Chảy từ Vân Nam, sông Hồng “nhập tịch” Việt Nam tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát ở cột mốc 92. Ngoằn ngoèo mấy chục kilomet dọc biên giới, đến TP Lào Cai, khởi nguyên cho nền văn minh lúa nước mới chảy hẳn trong lãnh thổ nước ta. Từ đây xuôi về hướng biển, con sông kỳ vĩ mở diện tích đồng bằng rộng ra tới 1,5 triệu ha. Nhiều vùng sản xuất nông nông nghiệp trù phú mọc lên hai bên bờ như lúa Thái Bình, rau vụ đông Hải Dương…
Đứng trên cột cờ Lũng Pô, điểm cao soi tỏ nơi suối Lũng Pô nhập vào làm một với chủ lưu, mới thấy rõ một dòng đậm, một dòng nhạt. Từ chính giữa sông hất sang bờ bên kia là lãnh thổ Trung Quốc; là tuyến đường dọc biên giới tấp nập, lúc nào cũng nườm nượp người xe qua lại; là con đường cao tốc mới mở, xuyên núi, băng vực, như muốn đem nhiều hơn “ánh sáng” nơi phố thị về vùng biên cương. Đó cũng là miền đất hứa cho nông sản, không chỉ của riêng Việt Nam mà là toàn thế giới.
Còn bờ bên này là dáng vẻ trầm mặc, tựa như sự tiếc nuối của ngọn Nhìu Cổ San chưa thể chạm đến sông Hồng. Tuyến đường tuần biên mới, được trải nhựa phẳng lì, cắt từ tỉnh lộ 158 đến cột cờ Lũng Pô, cũng chỉ xua đi phần nào sự quạnh quẽ. Thảng hoặc mới bắt gặp một vài chiếc ô tô biển Hà Nội, hoặc vùng Đồng bằng sông Hồng, ngược dòng lên điểm cao 2.000m để du lịch, săn mây. Xe chở nông sản lên đây tuyệt nhiên không có, hay nói chính xác hơn là đều dừng cả ở cửa khẩu Kim Thành, từ đó đi Hà Khẩu rồi tiến sâu vào nội địa Trung Quốc.
“Tính ra thì em vẫn đưa nông sản vào sâu Trung Quốc hơn”, Lò Mùi Khé ở thôn Lũng Pô vừa nói, vừa lật đống ngô phơi dở. Những năm trước Covid-19, khi Trung Quốc chưa xây hàng rào biên giới, Khé vẫn cùng mấy chị em trong bản đánh chuyến sang bờ bên kia. Bằng thuyền, người phụ nữ Mông chở chuối, dược liệu đem bán cho thương lái Trung Quốc vì tiện và thu nhiều tiền hơn.
Gần 40 năm tuổi trẻ, Khé không nhớ ra được lần nào đã xuôi dòng sông Hồng, xuống núi, ra thành phố hay chưa. Cô xem tivi, chỉ biết dưới đồng bằng đất màu mỡ, cây trái sum sê, hơn hẳn mấy thửa đất dốc, trồng ngô mỗi năm một vụ mà vất vả lên xuống. Nhưng Khé cũng không lấy làm buồn, vì sản vật có tốt cỡ nào thì vẫn hướng lên địa đầu Tổ quốc, qua bên kia biên giới mới bán được giá. Trong suy nghĩ của chị Khé, giá mà sông Hồng chia bớt 100 triệu tấn phù sa mỗi năm cho vùng thượng lưu, công cuộc “ngược dòng” kia có thể bớt vất vả hơn. Nông sản chất lượng có thể “vượt biên” từ Yên Bái, Lào Cai, thay vì rồng rắn ngót nghét 400km từ miền duyên hải.
