Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam như vậy.
Theo ông Chiến đường hướng phát triển Thanh Hóa có được xây đắp qua nhiều giai đoạn phát triển, ngoài vị trí địa chiến lược và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hiện có còn là việc điều khiển, sắp đặt của con người. Chính vì thế, Thanh Hóa hôm nay đã có một nền tảng khá vững chắc để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
- Thưa ông, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến 2030, tầm nhìn 2045 cho thấy sự quan tâm rất lớn của Trung ương đối với Thanh Hóa. Đề nghị ông cho biết, những nền tảng căn bản mà Thanh Hóa có được làm cơ sở cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này?
- Đây là một Nghị quyết lịch sử đối với Thanh Hóa vì từ trước tới nay chưa từng có. Lịch sử Thanh Hóa chưa bao giờ tách nhập với đơn vị hành chính nào cả. Kể từ khi có danh xưng Thanh Hóa và trước đó có nền văn minh Đông Sơn, trước nữa là Hang Con Moong với di chỉ của người Việt cổ, Thanh Hóa là phên dậu, đất thang mộc.
Đây là vùng đất sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt lỗi lạc, nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, tiếp đó là đến các triều đại Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn… Gần như không có địa phương nào có lịch sử như thế. Thanh Hóa có những nét đặc trưng riêng, nơi chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung bộ nên có tính hội tụ.
Những đóng góp của Thanh Hóa trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc là rất to lớn. Câu nói của Bác Hồ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã toát lên điều đó: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Về tình hình chung của Thanh Hóa trong mấy nhiệm kỳ qua, nhất là 10 năm gần đây, có những lĩnh vực đột phá, tạo đà cho những năm tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng hai nhiệm kỳ gần đây luôn ở hai con số và đều trên 10%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Thu ngân sách nhà nước tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015 và gấp 7,5 lần năm 2010. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều đạt được kết quả tích cực.
Đây là một nhiệm kỳ đầy ắp những sự kiện trọng đại và đã xác lập được nhiều dấu mốc quan trọng mà từ trước đến nay Thanh Hóa chưa bao giờ có được. Đáng chú ý là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại (ngày 23/12/2018), đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước tương đối tốt.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới về đích trước 01 năm. Đến nay, toàn tỉnh có 8 huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 66%.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Thanh Hóa làm nhiều cái rất ấn tượng. Thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, toàn tỉnh đã giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Hoàn thành việc sáp nhập 143 xã, thành 67 xã, (giảm 76 xã), là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Nhờ đó đã giảm được 28.108 người, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm 463 tỷ đồng.
Đặc biệt là được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những thành tựu trên đây đã tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
- Thành tựu, tiềm năng thì đã rõ, còn đâu là những lo lắng của Trung ương trong chiến lược phát triển của tỉnh Thanh Hóa, thưa ông?
- Tôi nghĩ điều Trung ương lo lắng nhất chính là câu Bác Hồ nói trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947, đó là: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 17/7 vừa qua, khi phát biểu khai mạc buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ và nhấn mạnh cần phải “điều khiển, sắp đặt” ở Thanh Hóa như thế nào để tỉnh phát triển, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu?
Nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân tôi suy nghĩ thấy mình có lỗi. Vì lâu nay, Thanh Hóa thường tập trung nghiên cứu khai thác nhiều đến câu mà Bác Hồ nói cũng vào dịp lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa. Đó là: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Khi giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị treo câu khẩu hiệu “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” ở vị trí trang trọng.
Những năm qua, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, tôi yêu cầu mọi cán bộ, tổ chức trong bộ máy khi làm việc thì hãy lấy câu nói này của Người để mà hành động. Chúng tôi coi đó như là triết lý trong lãnh đạo.
Còn thực tế để hiểu đầy đủ ý nghĩa câu này, nghiên cứu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật sự có hiệu quả như thế nào thì đúng là từ trước đến nay, đặc biệt là giai đoạn hiện nay chưa được nghiên cứu triển khai và tổ chức thực hiện tốt được. Đây là điều đáng tiếc.
