| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm người lao động những ngày cuối năm: [Kì 1] Không khí tết ảm đạm

Thứ Tư 12/01/2022 , 10:14 (GMT+7)

Nỗi niềm mong ngóng tiền thưởng để có một cái tết ấm áp là câu chuyện mà người công nhân luôn hy vọng mỗi dịp xuân về. Năm nay, nghĩ đến tết mà chạnh lòng!

Kỳ nghỉ tết đầy lo âu

Năm 2021, vừa qua, “cơn bão” đại dịch mang tên Covid-19 chưa bao giờ “giật cấp” mạnh, nhanh đến vậy. Tại Việt Nam dịch bệnh đã cướp đi tính mạng của hơn 33 nghìn người.

Hàng loạt doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn khó, lao đao, thậm chí đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh rút lui khỏi thị trường. Những doanh nghiệp còn lại đa phần đều đã “đuối sức” vì phải nỗ lực cầm cự để duy trì hoạt động và gồng gánh để trả lương cho công nhân, người lao động nhằm ổn định sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Khu xóm trọ 'đìu hiu' do lo ngại có ca F0 nên nhiều công nhân phải tạm thời 'sơ tán'. 

Khu xóm trọ "đìu hiu" do lo ngại có ca F0 nên nhiều công nhân phải tạm thời "sơ tán". 

Bởi vậy, đối với nhiều doanh nghiệp việc lo lương thưởng cho người lao động, đảm bảo tháng lương thứ 13 như thông lệ hàng năm cũng là điều không dễ dàng, nỗi niềm lo lắng của bao chủ doanh nghiệp hiện nay. Cũng đã có không ít cơ quan, nhà máy, xí nghiệp từng phải kêu gọi và vận động sự ủng hộ của người lao động cùng sẻ chia với doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn; thấu hiểu để nỗ lực nhiều hơn và gắng gượng đồng hành cùng doanh nghiệp bước qua giai đoạn thăng trầm của nghịch cảnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Tùng – giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản tại khu Công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) cho biết: “Năm nay khác với mọi năm vì dịch bệnh diễn biến căng thẳng, như năm ngoái dù có dịch nhưng cũng không như năm nay, mọi thứ đều đảo lộn. Hàng hóa đi lại, cũng như đảm bảo cho công nhân làm việc tại chỗ theo yêu cầu của nhà nước hết sức khó khăn.”

Đơn cử trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua với các tài xế vận chuyển hàng hóa, với mỗi nơi quy định một kiểu, công ty đều phải chi một khoản không nhỏ cho chi phí xét nghiệm, thậm chí còn phải tính toán cả thời gian vận chuyển để phù hợp yêu cầu của kết quả test, đặc biệt là đối với xét nghiệm PCR chỉ có tác dụng trong 72 tiếng. Còn đối với công nhân làm việc tại chỗ tại nhà máy cũng như kho đặt tại Hà Nội thì 3 ngày test nhanh một lần, 1 tuần phải test PCR một lần nữa.

Vào thời điểm hiện tại, anh Tùng cho biết, để ra vào khu công nghiệp đều phải thực hiện khai báo y tế và toàn bộ người lao động phải thực hiện 5K nghiêm chỉnh theo quy định phòng chống dịch. Ngoài ra, các nhà máy thuộc khu công nghiệp cũng không thể cho phép người lạ ra vào, như khách hàng, đối tác đến tham quan cũng không được phép chỉ trừ đoàn công tác đến thanh kiểm tra cơ sở nhưng cũng phải đảm bảo 5K theo đúng quy định.

"Mặt khác, tại nhà máy của Công ty và các nhà máy xung quanh đều vẫn phải duy trì 3 ngày test nhanh một lần. Đợt dịch vừa qua nhà máy có mấy trường hợp F1 chuyển hóa thành F0 nên cũng lo lắng bị đình trệ sản xuất. Và không áp dụng thực hiện 3 tại chỗ nữa và thích ứng an toàn trong điều kiện mới. Hiện tại chi phí test đã giảm so với đợt trước cũng đỡ đi phần nào nhưng đây cũng là chi phí không nhỏ để duy trì sản xuất", anh Tùng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Công ty cũng cố gắng để lo được cái tết cho anh em công nhân dù không thể nhiều như mọi năm. Bởi theo anh Tùng việc đảm bảo đời sống công nhân cũng là một cách giữ chân người lao động có tay nghề. Mọi năm bình quân công ty thưởng tết dương lịch được thêm tháng lương thứ 13 và hiện vật là sản phẩm mà công ty sản xuất, còn tết âm  sẽ được thưởng bình quân 2 tháng lương. Mức thưởng này cũng sẽ thay đổi đối với trường hợp có nhiều đóng góp với doanh nghiệp như sáng kiến mới hay thời gian lao động trong năm.