Tất nhiên là Khé chỉ nghĩ vậy, chứ cũng thừa hiểu rằng không phải tự nhiên mà các nền văn minh đều gắn chặt với hạ lưu các dòng sông, như Ai Cập bên sông Nile, Lưỡng Hà nhờ sông Tigris và Euphrates, Trung Quốc vươn mình từ Hoàng Hà, hay người Việt cổ khởi nguồn văn minh lúa nước từ sông Hồng. Dòng sông đỏ nặng phù sa không những cung cấp nước uống mà còn phục vụ tưới tiêu, phát triển giao thông. Nông sản đồng bằng không những ngon, nhiều, lại còn dễ vận chuyển. Khi đảm bảo được an ninh lương thực, ai rồi cũng sẽ nghĩ đến chuyện xuất khẩu.
Nước chảy chỗ trũng, quy luật muôn đời ấy không bao giờ thay đổi. Tựa như người A Mú Sung, có nải chuối, bắp ngô nào dôi dư một thời sẽ nghĩ ngay đến chuyện ngược dòng sông Hồng sang bờ bên kia “xuất khẩu”.
Thập niên 1990, giai đoạn đầu Đổi mới, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt hơn 20% tổng thu nhập quốc dân (GDP). Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP nước ta năm 1990 dưới 10 tỷ USD. Nhưng sau 15 năm, đến quãng 2005 (thời điểm gia nhập WTO), nền kinh tế Việt Nam bùng nổ. Từ gần 60 tỷ USD năm 2005, GDP Việt Nam vọt lên 100 tỷ USD năm 2010, 350 tỷ USD năm 2020 và hiện băng qua mốc 400 tỷ USD.
Trong một nền kinh tế mở và có trình độ sản xuất còn ở mức trung bình như Việt Nam, xuất khẩu là một giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược. Vựa tôm, bao gạo bán đi sẽ đổi lấy máy móc, trang thiết bị, góp phần hiện đại hóa sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẳng thế mà, hệ số giữa tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng GDP luôn được giữ ổn định trong khoảng gần gấp 3 lần suốt thời gian kể trên. Tỷ trọng xuất khẩu cũng vọt lên tới 60% và đến nay là ngang ngửa so với GDP.
Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ 4 lợi ích của việc này. Thứ nhất, tăng thu nhập quốc dân, thông qua việc cải thiện đời sống của người dân. Thứ hai, tạo công ăn, việc làm cho người dân khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp và giảm nghèo khu vực nông thôn. Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhờ việc khối doanh nghiệp được đổi mới, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cuối cùng, là tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong báo cáo điều tra về kinh tế - xã hội năm 2022, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, xuất khẩu đã đóng góp khoảng 20% vào GDP của Việt Nam. Đó là một con số rất lớn so với mặt bằng chung trên thế giới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung rằng, trong năm 2023, có hơn 12 triệu lao động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến xuất khẩu, chiếm tới 30% tổng số lao động cả nước. Trong đó, một nửa tham gia vào sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, số còn lại hoạt động trong lĩnh vực logistics, vận tải, thương mại, dịch vụ...
Năm 2024, xuất khẩu không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn dần đi vào chiều sâu, thể hiện rõ nét qua tỷ trọng các mặt hàng. Những năm 1990, nông lâm thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 50%, thì đến giai đoạn 2005, tỷ trọng giảm xuống còn hơn 20% và đến nay dao động từ 12 - 15%. Ngược lại, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ khoảng 30% năm 2000 lên 50% vào giai đoạn 2010, rồi hơn 85% vào năm 2022. Một cách rõ ràng, xuất khẩu đã giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không còn dừng là “bếp ăn của thế giới”, Việt Nam từng bước trở thành “công xưởng của thế giới” khi ngày càng nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao như điện tử, điện thoại, máy móc, thiết bị... được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Nhờ nguồn ngoại tệ của xuất khẩu, đầu tư FDI và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, bộ mặt quốc gia thay đổi nhanh chóng. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ở các đô thị lớn, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được chỉnh trang. Tính đến nay, cả nước có gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không còn vẻ đìu hiu như thời bao cấp, nông thôn trở thành nơi đáng sống, nhất là khi GDP bình quân đầu người đã đạt 4.300 USD/năm, cao gấp gần 60 lần so với trước Đổi mới.
