Thương hiệu gạo quốc gia bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp

 

 

Thưa bà Trần Kim Liên, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất chuyên môn hóa, quy mô lớn. Bà nhìn nhận sự cần thiết phải tái cấu trúc ngành hàng này như thế nào?

Bà Trần Kim Liên: Đó là chủ trương đúng đắn, là định hướng mà Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group) của chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác đang cùng vào cuộc.

Vinaseed có chức năng cung cấp giống lúa cho cả nước và nhận thấy rằng nếu Việt Nam không tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị thì sẽ rất khó để nâng sức cạnh tranh của ngành gạo Việt với các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan hay thậm chí là Campuchia.

Năm 2020 là năm cực kỳ thành công của ngành lúa gạo Việt Nam, sản xuất lúa nhiều nơi được mùa, giá bán lại cao, bà con, doanh nghiệp đều phấn khởi. Một trong những nguyên nhân thành công đó là kết quả tái cấu trúc ngành lúa gạo, gạo thơm xuất khẩu đã chiếm 35%, dù biết giá cao còn do dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu tích trữ.

Hiện nay các doanh nghiệp tham gia SXKD gạo đã có sự thay đổi rất nhiều, tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng, đổi mới công tác chế biến, bảo quản và công tác tổ chức sản xuất.

Ví dụ như Tập đoàn Tân Long hay Vinaseed đã chi hàng chục triệu USD hiện đại hóa cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực chế biến, tồn trữ.

 

Cụ thể chuỗi giá trị lúa gạo của Vinaseed được đầu tư thế nào?

Bà Trần Kim Liên: Vinaseed nằm trong Tập đoàn PAN Group với một slogan rất vĩ mô là: “Sinh ra để nuôi dưỡng thế giới” với mục tiêu FARM – FOOD – FAMILY tức là xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp từ cánh đồng cho đến bàn ăn.

PAN có rất nhiều chuỗi giá trị, ví dụ như thủy sản, thực phẩm hay lúa gạo. Với lúa gạo Vinaseed đang bắt đầu từ điều mà người ta đang hay nói đến là: Nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn đến bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu gạo.

Vinaseed muốn xây dựng được một mô hình điểm về chuyển đổi sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo từ giống cho đến thương hiệu gạo Việt Nam.

Cho đến thời điểm này Vinaseed có thể nói đã tương đối thành công và là một trong những doanh nghiệp có chuỗi giá trị khác biệt.

Công ty đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất, dù làm sau nhưng Vinaseed đã đạt được những thành công nhất định. Doanh thu từ gạo trong năm 2020 của Vinaseed vào khoảng 400 tỷ đồng gồm cả nội tiêu và xuất khẩu. Gạo của Vinaseed đều có thương hiệu và chúng tôi xây dựng tiêu chí để nhận diện gạo Vinaseed là: GẠO TƯƠI, SẠCH giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên.

Nghĩa là muốn làm thương hiệu thì phải tham gia từ đầu, ngay từ ngoài đồng ruộng, thưa bà?

Bà Trần Kim Liên: Tôi cho là vậy, phải tổ chức được chuỗi cung ứng. Cách của chúng tôi là quy hoạch từng vùng sản xuất riêng biệt, lấy tiêu chuẩn thị trường làm mục tiêu nghiên cứu để đáp ứng được ngay từ khi bắt đầu.

Như các dòng gạo cao cấp ST, Thơm RVT sẽ hoàn toàn được trồng ở các vùng lúa tôm ven biển (ví dụ: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…). Xin nói thêm, chúng tôi xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu từ trước khi có EVFTA, kiểm tra theo các tiêu chuẩn của EU hoàn toàn không có tồn dư chất bảo vệ thực vật và hàm lượng nitrat, chưa bao giờ hàng bị trả lại.

Gạo của Vinaseed không bảo quản quá 6 tháng và như đã nói, quy hoạch vùng cho từng loại gạo.

