Khi tôi đến phòng trọ của chị Trần Thị Thu Hương (quê Hà Tĩnh) tại quận 12 (TP.HCM) thì cũng là lúc chị đang điện thoại bằng hình ảnh (video call) cho mẹ đẻ. Không giống như cuộc nói chuyện thường ngày, không khí có vẻ hơi nặng nề.
Vợ chồng chị Hương có 3 bé gái. Hiện 2 đứa con nhỏ đang ở cùng anh chị tại xóm trọ nghèo ở TP.HCM, còn đứa lớn phải gửi bà ngoại ở quê.
Đang nói chuyện, bỗng đứa con gái lớn của chị Hương đi học về. Nhìn thấy mẹ, bé liền hét lên vui mừng, chào mẹ và hỏi: “Bao giờ cha mẹ về?”. Nước mắt từ đâu trực trào khiến chị Hương không thể kìm nén. Dù kìm lòng nhưng tiếng nấc vẫn bật ra, chị Hương chỉ kịp nói nhanh với mẹ rồi vội tắt máy: “Mẹ ơi, năm sau vợ chồng con và các cháu sẽ về nhà đón Tết!”.
Vậy là năm nay, thêm một cái Tết, chị Hương không về quê. Ba năm trước, với đủ các lý do, nào là con còn nhỏ, dịch Covid-19… khiến vợ chồng chị Hương đành lòng ở lại TP.HCM ăn Tết. Còn năm nay, công việc giảm sút, “làm cả năm chẳng dư nổi một đồng” khiến cả hai vợ chồng đồng lòng thất hẹn với mâm cơm đoàn viên!
Chị Hương quay mặt khóc, cắn chặt môi. Đứa bé gái chưa đầy 2 tuổi của chị Hương chưa thể hiểu chuyện gì xảy ra, vội đến ôm cổ mẹ, bi bô để mẹ khỏi “khóc nhè”. Cổ họng của tôi cũng nghẹn lại!
Muốn về quê lắm nhưng không còn tiền
“Công nhân năm nay ở lại ăn Tết nhiều lắm. Cả năm tiền bạc chẳng có, cầm cự mưu sinh nên Tết chẳng ai dám về nhà”.
Đó là chia sẻ của ông Hiền, chủ chuỗi phòng trọ gần Khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức). Cả dãy trọ của ông Hiền có 140 phòng thì đã gần 80 phòng ở lại không về quê ăn Tết, 17 phòng trống do công nhân thất nghiệp trả lại và chỉ hơn 40 gia đình sẽ về quê đón Tết.
Gần 20 năm làm nghề kinh doanh dịch vụ phòng trọ tại khu chế xuất, chưa khi nào ông Hiền chứng kiến cảnh khó khăn chồng chất của công nhân như thế này. Tôi vội hỏi: “Kể cả thời gian Covid-19 và hậu dịch?”. Ông Hiền quả quyết: “Còn hơn thế nữa!”. Nói xong, ông Hiền chỉ cho chúng tôi những căn phòng trọ tối om. Đó là những căn phòng bị công nhân thất nghiệp trả lại từ nhiều tháng nay, đến nay vẫn chưa có người thuê.
Mất việc ở tuổi 40 và không thể xin được việc khác thay thế, từ nhiều tháng nay chị Ngọc đành chịu cảnh có gì làm đó. Quần quật từ sáng sớm đến tận khuya nhưng thù lao cũng chỉ đủ chị Ngọc trả phòng trọ. Thậm chí, mấy con cá biển, chị Ngọc cũng tằn tiện chiên mắm thật mặn để ăn trong mấy ngày liền. Nghe tôi hỏi về dự định Tết năm nay, chị Ngọc chỉ lắc đầu và kiệm lời: "không có gì cho người thân".
Những ngày cuối năm, khi hàng xóm khu trọ chộn rộn chuẩn bị đồ về quê, chị Nguyễn Thị Lệ, 36 tuổi vẫn cặm cụi cắt thịt bò chuẩn bị cho ngày mai bán. Ngày cuối năm, chị cố gắng làm việc nhiều hơn với hy vọng có thêm chút tiền chuẩn bị cho Tết. Hôm nay, chị lấy hết can đảm gọi điện báo với bố mẹ "xuân này con không về".
8 năm qua, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Lệ (37 tuổi, ở TP Thủ Đức) dựa vào xe bún bò lề đường gần khu công nhân ở phường Linh Trung. Vợ chồng chị buôn bán dựa vào công nhân, nhưng gần cuối năm các công ty cắt giảm nhân viên, nhiều người nghỉ việc về quê sớm, quán của chị lại đâm ra ế ẩm.
Hai vợ chồng thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Không đủ chi tiêu, chị Lệ phải mở bán tiệm tạp hóa tại phòng trọ, nhận đồ về may thêm. Chị Lệ thừa nhận: "Nuôi con ăn học với điều kiện kinh tế hiện nay quả thực vất vả. Điều kiện để về quê ăn Tết thật không đơn giản".
Ngày gần Tết, cha mẹ con cái cũng chỉ biết động viên nhau qua màn hình điện thoại. "Giờ may là còn gọi được video, chứ mấy năm trước thì chỉ nghe được tiếng bố mẹ thôi. Nghĩ đến tôi lại chạnh lòng", chị Lệ thở dài.
Những năm trước, muốn về quê dịp Tết, chị phải mua ba vé xe khứ hồi gần 10 triệu, thêm tiền quà bánh cho gia đình, tổng cộng gần 30 triệu đồng. Tết này, chị còn chẳng buồn xem giá vé.
