Tại Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã đề nghị Trung ương xem xét, sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai với quy mô lớn cho phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay, tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản...
Mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, tân Ủy viên Trung ương Đảng Dương Văn Thái nói: Tôi làm thế nào thì nói như thế.
Trước hết xin chúc mừng ông đã được Đại hội tín nhiệm bầu lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cảm xúc của ông đến giờ này là gì?
Trước hết có thể khẳng định rằng Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Niềm tin, sự phấn khởi, sự kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân đã và đang lan tỏa một cách mạnh mẽ.
Cũng thông qua Đại hội một lần nữa đã khẳng định niềm tin của dân với Đảng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân càng thêm được tăng cường, đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Là một đảng viên tôi thực sự tự hào, phấn khởi, tin tưởng và hy vọng vào một nhiệm kỳ mới, vào định hướng phát triển đất nước của toàn Đảng trong ngắn hạn cũng như dài hạn theo mục tiêu Đại hội đề ra.
Tuy nhiên, như trong bài phát biểu bế mạc Đại hội của đồng chí Tổng Bí thư, Đại hội XIII mới chỉ thành công ở trên nghị trường, mới ở bước đầu, còn vấn đề là làm thế nào để đất nước có nhiều của cải, nhân dân được hạnh phúc mới là thành công thực sự toàn diện.
Tôi rất tâm đắc và nhất trí cao với Nghị quyết tại Đại hội XIII với 12 định hướng lớn, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt hàng đầu. Đảng đã xác định công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện một cách toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và công tác cán bộ.
Trong đó, công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”; kết hợp hài hòa, chặt chẽ và hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các quy định về nêu gương theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Ban Chấp hành Trung ương khóa này có nhiều Ủy viên Trung ương thuộc thế hệ 7X. Đảng, Nhân dân rất kỳ vọng đây là thế hệ lãnh đạo “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”. Xin hỏi, ông thuộc tuyp lãnh đạo "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá" chứ?
Cá nhân tôi nhận thức được trách nhiệm của mình. Nói đến thế hệ lãnh đạo 7X hiện nay thực tế cũng không phải là trẻ nữa. Thế hệ 7X cơ bản được đào tạo bài bản và trải nghiệm qua thực tiễn, đã đủ bản lĩnh, khả năng đảm đương nhiệm vụ ở cương vị của mình.
“Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là điều cần thiết bởi vì trong điều kiện hiện nay nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, do vậy việc chớp lấy thời cơ, nắm bắt tình hình và quyết đoán là rất cần thiết, nếu không sẽ mất đi cơ hội.
Nói cách khác “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một yếu tố, một tiêu chuẩn cần thiết của công tác cán bộ trong xu thế phát triển của đất nước. Tôi nghĩ cần phải có thêm tiêu chí đánh giá cán bộ thông qua những kết quả, sản phẩm cụ thể, nổi trội trong quá trình thực hiện trọng trách được giao.
Tới đây Bắc Giang sẽ thực hiện nội dung này và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, bởi vì chúng tôi thấy rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Mỗi một cán bộ đảng viên đều phải có trách nhiệm ở từng vị trí công tác, đều phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đóng góp sức mình cùng với toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của Đại hội.
Trách nhiệm, nhiệm vụ có thể nặng nề nhưng với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, chắc chắn tôi sẽ nỗ lực, phấn đấu, cùng Đảng bộ, nhân dân Bắc Giang thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Như ông nói thì có thể thấy quyết tâm là rất lớn và thực tiễn những năm qua cũng cho thấy Bắc Giang đã có những thành tựu nổi bật, như năm 2020 tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Là người đứng đầu tỉnh, điều ông trăn trở nhất với Bắc Giang là gì?
Là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, tôi nghĩ là phải luôn trăn trở, luôn phải đổi mới sáng tạo, không thể đi theo kinh nghiệm hay lối mòn.
Trăn trở nhất cũng là vấn đề khó khăn nhất đối với Bắc Giang hiện nay là hạ tầng giao thông. Thời gian qua, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là các huyện miền núi, các địa phương vùng cao.
Hạ tầng công nghệ thông tin cũng vậy. Hiện nay chúng ta nói nhiều đến kinh tế số là đột phá nhưng thực tế hạ tầng công nghệ thông tin vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó thực sự là những lực cản trong quá trình phát triển của địa phương giai đoạn tới.
