‘Sao bay không cho tụi nhóc về quê ăn Tết với mẹ?!’

Đó là những câu trách đến đau lòng của mẹ mà chị Liễu và nhiều công nhân khác nhận được khi thêm một năm không thể về quê ăn Tết.

Lê Bình  | 09:00 25/01/2025

‘Sao bay không cho tụi nhóc về quê ăn Tết với mẹ?!’

Tự động

MC1:

Thưa quý vị và quý bà con,

Khi đường phố Sài Gòn đang ngập tràn sắc hoa, cũng là lúc báo hiệu khoảnh khắc giao thời đang đến gần. Từng đoàn người đang nối nhau về quê ăn Tết sau một năm tha hương, làm ăn trên đất khách quê người.

Năm nay, kinh tế khó khăn khiến nhiều công nhân ở TP.HCM thấp thỏm chờ thưởng Tết. Nhiều người đã quyết định ở lại đón xuân tại khu trọ vì biết chắc rằng nếu có thêm tiền cũng không đủ chi phí về quê.

Có những người trong số đó đã xa quê mười mấy năm nay. Đó cũng là ngần ấy thời gian họ đành phải ăn Tết xa quê, tạm gác bữa cơm đoàn viên để mong cầu một năm mới ổn định hơn, dư giả để có thể về quê sum vầy bên mâm cơm đoàn viên.

MC2:

Những ngày này, đường phố Sài Gòn dường như tấp nập hơn. Người tranh thủ đi sắm Tết, những bạn trẻ xúng xính áo dài, khăn đóng, tươi cười lưu giữ những khoảnh khắc Tết đến Xuân về. Không khí ấy khiến nhiều người rộn ràng, chỉ mong kết thúc công việc sớm là lên xe về quê với mẹ, với cha.

Thế nhưng, hình ảnh ấy lại khiến chị Phạm Thị Liễu, quê ở Nghệ An hiện đang làm công nhân tại quận 12 thấy nghẹn ngào, tủi hổ. Suốt hơn 10 năm nay, chị thèm cảm giác được về  quê ăn Tết cùng mẹ già, anh chị em trong gia đình. Niềm hạnh phúc ngỡ tưởng giản đơn và điều dĩ nhiên với nhiều người nhưng với chị Liễu, đó là mơ ước xa vời. Cả một năm làm lụng nhưng với đồng lương thấp, chi tiêu nơi phố thị đắt đỏ khiến hành trình về quê ăn Tết của gia đình chị Liễu mỗi ngày thêm xa.

Có lẽ, lời khước từ, lỡ hẹn không về quê ăn Tết là câu nói khó khăn vô vàn. Mỗi người đều có một lí do khó nói riêng để buộc lòng lỡ hẹn với mâm cơm đoàn viên vốn là điều luôn thiêng liêng, ấm cúng của người Việt.

Có những đêm, chị Liễu phải cắn chặt môi sau những tiếng trách của mẹ mình ở quê vì lại thêm một năm, không thể về quê ăn Tết. Hôm nay, chị Liễu lấy hết can đảm, lại gọi điện báo với ông bà tụi nhỏ hai bên rằng: "xuân này con không về".

Từ khi vào TP.HCM lập nghiệp, đã gần 16 năm anh Lê Văn Tuấn quê tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đang là công nhân tại quận Bình Tân chưa một lần về quê ăn Tết. Cả lương của hai vợ chồng cũng chỉ có hơn chục triệu. Trong đó, tiền phòng trọ, điện nước và sinh hoạt, tiền học hành cho 2 đứa con cũng vừa sát với số lương của anh chị. Thế nên, từ nhiều năm nay, về quê ăn Tết là điều gì đó trở nên xa xỉ với gia đình anh Tuấn.

Về quê ăn Tết là điều mà anh hằng ước ao nhưng khổ nỗi, chi phí đi lại quá lớn. Ngày Tết với anh Tuấn chỉ là những ngày lủi thủi trong căn trọ chật hẹp. Thay vì về quê, anh Tuấn gửi tiền mừng tuổi về cho cha mẹ và dành dụm lo cho 2 đứa con được một tương lai sáng lạng hơn.

….

Đến giờ này, căn trọ nhỏ của chị Hoàng Thị Thu Hương (quê Hà Tĩnh), hiện đang làm công nhân tại TP.HCM vẫn chưa có bất kỳ một chút không khí Tết. Chị Hương tâm sự, chị sợ Tết, giá như đừng có Tết sẽ đỡ tủi hơn.