Chẳng hạn vùng bán đảo Cà Mau sẽ được trồng các loại gạo chất lượng cao với giá trên 1.000 USD và bán cho thị trường nội tiêu. Khi kết thúc vùng lúa tôm, công ty sẽ chuyển sang trồng lúa ở Tây Nguyên.

Khu vực này có tổng thời gian chiếu sáng trong ngày rất nhiều, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lại cao nên năng suất và chất lượng gạo rất cao, như lúa Thơm RVT có thể cho đến 8 tấn/ha. Sản phẩm ở đây sẽ chuyên dùng cho xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, cụ thể là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, họ đặc biệt ưa chuộng gạo trồng trên các cao nguyên và sẵn sàng mua giá cao.

Như vậy, để xây dựng được chuỗi giá trị lúa gạo thì phải định vị được các vùng sản xuất chuyên canh, có ưu đãi về tự nhiên và tuân thủ quy trình để đạt được chất lượng gạo an toàn nhất.

Trong chuỗi sản xuất này nông dân sẽ được đầu tư, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thông qua các hợp tác xã. Chúng tôi cho nông dân vay vốn, sử dụng giống theo tiêu chuẩn của Vinaseed và chịu sự quản lý trên đồng ruộng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc. Các quy trình rất rõ ràng ngay trong hợp đồng từ quy định thời gian xuống giống, các hoạt chất nghiêm cấm sử dụng. Trong quá trình sản xuất, các cán bộ kỹ thuật của Vinaseed sẽ theo sát người nông dân, đảm bảo các quy trình được thực hiện chính xác.

Để làm được điều này, Vinaseed được hệ thống ngân hàng hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho chuỗi sản xuất, cho nông dân vay vốn trồng lúa. Ngoài ra, Vinaseed cũng đang liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, thông qua nhiều hợp tác xã lớn để thực hiện các dịch vụ về cơ giới hóa.

Sau khi thu hoạch, lúa được đem về hệ thống chế biến với các dây chuyền rất hiện đại, đặc biệt là không để bị mất hương vị tự nhiên của gạo. Hiện Vinaseed đang tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở vật chất để thực hiện chiến lược và tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu với thương hiệu gạo của mình (đầu tư mở rộng cơ sở tại Đồng Tháp, thực hiện mua bán, sáp nhập…).

 

 

Đúng là phải thật kỳ công mới ra được hạt gạo “tươi và sạch” như doanh nghiệp bà đang theo đuổi. Nhưng thưa bà, chúng ta là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng gạo Việt lại chưa có mấy tên tuổi trên thị trường thế giới?

Bà Trần Kim Liên: Tôi cho rằng để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì phải từ doanh nghiệp vì doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm và thương mại sản phẩm đó. Thương hiệu của doanh nghiệp làm nên thương hiệu quốc gia.

Vinaseed mới tham gia vào thị trường gạo, xuất khẩu chưa nhiều, nhưng chúng tôi xác định sản phẩm kinh doanh phải có thương hiệu chứ không làm gạo kiểu bao trắng, không bao giờ.

Hiện nay gạo được sản xuất tại Vinaseed hoàn toàn có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn từ những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ. Ví dụ như châu Âu, rào cản kỹ thuật của họ rất lớn và là thị trường cực kỳ khó tính, yêu cầu rất khắt khe về tồn dư chất bảo vệ thực vật và hàm lượng nitrat.

Những tiêu chí này họ hoàn toàn công khai (trên trang Health and Food Safety của EC.EUOPA.EU quy định rất rõ các chất cấm tồn dư trong sản phẩm gạo khi xuất vào EU cũng như các quy định của USDA khi gia nhập thị trường Mỹ); các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường này đều có thể tham khảo và thực hiện theo những tiêu chuẩn họ đã đề ra.

Điểm đặc biệt nữa là EU chỉ tin tưởng vào tiêu chuẩn của họ, cho dù gạo chúng ta có đạt chứng chỉ trong nước như thế nào, khi xuất khẩu sang châu Âu cũng sẽ được kiểm tra. Chỉ một mẫu thử không đạt, toàn bộ lô hàng sẽ bị trả lại.