Trăn trở, băn khoăn thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta có lực lượng lao động khá dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông; lao động có tay nghề cao, có kỷ luật tốt, những “công nhân cổ cồn” chưa nhiều. Chính vì vậy mà năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế.
Trăn trở thứ ba, cũng là vấn đề chung của cả nước, đó là thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ, một số văn bản luật chậm ban hành.
Đây là điều mà tại Đại hội vừa rồi nhiều đại biều cũng đã có ý kiến liên quan đến vấn đề cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là chính sách về đất đai.
Có thể nói Luật Đất đai được coi một trong những luật gốc và tác động đến rất nhiều lĩnh vực. Vì vậy cần phải sớm sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập.
Còn những vấn đề về thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cho chính quyền địa phương để tạo sự chủ động, kịp thời, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan cấp dưới.
Muốn đất nước phát triển phải không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất... Những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu thì phải kiên quyết thay thế.
Đó là ba vấn đề lớn tôi trăn trở và nghĩ, nếu chúng ta tập trung khắc phục được thì sẽ tạo được động lực để đưa đất nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Nhân bàn đến chuyện đất đai, ông là người đề nghị sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô lớn, phù hợp với thực tiễn phát triển... tại Đại hội Đảng XIII vừa qua. Nếu xem đất đai là lực cản như ông nói thì cụ thể, lực cản đó ở Bắc Giang là gì?
Đó là chính sách về sở hữu, về bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách về giá và rất nhiều thứ khác liên quan đến đất đai.
Chúng ta đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nên bắt buộc phải có vùng nguyên liệu quy mô lớn để ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có không thể từ những thửa ruộng nhỏ, manh mún mà phải tích tụ, tập trung ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn.
Thực tế đã có những doanh nghiệp được chấp thuận dự án đầu tư nhưng trong nhiều năm không thỏa thuận giải phóng mặt bằng xong. Có dự án cơ bản giải phóng mặt bằng xong nhưng một số hộ dân còn lại không hợp tác, gây khó khăn, yêu cầu giá bồi thường rất cao dẫn đến không thể triển khai được, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp,…
Những vướng mắc liên quan đất đai cũng đang gây ra sự mất công bằng và bức xúc trong xã hội. Mất công bằng ở chỗ, trong quá trình giải phóng mặt bằng, những người gương mẫu chấp hành nhận tiền bồi thường trước sẽ thiệt thòi hơn so với những người không hợp tác, cố tình gây khó khăn. Nhà nước phải tốn thêm nguồn lực để tổ chức cưỡng chế, doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí để bồi thường với giá cao hơn hoặc nguy có phải dừng cả dự án.
Thực trạng đó đã làm mất đi sự bình đẳng và không tạo được động lực cho những người chấp hành tốt chính sách.
Vì vậy, theo tôi phải khẩn trương đánh giá lại và sửa đổi sớm Luật Đất đai. Nếu làm được điều đó thì không chỉ tháo gỡ được nút thắt để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa mà còn tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tin vào Nhà nước hơn.
Nông dân thấy. Doanh nghiệp thấy. Lãnh đạo cấp cao cũng nhận thấy điều đó. Nhưng tại sao chúng ta không thay đổi, thưa ông?
Đúng là đang có thực trạng ai cũng biết có bất cập, vướng mắc nhưng việc khắc phục lại chậm. Chúng ta thấy nông dân bỏ ruộng hoang không sản xuất nhưng khi doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường thì lại vướng mắc. Cùng với đó, nhiều người đã mất vẫn có đất trong khi những thế hệ sinh sau lại không có. Chúng ta cũng thấy hạn chế từ ruộng đồng nhỏ lẻ, manh mún... Đây là những vấn đề cần sớm nghiên cứu và có hướng giải quyết, khắc phục.
Phát biểu về một vấn đề vốn được cho là “nhạy cảm” trước Đại hội Đảng hẳn nhiên ông đã phải cân nhắc rất nhiều? Sau khi ông phát biểu, có nhiều người chia sẻ điều này với ông không?
Với trách nhiệm trước Đảng và thực tiễn những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất đai đang là rào cản phát triển ở địa phương nên tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải có ý kiến tại Đại hội.