Giữa niềm vui chung của xuất khẩu đạt kỷ lục 405 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm ngoái, và hơn gấp 20 lần so với cách đây 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nhắc nhiều về việc làm thế nào để phát huy “cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh”; phải bắt đầu từ đâu để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng. Người đứng đầu Chính phủ cũng hé mở lời giải từ nông nghiệp, bởi coi đây là thế mạnh quốc gia, là cơ sở để tạo đà phát triển cho các ngành kinh tế khác.
Tại hội nghị đối thoại với nông dân cả nước, Thủ tướng còn “mạnh dạn” đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong tương lai gần.
Căn cứ số liệu từ năm 2017, Tổng cục Thống kê nhận xét, tăng trưởng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn gấp rưỡi so với tăng trưởng bình quân của nhóm nông lâm thủy sản. Một cách gần đúng, nếu 5 năm nữa Việt Nam đạt mốc 100 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản (tương đương mức tăng 10%/năm), nền kinh tế sẽ xuất khẩu vượt 800 tỷ USD. Dựa trên độ mở 200% như hiện tại, GDP trong nước sẽ loanh quanh 800 tỷ USD, vượt xa dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thậm chí bước qua cả Singapore, Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì khu vực.
Đó là một viễn cảnh đẹp, nếu diễn biến thị trường giữ tính hồi quy, lấy những giá trị trong quá khứ làm tham chiếu để đoán định, phân tích tình hình tương lai. Nhưng kể cả như vậy, ngành nông nghiệp khó có thể chối bỏ những thách thức ngày một nhiều: Năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa khi hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế; Khó khăn về công nghệ, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; Sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và những biến động địa chính trị khắp thế giới…
Đáng ngại nhất là yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao ở hầu khắp các thị trường, thêm vào đó là đòi hỏi về sản xuất bền vững, giảm phát thải, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn.
Những con số không biết nói dối của Văn phòng SPS Việt Nam và Tổng cục Hải quan củng cố luận điểm này. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD nông sản sang EU và nhận 40 cảnh báo. Đến năm 2022, kim ngạch tăng lên 3,8 tỷ USD, đồng thời số cảnh báo cũng tăng theo - lên 72. Năm 2024 vừa qua, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 4,2 tỷ USD sang EU và số cảnh báo cũng nhận ở mức kỷ lục 116.
Sẽ có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nhiều sẽ song hành với cảnh báo nhiều. Đáng tiếc, đà tăng của xuất khẩu sau 4 năm chưa nổi 50%, trong khi số cảnh báo tăng gần 300%. Cũng sẽ có ý kiến phản biện, là trong giai đoạn hội nhập cần “đánh đổi” một số thứ. Tuy nhiên, sân chơi toàn cầu luôn rất công khai, minh bạch. Thật khó để giải thích, một cường quốc xuất khẩu nông sản, luôn giữ chắc một vị trí trong tốp 15 thế giới lại bị tăng cảnh báo theo cấp số nhân ở một thị trường được xem là thước đo, là chuẩn mực cho nông sản toàn cầu. Chúng ta sản xuất nhiều, xuất khẩu kỷ lục nhưng điều cần lưu tâm không kém là chất lượng, an toàn thực phẩm đã được đánh giá, coi trọng đúng mức chưa.
Kể cả khi bỏ qua yếu tố kể trên, thì nền nông nghiệp xuất khẩu cũng chưa thật bền vững. Theo báo cáo, nông lâm thủy sản 2024 xuất siêu đạt 17,9 tỷ USD, nhưng 14,4 tỷ USD trong đó có đóng góp từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Có nghĩa, Việt Nam đã chấp nhận những rủi ro về môi trường, nguy cơ thoái hóa đất, sự cạn kiệt trong dài hạn về tài nguyên nước, tài nguyên biển… để đổi lấy 3,5 tỷ USD.
Nhìn rộng hơn đến năm 2023, cũng là một năm xuất khẩu kỷ lục, toàn ngành xuất siêu 12,1 tỷ USD, nhưng riêng gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất siêu… 12,2 tỷ USD. Như vậy, liệu có thể xem rằng người dân trong suốt một năm đã một nắng hai sương, làm lụng vất vả mà không thu được bất cứ khoản lãi ròng nào?
