Tây Ninh thu hút đầu tư phát triển ngành hàng lúa gạo

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bên cạnh vị trí đắc địa, Tây Ninh còn sở hữu nguồn nước dồi dào từ hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Ðông cùng hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh nên cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.

Trong khi ĐBSCL là vựa lúa cả nước thì Tây Ninh được xem là vựa lúa của miền Đông Nam bộ, chính vì thế con đường phát triển ngành hàng lúa gạo của Tây Ninh có nhiều dấu ấn nổi bật.

Thời gian qua, Tây Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, xác định vùng chuyên canh thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng có giá trị gia tăng. Địa phương này cũng đã từng bước sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường, trong đó thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa. Ngoài ra, Tây Ninh đang xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, chỉ tính riêng các cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông đã chiếm trên 40.000ha lúa trên toàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều năm nay, trên các cánh đồng ở các xã Hưng Thuận, Phước Chỉ đã hình thành các HTX với diện tích lúa lên đến hàng trăm ha, đáng chú ý, hầu hết các HTX đều cơ giới hóa trên 90% để sản xuất các giống lúa chất lượng cao. 

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, để có thành quả như hôm nay, ngay từ năm 2008, Tây Ninh đã thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thời điểm đó Tây Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của vùng Đông Nam bộ thí điểm mô hình "liên kết 4 nhà" và đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Từ đây cánh đồng mẫu lớn nhanh chóng trở thành mô hình hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cao cho bà con nông dân.

HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà ở xã Phước Chỉ hiện có tổng diện tích đất sản xuất hơn 274 ha. Hoạt động được 5 năm nay, HTX đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định để các thành viên yên tâm sản xuất.

 “Ban đầu việc vận động nông dân tham gia HTX để xây dựng cánh đồng mẫu lớn rất khó khăn, tuy nhiên sau khi nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người tự giác xin vào HTX, tổng diện tích sản xuất tập trung của HTX ngày càng tăng. Năng suất lúa bình quân đạt khoảng 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”, ông Trần Hoàng Ân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết thêm, lúc mới thành lập, trung bình mỗi HTX ở Phước Chỉ có khoảng 30 thành viên, đến nay các HTX nông nghiệp của xã đã phát triển khoảng hơn 300 thành viên và làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau nên đã giúp chuyển từ sản xuất nhỏ và manh mún sang phát triển sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.

Ông Hà Thanh Tùng cho rằng, việc tập trung sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Sau khi thành công thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, khắc phục được hạn chế về ruộng đất vốn manh mún tạo vùng nguyên liệu rộng lớn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đã bắt tay đồng hành cùng nông dân thực hiện các dự án chuỗi liên kết. Trong đó, nổi bật là dự án chuỗi hỗ trợ liên kết sản xuất, xay xát và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP do công ty Đức Thành thực hiện.

Để triển khai dự án, năm 2021, công ty Đức Thành đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy gạo Lúa Vàng Việt. Đây là nhà máy được đánh giá có quy mô và công suất lớn nhất Tây Ninh hiện nay. Hiện nhà máy còn sở hữu dây chuyền sản xuất tiên tiến theo chuẩn châu Âu. 

Sau khi có nhà máy đạt chuẩn, với sự ủng hộ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, công ty bắt tay triển khai ngay dự án tổ hợp tác Lúa Vàng Việt, nằm trong chuỗi hỗ trợ liên kết sản xuất, xay xát và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP. Theo đó, THT quy tụ hơn 750 nông hộ đang canh tác trên 2.000 ha cánh đồng mẫu lớn.

Bên cạnh nỗ lực xây dựng chặt chẽ quy định cho nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, công ty còn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con làm chủ các cánh đồng lúa bạt ngàn, trải dài từ Trảng Bàng qua Bến Cầu, Gò Dầu cho đến huyện Châu Thành để tạo ra vùng nguyên liệu lúa gạo lớn có chất lượng và năng suất cao. Đặc biệt, công ty hỗ trợ vật tư đầu vào trung bình lên đến 3 triệu đồng/ha.

Chị Đào Duy Băng Thanh, Giám đốc chiến lược Công ty Đức Thành cho biết, với quá trình gần 35 năm hình thành và phát triển trong lĩnh vực sản xuất các loại phân bón, thuốc BVTV từ vô cơ đến các dòng phân bón hữu cơ vi sinh Hi-tech Organic. Hơn ai hết, Công ty TNHH Đức Thành thấu hiểu được nỗi khó khăn vất vả của bà con nông dân nên đã dấn thân vào lĩnh vực ngành hàng lúa gạo nhằm chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa các bên.

 

Sau 3 năm tham gia dự án và gặt hái không ít thành tựu, những ngày này, hàng ngàn nông hộ trên khắp các khu vực trọng điểm trồng lúa của tỉnh Tây Ninh tiếp tục xuống giống vụ mới với tâm lý vô cùng phấn khởi.

