm thả rùa con về biển là một hoạt động đặc biệt, riêng có tại Côn Đảo. Điều này phù hợp với những du khách yêu thiên nhiên và muốn tận mắt chứng kiến khoảnh khắc rùa con bước những bước chân đầu đời, đắm chìm dưới làn sóng biển để về với đại dương sâu thẳm.

Tour du lịch trải nghiệm thả rùa con về biển thường được Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức tại Hòn Bảy Cạnh vào lúc bình minh. Để tham gia tour này, du khách sẽ di chuyển bằng cano từ đảo Côn Sơn, sau khoảng 20 phút sẽ tới hòn Bảy Cạnh.

Sau khi tham quan hồ ấp trứng rùa, mỗi nhóm khách được phân bố một số giỏ đựng sẵn rùa con bên trong. Sau đó, họ sẽ được hướng dẫn di chuyển ra bãi cát lớn và được nhân viên trạm kiểm lâm Bảy Cạnh phổ biến cách thức thả rùa con về biển an toàn. Khi những nắp giỏ vừa mở ra, những chú rùa con theo bản năng sẽ hướng ngay ra biển để bắt đầu cho một hành trình sống giữa lòng đại dương bao la.

NSND Xuân Bắc tham gia trải nghiệm thả rùa con về với biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo.

NSND Xuân Bắc tham gia trải nghiệm thả rùa con về với biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo.

Anh Lại Giang Phú, du khách tới từ Thủ đô Hà Nội, đưa gia đình đến Côn Đảo để nghỉ dưỡng. Tất nhiên, anh Phú không bỏ lỡ cơ hội được thả những chú rùa con trở về với biển. Đây cũng là dịp để vợ chồng anh giúp các con trải nghiệm thả rùa về với biển để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.

“Đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Tôi được thấy công sức của mọi người bỏ ra để giúp rùa lên bờ đẻ trứng. Tận mắt chứng kiến cảnh rùa đẻ và tham gia hoạt động thả rùa con về biển. Đây quả thực là kỉ niệm, trải nghiệm rất tuyệt vời để những người như chúng tôi nâng cao ý thức về bảo vệ động vật và môi trường”, anh Phú tâm sự.

Thả rùa con về biển vẫn luôn là một trong những trải nghiệm thú vị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Bình.

Thả rùa con về biển vẫn luôn là một trong những trải nghiệm thú vị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Khắc Pho cho biết, đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn loài động vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới. Nó không chỉ cho du khách trải nghiệm mà còn khơi dậy tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo tồn của mỗi người.

Cầm trên tay chiếc giỏ đựng những chú rùa con đang háo hức về với biển, chị Nguyễn Thị Lam Anh (ngụ quận 8, TP.HCM) cũng bồi hồi. “Cảm giác được nâng niu những rùa con mong manh, chứng kiến sinh vật bé nhỏ ấy hăm hở, sải bước về đại dương đầy mạnh mẽ, tự tin thật sự là trải nghiệm khó quên trong đời”, chị Lam Anh chia sẻ.

Tour khám phá, trải nghiệm thả rùa con về biển vừa là hoạt động du lịch, vừa là hoạt động bảo tồn mang đến trải nghiệm thú vị, qua đó cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong chung tay bảo tồn loài rùa biển nói riêng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung ở vùng biển Côn Đảo.

Trong năm 2023, tổng số khách sử dụng dịch vụ du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo như tour trọn gói tham quan rừng, biển, các đảo nhỏ, bơi xem san hô, xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển, dịch vụ thuê phương tiện vận chuyển, thuê phòng nghỉ, nhà chòi là 8.270 lượt.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.