10 năm nay, nhất là gần 6 năm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tôi nghiệm lại câu Bác Hồ nói về “điều khiển, sắp đặt” ở Thanh Hóa thực sự là quá sâu sắc. Xem lại các tài liệu không thấy tỉnh nào Bác nói ý đó cả.
Tôi nghĩ với Thanh Hóa, Bác thực sự am hiểu và dành cho Thanh Hóa những tình cảm hết sức đặc biệt. Chắc tới đây phải còn rất nhiều nghiên cứu của các nhà chính trị, nhà khoa học mới có thể hiểu được câu nói của Bác và sau đó tổ chức triển khai thực hiện cho thật sự hiệu quả. Về phía tôi, tôi nghĩ “điều khiển, sắp đặt” ở Thanh Hóa cần tập trung vào 3 vấn đề sau đây:
Trước hết, là phải nghĩ đến “điều khiển, sắp đặt” về con người, tức là bố trí cán bộ trong bộ máy. Cái này đặc biệt quan trọng với Thanh Hóa. Vì thực tế, Thanh Hóa có rất nhiều người có năng lực, trình độ, nói nôm na là có “tài”, nhưng bố trí thế nào cho hợp lý để phát triển khả năng của cán bộ, để họ công tác tốt nhất, làm cho bộ máy phục vụ người dân tốt nhất, từ đó đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững thì đó là điều khó khăn. Khó nhưng phải làm.
Hai là, đó là vấn đề “điều khiển, sắp đặt” nguồn lực hiện có, bao gồm, tài nguyên, hệ thống hạ tầng, nguồn lực huy động ngoài tỉnh, nguồn lực trong dân,… Mục đích của những việc này là làm sao phải huy động được tốt nhất và khi có được rồi thì phải bố trí cân đối trong đầu tư, tính toán để làm cái nào trước, cái nào sau, tạo lực cho Thanh Hóa phát triển nhanh nhất. Đây cũng là vấn đề không dễ. Nếu làm không khéo thì việc sử dụng nguồn lực sẽ dàn trải, hiệu quả cho phát triển không cao.
Ba là, người Thanh Hóa có những đặc trưng riêng. Trong lịch sử, đã sinh ra nhiều bậc hiền tài có công lớn với đất nước. Vậy phải biết cách khơi dậy được lòng tự hào, ý chí, nghị lực và sức mạnh của người dân để tất cả cùng vào cuộc chăm lo cho sự phát triển đi lên của tỉnh nhanh nhất, mang lại cho người dân đời sống tốt nhất. Có lẽ đây cũng là vấn đề rất quan trọng trong “điều khiển, sắp đặt” mà Bác Hồ nói với Thanh Hóa.
- Thưa ông có một vấn đề nổi lên nhiều năm nay ở một số địa phương, trong đó có Thanh Hóa, song qua theo dõi tiến trình phát triển của Thanh Hóa suốt 13 năm nay, tôi thấy Thanh Hóa rất thành công trong xử lý điểm nóng. Nhân dân kéo nhau lên Ủy ban tỉnh ăn chực nằm chờ mấy ngày liền. Thường vụ tỉnh ủy từng hủy cuộc họp đang diễn ra để đi giải quyết điểm nóng.
Tại sao thời kỳ này Thanh Hóa lại hóa giải được những điểm nóng, đưa Thanh Hóa vào thế ổn định, phát triển như Sầm Sơn, Nghi Sơn mang lại những giá trị đích thực như vậy?
- Phải khẳng định một điều rằng, nếu không giải quyết được các điểm nóng phát sinh như mọi người đã biết thì sẽ không có Thanh Hóa như hôm nay. Không thể có những kết quả như tôi vừa trao đổi. Vì nếu không xử lý được thì hệ lụy sẽ rất lớn với Thanh Hóa.
