Sứ mệnh lịch sử của phái đoàn nông nghiệp lớn nhất từ Mỹ đến Việt Nam

Dưới sự dẫn đầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) Alexis Taylor, đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ lớn nhất trong lịch sử quan hệ song phương đã đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm tròn 1 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam. Phái đoàn phản ánh sự đa dạng và quy mô của nền nông nghiệp Mỹ, gồm 9 đại diện từ Sở Nông nghiệp của các tiểu bang, 35 doanh nghiệp và 25 hiệp hội ngành hàng, phản ánh sự đa dạng và quy mô của nền nông nghiệp Mỹ.

Với mục tiêu thúc đẩy giao thương nông sản, các đại diện Hoa Kỳ đưa ra những lời khuyên để có thêm nhiều sản phẩm thương hiệu Việt được bày bán trên các kệ của Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà quản lý của những tiểu bang có thế mạnh về nông nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo Sở Nông nghiệp các tiểu bang để tìm hiểu khả năng tiếp cận thị trường các mặt hàng gỗ, trái cây và thịt bò của doanh nghiệp hai nước.

Ông Andy Holt - Trợ lý Ủy viên Phát triển Kinh doanh của Sở Nông nghiệp Tennessee cho biết, chuyến đi này là lần thứ 3 ông đến thăm Việt Nam. Lần đầu tiên đến tìm hiểu thị trường gỗ, ngài Trợ lý đã ấn tượng với ngành sản xuất đồ nội thất và nhanh chóng nhận ra rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng.

“Tôi biết Việt Nam có thế mạnh trong ngành sản xuất đồ nội thất với sự phát triển vượt bậc, chỉ đứng sau Trung Quốc về quy mô. Nhưng đến khi được chứng kiến tận mắt, tôi mới hiểu được sức dồi dào trong lực lượng lao động của bạn, cùng trình độ chuyên môn cao và cơ sở hạ tầng sản xuất tiên tiến”, ông Andy bộc bạch.

Qua tìm hiểu sâu hơn về công nghiệp gỗ ở Việt Nam, ông đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp gỗ muốn xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ.

Trước hết, đại diện bang Tennessee khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau của ngành công nghiệp gỗ hai nước. Với thế mạnh của Hoa Kỳ là nguồn cung gỗ thô chất lượng, các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam có thể nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu từ Hoa Kỳ.

Ông cũng chia sẻ thêm về cam kết của Hoa Kỳ đối với nguồn cung ứng gỗ có trách nhiệm. Với độ che phủ rừng lên đến 54%, bang Tennessee tự hào là nhà cung cấp vật liệu gỗ uy tín thế giới. Ngoài việc đảm bảo nguyên liệu gỗ được khai thác hợp pháp, các chủ rừng còn cam kết sẽ trồng lại trung bình 1,6 cây gỗ với mỗi cây bị chặt khỏi rừng.

Việt Nam tìm nguồn cung ứng gỗ từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, là một chiến lược khôn ngoan. Ông Holt khẳng định: “Ngành gỗ Việt Nam tỏa sáng với khả năng sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, nên các bạn có thể nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến thành phẩm hoàn chỉnh, sau đó tái xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường toàn cầu khác”.

Một trong những lợi thế lớn của ngành gỗ tại Hoa Kỳ là hệ thống phân loại gỗ cứng của Hiệp hội Gỗ cứng Quốc gia (National Hardwood Lumber Association - NHLA). Hiệp hội phân loại chất lượng gỗ theo 5 hạng: từ FAS (Hạng nhất và Hạng nhì) đến các loại phổ biến (Số 1, Số  2AC, số 2AB). Các nhà sản xuất Việt Nam có thể lựa chọn loại nguyên liệu phù hợp với nhu cầu sản xuất và ngân sách của mình.

Lựa chọn nguyên liệu phù hợp còn cho phép các nhà sản xuất trong nước xử lý gỗ theo đúng thông số kỹ thuật của mình. Ví dụ, nếu nhà sản xuất đồ nội thất cần gỗ chất lượng cao, đồng đều, họ có thể chọn gỗ xẻ loại FAS. Ngược lại, nếu họ cần gỗ sẽ được phủ bởi các vật liệu khác và vẻ ngoài không quá quan trọng, họ có thể lựa chọn gỗ cấp thấp hơn với mức giá hợp lý hơn.

“Mục tiêu quan trọng nhất của ngành gỗ Hoa Kỳ là hỗ trợ các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam, cung cấp những sản phẩm gỗ bền vững và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng về chất lượng cũng như ngân sách của nhà sản xuất”, ông Holt khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Nông nghiệp California (CDFA) Karen Ross nhấn mạnh về sự đa dạng của cộng đồng nông dân tại bang này. Bang California có cộng đồng nông dân gốc Á mạnh mẽ, chuyên canh tác các loại rau gia vị gốc Á và quả mọng tươi.

Nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm gốc Á ở đây còn rất lớn, đặc biệt ở thủ phủ San Francisco. Bộ trưởng cho hay: “Nhiều người California rất thích ẩm thực Việt Nam. Họ không chỉ ăn ngoài tiệm mà còn nấu ăn ở nhà. Thật tuyệt khi có thể dễ dàng tiếp cận các nguyên liệu chính thống tại các chợ nông sản và cửa hàng tạp hóa địa phương”.

Bên cạnh đó, trái thanh long ngày càng được ưa chuộng ở California. Lần đầu tiên trái thanh long xuất hiện ở siêu thị, nhiều người tiêu dùng còn tỏ ra thờ ơ, nhưng qua thời gian, vị ngọt và thanh mát của thanh long để lại nhiều ấn tượng. Dù vậy, nhu cầu cho quả thanh long tăng lên đúng lúc đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn về chuỗi cung ứng.

Qua những lần làm việc với Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng CDFA hiểu được ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là mở rộng thị trường cho các loại trái cây nhiệt đới như chanh dây, ổi và mít. Bà Ross khuyến nghị Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể để thâm nhập thị trường người Mỹ gốc Á đầy tiềm năng này.

“Những loại trái cây nhiệt đới thế mạnh của Việt Nam có thể còn xa lạ với người tiêu dùng Hoa Kỳ. Do đó, các cơ quan và doanh nghiệp nước bạn cần kiên nhẫn và tiếp cận bài bản. Để sản phẩm được đón nhận, các bạn hãy cho người tiêu dùng nếm thử các loại quả theo đúng cách mà người Việt thưởng thức hương vị nhiệt đới”, Bộ trưởng Ross khuyến nghị.

Điều đặc biệt thú vị ở California là vai trò của các sinh viên Việt Nam và Đông Nam Á trong việc xây dựng cầu nối văn hóa và học thuật. Đông đảo du học sinh Việt Nam ở California chính là đại sứ văn hóa của nền ẩm thực Việt.

Với đam mê giới thiệu nông sản Việt Nam ra thế giới, nhiều sinh viên quay trở lại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học. Họ trở thành những nhà lãnh đạo trong ngành nông nghiệp và kinh doanh, tiếp tục củng cố mối quan hệ thương mại và hợp tác giữa hai quốc gia.

Lãnh đạo CDFA coi mối quan hệ hợp tác với Bộ NN-PTNT như việc “gieo mầm hạt giống cho tương lai”. Bà kỳ vọng nền nông nghiệp hai nước sẽ có những bước tiến vững chắc, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong giáo dục - đào tạo.

CDFA đã nhiều lần đón các đoàn chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT sang Mỹ tìm hiểu quy trình kiểm dịch thực vật. Qua đó, hai bên hiểu rõ hơn về yêu cầu pháp lý, tạo thuận lợi cho đàm phán thương mại nông sản.

Thêm nữa, cả Việt Nam và California đều coi chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thông minh sẽ là chìa khóa để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Karen Ross đánh giá cao tiếp cận của Bộ NN-PTNT khi luôn lấy nông dân làm động lực phát triển kinh tế.

Nebraska tự hào là một trong những địa phương sản xuất thịt bò chất lượng nhất tại Hoa Kỳ. Thiên nhiên thuận lợi tạo điều kiện cho việc chăn thả bò tự nhiên, không có sự can thiệp của hóa chất. Bò Nebraska ăn ngô, đậu nành và lúa mạch, nên có thịt mềm và hương vị thơm ngon nổi tiếng thế giới.

Trong chuyến thăm lần này, bà Hilary Mericle - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nebraska đã nhận định tiềm năng giới thiệu các sản phẩm thịt bò đến Việt Nam.

Bà Mericle khẳng định: “Sản phẩm thịt bò từ Nebraska luôn đạt chất lượng ổn định, mang lại sự tin cậy cho người tiêu dùng. Việc đảm bảo người dân có đủ lượng protein trong chế độ ăn uống là rất quan trọng cho sức khỏe cộng đồng”.

Lãnh đạo Nebraska bày tỏ mong muốn chia sẻ những sản phẩm thịt bò chất lượng này với người tiêu dùng Việt Nam, với hy vọng cung cấp thêm lựa chọn cho nhu cầu thực phẩm an toàn và bổ dưỡng.

Ngoài ra, bang Nebraska nhận thấy tiềm năng lớn trong hợp tác giáo dục giữa hai nước. Đại học Nebraska có chương trình trao đổi giáo dục về nông nghiệp thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng mà Nebraska đang triển khai là giảm khí thải metan từ chăn nuôi thông qua các chất phụ gia thức ăn và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong những năm gần đây, các sinh viên sau khi tốt nghiệp đã triển khai hệ thống chuồng trại khép kín nhằm giảm áp lực cho các trang trại chăn nuôi truyền thống.

