Những chủ trọ lo Tết cho… người dưng
Suốt 18 năm nay, mâm cơm đoàn viên của vợ chồng ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) dành cho những công nhân thuê trọ, vẫn đong đầy yêu thương. Năm nay, ông Tâm tổ chức 25 bàn tiệc, đãi Tết cho hàng trăm người thuê phòng trọ của mình.
Tôi đến trước giờ hẹn khoảng 30 phút. Hình ảnh ấn tượng đập vào mắt tôi là hình ảnh ông chủ trọ đang chuẩn bị bàn tiệc ngay ngắn, tự tay chỉnh trang lại từng đôi đũa, chén đĩa trong khuôn viên khu trọ rộng 3.000m2.
“Chuẩn bị này chắc tốn kém và mất sức lắm”, tôi hỏi và ông Tâm chỉ cười đáp: “Đó là cách tôi tri ân người thuê trọ thôi mà”.
Từng làm công nhân, đi ở trọ nên ông hiểu được tâm sự của người xa quê dịp Tết, chỉ mong bữa cơm đoàn viên. Chính vì thế, vợ chồng ông tự bỏ tiền túi, mỗi năm tổ chức tất niên cho người ở trọ, nhất là công nhân không có điều kiện về quê đón Tết được ấm lòng.
"Bữa tiệc này là dịp để anh em quây quần bên nhau chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm và động viện nhau cố gắng cho năm tới. Nhìn lại mọi thứ đã qua dù có gì đi chăng nữa, tôi thấy tình người vẫn là trên hết", ông Tâm bộc bạch.
Trước tiệc hai hôm, bà Sen cùng nhóm chị em phụ trách nấu nướng ngồi bàn với nhau lên thực đơn. "Các món đều tự tay mọi người ở khu trọ nấu, không cần cầu kỳ, chủ yếu là niềm vui khi cùng nhau làm nên bữa tiệc", bà Sen - vợ ông Tâm nói.
Dù còn nợ ngân hàng tiền tỉ nhưng vợ chồng ông Tâm vẫn đồng lòng, không ngại chi cả trăm triệu đồng để tổ chức tiệc tất niên và phát quà Tết là nước ngọt, nước mắm, hạt nêm cho các gia đình thuê trọ.
Nhiều người cũng bảo: “Anh cũng liều nhỉ”, nhưng ông Tâm chỉ cười, gạt đi: "Nhìn mọi người còn nở nụ cười trên môi tôi thấy hạnh phúc. Ai cũng mong một bữa cơm đoàn viên thật ấm cúng. Mình khó thật nhưng anh chị em ở dây còn khó hơn mình, không thể về quê ăn Tết. Kệ, cùng nhau vui, cùng nhau sẻ chia", ông tâm niệm.
Còn chị Kim Hồng (chủ nhà trọ ở quận Bình Tân) lại đang lên kế hoạch cho buổi tất niên sắp tới của xóm trọ thật đặc biệt. Ngoài vẫn tổ chức tiệc tất niên, “lì xì lấy thảo” các công nhân, thì năm nay, chị Hồng sẽ mời thêm ca sĩ hát phòng trà biểu diễn phục vụ người thuê trọ.
“Cả năm căng thẳng, buồn bã vì thu nhập, công việc bấp bênh rồi. Cuối năm, cười cái đã. Ai may thì còn rinh thêm mấy giải thưởng nữa, niềm vui càng nhân đôi. Hi vọng một năm mới nhiều tiếng cười, bình an và sung túc hơn”, chị Hồng hồ hởi.
Khu phòng trọ của chị Hồng là một trong những tâm điểm với nhiều công nhân thuộc diện sa thải. Nhiều người lao động từ lương hơn chục triệu phải làm việc khác lương có vài triệu, không đủ lo toan cuộc sống.
Giống mọi năm, những ngày cận Tết, bà Xuân (chủ phòng trọ ở Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức) cùng các chị em sẽ gói hàng trăm bánh chưng, bánh tét để tặng công nhân không về quê ăn Tết. Dù còn hơn 1 tuần nữa, bà Xuân mới bắt đầu gói bánh nhưng bà chủ này đã đặt sẵn nguyên liệu làm bánh gồm thịt heo, đậu xanh lẫn nếp.
Công việc ý nghĩa này đã được bà Xuân duy trì hơn 10 năm qua. “Năm nay tôi cũng sẽ gói hơn 200 đòn bánh, để gửi cho các anh chị trong khu trọ. Nói gì thì nói, Tết là cứ phải có bánh chưng, bánh tét mới đúng vị. Mong rằng những anh chị không về quê ăn Tết cũng được ấm lòng, vơi bớt nỗi nhớ người thân”, bà Xuân chia sẻ.
Không chỉ thế, mỗi cặp bánh tặng công nhân, bà Xuân còn kẹp bao lì xì có mệnh giá tối thiểu từ 100.000 - 200.000 đồng để công nhân lấy hên. Ngày Tết, thấy ai đi ngang nhà dịp này, bà Xuân lại ới vào gửi tặng một đòn bánh để mọi người “ăn lấy thảo”. Họ truyền tai nhau, giữa Sài Gòn rộng lớn, gặp một người có tấm lòng thơm thảo như bà Xuân thiệt may mắn…
“Không để ai mất Tết”
Trong những ngày này, các Sở ban ngành và tổ chức chính trị tại TP.HCM liên tục tổ chức các chương trình Xuân yêu thương cho riêng đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc trên địa bàn. Đã có hơn 40.000 phần quà chăm lo Tết cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị cắt giảm giờ làm…
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các ngành chức năng, các địa phương của thành phố tập trung chăm lo Tết về đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng công nhân và người lao động nói riêng. “Không để công nhân nào ở lại TP.HCM mà lại mất Tết”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Liên đoàn Lao động TP.HCM và Ban quản lý các Khu chế xuất tổ chức các chương trình cho người lao động không về quê ăn Tết. Rà soát, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp khó khăn, người lao động bị ngừng việc, thưởng Tết thấp...
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp TP.HCM cho biết, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu là hơn 252.000 người, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.
“Qua khảo sát của 520 doanh nghiệp với gần 185.000 lao động cho thấy phần lớn các doanh nghiệp dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết cho người lao động”, bà Minh Thư cho hay.
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, dự báo năm 2024 số lượng người lao động về quê đón Tết sẽ giảm so với 2023. Do đó số lượng người lao động làm việc lại sau Tết sẽ ít biến động.
Dự báo, đầu năm 2024, vẫn có nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng với tổng số lao động tuyển dụng hơn 10.000 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên 976 người; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp 553 người; lao động phổ thông 8.773 người.