Đất này đã từng xảy ra những vấn đề nóng, đã có những bài học nhãn tiền. Đó là vụ ở Phú Yên với “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, rồi vụ việc ở xã Nam Giang,... Nên khi hỏi về những kinh nghiệm trong xử lý điểm nóng, tôi đánh giá rất cao sự tìm hiểu cũng như theo dõi rất sát sao về Thanh Hóa của nhà báo.
Tôi nhớ vụ ngày 25/5/2010, súng nổ chết 2 người, 1 người bị thương trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Lúc đó nếu tỉnh không xử lý thành công thì chắc chắn không thể có nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 9,3 tỷ đô la như bây giờ. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Cô Oét họ rất quan tâm đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đầu tư.
Cũng đúng thôi vì họ mang 9 – 10 tỷ đô la đến đây, nếu an ninh chính trị không được đảm bảo thì ai dám vào đầu tư, mất cả tỷ đô như thế, ai mà liều lĩnh được. Nên đó là điều mà cả tập thể lãnh đạo Thanh Hóa lúc đó phải xắn tay vào cùng giải quyết sao cho trong ấm, ngoài êm.
Sau này, còn xảy ra mấy vụ việc rất “nóng” và căng thẳng nữa. Đó là vụ việc khiếu kiện của ngư dân Sầm Sơn vào đầu tháng 3/2016, rồi một số vụ việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn... nhưng tất cả đều được giải quyết khá thành công. Điều đó đã làm yên lòng nhà đầu tư và các dự án tiếp tục được triển khai, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân và đóng góp vào sự phát triển đi lên của Thanh Hóa.
- Đâu là bài học kinh nghiệm trong giải quyết điểm nóng, thưa ông?
- Thực ra về nguyên lý, Thường trực Tỉnh ủy đã quyết thì cứ thế mà làm. Tuy nhiên trong những tình huống nóng bỏng, cấp bách thì đòi hỏi sự sáng suốt, bản lĩnh và dũng cảm của người đứng đầu.
Nếu không quyết đoán và quyết liệt thì trước sức mạnh của dân chúng, trước sức ép của tập thể và dư luận, mình chao đảo là mọi việc sẻ đổ bể hết. Chính vì thế, bản lĩnh, sáng tạo và quyết liệt trong xử lý điểm nóng là rất cần thiết.
- Sau khi hóa giải được điểm nóng rồi thì phải có những điểm cộng cho công tác điều hành bằng những thành quả, bằng những sản phẩm tạo ra cho xã hội hưởng thụ. Có như vậy dân mới tin, đồng chí, đồng đội cũng thấy được sức thuyết phục và doanh nghiệp mới kéo vào đầu tư. Đó mới là thành công và lâu dài cho những quyết định khác sau này.
Và cái nữa là khi mọi việc được ổn thỏa thì người ta trở lại với cuộc sống đời thường với những gì nhân văn, cao thượng hơn. Nói đến cuộc sống chúng ta từng chứng kiến những điều được hóa giải rất tự nhiên, đôi khi mọi khúc mắc, kể cả những hận thù cũng được hóa giải. Bởi sự bất đồng quan điểm đôi khi do thiếu thông tin chứ một khi đã tâm phục, khẩu phục và thấy được khả năng đóng góp cho xã hội của nhau thì mọi sự hóa giải nó cũng không có gì là khó. Ông có nghĩ vậy không?
Và câu hỏi cuối cùng, trong cuộc đối thoại hôm nay, chúng tôi muốn biết, suy nghĩ của ông về Báo Nông nghiệp Việt Nam và tác giả bài viết “Khi lòng dân chưa yên” đang ngồi đối thoại với ông?
- Mình sinh ra từ làng quê, gia đình nhiều đời là nông dân, lớn lên đi học ngành nông nghiệp, rồi ra trường lập nghiệp. Hơn 35 năm công tác, mình đã có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp của một tỉnh có địa bàn rộng lớn, số người dân làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông nghiệp, nông thôn có tới 2,4 triệu người (Dân số Thanh Hóa hiện có 3,65 triệu người).