Bố mẹ động viên chị "năm sau rồi về cũng được" nhưng chị chẳng dám hứa hẹn gì. "Có tiền mới về chứ làm sao tính trước được. Không về quê, tôi nhớ bố mẹ lắm nhưng đành chịu". Đợi công nhân nghỉ, chị tạm dừng bán bún bò, chuyển sang bán hoa Tết kiếm thêm tiền để chuẩn bị đóng học phí cho con tháng mới.
“Chưa khi nào thấy khó như năm nay”
Có lẽ, để nói về những khó khăn của công nhân trong năm qua thì các chủ trọ là người rõ nhất. Mặc dù, công nhân mất việc, liên tục trả phòng về quê, họ như “ngồi trên đống lửa” khi kinh doanh ế ẩm. Nghĩ thế, tôi tìm và nghe những chủ trọ để họ kể thêm về những “khách hàng” của mình đã sống trong một năm qua thế nào.
Hơn 20 năm kinh doanh, cho thuê phòng trọ, ông Trần Hùng (68 tuổi, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng phải thừa nhận: “Chưa khi nào thấy công nhân khó như năm nay!”.
Ông Hùng lý giải, từ khi kinh tế khó khăn thì cũng phân hóa, nếp sống của khu trọ có sự đối lập. Phân nửa công nhân sẽ ở phòng trọ nguyên ngày vì thất nghiệp, họ đành phải kiếm thêm việc về phòng để làm, nhiều nữ công nhân chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
“Số công nhân còn lại thì sao?” - tôi hỏi. “Tối mặt”. Không chờ tôi phải hỏi thêm, ông Hùng nói tiếp: “Nghĩa là họ rời phòng trọ khi trời còn nhá nhem tối, về lại phòng khi trời đã khuya”. Họ phải kiếm đủ thứ nghề để mưu sinh, vừa hết việc này là làm tiếp tới việc khác… Vừa ngớt câu, ông Hùng chỉ vào một phòng khóa cửa: “Phòng đó là của cậu thanh niên ở Trà Vinh, vừa xong việc ở công ty là cậu ấy phải chạy thêm xe ôm công nghệ và chở đồ thuê cho các shop”.
Khó càng thêm khó. Ngỡ tưởng ở chung với nữ công nhân khác để san sẻ tiền phòng trọ nhưng Diệu (công nhận tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) lại không thể ngờ được đó chính là gánh nặng cho mình mai này. Căn phòng trọ Diệu cùng bạn thuê 1,8 triệu đồng/ tháng, chia đều nên mỗi người chỉ đóng 900.000 đồng/ tháng. Cả hai cùng mua lại tủ lạnh với giá hơn 6 triệu đồng để thuận tiện cho việc nấu ăn. Thế nhưng, từ 5 tháng nay, bạn trọ thất nghiệp, phải về quê tìm kế mưu sinh. Có nghĩa, Diệu phải gồng gánh tất cả.
“Khổ lắm anh! Công ty thì cắt tăng ca, công việc không đều nên chúng em bị giảm thu nhập. Giờ lại phải trả tiền trọ gần 2 triệu đồng mỗi tháng, tìm người ở cùng mà không có”, Diệu thở dài. Cô gái này cũng cho biết, Tết năm nay cũng không dám về quê. Bởi, “nếu nhận cả lương và thưởng Tết thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Mà về quê thì tốn kém quá, em sợ ra Tết không đủ tiền trả cho chủ phòng trọ”.
Tết đến, nhiều tình huống vừa thương, vừa tội ở khu ở tập thể của công nhân. Bà Thắm (chủ phòng trọ tại quận Bình Tân) bảo, tối qua, ở khu trọ này mới có vụ hai phòng trọ ẩu đả, cãi nhau. Khác với những vụ ẩu đả khác, chứng kiến cảnh này mà bà Thắm thương hơn giận, tự thấy tim mình đau. Tôi bất ngờ liền hỏi tại sao.
Phải mất 2 tiếng thở dài thì bà Thắm mới kể được lại sự việc: "Chuyện chẳng là trong xóm trọ có cậu thanh niên kia cũng không về quê ăn Tết, bật nhạc xuân nhưng hơi lớn một chút. Phòng gần đó có gia đình trẻ kia cũng không về quê đón Tết. Con bé vợ ngồi nghe, khóc và hát theo. Thằng chồng thương vợ, sang to tiếng bắt phòng kia tắt nhạc. Thế là cãi nhau! Bình tĩnh được thì tụi nó mới nhẹ nhàng nói chuyện. Đồng cảnh ngộ, hai thằng bắt tay, ôm nhau. Nhìn mà tội, ai cũng rươm rướm...". Nói đến đây, bà Thắm cũng vội lau nước mắt.
Đường phố Sài Gòn đã ngập tràn hoa Tết. Thường trong những ngày Tết, mọi nẻo đường của thành phố này thường vắng vẻ. Năm nay sẽ khác, tôi nghĩ vậy! Sẽ có nhiều công nhân chấp nhận đón Tết xa quê, bởi về quê lúc này là điều gì đó xa xỉ. Họ ở lại Sài Gòn vừa để tiết kiệm chi phí, vừa muốn kiếm tìm những công việc ngắn hạn ở thành phố hoa lệ này để trang trải cho cuộc sống, bù đắp cho một năm nhiều thiếu thốn!