Phải chăng vì thu lời từ nông nghiệp ít quá mà tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân đầu người tiếp tục giảm, từ 13,3% (năm 2018) xuống còn 10,2% (năm 2023), theo Khảo sát mức sống dân cư được Tổng cục Thống kê công bố hồi giữa năm 2024. Tốc độ tăng của thu nhập bình quân đầu người cũng chững lại tương đối so với năm 2022.
Thiếu vấn đề “đầu tiên” nên nhu cầu cấp thiết bậc nhất với mỗi con người - nhà ở - cũng chịu ảnh hưởng. Trong phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia các địa phương thành 4 nhóm. Đáng buồn, là những tỉnh nông nghiệp trọng điểm như Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La hay một số tỉnh ĐBSCL đều bị xếp vào nhóm trung bình, thấp. Họ cần nguồn lực lớn, đến gần 5.000 tỷ đồng để có thể hoàn thành mục tiêu xóa khoảng 110.000 căn nhà tạm, dột nát trong năm 2025. Rừng là vàng, biển là bạc, nhưng thật trăn trở khi những địa phương có nhiều rừng nhất, nhiều bãi ngang, ven biển và đảo nhất vẫn đang loay hoay thoát nghèo.
Chưa thể nào quên những năm 1990, giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có nông sản, ngoài hàng Nhật, người Việt Nam còn đặc biệt chuộng hàng Thái. Nhiều từ thậm chí đi vào tiềm thức người dân như dép Thái, xe máy Thái… như một chỉ dấu về mơ ước có ngày sánh nganh với nước bạn trong khu vực.
30 năm, nhiều lĩnh vực Việt Nam đã bắt kịp, hoặc vượt qua Thái Lan. Trong nông sản, sầu riêng Việt đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần số một Trung Quốc. Trong bóng đá, Xuân Son cùng đồng đội vừa xuất sắc đánh bại Thái Lan ngay trên sân khách để lần thứ 3 đứng trên đỉnh Đông Nam Á. Trong kinh tế, IMF còn hào phóng dự báo đến năm 2028, quy mô GDP của chúng ta cũng đứng trên nước bạn.
Bất chấp thực tế ấy, nỗi “sợ Thái” vẫn lẩn khuất đâu đó trong ẩn ức của người Việt. Nói một cách tường minh hơn, là có thời điểm chúng ta vượt lên nhưng sự nhỉnh hơn ấy chỉ như ánh sao băng, chớp nhoáng và chưa thật sự bền vững. Điều ấy có thể hiểu được bởi dù sao, Thái Lan cũng đi trước chúng ta 20 - 30 năm. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thập niên 2000 thì họ đã cán đích từ những năm 1970, 1980. Khi mà những tiểu thương biên giới như Lò Mùi Khé chèo thuyền ngược dòng sông Hồng để xuất khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch, xứ Chùa Vàng đã băng băng trên đường cao tốc để đến Trung Quốc.
Nông nghiệp Việt Nam đã tiến những bước dài, từ chỗ phải nhập khẩu lương thực đến siêu cường xuất khẩu gạo; từ chỗ nắng nhiều cũng lo, mưa lắm cũng sợ đến những nhà màng công nghệ cao bát ngát mọc lên khắp cả nước. Nhưng trước kỷ nguyên mới, vận hội mới, nông nghiệp cũng phải đổi khác, xanh hơn, bền vững hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn và nhất là đảm bảo sinh kế cho người nông dân tốt hơn.
Nhờ đường bờ biển dài hơn 3.200km, địa hình trải dọc trên 15 vĩ độ, kết hợp nhiều núi cao, sông dài, đồng bằng phì nhiêu mà Việt Nam tự nhiên có thế mạnh sẵn có để phát triển nông nghiệp. Truyền thống nông nghiệp hàng nghìn năm là điều mà chúng ta không thể chọn khác.
Và cũng bởi như vậy, ngay từ lúc gieo hạt thóc xuống ruộng, thả con cá dưới ao, chúng ta cần tâm niệm một cách rõ ràng, rằng đất đai, nguồn nước, khí hậu mãi mãi là những thứ không thể mua bán.