Sản phẩm OCOP trà xanh Núi Ngọc chinh phục trời Tây

Trà xanh Núi Ngọc đang là sản phẩm OCOP nhiều sao nhất của Hải Phòng, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn đủ điều kiện vươn ra thị trường quốc tế.

Sau nhiều năm triển khai chương trình OCOP tại Hải Phòng, đến nay mới chỉ có trà Núi Ngọc tham gia 5 sản phẩm và cả 5 đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của TP Hải Phòng chấm trên 90 điểm (tương đương với hạng 5 sao) và đã đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đánh giá xếp hạng.

Cũng như hàng loạt sản phẩm OCOP khác, đằng sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện, có cả văn hóa, có cả phong tục tập quán địa phương, thậm chí là cả tâm linh trong đó. Với trà Núi Ngọc, câu chuyện đằng sau chính là ngọn núi thiêng, là dòng suối không bao giờ cạn, là nơi có địa thế độc đáo hiếm có ven biển.

Về vùng đất này, chị Vũ Thị Bộ, Giám đốc Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội cộng đồng xanh - chủ sở hữu sản phẩm Trà Núi Ngọc chia sẻ: Núi Ngọc, quận Đồ Sơn là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử bậc nhất ở Hải Phòng, tại đây hiện nay vẫn còn sự hiển diện của Tháp Tường Long (còn gọi là Tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Theo sách “Đại Việt sử lược”, năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp.

Nhắc đến vùng đất này, người Đồ Sơn vẫn có câu: “Nước suối Rồng vừa trong vừa mát/Ðường Ðồ Sơn lắm cát dễ đi”, câu thơ có nhắc đến suối Rồng như một địa danh rất đáng tự hào của người Đồ Sơn.

Suối Rồng chảy ra từ lòng núi Ngọc, ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Chín Rồng thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên. Theo ông Hoàng Gia Bổn – thủ hương của đền Cô Chín thì từ thuở khai sơn lập địa, vùng đất Đồ Sơn đã hơn 1.300 năm chưa bao giờ thấy dòng suối cạn nước.

Nước suối Rồng quanh năm trong vắt, mùa hè thì mát lạnh còn mùa đông thì ấm. Người dân đến đền cầu khấn đều ghé vào để xin nước gột sạch bụi trần trước khi vào dâng hương. Ngoài ra, có không ít người đến đền hứng nước suối Rồng với mong muốn có được may mắn và an yên trong cuộc sống.

Tại ngọn núi này, hiện vẫn còn giữ được 17 cây thị cổ thụ tồn tại tới 700-800 năm, là cây di sản Việt Nam đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chứng nhận.

Đáng nói, trên núi Ngọc đang có nhiều cây trà xanh cổ thụ không biết từ bao đời vẫn xanh tốt quanh năm, dù không qua quá trình chăm bón. Trà xanh ở đây bao đời nay được nuôi dưỡng từ mảnh đất màu mỡ trên Núi Ngọc ít ai động đến và dòng nước ngầm của suối Rồng. Với kinh nghiệm trồng trọt, thu hái, chế biến trà hàng trăm năm của người dân vùng biển Đồ Sơn đã tạo ra hương vị, giá trị riêng cho cây trà ở đây.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, hiện tại ở Núi Ngọc có khoảng 7-8ha chè xanh, diện tích này không tập trung mà phân tán theo từng hộ. Cây chè đã có mặt tại địa phương vài trăm năm nay, do khí hậu thổ nhưỡng nên rất thơm, ngon, được người dân và khách du lịch ưa thích. Hiện tại chè Núi Ngọc được chế biến thành những sản phẩm OCOP, có giá trị. Địa phương đang có những chủ trương để bảo vệ vùng chè cổ, vừa phục vụ du lịch, vừa gìn giữ những giá trị mà trời đất ban tặng nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân.

Nữ doanh nhân Vũ Thị Bộ là người phụ nữ còn rất trẻ, sinh ra tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Sau 9 năm gắn bó với cơ quan Nhà nước và tham gia các hoạt động xã hội, cảm thấy cần thay đổi môi trường làm việc để có thời gian đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống, chị Bộ rẽ ngang tìm hướng đi mới phát triển sự nghiệp.

Năm 2019, chị Bộ chính thức nghỉ việc rồi phối hợp với bạn bè thành lập Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội và cộng đồng xanh với mục tiêu ban đầu là sẽ dùng 51% lợi nhuận có được để làm các hoạt động xã hội, môi trường.