Sau khi xuất khẩu gạo sang châu Âu, nhiều quốc gia đang muốn nhập hàng của Vinaseed, tuy nhiên đây là thời điểm mà công ty sẽ phải lựa chọn khách hàng.

Về sản phẩm, khác với xuất khẩu gạo trắng bao 50kg, hiện nay công ty tập trung vào sản xuất các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu rõ ràng, nếu là gia công (OEM) cho đối tác cũng phải có tên công ty, nơi sản xuất, đóng gói trên bao bì thì mới hợp tác.

Một số thị trường xuất khẩu và OEM gạo với thương hiệu của Vinaseed hiện nay có thể kể đến như: Philippines, Australia, châu Âu, Nhật, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và sắp tới là Mỹ. Các thương hiệu xuất khẩu của Vinaseed là VJ Pearl, VJ Platinum, VJ Gold, Gạo Phúc Thọ, Gạo Nếp cái hoa vàng, Gạo RVT.

Như vậy nếu có sản phẩm chất lượng ổn định, số lượng đáp ứng theo tiêu chuẩn đã cam kết thì thị trường lại không phải là vấn đề của doanh nghiệp nữa và khi có khách hàng ổn định khâu sản xuất của doanh nghiệp cũng rất ổn định do giá cả đã được dự tính cụ thể trước.

Cứ có tầm nhìn, có chiến lược có đầu tư thì sẽ có thương hiệu và tất yếu bán được giá cao.

Thưa bà, rất vui là hiện nay có tín hiệu khá nhiều doanh nghiệp bắt tay làm thương hiệu gạo thật sự?

Bà Trần Kim Liên: Như là Lộc Trời, Vinacam, Sunrice…, những doanh nghiệp đang hướng sản xuất theo chuỗi và kiểm soát chất lượng một cách bài bản, ngay từ khâu giống.

Họ sẵn sàng mua những giống độc quyền của chúng tôi (Vinaseed) để gieo trồng và ngược lại chúng tôi cũng mua giống tốt từ các công ty khác để phục vụ kế hoạch kinh doanh của mình.

Thương hiệu gạo quốc gia cần bắt đầu từ những doanh nghiệp như thế, có định hướng, chiến lược phát triển ngày càng bền vững để duy trì được chất lượng vì chất lượng chính là yếu tố quyết định thương hiệu.

Từ đó, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ ổn định hơn, bán được giá cao hơn, giống như các sản phẩm của các nước khác. Nếu không làm được điều này, thì thương hiệu gạo quốc gia vẫn chỉ dừng lại ở khát vọng.

 

 

Bà thấy xu hướng tiêu dùng mặt hàng gạo trong nước thế nào?

Bà Trần Kim Liên: Hiện thị trường trong nước có 3 nhu cầu đối với lúa gạo. Thứ nhất là lương thực chính của người Việt Nam. Khi điều kiện kinh tế tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện đặc biệt xu thế đô thị hóa thì thói quen tiêu dùng thay đổi. Gạo có thương hiệu, được đóng gói sẵn, được sản xuất bởi các công ty lớn đang ngày càng được ưa chuộng.

Nhu cầu thứ 2 là công nghiệp chế biến, các loại bún, bánh, bột gạo cũng là mặt hàng được tiêu thụ rất lớn ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi xác định các chiến lược để phục vụ cho khu vực này, sản xuất được những loại lúa gạo phù hợp với công nghiệp chế biến.

Cuối cùng là nhu cầu phục vụ chăn nuôi và một số ngành khác, cũng là khu vực có tiềm năng lớn.

Dư địa thị trường nội tiêu của gần 100 triệu dân đối với lúa gạo là rất lớn, hiệu quả cao và ít rủi ro hơn so với xuất khẩu. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu của chúng tôi trong năm 2021 chỉ vào khoảng 20.000 tấn gạo, còn lại tập trung phát triển, phục vụ thị trường trong nước.