Vợ chồng chị Hương được 3 đứa con, bé lớn hiện đang sống với bà ngoại ở quê. Nhớ con gái, nhớ cha mẹ già nhưng nhiều năm nay, gia đình nhỏ của chị Hương cũng đành ở lại Sài Gòn đón Tết. Không về quê ăn Tết thì chẳng đành lòng, mà chi phí về quê là thứ vô cùng xa xỉ với vợ chồng công nhân có thu nhập thấp như chị Hương.

Vừa tâm sự với chúng tôi, hai bàn tay chị Hương ghì chặt điện thoại và đôi dòng nước mắt lặng lẽ rơi. Cách đây không lâu, đứa con gái lớn của chị đã nhắn tin khiến chị Hương lòng như thắt lại.

Chị Hương tự nhủ sẽ có năm về quê ăn Tết cùng mẹ già hai bên, cùng đứa con gần 10 tuổi của mình sau bao năm xa cách. Chị mong mỏi những ngày báo hiếu mẹ già, bù đắp hơi ấm cho đứa con gái lớn. Thế nhưng, chính chị cũng không thể biết chính xác được liệu khoảnh khắc ấy sẽ vào Tết của năm nào.

Những ngày giáp Tết, các chủ phòng trọ ở khắp TP.HCM tổ chức những buổi tất niên để chung vui Xuân cùng những công nhân, người thuê trọ. Mỗi gia đình còn được chủ trọ tặng kèm 1 phần quà Tết với những nhu yếu phẩm thiết thực. Đó là gạo, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… để góp chút vị Tết trong mâm cơm đoàn viên.

Với ông Lê Tuấn Giản, chủ dãy trọ tại Quận Bình Tân, đây vừa là cách tri ân tình cảm của những người thuê trọ, đó còn cách san sẻ chi phí sắm Tết cho từng gia đình trong xóm trọ.

Năm nay, một số người thuê trọ của ông Giản cũng ở lại TP đón Tết. Họ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ông Giản cũng khuyên bảo, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ 1 phần chi phí để họ về quê ăn Tết, nhưng không thành.

….

Đường phố Sài Gòn đang ngập tràn hoa Tết. Năm nay, sẽ có nhiều công nhân chấp nhận đón Tết xa quê, bởi về quê lúc này là điều gì đó xa xỉ. Họ ở lại Sài Gòn vừa để tiết kiệm chi phí, vừa muốn kiếm tìm những công việc ngắn hạn ở thành phố hoa lệ này để trang trải cho cuộc sống, bù đắp cho một năm nhiều thiếu thốn.

Thôi thì hẹn năm sau sẽ về. Tới năm sau lại hẹn năm sau nữa sẽ về để đi chợ sắm đồ, mua cúc, mua mai chưng đầy trước ngõ.

Thưa quý thính giả,

Chắc hẳn, mỗi người đều đã có kế hoạch riêng cho mình trong những ngày Tết Nguyên đán năm nay?! Nếu được, xin hãy tranh thủ về quê mình, để cùng gia đình đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc thật ấm cúng. Tết đâu phải là những gì xa xôi, mà đó là những phút giây thiêng liêng, ấm áp bên gia đình. Xin bỏ lại những muộn phiền, khó khăn sau lưng để trọn đầy tình cảm bên nhau trong đêm Giao thừa và ba ngày Tết quý vị nhé.

Tự động

‘Sao bay không cho tụi nhóc về quê ăn Tết với mẹ?!’

Đó là những câu trách đến đau lòng của mẹ mà chị Liễu và nhiều công nhân khác nhận được khi thêm một năm không thể về quê ăn Tết.

Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Hành tỏi, cà rốt và sức sống xứ Đông
Phóng sự

Vụ đông ở Hải Dương, hành tỏi, cà rốt, su hào... mỗi cánh đồng như một biển màu xanh lá chạy ngút mắt, thể hiện sức sống mạnh mẽ của vùng nông nghiệp chủ lực.

Hành tỏi, cà rốt và sức sống xứ Đông
Hồi ức về những chuyến hàng đầu tiên ở làng hương truyền thống
Phóng sự

Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.

Hồi ức về những chuyến hàng đầu tiên ở làng hương truyền thống