Rừng xanh nơi đầu sóng ngọn gió

Vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) bao gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Xưa nay, nhiều người vẫn quen gọi vùng đất này là Miệt Thứ, do địa danh được đặt theo thứ tự từ Thứ Hai đến Thứ Mười Một lần lượt trải dài từ An Biên đến An Minh. Mỗi “Thứ” tương ứng với một con rạch (thập câu – mười con rạch) chảy từ đất liền đổ ra biển Tây. Cửa rạch đổ ra biển tạo thành bãi bồi, hình thành nên những cánh rừng ngập mặn, với đặc thù là các loại cây mắm, đước, sú, bần…

Theo chân cán bộ Ban quản lý rừng Kiên Giang đi vỏ máy trên các con rạch trổ thẳng ra biển. Khi quay đầu nhìn vào bờ, trước mắt chúng tôi là những vạt rừng ngập mặn xanh ngát, với chức năng phòng hộ vững chắc, như những bức tường xanh. Rừng ngập mặn theo chân bãi bồi cứ lấn dần ra biển. Khi trái già rụng xuống trôi ra biển, gặp sóng đánh tấp vào bãi bồi và chúng bám ở đó tự nẩy mầm, lên cây, thành rừng.

Theo kinh nghiệm của những người dân sống ven biển thì rừng ngập mặn hình thành theo quy luật “cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Bởi cây mắm có sức sống mãnh liệt, đóng vai trò tiên phong lấn ra biển. Cây mắm có rễ châm nơm bám chặt vào đất, giữ phù sa, bồi lắng, tích tụ lâu ngày trở thành bãi bồi, hình thành vùng đất mới để cây đước và các loại cây khác phát triển, quần tụ thành rừng.

Rừng phòng hộ ven biển tại Kiên Giang phân bố chủ yếu dọc theo trên 200km bờ biển, từ rạch Tiểu Dừa (huyện An Minh) tiếp giáp với tỉnh Cà Mau đến thành phố Hà Tiên, giáp biên giới Việt Nam – Campuchia. Tùy từng khu vực và địa hình mà đai rừng dày hay mỏng, hình thành nên dải rừng ngập mặn với tổng diện tích  2.894ha. Ngoài ra, Kiên Giang còn có rừng phòng hộ ở quanh các đảo.

Rừng phòng hộ ven biển tại Kiên Giang khá phong phú về chủng loài, trong tổng số 39 loài cây rừng ngập mặn của Việt Nam thì Kiên Giang có tới 27 loài. Trong đó, mắm là loài cây chiếm ưu thế, với tỷ lệ trên 50% thành phần rừng ngập mặn ven biển. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của các loài cây quý hiếm như cóc đỏ, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, được phân bố rải rác ở bờ biển từ Hòn Đất đến Hà Tiên.

Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 82.652ha. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 39.808ha, rừng phòng hộ 31.457ha, còn lại là rừng sản xuất. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 9/15 huyện, thành phố và đã được giao cho các chủ thể quản lý gồm: Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc, Ban quản lý rừng Kiên Giang, Ban quản lý Dự án lâm trường 442 và các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết cực đoan, mưa bão, sóng gió đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở các khu vực ven biển, ảnh hưởng lớn đến rừng phòng hộ. Nếu không có biện pháp ngăn chặn xói lở hiệu quả thì trong thời gian tới diện tích rừng ngập mặn sẽ bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ nhiều khu vực mất rừng phòng hộ là rất lớn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, các bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi lở bờ biển diễn ra theo mùa và theo điều kiện thời tiết, cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển Tây.

Đặc biệt, từ khi ĐBSCL bị giảm và mất lũ mùa nước nổi hàng năm, lượng phù sa theo nước lũ thoát ra biển Tây ít, làm suy giảm nguồn bồi lắng ven bờ. Do đó, dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình hình sạt lở vẫn nhiều hơn là bồi tụ. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là làm kè phá sóng, gây bồi, tạo bãi và trồng tái tạo rừng phòng hộ ven biển.

 

Từ nhiều năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau và các giải pháp kỹ thuật, trong đó có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Kiên Giang đã tổ chức trồng phục hồi trồng rừng phòng hộ ở một số đoạn đê biển bị xói lở nghiêm trọng. Khi gây bồi tạo bãi và trồng rừng thành công, qua từng năm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn được cải thiện giúp bảo vệ cộng đồng ven biển trước thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.