Chúng ta quan tâm xuất khẩu nhưng thị trường trong nước mới là đặc biệt quan trọng cần quan tâm hơn. Người Việt phải dần được ăn ngon hơn và người tiêu dùng thì có quyền biết rõ nguồn gốc sản phẩm, nhất là lúa gạo, thứ chúng ta ăn hằng ngày càng phải được đảm bảo?

Bà Trần Kim Liên: Để sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì không cách gì khác là phải làm theo chuỗi. Chính chuỗi mới làm nên sự khác biệt cho doanh nghiệp.

Bắt đầu là từ giống, giống thế nào thì gạo thế ấy, giống phải đảm bảo chất lượng, duy trì được các đặc tính ưu việt (như duy trì gen thơm đối với gạo thơm…) trăm hạt như một mới có được độ đồng đều hạt gạo sau này. Sau đó là quy hoạch vùng sản xuất, ở đâu, trồng giống gì phải được quy định rõ ràng và phải đủ độ lớn về quy mô.

Chuỗi sản xuất của chúng tôi thông qua hệ thống hợp tác xã và các hộ nông dân có ruộng lớn (từ 20ha trở lên) để có được sự thống nhất về hạt gạo cũng như thuận tiện cho việc quản lý sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa.

Quá trình quản lý sản xuất được ràng buộc bằng các hợp đồng và cam kết bao tiêu, ứng vốn. Nông dân được nhiều ưu đãi nhưng phải đảm bảo các yêu cầu chúng tôi đưa ra, về quy trình, chất có thể sử dụng. Tất cả sẽ được giám sát bởi các kỹ thuật viên và một số phần mềm ví dụ như Farmrecord. Đây là những yếu tố để đảm bảo được chất lượng hạt gạo, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sau này.

Về giá mua, Vinaseed cam kết luôn mua ít nhất bằng giá sàn thị trường. Nếu trường hợp hàng tăng giá, có lãi thì công ty và nông dân sẽ cùng nhau chia sẻ phần lợi nhuận này bằng mức tăng giá phù hợp.

Sau thu hoạch, lúa được chế biến tại các nhà máy của Vinaseed rồi sau đó đóng gói đem bán, bao gồm cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu nhưng điểm chung là luôn có thương hiệu của công ty trên bao bì.

Chúng tôi bao giờ cũng chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình quản lý sản xuất, sử dụng các công nghệ trả phí của 2 đối tác Nhật Bản và Israel (phần mềm FAMRECORD do Nhật Bản chuyển giao, AGRITAST của Israel, sử dụng công nghệ vệ tinh để thẩm tra diện tích, thời tiết, dự đoán, dự báo khả năng xảy ra sâu bệnh, năng suất của các thửa ruộng và theo dõi việc chấp hành quy trình...). Chúng tôi cũng đang hợp tác với tập đoàn Sozit của Nhật và tập đoàn Rynan để quản lý sản xuất theo chuỗi ứng dụng phân bón chậm phân hủy giảm hiệu ứng nhà kính và giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, các công nghệ khác cũng được áp dụng để theo dõi việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng. Khi sản phẩm ra đời, trên bao bì sẽ có mã QR để người tiêu dùng có thể xem được bao gạo này được sản xuất ở đâu.

Đây mới là cách thức để nâng tầm lúa gạo Việt Nam, thưa bà?

Bà Trần Kim Liên: Để nâng tầm cho lúa gạo Việt Nam, trước hết chúng ta phải hướng dẫn để bà con học được cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Các nhà cung ứng gạo cũng phải thay đổi cách làm, đồng bộ hơn, quy củ hơn để không còn tình trạng được mùa mất giá phải giải cứu hoặc nhà nước phải hỗ trợ như vừa qua. Đặc biệt sự chia cắt chuỗi giá trị lúa gạo dẫn đến sự phát triển không bền vững của ngành và người bị tổn thương nhất chính là nông dân.

