Tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi: Một năm nhìn lại

Tháng 10/2019, Bộ NN-PTNT bắt đầu đẩy mạnh chủ trương tăng đàn, tái đàn lợn sau khi cơ bản không chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhìn lại hành trình và kết quả sau hơn một năm qua mới thấy được sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp khi phải đối phó với dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử này.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận lần đầu tiên khoảng những năm 1920 - 1921 tại Kenya, châu Phi nên được đặt tên là bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi sau đó lan sang một số nước châu Âu nhưng mức độ gây hại không quá lớn khi chỉ gây bệnh lẻ tẻ tại một số quốc gia suốt từ năm 1921 đến nay.

Dịch tả lợn Châu Phi chỉ thực sự bùng phát mạnh mẽ vào năm 2018 khi lần đầu tiên tại Trung Quốc, đất nước có tổng đầu lợn lớn nhất thế giới với khoảng trên 700 triệu con xuất hiện ca nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên vào tháng 5.

Sau khi xâm nhập vào Trung Quốc, chỉ trong thời gian ngắn bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng ra hầu khắp các tỉnh, thành của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Số lượng lợn bị chết và tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc theo khảo sát, công bố của một số tổ chức quốc tế có thể lên tới xấp xỉ 300 triệu con (chiếm gần 50% tổng đàn lợn của trung Quốc).

Do bị dịch tả lợn Châu Phi càn quét, giá lợn hơi tại Trung Quốc tăng mạnh nhất trong lịch sử, có vùng lên tới 120.000 - 140.000 đồng/kg hơi và duy trì cho đến tận thời điểm hiện tại, mức giá có thể nói là cao nhất thế giới.

Sau Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện đã lan rộng ra hàng chục quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cả châu Á, châu Âu và đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á hiện nay hầu hết đều đã ghi nhận những ca dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

 

Ngày 19/2/2019 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông tổ chức họp báo chính thức công bố xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam. Hai ổ dịch đầu tiên của cả nước xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, hai vùng chăn nuôi lớn thuộc miền Bắc.

Sau khi ghi nhận hai ổ dịch đầu tiên giữa trung tuần tháng 2/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu lây lan nhanh trên diện rộng ra hầu hết các tỉnh phía Bắc rồi sau đó tấn công vào các khu vực chăn nuôi phía Nam.

Tháng 9/2019, Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng trong 63 tỉnh, thành của cả nước công bố xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Suốt từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2019, với nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành, nhiều hội nghị, cuộc họp, hướng dẫn quyết liệt, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã từng bước khống chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Khi Ninh Thuận, tỉnh cuối cùng cả nước công bố dịch cũng là thời diểm dịch bệnh bước đầu được khống chế và lắng xuống.

Theo như chia sẻ của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nếu như Trung Quốc phải mất tới gần 2 năm mới khống chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi Việt Nam chỉ mất tới chưa đầy 1 năm đã hoàn thiện được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh.

Dù khống chế được sớm nhưng bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng gây thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam khi tổng số lượng lợn bị chết và tiêu hủy do dịch đến thời điểm hiện tại cũng lên tới 6 triệu con.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, tổng đàn lợn nái và lợn thịt của cả nước sụt giảm mạnh, nhiều tỉnh thành giảm tới trên 50%. Tổng số tiền đã chi cho việc hỗ trợ người chăn nuôi, công tác tiêu hủy, vật tư, thiết bị sát trùng, phòng, chống dịch bệnh lên tới trên 12.000 tỷ đồng.

Có lẽ, trong lịch sử dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm tại Việt Nam chưa bệnh dịch nào lại được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương như bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Trong đó, ngày 20/5, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau đó, ngày 18/06/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW.

Trước đó, ngay sau khi ghi nhận hai ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên và Thái Bình, ngày 20/02/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.

Ngoài ra, từ năm 2018 khi dịch bệnh tả lợn Châu Phi được ghi nhận tại Trung Quốc đến khi bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt Chỉ thị, Nghị quyết như Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7/3/2019; Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2019, Công điện 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018, Công điện 667/CĐ-TTg ngày 4/6/2019 đều liên quan tới hoạt động chỉ đạo, điều hành phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Về phía Bộ NN-PTN, từ năm 2018 đến 2020, tổng số văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan tới bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến nay đã lên tới hàng chục văn bản gửi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, số lượng hội nghị, hội thảo Bộ NN-PTNT tổ chức nhằm thúc đẩy tái đàn, tăng đàn, sớm cân bằng cung, cầu thịt lợn trong nước cũng lên tới hàng chục cuộc họp.

 

Trong khi Trung Quốc mất tới 2 năm mới cơ bản khống chế dược dịch tả lợn Châu Phi và đến nay vẫn chưa hạ nhiệt được giá lợn hơi thì Việt Nam chỉ mất chưa đầy một năm cho việc khống chế dịch và hơn 1 năm cho việc cân bằng cung cầu giá thịt lợn trên thị trường.