Dù mục đích tốt đẹp và được nhiều người chung tay ủng hộ nhưng do chưa có kinh nghiệm, thêm vào đó, thời điểm này các hoạt động xã hội trong cả nước phát triển mạnh, nhiều đơn vị có tên tuổi đã thành công nên sau thời ngắn, hoạt động của công ty rơi vào khó khăn, nguồn vốn vơi dần. Không chịu nổi áp lực, những người bạn cùng đứng ra thành lập công ty rút dần, quay đi quay lại cuối cùng chỉ còn một mình chị bám trụ.

Bước đầu khởi nghiệp coi như thất bại, nguồn vốn thì đã hết nhưng nhiệt huyết vẫn còn tràn trề nên chị tiếp tục tìm tòi, học hỏi để tìm ra con đường phát triển mới để vừa duy trì hoạt động, vừa có nguồn vốn dành cho các hoạt động xã hội.

“Lúc đó, tôi đã trăn trở làm thế nào để có một sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng, cái gì mới mẻ nhất, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất thì khai thác, để cho ra sản phẩm sản xuất tại Hải Phòng, mang thương hiệu Hải Phòng”, chị Bộ nhớ lại.

Trời không phụ người có tâm và nhiệt huyết, cuối cùng cơ duyên cũng đến với chị Bộ. Trong một lần đến thăm Tháp Tường Long ở Núi Ngọc, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, nhìn thấy những cây chè cao chót vót, lá xanh mướt, trong đầu chị Bộ đã “nảy số” ngay: ”Tháp Tường Long xuất hiện cả nghìn năm nay, những cây chè này chắc hẳn phải lâu đời rồi và có giá trị”. Chị quyết định dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu. Và đó cũng là cơ duyên đưa nữ doanh nhân 8X tìm đến, nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm Trà Núi Ngọc như hôm nay.

“Khi tôi tìm hiểu, hỏi những người già nhất ở Đồ Sơn, ai cũng đều khẳng định lớn lên đã thấy cây trà và không biết có từ bao giờ. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho người dân vay vốn để bảo tồn cây trà xanh trên Núi Ngọc. Đây là sản phẩm tự nhiên, đem lại giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng”, chị Vũ Thị Bộ nhớ lại.

Sau khi quyết định sẽ “sống chết” với các sản phẩm trà, tháng 8/2020, chị bắt tay vào tìm hiểu từ chính quyền địa phương, người dân về nguồn gốc, quy trình chăm sóc trà.

Chị Bộ chia sẻ, khi tham gia chương trình OCOP, thuận lợi mà doanh nghiệp nhận được đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương, của ngành nông nghiệp, từ những người lãnh đạo cao nhất đến người phụ trách, rồi các phòng, ban. "Các cơ quan chức năng luôn trao đổi, thông tin để chúng tôi tiếp cận chương trình OCOP một cách tốt nhất", chị nói.

Dù vậy, cũng như những chủ sở hữu sản phẩm OCOP khác, chị Bộ phải trải qua quá trình khá gian nan trong việc tiếp cận, làm sản phẩm mới. Bên cạnh đó, do không phải là người Đồ Sơn nên chị mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu được câu chuyện đằng sau những cây trà cổ thụ cũng như giá trị văn hóa, lịch sử của ngọn núi linh thiêng này.

Vì thế, dù quyết tâm học hỏi, tìm hiểu rất kỹ lưỡng nhưng cũng phải mất 2 tháng trời xoay vần với quy trình chế biến, chị Bộ và nhân viên mới sản xuất thành công sản phẩm đầu tiên, đó là Trà Xanh.

Sau này, khi đưa sản phẩm đầu tiên ra thị trường, được người tiêu dùng đánh giá tốt, bán được, có vốn, chị Bộ mới dám tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm 4 sản phẩm nữa gồm: Bột trà xanh, Trà Sâm nam, Trà góp và Trà sen. Tất cả đều được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, kết quả khiến ai cũng bất ngờ.

Về tên thương hiệu là "Trà Núi Ngọc", chị Bộ cho biết, đặt tên như vậy để đánh dấu nguồn gốc, nơi hình thành sản phẩm, các sản phẩm trà được sản xuất, khai thác, nghiên cứu tại ngọn núi linh thiêng, nhiều dấu tích lịch sử của đất nước.

