Nông nghiệp vững vàng là trụ đỡ, tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ đô
Chương trình phát thanh 'Nông nghiệp 24H' của NongnghiepRadio ngày 7/3 sẽ có những thông tin nổi bật vừa diễn ra; 2 tháng đầu năm 2022, nông nghiệp vững vàng là trụ đỡ, tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ USD.
Nông nghiệp Radio | 08:34 07/03/2022
Tin tức chương trình phát thanh hôm nay 7/3 trên Nông nghiệp Radio
Xin kính chào quý vị và bà con, chào mừng quý vị và bà con đến với bản tin “Nông nghiệp 24h” ngày 7/3/2022 của Kênh phát thanh Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2 tháng đầu năm 2022 ngành nông nghiệp tăng trưởng tốt và tự tin có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn vững vàng là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
Sau đây sẽ là những tin vắn về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản đã diễn ra trong 24h qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL
Sáng 6/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng trăn trở, đặt câu hỏi: Vì sao ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa phát triển và phát triển chưa bền vững? Vậy những tồn tại, yếu kém gì kìm hãm sự phát triển?
Thủ tướng chỉ ra rằng, để ĐBSCL phát triển thì trước hết cần phải có thể chế. Quy hoạch sản phẩm cụ thể là gì? Cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, hạ tầng xã hội, giao thông, năng lượng, hạ tầng số… Tập trung nguồn lực để phát triển, hợp tác công tư, lấy nội lực nội tại để phát triển. Mà nội lực quan trọng nhất là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa… Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "ĐBSCL phải là một thực thể, 13 tỉnh, thành không thể rời rạc, mà phải bổ sung cho nhau, cùng nhau liên kết. Sản xuất phải gắn với thị trường. Chúng ta phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp muốn phát triển được thì phải có công nghiệp chế biến, dịch vụ đi kèm".
Tin tức chiến sự Nga - Ukraine
Trước tình hình chiến sự Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp, Bộ NN-PTNT chủ trương theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.
Đồng thời, sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội cà phê - cacao (VICOFA), Hiệp hội điều (Vinacas), Hiệp hội gỗ để tìm giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường trước đây có lượng nhập khẩu khá lớn (EU, Trung Quốc, Trung Đông…) từ Nga, Ukraine đối với các mặt hàng thủy sản, gỗ và nội thất.
Song song với đó, Bộ NN-PTNT xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.
Tin tức xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Theo tin tức mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 1 đến 10/03/2022, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng cao vào đầu tuần này, sau đó giảm dần đến cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo mặn phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2021, riêng một số điểm đo mặn ở Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang ở mức xấp xỉ và cao hơn.
Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là vùng cách biển đến 35-45 km, sau khi thu hoạch lúa Đông xuân 2022 xong phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè thu tiếp theo.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp… Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.
Tin tức giá mít mới nhất
Sau thời gian dài rớt giá mạnh do ách tắc xuất khẩu sang Trung Quốc, những ngày gần đây, thị truờng tiêu thụ trái mít Thái ổn định, giá mít đã tăng trở lạị.
Hiện các thương lái thu mua mít theo hai loại. Mít loại I có giá 14.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Mít loại II có giá 6.000 đồng/kg. Tại ĐBSCL, những năm qua, nhờ rộng đầu ra mà diện tích cây mít tăng nhanh. Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích cây mít lớn ở ĐBSCL. Toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 ha mít Thái, tập trung nhiều nhất tại huyện Cái Bè với khoảng 7.000 ha. Hiện diện tích mít đang cho trái của tỉnh khoảng 9.000 ha.
Nông dân Lê Văn Mười ở ấp 3, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè có 2 ha trồng mít Thái cho hay: “Cách đây 3 năm, tôi chọn mít Thái để chuyển đổi cho 20 công ruộng vì dễ trồng, ít sâu bệnh và nhiều thương lái tìm mua. Đối với cây mít, mình có thể chủ động thực hiện rải vụ để có trái bán quanh năm, do đó giảm thiểu rủi ro do giá cả lên xuống”.
Bản tin nông nghiệp tại Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm vừa ký kết Hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ kéo dài trong 4 năm (2022 - 2026).
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi heo, tôm hữu cơ, an toàn sinh học; Phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nông dân, người sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp theo hướng hữu cơ; hình thành các đầu mối như tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Đồng thời, Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ, được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Nông nghiệp vững vàng là trụ đỡ, tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ đô
Chương trình phát thanh 'Nông nghiệp 24H' của NongnghiepRadio ngày 7/3 sẽ có những thông tin nổi bật vừa diễn ra; 2 tháng đầu năm 2022, nông nghiệp vững vàng là trụ đỡ, tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ USD.
Nông nghiệp Radio
Tin liên quan
Các chương trình
Hôm nay, thời tiết trên cả nước mang những đặc trưng rõ rệt của mùa đông phương Bắc và sự ấm áp ở miền Nam.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.