Xóm trọ “đìu hiu” 

Đến với Cụm Công nghiệp Phú Minh, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), tại đây đang có nhiều ca mắc Covid-19 khiến nhiều nên phải tạm thời dừng sản xuất. Công nhân phải tìm nhà trọ ở nơi khác vì lo sợ dịch bệnh khiến không khí càng thêm ảm đạm, đìu hiu trong những ngày đông lạnh về.

Trao đổi qua bức màn chắn cách ly được dựng “tạm bợ”, “vội vàng”, anh Huỳnh quê Lạng Sơn - công nhân Cụm công nghiệp Phú Minh là F0 đang điều trị tại nhà chia sẻ: “Ngày 28/12/2021, anh và bạn cùng phòng -Trường qua test nhanh tại công ty phát hiện ra mình dương tính với virus Sars-Cov-2, đến chiều có kết quả PCR khẳng định, nên đã nhanh chóng về xóm trọ để thực hiện cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Trung tâm y tế phường”.

Màn chắn cách ly được dựng tạm bợ trong xóm trọ. 

Màn chắn cách ly được dựng tạm bợ trong xóm trọ. 

Trao đổi với PV, anh Huỳnh cho biết thêm nguyên nhân xóm trọ vắng vẻ như vậy là do từ khi anh bị cách ly, mọi người trong khu sợ dịch bệnh nên đã tạm thời di chuyển đi nơi khác. “Chắc chờ bọn em hết cách ly thì các anh chị ấy mới quay lại, như anh thấy các anh chị ấy đi vội quá đến quần áo còn chưa kịp thu”, anh Huỳnh kể.

Khi được hỏi về sinh hoạt, điều trị ra làm sao trong thời gian bị cách ly tại nhà, anh Huỳnh cho biết: “Bọn em may được cô chủ nhà trọ mua cho đồ ăn, thức uống nên cũng không đến nỗi thiếu thốn, còn điều trị thì khi phát hiện bị dương tính, công ty cũng đã gửi cho bọn em thuốc ho với thuốc hạ sốt. Bọn em cũng đã liên hệ với trung tâm y tế phường nhưng họ cũng chỉ bảo là cứ cách ly tại nhà khi nào có triệu chứng nặng báo lại họ”.

Được biết, anh Huỳnh và Trường là người dân tộc thiểu số, sống tại khu vực biên giới phía Bắc đời sống vô cùng khó khăn nên anh mới lên Hà Nội làm việc với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Trước khi có dịch ngoài lương công ty cũng thưởng nhiều nên thu nhập cũng ổn định phần nào. Đợt dịch vừa qua được công ty hỗ trợ lương thực thực phẩm cũng như tổ chức tiêm phòng nên đỡ được phần nào. "Năm nay, dịp tết dương lịch vừa rồi em bị mắc Covid nên cũng không biết là có thưởng không chứ mọi năm thì được thưởng 3 triệu đồng, còn tết âm nhiều hơn được 8 triệu. Năm nay em cũng không hi vọng gì nhiều chỉ mong được bằng nửa mọi năm là đã thấy mừng rồi”, anh Trường bùi ngùi kể.

Anh Nông Huỳnh trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam thông qua bức màn cách ly.

Anh Nông Huỳnh trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam thông qua bức màn cách ly.

Những năm trước khi có dịch bệnh, vào đầu tháng 12, các báo cáo về thưởng tết đã được doanh nghiệp gửi về cơ quan chức năng như Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương hay công đoàn các ngành… Nhưng năm nay, số lượng các doanh nghiệp gửi báo cáo về sở cũng rất “hạn chế”.

Năm nay, mức thưởng tết năm 2022 được dự báo sẽ rất khó khăn. Chỉ một số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như: công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021. Trong khi đó, một số ngành nghề như du lịch, vận tải có thể không có thưởng tết hoặc thưởng ở mức thấp, chỉ để giữ chân lao động.

Tuy nhiên, mức bình quân chung vẫn là một tháng lương cơ bản. Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng hỗ trợ với doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, 8 triệu lao động sẽ được chăm lo tết từ nguồn kinh phí công đoàn. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với người lao động và là sự san sẻ nỗi lo, gánh nặng cho doanh nghiệp.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.