Minh chứng cho thấy, những nơi nào rừng phòng hộ được bảo vệ, chăm sóc tốt, sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng trước thiên tai, mưa bão, nhờ tác dụng giảm sóng, gió và bảo vệ hiệu quả đê biển. Mặt khác, khi rừng ngập mặn ven biển được khôi phục còn tạo ra môi trường lý tưởng để các loài hải sản sinh đẻ, tái tạo nguồn lợi, tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển.

Không những thế, rừng ngập mặn còn đóng vai trò là bể chứa carbon giúp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Các loại cây ngập mặn trồng thêm cũng đã tạo ra được những tác động tích cực, giúp ổn định vùng bãi bồi và biến chúng trở thành vùng rừng đa mục đích.

Thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành chính sách giao khoán rừng cho người dân, giúp họ phát triển sinh kế và đồng quản lý, bảo vệ rừng với ngành chức năng.

Đây được xem là giải pháp hiệu quả, không chỉ ngăn chặn được tình trạng người dân chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng mà còn khuyến khích họ nâng cao ý thức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến nay, đã có hàng ngàn hộ dân được giao khoán rừng, với tổng diện tích được ngành chức năng giao khoán trên 10.000ha, gồm hơn 5.900ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên 4.130ha.

Theo đó, trên diện tích nhận giao khoán đất rừng phòng hộ, người dân phải giữ 70% diện tích cây rừng, còn lại khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, cá và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Qua đó giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ các mô hình sản xuất dưới tán rừng.

Hộ anh Trần Hoàng Tuấn (ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) đang nhận khoán hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển. Ngoài diện tích rừng phải giữ, chăm sóc bảo vệ theo quy định, còn lại anh Tuấn khai thác vùng mặt nước để đầu tư nuôi hải sản, bằng việc nuôi xen ghép nhiều đối tượng như tôm sú, sò huyết và cua biển.

Theo anh Tuấn, sống ở vùng ven biển, đã trải qua nhiều đợt thiên tai mưa bão, nên người dân nơi đây ai cũng ý thức về tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển. Một khi đã mất rừng hoặc có những đai rừng quá mỏng thì người dân cũng không thể trụ nổi khi vào mùa mưa bão, sóng gió càn quét. Càng gần biển, khi có mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao là sóng đánh rất mạnh. Khi xảy ra vỡ đê, nước tràn bờ thì tôm, cua nuôi sẽ thoát hết ra biển, mất nguồn thu. Nhờ có rừng phòng hộ che chắn, tạo thành bức tường chắn sóng bảo vệ nên người dân giữ được thành quả lao động và ổn định được cuộc sống ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Thực tế, các chính sách về trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng phòng hộ ven biển bước đầu đã đảm bảo quyền lợi cho người dân khi nhận giao khoán và giúp thúc đẩy, phát triển nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Thành công của các mô hình kinh tế dưới tán rừng còn được xem là hướng đi đúng đắn cho người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển có rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống kè bảo vệ bờ biển, đê biển ở những nơi sạt lở nghiệm trọng. Cùng với đó là triển khai các dự án trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Điển hình là các dự án trồng rừng thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Hòn Đất - Kiên Hà (Kiên Lương, Hà Tiên); Dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2015 – 2020; Dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển trên địa bàn huyện Hòn Đất và huyện An Biên.

Tại khu vực Mũi Rãnh (huyện An Biên) trước đây là điểm chịu tác động và sạt lở khá nghiêm trọng, cây rừng phòng hộ bị đánh bật gốc và cuốn trôi ra biển. Thế nhưng, từ khi được đầu tư hệ thống kè bằng cừ bê tông 2 lớp, ở giữa thả đá hộc, đã giúp bảo vệ hiệu quả rừng phòng hộ và đê biển. Đây là loại kè bảo vệ bờ biển rất hiệu quả, khi sóng đánh vào sẽ bị triệt tiêu, nhưng nước và phù sa vẫn len qua kẽ đá tràn vào trong, lắng đọng gây bồi tạo bãi. Từ đó, tạo ra quỹ đất để trồng lại rừng phòng hộ ven biển, khôi phục lại lá chắn xanh trước biển.

Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, kè khu vực Mũi Rãnh là tiểu dự án số 9 (WB9), đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Sau khi có kè chống sạt lở và được gây bồi tạo bãi, sẽ tiến hành trồng lại rừng (chủ yếu là cây mắm trắng) và chăm sóc, bảo vệ cho đến khi phát triển thành rừng. Với sự hỗ trợ của các dự án, nhiều diện tích ven biển từng bị sạt lở đã được khôi phục trồng lại rừng. Khi trồng rừng thành công, tạo thành “lá chắn xanh” trước biển, những mối đe doạ từ thiên nhiên sẽ được giảm thiểu.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng được gần 69km kè chắn sóng, bảo vệ đê biển và góp phần khôi phục rừng phòng hộ ven đê biển Tây, giúp người dân yên tâm phát triển sinh kế, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

Riêng trong năm 2024, tiếp tục triển khai 2 dự án kè phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần (huyện An Biên - An Minh) có chiều dài khoảng 11km và dự án đầu tư xử lý sạt lở bờ biển huyện Hòn Đất có chiều dài khoảng 11km.

Theo ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khi kè chắn sóng được đầu tư hoàn thành sẽ góp phần hạn chế sạt lở, mất đất, mất rừng phòng hộ ở đê biển Tây. Địa phương cũng có kế hoạch trồng rừng phía trong kè để tạo môi trường cho các loài thủy sản phát triển, tạo sinh kế cho người dân ven biển ổn định cuộc sống.  

Hiện nay, nhiều dự án trồng rừng, khôi phục lại rừng đang được Sở NN-PTNT Kiên Giang giao cho Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng Kiên Giang tiếp tục triển khai. Cụ thể, đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán công trình trồng 20 ha rừng đặc dụng Phú Quốc. Cùng với đó là thực hiện khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên diện tích thực hiện tại Vườn quốc gia Phú Quốc là 122 ha. Trồng rừng thay thế, hoàn thiện hồ sơ thiết kế trồng rừng, chăm sóc rừng 160ha, đồng thời xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế cho năm 2025 khoảng 120ha và những năm tiếp theo, diện tích dự kiến 217ha.

Thẩm định công trình trồng rừng đặc dụng, diện tích 3,2ha thuộc Dự án Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2026 tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Công trình trồng rừng phòng hộ, diện tích 7,4 ha thuộc Dự án Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2026, tại xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng.

Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn, vận động hộ dân thực hiện chăm sóc rừng đước trong khu vực nhận khoán trên địa bàn huyện Hòn Đất năm thứ 3 với diện tích hơn 20ha. Kiểm tra diện tích rừng trồng trên đất nhận khoán của công trình 23ha và 65ha tại xã Thuận Hòa, Tân Thạnh và Đông Hưng A, với tổng số 144 hộ dân huyện An Minh tham gia thực hiện.

Với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, nhiều dự án trồng rừng, khôi phục diện tích rừng ngập mặn ven biển đã được triển khai thực hiện. Trong đó, có Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, với tổng kinh phí lên đến 24 triệu euro. Đây là dự án triển khai bằng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) là 18 triệu euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6 triệu euro. Mục tiêu của dự án là nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng nước biển dâng và các tác động do biến đổi khí hậu, bảo vệ vùng ven biển một cách hiệu quả, phát triển sinh kế bền vững cho các khu vực thuộc vùng hưởng lợi.

Xây dựng, củng cố đê biển hiện tại thành đê biển cấp 2 để ngăn mặn, triều cường, nước biển dâng, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, gió bão, giảm cường độ sóng biển để từ đó tạo ra các bãi bồi phục vụ công tác trồng rừng. Trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống rừng phòng hộ ven biển, và tăng cường giá trị đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho đội ngũ quản lý ở từng địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân vùng ven biển đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời kỳ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và các mô hình sinh kế bền vững.

Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm đạt được các mục tiêu phòng chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ có khoảng gần 3.000 ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, cùng với 19 km đê kè chắn sóng được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Qua đó, góp phần bảo vệ tuyến đê biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ gần 300.000 ha nuôi trồng thủy sản và 56.000 ha đất trồng lúa, với khoảng 18.000 người dân thuộc 6 huyện ven biển của 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau được hưởng lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định, nâng cao đời sống dân sinh.

Đào Trung Chánh
Trọng Toàn
Trung Chánh
Trung Chánh – Văn Vũ