Những năm gần đây, khi được phân công giữ trọng trách lãnh đạo tỉnh, mình đều giành thời gian và sự quan tâm đặc biệt, luôn trăn trở làm thế nào để nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thanh Hóa phát triển. Chính vì vậy, cần phải cập nhật hàng thông tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam và tờ báo của các bạn luôn có trên bàn làm việc mỗi ngày và gần như tin tức nóng, hấp dẫn trên tờ báo mình luôn cập nhật đầy đủ.
Báo Nông nghiệp Việt Nam mình thấy rất sát với thực tiễn, phản ánh rất sâu sắc. Mình ghi nhận và đánh giá rất cao Báo Nông nghiệp Việt Nam ở hai điểm: Một là sức chiến đấu của tờ báo rất cao, rất quyết liệt và mạnh mẽ; hai là, có một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, yêu nghề, lăn lộn với cuộc sống. Mình cảm ơn những vấn đề mà báo đã nêu lên trong thực tiễn.
Cũng có những thời điểm mình không hài lòng về các bạn. Song quá trình công tác và thực tiễn lãnh đạo càng ở vị trí cao hơn; nhất là khi đứng đầu một tỉnh có mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn lớn như Thanh Hóa thì càng thấu hiểu những gì các bạn đã dũng cảm phản ánh. Mình thấy những bài viết ấy là rất cần thiết giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Đây cũng chính là điều sau này, khi chủ trì các cuộc họp mình càng đề cao tính phản biện trong tập thể. Vốn dĩ là người coi trọng tranh luận, đề cao phản biện, huy động trí tuệ của nhiều người trong công việc thì không cớ gì mình lại trách cứ với tờ báo có tiếng nói uy tín trên diễn đàn nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mình không thể làm ngược lại với chính bản tính của mình. Chính vì thế, từ đáy lòng, mình cảm ơn Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Điều này như Văn Hùng thấy, từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo tỉnh và các ngành, các địa phương vẫn luôn gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Rồi qua những lần làm việc với tỉnh và những lần mình có điều kiện tiếp xúc với lãnh đạo báo và các phóng viên, mình luôn có thiện cảm với tờ báo, với các bạn. Bởi chúng ta đã có sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc để hướng đến một điều tối thượng: Tất cả vì cái chung cho phát triển và làm được gì tốt nhất cho dân thì làm!
- Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ hôm nay. Chúc ông sức khỏe và mọi điều tốt đẹp!
Lãnh đạo sẽ có lỗi nếu nông dân không được hưởng thụ thành quả phát triển
Đặt câu hỏi, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở đâu trong đường hướng phát triển của Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến nói: Tỉnh ủy luôn đề cao vấn đề này, đặt nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong các chương trình hành động của tỉnh.
Hiện vấn đề lương thực đã giải quyết. Nhiều năm gần đây không xin Trung ương gạo để cứu đói. Về sản lượng, nghị quyết hằng năm đề ra mục tiêu giữ mức 1,6 triệu tấn, đều đạt và vượt.
Gói gọn lại trong nông nghiệp Thanh Hóa, nhấn mạnh mấy ý thế này: Với thành công trong xây dựng nông thôn mới và với 3 vùng địa lý và diện tích đất đai trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp bao la, chính là cơ hội để thu hút các dự án nông nghiệp hiện đại quy mô lớn. Các dự án bò sữa của Tập đoàn TH, Cty CP sữa Việt Nam Vinamilk, Nhà máy giết mổ gia cầm Việt AVIS của Hungari… đã trở thành những minh chứng thành công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp xứ Thanh.
Nếu không làm được những điều đó thì công nghiệp có phát triển mạnh hơn nữa, người nông dân chân lấm tay bùn, hy sinh nhiều cho cách mạng vẫn không được thụ hưởng từ thành quả của đổi mới. Như thế thì những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh này có lỗi với người nông dân.