Lạm dụng kháng sinh trên vật nuôi khiến con người gánh hậu quả
Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi là nguyên nhân gây nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ trên vật nuôi mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Lê Bình | 10:30 11/08/2024
Thưa quý vị và bà con,
Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi dùng kháng sinh không phải để điều trị bệnh cho động vật mà là để phòng ngừa bệnh, kích thích tăng trưởng. Chính vì thế mà kháng sinh đã được trộn vào thức ăn cho gà, lợn, trâu, bò… gây ra vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và những hậu quả khôn lường.
Điều này không chỉ gây kháng kháng sinh cho vật nuôi mà khiến chúng mắc các bệnh như gây ra các bệnh về đường ruột và nhiều bệnh khác cho gia súc, gia cầm, thủy sản… Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khiến sản phẩm chăn nuôi vi phạm quy định về chăn nuôi, thú y khiến việc tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu gặp khó khăn.
Thưa quý bà con, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, việc lạm dụng kháng sinh có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và động vật, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại...
Sự tồn dư kháng sinh trong thịt của vật nuôi với nhiều mức độ khác nhau có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Nó có thể gây ra dị ứng đối với những người nhạy cảm kháng sinh ngay sau khi ăn phải thịt có tồn dư kháng sinh…
Bên cạnh đó, còn một ảnh hưởng khác lớn hơn, nguy hiểm hơn đó là tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể do lợi khuẩn bị kháng sinh tiêu diệt. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.
Từ năm 2006, châu Âu đã chính thức cấm sử dụng kháng sinh nhằm mục đích sinh trưởng. Là nước phát triển chăn nuôi theo hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nội luật hóa nhiều điều ước, cam kết quốc tế, hiệp định thương mại,… mà Việt Nam là thành viên, liên quan tới các quy định giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018, Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng. Đối với mục đích phòng và điều trị bệnh thì chỉ được phép sử dụng trong danh mục được phép sử dụng.
Nhóm kháng sinh ít quan trọng thì được sử dụng trộn vào thức ăn để phòng bệnh, nhưng với điều kiện thuộc danh mục thuốc thú y được phép lưu hành. Bên cạnh đó, chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Hiện, Bộ NN-PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ bị cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và việc dùng phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y.
Về góc độ y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc, cho rằng, đã đến lúc tăng cường các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu về sức khỏe của nhân loại. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và kháng thuốc. Kháng thuốc đang là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi hành động quyết liệt của các cấp, các ngành.
Để hiểu rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi lên sức khỏe con người, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM để giúp quý bà con hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Kết:
Thưa quý vị và bà con,
Để cải thiện chất lượng thịt của vật nuôi và tránh tình trạng kháng sinh cho người tiêu dùng, các cơ sở chăn nuôi chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn, chỉ phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết. Phải chọn đúng loại kháng sinh, dùng đúng liều lượng, đủ thời gian.Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh thời gian dùng kháng sinh có khi dài khi ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Chuồng trại cũng cần được đảm bảo thoáng mát và thông gió. Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung cần lắp đặt hệ thống làm mát như giàn phun mưa trên mái, hệ thống quạt thông gió hoặc hệ thống làm mát bằng hơi nước ở đầu chuồng để làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi. Đối với chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học cần giảm độ dày đệm lót, làm thêm cầu đậu cho gà để chống nóng.
Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; khơi thông cống rãnh để hạn chế phân, nước tiểu đọng lại trong chuồng nuôi; hạn chế ruồi, muỗi, bọ mạt, ve... bằng cách phát quang bụi rậm và vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh. Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Ngoài ra, người chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe vật nuôi để phát hiện sớm gia súc, gia cầm ốm, chết để tiến hành cách ly, điều trị kịp thời để tránh lây lan mầm bệnh ra diện rộng.
Tới đây, số Radio của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được tạm dừng tại đây. Mến chào và hẹn gặp lại quý vị và bà con trong số phát sóng tiếp theo.
Lạm dụng kháng sinh trên vật nuôi khiến con người gánh hậu quả
Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi là nguyên nhân gây nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ trên vật nuôi mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Thường xuyên ngồi xổm, bẻ khớp, đi giày cao gót, tập luyện quá sức… sẽ làm tăng áp lực lên khớp, khiến xương khớp thoái hóa nhanh hơn.
Thói quen ăn mặn khiến cơ thể dễ bị nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ, các bệnh về thận, suy tim, mù lòa...