Bà Mericle cho rằng, sinh viên Việt Nam đến Nebraska sẽ có cơ hội học hỏi về sản xuất nông nghiệp và thực hành trực tiếp tại các cơ sở đào tạo lân cận. Sau khi trở về, họ có thể áp dụng những kiến thức này vào các ngành nông nghiệp ở Việt Nam, góp phần phát triển quê hương.

Một trong những tiến bộ nổi bật là mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Với mô hình này, chất thải chăn nuôi được xử lý thành phân bón hữu cơ cho cây lương thực, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất. Bang Nebraska đã phát triển công nghệ đo lường hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón, giúp nông dân xác định tỷ lệ bón tối ưu cho mỗi chu kỳ trồng trọt, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không chỉ những trang trại quy mô lớn, Nebraska còn cung cấp nhiều giải pháp phù hợp cho nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ví dụ, trong sản xuất thịt lợn, các nông hộ nhỏ có thể dễ dàng quản lý sức khỏe đất bằng cách luân chuyển chuồng trại để phân bổ đều lượng phốt pho trong đất. Trong trồng trọt, thay vì bón phân quá nhiều vào một khu vực năm này qua năm khác, nông dân có thể phân bổ phân bón đều trên nhiều khu đất của trang trại, đảm bảo chất lượng đất trên toàn bộ diện tích.

“Điều tuyệt vời của công nghệ nông nghiệp hiện nay là tính linh hoạt trong ứng dụng thực tiễn”, bà Mericle nhấn mạnh. “Công nghệ này có thể được điều chỉnh để phù hợp với quy mô trang trại từ nhỏ đến lớn, tạo ra những giải pháp hữu ích cho tất cả các nông dân”.

Trong bài phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Alexis Taylor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nhu cầu thị trường Việt Nam và xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác trong nước.

"Việt Nam là đất nước duy nhất tôi đến thăm hai lần kể từ khi phụ trách lĩnh vực thương mại nông nghiệp đối ngoại tại USDA. Điều này khẳng định mối quan tâm của chúng tôi đối với mở rộng giao thương nông sản và thiết lập mối quan hệ lâu dài với Việt Nam", Thứ trưởng Taylor chia sẻ.

Thứ trưởng phụ trách thương mại và nông nghiệp đối ngoại còn chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về nỗ lực hợp tác quan trọng nhằm hiện thực hóa Năm Quốc tế Phụ nữ Nông dân 2026.

Bà Taylor bộc bạch: “Là một phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về tuyên bố của Bộ Nông nghiệp hoa Kỳ về Năm quốc tế Nữ nông dân. Thật vinh dự khi tôi được có mặt tại Liên hợp quốc vào tháng 5/2024 và chứng kiến sự hỗ trợ nồng nhiệt từ Việt Nam trong suốt quá trình phát triển và thông qua nghị quyết này”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, lãnh đạo USDA vui mừng trước sự ủng hộ “Năm quốc tế Nữ nông dân” từ phía Bộ NN-PTNT. Trong cuộc họp song phương với phái đoàn Hoa Kỳ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ đánh giá cao ý tưởng do Hoa Kỳ khởi xướng là điểm sáng trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đại diện của USDA hiểu rằng, Việt Nam sở hữu một câu chuyện nông nghiệp độc đáo, nên việc chia sẻ những câu chuyện này là điều vô cùng quan trọng.

Chuỗi sự kiện Năm quốc tế Nữ nông dân (ngày 12 - 13/8/2024) chọn thủ đô Hà Nội làm điểm đến đầu tiên, tiếp tục chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức về vai trò phụ nữ trong nông nghiệp.

Chương trình đưa hai nông dân Mỹ là Jennifer Schmidt và Jaclyn Wilson đến Việt Nam giao lưu với sinh viên nông nghiệp và tham quan các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Qua đó, hai nữ nông dân Mỹ không chỉ có thêm hiểu biết về bối cảnh sản xuất ở Đông Nam Á, mà còn động viên cộng đồng phụ nữ làm nông ở Việt Nam tiếp tục dấn thân, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giàu giá trị dinh dưỡng.

Thông qua sáng kiến Năm quốc tế Nữ nông dân, Hoa Kỳ mong muốn đưa ra các giải pháp chính sách trong nước để nâng cao nhận thức về vai trò phụ nữ, đồng thời hướng tới những thay đổi cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn thế giới.

“Việc cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng gắn liền với nâng cao sinh kế cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp, khiến sứ mệnh này trở nên đặc biệt quan trọng cho tương lai chung của chúng ta”, Thứ trưởng Taylor gửi gắm kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong những nỗ lực chung, vì nền nông nghiệp công bằng và có lợi cho tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia.

Quỳnh Chi - Thanh Thủy
Tiến Thành
Tùng Đinh