Vụ lúa ĐX vừa qua, năng suất lúa của gia đình ông Lê Văn Bề, thành viên chuỗi liên kết tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu đạt trên 9 tấn/ha. Theo ông Bề, từ khi tham gia mô hình, ông không còn phải lo âu về nguồn vốn đầu tư sản xuất. Bởi từ giống chất lượng cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều được công ty liên kết cung cấp đến tận nơi, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Mức giá vật tư nông nghiệp đầu vào không bị đẩy lên mà chất lượng lại bảo đảm, quy trình kỹ thuật canh tác cũng được thực hiện đúng bài bản… Đặc biệt, lúa sau khi thu hoạch được công ty đến tận ruộng thu gom với giá ổn định hơn so với thị trường, tất cả tạo ra sự tác động tích cực đến bà con nông dân.

Sau vụ lúa bội thu, dù đã có máy xịt thuốc, máy gieo sạ, máy cày, máy gặt đập liên hợp, ông Bề đã mạnh dạn đầu tư thiết bị bay không người lái gần 500 triệu đồng để phục vụ trên cánh đồng gần 10 ha của gia đình và hỗ trợ tất cả các thành viên trong tổ liên kết.

Theo ông Bề, khi sử dụng thiết bị máy bay không người lái để xịt thuốc, bón phân, nông dân giảm chi phí từ 700,000-1,000,000 đồng/ha/vụ. Năng suất, sản lượng lúa bằng hoặc cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Nếu như những năm trước, đến mùa làm cỏ, gieo sạ, với diện tích 5ha, gia đình ông Nguyễn Văn Êm ở cạnh đó phải tất bật tìm nhân công lao động để xuống giống vụ mùa mới. Còn bây giờ, ông Êm đã có thể thảnh thơi trò chuyện, tiếp khách, mọi việc còn lại đã có máy móc lo. 

Ngoài đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nông dân tỉnh Tây Ninh còn áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tăng cường bón các loại phân hữu cơ... Còn đến khi thu hoạch lúa, nông dân không bán rơm, không đốt đồng mà thuê máy chặt gốc rạ, kế tiếp rải các loại phân vi sinh nhằm tạo mùn cho đất sau thời gian canh tác.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 tổ chức kinh tế tập thể sản xuất lúa (18 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác) với tổng diện tích gần 3.500 ha.

Sau khi xây dựng thành công vùng nguyên liệu đạt chuẩn, việc phát triển thương hiệu cho hạt gạo trở thành bài toán quan trọng đối với Công ty Đức Thành. Mặc dù không phải là “mẹ đẻ” của lúa gạo, cũng không nằm ở “thủ phủ” của các giống gạo ngon, nhưng nhờ vào chiến lược phát triển thương hiệu bài bản, cùng phương châm khách hàng là trọng tâm, chất lượng là ưu tiên hàng đầu, Công ty Đức Thành đã khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong việc đưa hạt gạo Việt, đặc biệt là từ Tây Ninh, vươn ra thế giới.

Chị Đào Duy Băng Thanh cho biết thêm, để phát triển ngành hàng lúa gạo, việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ chất lượng gạo, thông qua việc cải tiến các giống lúa. Với phương châm đảm bảo chất lượng từ khâu đầu vào đến đầu ra, Công ty Đức Thành áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, giúp nâng cao cả chất lượng và sản lượng lúa gạo. Mỗi vụ mùa, chuỗi dự án liên kết với các nông hộ của công ty thu về hơn 14.000 tấn lúa chất lượng cao, được đưa thẳng vào nhà máy để sấy khô, xay xát và tuyển chọn kỹ lưỡng.

Chị Thanh cho rằng việc xây dựng nhà máy ngay trung tâm vùng nguyên liệu không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển mà còn giúp lúa được thu hoạch kịp thời, tạo ra “thời gian vàng” cho hạt lúa, giúp gạo thơm ngon hơn. Với công nghệ xay xát tự động 100% theo chuẩn quốc tế, nổi bật là hệ thống tách màu All với 13 camera giám sát tự động, các hạt gạo kém chất lượng được loại bỏ hoàn toàn, đảm bảo chất lượng cao nhất.

Hiện tại, thương hiệu Lúa Vàng Việt của Đức Thành đã nổi tiếng với các dòng gạo ngon như ST25 Én Vàng, Thơm Hạnh Phúc, Thơm Thượng Hạng, và Chuẩn Xốp Mềm. Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng uy tín như USDA, HACCP, ATVSTP… Mới đây, sản phẩm của công ty vinh dự đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, và được tỉnh Tây Ninh chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh. Sản phẩm công ty đủ tiêu chuẩn lưu hành trong nước và xuất khẩu.