Ngoài giá trị về sức khỏe, các sản phẩm Trà Núi Ngọc còn mang giá trị về văn hóa, về lịch sử, du lịch nên sản phẩm cũng là để tôn vinh hình ảnh, nét đẹp văn hóa, mảnh đất và con người Đồ Sơn.

“Có 5 sản phẩm mang thương hiệu Trà Núi Ngọc, mỗi sản phẩm đều có hình ảnh nổi tiếng của đất Đồ Sơn như Tháp Tường Long, đảo Hoa Phượng. Chúng tôi tập trung phát triển sản phẩm theo hướng tối ưu hóa, đa giá trị, kết hợp với văn hóa và du lịch. Mỗi địa danh của Đồ Sơn đều mang nét văn hóa độc đáo, đều có yếu tố lịch sử. Uống trà Núi Ngọc, chúng ta có thể biết thêm về các địa danh độc đáo của Đồ Sơn”, chị Bộ bộc bạch.

Cầm gói trà xanh trên tay, chị Bộ khoát tay khẳng định, các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, giữ nguyên được hương vị gốc của nguồn nguyên liệu, tươi, thơm. Để có được những sản phẩm này, doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị máy móc tốt nhất trên thị trường.

“Chúng tôi không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu. Vì lẽ đó nên hạn sử dụng của sản phẩm chỉ có 12 tháng. Đây là sự khác biệt so với nhiều sản phẩm trà khác trên thị trường. Trà Núi Ngọc là sản phẩm của sự an toàn và sẽ luôn là như vậy”, chị Bộ khẳng định.

Trên thực tế, sản phẩm Trà Núi Ngọc đã chứng minh được sự yêu thích, và chinh phục được thị trường trong nước cũng như thế giới. Quá trình sản xuất, tất cả các sản phẩm đều được đưa mẫu đi kiểm nghiệm ở những đơn vị uy tín, nhận về những đánh giá chất lượng được công nhận toàn cầu.

Bộ 5 sản phẩm "Trà Núi Ngọc" được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, giữ nguyên được tinh chất đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu.

Thành công chinh phục thị trường quốc tế, Trà Núi Ngọc đã xuất bán sang Mỹ 5.000 hộp/tháng từ tháng 9/2021.

“Mỹ là thị trường khó tính, khi tiếp cận thị trường này, sản phẩm Trà Núi Ngọc phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác, kiểm soát được chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2008 và buộc phải có giấy chứng nhận FDA của nước này. Đơn hàng xuất khẩu Trà Núi Ngọc đầu tiên sang thị trường khó tính như Mỹ sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm của công ty tiếp cận sang các nước khác”, chị Bộ cho hay.

Ngoài đưa Trà Núi Ngọc tới Mỹ, sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm trà còn được tiếp cận và phân phối cho 15 đại lý tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Doanh thu công ty cũng lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội cộng đồng xanh còn đang hướng đến tiếp cận các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, các ki-ốt ven bãi biển Đồ Sơn, phố đi bộ, các điểm du lịch tâm linh.

“Đây là sản phẩm hữu cơ, được sản xuất với quy trình hiện đại để trà lưu giữ nguyên tinh chất gốc. Khi đưa đi kiểm nghiệm, phù hợp với các tiêu chuẩn của nhiều nước, ví dụ như Mỹ. Bảng dinh dưỡng chúng tôi thiết kế trên bao bì được tập đoàn kiểm nghiệm toàn cầu đánh giá cao. Tôi mong muốn sản phẩm trà đầu tiên của Hải Phòng đến được mọi miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới”, chị Bộ chia sẻ.

Theo ông Tăng Xuân Thọ, qua 5 năm triển khai Chương trình OCOP tại Hải Phòng (2018-2023), các sản phẩm OCOP cơ bản phát huy được giá trị sản xuất, lợi thế của mỗi địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, Hải Phòng đã có 184 sản phẩm OCOP nhưng hiện tại chỉ có 5 sản phẩm của Trà Núi Ngọc được Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố đánh giá đạt trên 90 điểm (tương đương với 5 sao).

Từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, các đơn vị liên quan trực thuộc Sở đã kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, các đơn vị có sàn giao dịch thương mại điện tử như: Bưu điện Hải Phòng và Công ty TNHH F24.

Thời gian tới, TP. Hải Phòng tiếp tục xác định triển khai thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Đây cũng được xem là giải pháp để thành phố hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đinh Mười
Trọng Toàn
Đinh Mười