Sau khi phát biểu tham luận tại Đại hội, nhiều đại biểu cũng rất quan tâm chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này và đồng tình cần sớm sửa đổi Luật Đất đai.
Trở lại câu chuyện nông nghiệp Bắc Giang, có thể hình dung ngắn gọn bức tranh nông nghiệp Bắc Giang hiện nay như thế nào?
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi của vùng trung du, miền núi. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng.
Trọng tâm của nông nghiệp Bắc Giang là quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 50.000 ha, trong đó vùng sản xuất vải thiều tập trung, quy mô trên 28.000 ha, sản lượng 160-190 nghìn tấn/năm, lớn nhất cả nước. Các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng phát triển, tổng đàn gà trên 16 triệu con, đàn lợn trên 1 triệu con, đứng thứ 4 toàn quốc.
Thứ hai là, đã kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, áp dụng chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 sản phẩm OCOP; trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống.
Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao để từng bước hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thứ ba là, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, các tỉnh bạn để quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán xuất khẩu nông sản, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với chất lượng tốt đã đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Riêng sản phẩm chủ lực là vải thiều đến nay tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang trên 30 nước trên thế giới; đặc biệt năm 2020, vải thiều tươi Bắc Giang đã vượt qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản.
Quan sát thì thấy những năm gần đây nông nghiệp Bắc Giang có những thay đổi, đặc biệt là câu chuyện phát triển thị trường. Và chính ông từng nói ở Bắc Giang không còn nỗi lo “được mùa mất giá”. Ví dụ, quả vải Bắc Giang đã đi hơn 30 nước trên thế giới. Công sức không nhỏ trong thành tựu đó là việc lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã miệt mài đi tìm thị trường cho nông sản. Chúng ta nói nhiều đến việc thay đổi tư duy người nông dân, vậy ông có nghĩ rằng, tư duy người lãnh đạo cũng phải thay đổi?
Như tôi đã nói, nông nghiệp phải theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Sản xuất đương nhiên là bà con nông dân làm được, còn chế biến và tiêu thụ thì phải là nhà nước và doanh nghiệp. Nói cách khác, để không còn cảnh được mùa mất giá, để đảm bảo thị trường tiêu thụ đó là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp.
Những năm gần đây chúng tôi hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bằng cách tích cực đi xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Trong 3 năm 2017, 2018, 2019 lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp đều tổ chức đi sang Trung Quốc mở hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và sản phẩm nông sản của tỉnh. Năm thứ nhất lắng nghe doanh nghiệp đề xuất, chính quyền hai bên thống nhất trách nhiệm để có cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Năm thứ hai chúng tôi đề nghị hai bên tạo điều kiện để đưa các doanh nghiệp đến tận vùng vải để thương lái có thể tiếp cận trực tiếp kiểm tra, làm việc với bà con. Đến năm thứ ba thì các doanh nghiệp đã có thể tự đến với bà con.
Năm 2020 vừa qua, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, song chúng tôi đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan để đưa thương lái Trung Quốc nhập cảnh, thu mua vải thiều, góp phần quan trọng vào thành công của vụ vải thiều vừa qua. Việc thương lái thu mua tại vườn, không lo bị ép giá, tức là chỉ trồng và chăm sóc cho tốt mà không phải lo vấn đề tiêu thụ.
Điều này khẳng định rằng, nếu chính quyền không xắn tay vào cuộc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân thì rất khó để tạo dựng, phát triển chuỗi liên kết, mở rộng thị trường để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thế nên tôi nghĩ rằng, một trong những bài học kinh nghiệm chỉ đạo trong nông nghiệp là không ngừng đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất, làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, phát triển thị trường để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản.
Còn một vấn đề nữa đó là phải quy hoạch vùng sản xuất, tôi mong muốn Chính phủ quan tâm chỉ đạo quy hoạch, định hướng các vùng sản xuất (vùng nào, trồng cây gì). Chẳng hạn Bắc Giang trồng vải, Sơn La trồng xoài, Hòa Bình trồng bưởi... Chứ cứ thấy cây trồng có hiệu quả địa phương nào cũng trồng, mạnh ai nấy làm thì lỡ mai này mất mùa rồi lại chặt hết.