Chị Thanh nhấn mạnh rằng khi nhắc đến gạo, người tiêu dùng nước ngoài thường nghĩ ngay đến gạo Thái Lan còn Việt Nam đã xuất khẩu gạo nhiều năm, nhưng phần lớn sản phẩm vẫn mang nhãn mác nước ngoài. Để thay đổi điều này, Công ty Đức Thành đã đưa hình ảnh danh lam thắng cảnh như Tòa Thánh Đạo Cao Đài và hồ Dầu Tiếng vào thiết kế bao bì, từ đó dần dần thâm nhập và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Hiện sản phẩm gạo ngon Tây Ninh đã được phân phối rộng rãi tại các cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... Từ năm 2021 đến nay, thương hiệu Lúa Vàng Việt đã cung cấp hơn 10.000 tấn gạo các loại, trong đó có hơn 200 tấn gạo ST25 Én Vàng. Công ty cũng đã xuất khẩu hơn 50 tấn gạo sang Nam Phi, tạo động lực để mở rộng thị trường sang Trung Quốc, Philippines…

Trong năm 2023, nhiều đại lý lớn đã đăng ký mở cửa hàng gạo với thương hiệu Lúa Vàng Việt, bao gồm cả các đại lý từ miền Tây. Đặc biệt, số lượng gạo ngon như ST25, OM5451, OM18 bán lẻ đã đạt doanh thu vượt kế hoạch, mang lại nhiều niềm vui cho các bên. “Để đạt được thành quả này là cả một quá trình phấn đấu của tập thể công ty, dù không nhiều nhưng như vậy đã đủ để chúng tôi hạnh phúc rồi”, chị Thanh tự hào.

Canh tác lúa thông minh với phát thải thấp, gắn liền với tăng trưởng xanh, đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Mặc dù Tây Ninh không nằm trong vùng quy hoạch của Đề án, tỉnh vẫn chủ động xây dựng lộ trình và kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cho ngành hàng lúa gạo tại địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, tỉnh có diện tích lúa nước tương đối lớn, tương đương với một số tỉnh nhỏ ở miền Tây Nam Bộ. Theo ông Xuân, sản xuất lúa nước là một trong những nguồn phát thải lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải, trong đó hơn 75% là khí Metan (CH4).

Đặc điểm của sản xuất lúa nước là đất ruộng thường xuyên ngập nước, dẫn đến quá trình phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện kỵ khí, gây ra khí mê tan- một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa phát thải thấp nhờ vào nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Vàm Cỏ, hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, giúp kiểm soát tốt lượng nước và giảm thiểu phát thải.

Một trong những biện pháp giảm phát thải hiệu quả được áp dụng tại Tây Ninh là phương pháp "Nông - Lộ - Phơi". Ông Xuân nhấn mạnh rằng phương pháp này chỉ có thể thực hiện trên các cánh đồng lớn, với hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản để có thể tưới và thoát nước linh hoạt. Sản xuất lúa phát thải thấp còn yêu cầu các biện pháp tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu, cũng như cắt giảm 30% lượng khí nhà kính. 

Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà sản xuất lúa gạo uy tín cùng với sự tham gia tích cực của ngành nông nghiệp và bà con nông dân trong việc thực hiện canh tác lúa thông minh, phát thải thấp. Một số doanh nghiệp đã đưa ra công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo nông dân có thể thu được ít nhất 30% lợi nhuận từ sản xuất lúa. Khi ký kết hợp đồng mua bán, sản phẩm có thể tiến vào phân khúc gạo cao cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bán tín chỉ carbon và chia sẻ lợi nhuận với nông dân, tạo thêm thu nhập cho họ khi tuân thủ quy trình giảm phát thải.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, sự tham gia của doanh nghiệp không chỉ tạo cơ hội cho việc xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường khó tính, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích cho nông dân. Ông cũng nhấn mạnh rằng tỉnh Tây Ninh đang kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học và tổ chức quốc tế để tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các phương án khả thi giúp địa phương tiến nhanh và vững chắc trong việc đạt được tăng trưởng xanh và phát thải thấp.

Với nền tảng hiện có, công ty Thanks Carbon, một khởi nghiệp về công nghệ khí hậu đến từ Hàn Quốc, đã quyết định phối hợp với tỉnh Tây Ninh để thực hiện và triển khai đề án giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tiến sĩ Hae-Won Kim, nhà sáng lập Thanks Carbon cho biết, công ty đang mở rộng dự án và chứng nhận hiệu quả giảm phát thải tại nhiều khu vực tại Việt Nam, trong đó có Tây Ninh. Thanks Carbon đề xuất thực hiện dự án trên diện tích 25.200 ha tại Tây Ninh trong năm 2024 và mong muốn tỉnh hỗ trợ cung cấp địa điểm phù hợp và giới thiệu các tổ chức, hợp tác xã đủ năng lực tham gia.

Tại một buổi tọa đàm về tín chỉ carbon và đào tạo nguồn nhân lực diễn ra vào ngày 16/8 ở TP.HCM, TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển Nông thôn, nhận định rằng Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đang có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hải cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai tín chỉ carbon cho lúa, nhưng cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp và nông dân chưa hiểu rõ quy trình, dẫn đến rủi ro trong thực hiện và có thể thua lỗ nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. TS Hải nhấn mạnh rằng để tín chỉ carbon được xác nhận, cần có quy trình nghiêm ngặt và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như theo dõi dấu chân carbon, quản lý rác thải và giám sát sản xuất. 

Trần Trung
Trọng Toàn
Trần Phi
Trần Trung