Có được thành quả này là nhờ kết quả từ chủ trương tái đàn, tăng đàn, các quyết sạch kịp thời mà Bộ NN-PTNT phát động, đẩy mạnh giúp giá lợn hơi hạ nhiệt trong thời gian vừa qua.

Đầu tiên phải kể đến việc Bộ NN-PTNT kịp thời ban hành hướng dẫn khuyến các cáo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống, dịch tả lợn Châu Phi, kêu gọi địa phương ban hành các chính sách ưu đãi điều kiện tối đa về đất đai, nguồn vốn, chính sách hỗ trợ cho việc tái đàn, tăng đàn, ban hành các quy trình hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công Thương đồng thời kịp thời tham mưu Chính phủ tăng cường nhập khẩu thịt lợn, đặc biệt là từ một số thị trường mới như Nga để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong nước do dịch bệnh gây ra.

Đến nay, tổng số lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là 100.000 tấn.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngành thú y, chỉ trong vòng một tháng, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thú y xây dựng và hoàn thiện quy trình nhập khẩu lợn sống an toàn từ Thái Lan, qua đó góp phần tạo hiệu ứng giúp giá lợn hơi tại thị trường trong nước nhanh chóng được hạ nhiệt chỉ sau vài tháng. Đến nay, số lượng lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam cũng đã đạt trên 100.000 con.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu gần 11.500 con lợn giống các loại, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ năm 2019.

Lợn giống nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020 đến từ 4 nước, Thái Lan (chiếm 50,6%), Canada (33,2%), Mỹ (15,8%) và Đài Loan (Trung Quốc) 0,4%. Giá lợn giống nhập khẩu bình quân đạt 707 USD/con, giảm 52%. Giá trị nhập khẩu lợn giống đạt 8,1 triệu USD, tăng 15,3 lần.

Cùng với Bộ NN-PTNT, nhiều kinh nghiệm hay từ một số địa phương trong thời gian qua cũng đã giúp ngành chăn nuôi lợn nhanh chóng phục hồi đàn, qua đó giảm nhiệt thành công giá lợn hơi từ vùng 90.000 - 100.000 đồng/kg về 70.000 - 75.000 đồng như hiện nay.

Kinh nghiệm tại các địa phương cho thấy, điều kiện đầu tiên để tái đàn thành công là phải tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Kịp thời công bố hết dịch tả lợn Châu Phi để tạo điều kiện cho người chăn nuôi, doanh nghiệp tái đàn, tăng đàn lợn.

UBND cấp tỉnh, thành phố nào quan tâm chỉ đạo kịp thời, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn đều có sự phục hồi đàn lợn rất nhanh một cách thần kỳ.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, nhiều địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Trong đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư như ở Bình Phước mang lại hiệu quả vượt bậc. Hiện tỉnh Bình Phước có đàn lợn đạt 150% so với trước dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh.

Một số giải pháp cũng được nhiều địa phương áp dụng là hỗ trợ lãi suất tín dụng cho việc tái đàn, tăng đàn, duy trì sản xuất, có chính sách cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ mới, chăn nuôi khép kín, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP, GlobalGAP…).

Ngoài ra, hệ thống cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở phải thương xuyên tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Có giải pháp phòng, chống không để dịch bệnh xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi lợn, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương làm thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cho phù hợp. Tuyên truyền cho người tiêu dùng thay đổi dần tập quán sử dụng sản phẩm chăn nuôi.

Một số địa phương thận trọng với dịch tả lợn Châu Phi đã chọn biện pháp tăng cường công tác sản xuất, chủ động cung ứng giống sản xuất tại chỗ. Những tỉnh thực hiện chính sách về nuôi giữ giống gốc tại các cơ sở giống của tỉnh theo Nghị định 130, đã chủ động và có nguồn con giống cung cấp cho sản xuất, ít phụ thuộc con giống của các doanh nghiệp lớn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tái đàn lợn đạt trên 100% so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, trung bình đạt trên 118% so với trước dịch.

Đứng đầu nhóm 1 về tái đàn, tăng đàn là tỉnh Bình Phước đạt 150%, tiếp đến là Đắk Nông, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Lắk, Hòa Bình, Cà Mau, Yên Bái, Tây Ninh đều trên 100%.

Nhóm 2 có tỷ lệ tái đàn lợn từ 90% đến dưới 100%, trung bình đạt trên 96% gồm 9 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tuyên Quang.

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn từ 70% cho tới dưới 90%, trung bình đạt 80% có 23 tỉnh, thành, bao gồm; Khánh Hòa, Nghệ An, Sơn La, Phú Yên, Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Trị, Thứa Thiên Huế, Phú Thọ, Gia Lai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Nam.

Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình chỉ đạt 55%, gồm: Bắc Ninh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Bạc Liêu, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, An Giang, Hải Dương, Kiên Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và Đồng Tháp.

Riêng với đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, tính đến hết tháng 10/2020 đạt trên 4,2 triệu con, tăng so với ngày 1/1/2019 trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi trên 66%, tăng so với ngày 1/1/2020 xấp xỉ 31%.

Nguyên Huân
Trọng Toàn
Tùng Đinh
Nhật Quang