Khi mà quy trình sản xuất không bài bản, sẽ xảy ra các tình trạng như lấy lúa ăn làm lúa giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định… Điều đó dẫn đến độ thuần của sản phẩm thấp, chất lượng không cao, xảy ra may rủi khi trải qua các bài kiểm tra của những thị trường khó tính.

Chính chúng ta phải nghiêm túc, sòng phẳng với nhau để đảm bảo được rằng sản phẩm ra đời là kết quả của một chuỗi sản xuất khép kín, chất lượng đến từng khâu.

Có thể nói, hiện nay, cũng có một số công ty gạo không chủ động được về thị trường nên phải thông qua rất nhiều khâu trung gian. Khi cần, đi mua gom thì không đồng nhất về chất lượng, nguồn gốc nên không thể xây dựng được thương hiệu mà chỉ là những bao gạo trắng đơn thuần.

Đối với giống, những dòng có thương hiệu như Đài Thơm 8 (xuất khẩu tới gần 2 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay) vốn là của Vinaseed nhưng nông dân lại chưa hiểu được tầm quan trọng độ thuần giống nên vẫn mua lúa lương thực về làm giống. Điều này làm cho chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, gen thơm không được duy trì và dẫn đến kết cục là không xây dựng được thương hiệu.

Ở Vinaseed, giống lúa được đảm bảo ngay từ đầu, dù gieo trồng trên 15.000ha thì cũng chỉ dùng một loại giống, nên độ thuần trên cánh đồng có thể lên đến 95%. Đây là hướng đi mà ngành lúa gạo cần phải thực hiện để có thể gây dựng được tên tuổi cho mình trong tương lai.

 

 

 

 

Tham gia toàn bộ chuỗi lúa gạo, từ giống, tổ chức sản xuất đến đầu ra thị trường, trong chuỗi giá trị này bà thấy khó khăn nhất khâu nào?

Bà Trần Kim Liên: Khó khăn lớn nhất đối với quá trình tái cấu trúc là việc hình thành những cánh đồng lớn để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc, đồng nhất được chất lượng sản phẩm với khối lượng lớn và thực hiện cơ giới hóa. Để giải quyết khó khăn này không chỉ mình doanh nghiệp mà còn phải có sự tham gia của nhà nước, của ngành.

Đầu tiên nhà nước cần có cơ chế mạnh hơn thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới để doanh nghiệp có các đầu mối lớn với quy mô lên đến hàng trăm hecta, tạo thuận lợi trong sản xuất.

Chủ trương về hợp tác xã kiểu mới đã có, nhưng cần có thêm các sự hỗ trợ về tiền lương, vốn, công cụ quản lý và cơ chế chính sách để xây dựng cơ sở vật chất cho các hợp tác xã và thu hút được cán bộ có trình độ về quản trị được đào tạo bài bản. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư vào cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao hay cung cấp giống, phân bón… một cách đồng bộ để đảm bảo sản phẩm ổn định.

Người đứng đầu hợp tác xã phải có trình độ để quản lý được bộ máy của mình, có kiến thức về thị trường để kết nối được với các doanh nghiệp và trở thành một nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng và đầu tư với vài ngàn hộ nông dân được.

Thứ hai, là Luật Đất đai, nên có điều chỉnh, sửa đổi về chính sách hạn điền và có chính sách để tích tụ, tập trung ruộng đất để làm lớn. Hiện nay hạn điền còn chưa đủ lớn, thủ tục pháp lý về dồn điền đổi thửa chưa có nên các doanh nghiệp chưa dám làm vì sợ rủi ro.

Khi có cơ sở pháp lý, các doanh nghiệp có thể xem những phần ruộng mình tập trung được như một dạng tài sản để thế chấp, tín chấp để vay vốn ngân hàng.

Thứ ba là vấn đề hỗ trợ về tín dụng, vì đa số các doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ nếu không có cơ chế thông thoáng, thuận lợi về vốn thì rất dễ phá sản khi thị trường bất ổn.

 

Trần Cao - Tùng Đinh
Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Tùng Đinh