Kháng sinh là vũ khí quan trọng trong điều trị bệnh nhiễm trùng, tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, chính sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay.
Theo GS Stephen Baker, chuyên gia ngành nguyên tử vi sinh trùng học Đại học Oxford, chúng ta đang sống trong thế giới toàn vi khuẩn. Đến khi con người diệt vong thì vi khuẩn vẫn còn. Đặc biệt, bên trong đường ruột có nhiều tế bào vi khuẩn hơn là tế bào thường.
Do đó, kháng sinh ra đời nhắm vào một số đích đến tương đối đặc trưng đối với vi khuẩn mà không nằm ở trên tế bào người.
Tuy nhiên, ngoài việc tác động đến vi sinh vật gây bệnh cũng sẽ tác động đến những vi sinh vật thường trú trong cơ thể. Từ đó, gây ra những tác dụng trên cơ thể không mong muốn.
"Việc đề kháng kháng sinh không thể tránh được, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng kháng sinh đối với vi sinh vật. Điều này không chỉ diễn ra ở 1 hệ thống y tế, mà nó diễn ra khắp trên toàn thế giới, khi chúng ta sử dụng kháng sinh thì vi khuẩn sẽ trở nên đề kháng với kháng sinh.
Cách mà vi khuẩn thích nghi với áp lực sự chọn lọc tự nhiên là vi khuẩn có những cơ chế lan truyền sự kháng kháng sinh.
"Chúng ta đang ở trong thời kỳ không có nhiều sự lựa chọn về kháng sinh mới. Cứ sau 3 năm từ khi kháng sinh mới ra đời thì xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh. Ước tính tới 2050, đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn là nguyên nhân gây tử vong lớn hơn cả ung thư", GS Stephen Baker nhận định.
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số lượng kháng sinh được tạo ra ngày càng ít, hiệu quả ngày càng kém đi theo thời gian và đa số vi khuẩn đều sẽ kháng thuốc sau một thời gian ngắn từ lúc kháng sinh được phát minh.
"Chỉ có 1/10.000.000 trường hợp đột biến kháng thuốc. Nếu dùng kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn nhạy, và để lại vi khuẩn có đột biến kháng thuốc, vi khuẩn này sẽ nhân lên, từ đó tạo nên toàn bộ vi khuẩn kháng thuốc.
Số lượng kháng sinh mới được phát minh giảm dần theo thời gian. Hiện nay, 5-10 năm mới có một kháng sinh mới. Tuy nhiên, mỗi lần tìm ra một kháng sinh thì thời gian kháng thuốc lại xuất hiện nhanh chóng sau đó", TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe cộng động trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuốc sống của người dân, sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia.
Việt Nam là một trong những các quốc gia phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia, để kiểm soát tốt vấn đề sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở nước ta hiện nay thì các giải pháp phải đồng bộ. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của người dân cũng như đội ngũ y tế trong việc sử dụng kháng sinh. Đồng thời, nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, có chế tài xử lý mạnh đối với những vi phạm khi kê đơn không phù hợp, bán thuốc kháng sinh không theo đơn...