Thưởng ngoạn chốn u trai

Sau cả buổi chiều mệt nhoài vì tranh thủ thám hiểm cung đường mòn xuyên giữa rừng nguyên sinh, len lỏi qua những phiến đá róc rách mát lạnh của thác Ngũ Hồ để đến thác Đỗ Quyên giữa cao điểm mùa hè. Tối hôm đó, tôi ngả lưng trong chiếc villa cổ của người Pháp được xây từ cách nay gần trăm năm nằm nghe bản hoà tấu của côn trùng đại ngàn rồi mơ màng chìm dần vào giấc điệp.

5 giờ sáng được đánh thức bằng bản hoà tấu của không biết bao nhiêu là loài chim muông đua nhau hót đón chào ngày mới, tôi lại tiếp tục chinh phục điểm đến cuối cùng – bách bộ lên Hải Vọng Đài trên đỉnh Bạch Mã để ngắm trọn bình minh đẹp đến nao lòng.

Trên đường quay trở xuống, tôi bắt gặp cặp vợ chồng trung niên cùng hai cô con gái vừa được nghỉ hè sau một năm học hành, thi cử căng thẳng. Họ cho biết từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây nghỉ dưỡng để "chữa lành" và nhờ chụp cho mấy tấm ảnh làm kỷ niệm...

Anh chồng chia sẻ rất tâm đắc rằng: Thật là tiếc khi em đã không đưa gia đình đến đây sớm hơn vì chỉ sau một ngày đêm được đắm chìm giữa thiên nhiên, người lớn thì được "thoát trần" làm mới mình, còn sắp nhỏ có cơ hội trải nghiệm bổ ích giúp chúng bồi đắp óc quan sát và trí tưởng tượng.

Thú thực là đối với những cư dân đô thị đông đúc, quanh năm suốt tháng lăn lộn với nhịp sống hối hả để mưu sinh hay học tập thì việc giành ra một hai ngày đến nơi vừa có rừng vừa có suối để thư giãn, thả lỏng thì quả là không còn gì tuyệt vời hơn.

Quay trở lại hành trình già nửa ngày thám hiểm cung đường lên đỉnh Bạch Mã, chúng tôi được anh chàng kiểm lâm viên người bản địa Nguyễn Cao trực tiếp làm hướng dẫn viên vừa đi vừa giới thiệu tỉ mỉ từng loại cây rừng cho đến từng loài động vật đặc hữu nơi đây.

Anh Cao cho hay, Vườn quốc gia Bạch Mã từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các chuyến dã ngoại cuối tuần, với hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng khiến cho du khách tha hồ tận hưởng bầu không khí trong lành, tách biệt khỏi những đô thị đông đúc. Đặc biệt đông nhất thường rơi vào dịp cao điểm nắng nóng mùa hè, khi các cháu học sinh được nghỉ hè được cha mẹ và nhà trường bố trí, tổ chức cho đi tham quan, trải nghiệm thực tế kết hợp nghỉ dưỡng. 

Tuy nhiên qua nhiều năm quan sát và có dịp được tiếp xúc với nhiều đối tượng đến đây, anh Cao nhận thấy rằng nhóm những người ưa vận động và thám hiểm thường có ấn tượng mạnh nhất khi đặt chân đến Vườn quốc gia Bạch Mã. Họ thậm chí cũng chẳng mấy quan tâm đến chất lượng dịch vụ ở đây, mà đơn thuần chỉ là được tận hưởng bầu không khí trong lành và để mặc cho thần trí ngao du với núi rừng hoang sơ.

“Thích thú nhất có lẽ là được tận mắt chứng kiến những cư dân ở các đô thị lớn ưa khám phá, thích vận động như dân chạy bộ đường mòn xuyên rừng- ultra trail, leo núi- trekking hay canyoning – đu dây vượt thác hoặc cắm trại- camping, … Họ thường rủ nhau về đây mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ tết để chinh phục những cung đường đèo dốc quanh co thơ mộng, và chụp ảnh check-in những điểm dừng chân tuyệt đẹp như thác Đỗ Quyên, thác Ngũ Hồ và leo Hải Vọng Đài. Nếu là những tín đồ ưa xê dịch thì việc chinh phục những cung đường có một không hai thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã còn là một thử thách bản thân khi mỗi lần được đặt chân đến đây”, anh Cao kể.

Ngoài ra, điểm cuốn hút du khách của những cung đường mòn xuyên rừng ở đây chính là điều kiện thời tiết lý tưởng với nền nhiệt độ trung bình năm là 18,9 độ C và độ ẩm bình quân năm 92%.

Vườn quốc gia Bạch Mã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa bình quân ở trung tâm đỉnh Bạch Mã là 9.865,1 mm, cao nhất so với cả nước và cũng chính là nơi có lượng mưa lớn nhất Đông Dương nên tọa độ này có thảm thực vật và hệ động vật vô cùng phong phú, tạo nên những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp xen giữa núi non trùng điệp hùng vĩ.

Nếu có cơ hội “lạc” vào những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt bất kể mùa nào trong năm, du khách sẽ được thưởng thức những bản giao hưởng bất tận của chim muông, giun dế xen lẫn tiếng róc rách của khe suối. Vì là nơi có độ cao chênh lệch lớn, lên tới trên 1.200 mét so với mực nước biển nên càng lên cao du khách sẽ càng phấn khích khi được mở hết các giác quan và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đầm phá và biển cả trải rộng dưới chân. Ai đã từng một lần trải nghiệm những khoảnh khắc này thì tin chắc sẽ rất khó quên trong đời…

Nếu còn thời gian thảnh thơi, bạn có thể ghé ngắm kiến trúc của một số biệt thự bỏ hoang, từng là khu nghỉ dưỡng từng dành cho sĩ quan Pháp và giới thượng lưu Huế trên đỉnh Bạch Mã. Sau khi kết thúc hành trình thăm vườn quốc gia, "làng người lùn" dưới chân núi Bạch Mã là một điểm gợi ý cho du khách nghỉ chân và chụp ảnh check-in.

Theo người cao niên, cái tên Bạch Mã xuất phát từ một số giai thoại liên quan đến việc mây mù bao phủ ngọn núi này quanh năm và người dân vùng này nhìn lên thường thấy sương trắng bốc lên tạo thành khối hình con ngựa. Một truyền thuyết khác cho rằng, có một vị tướng cưỡi ngựa trắng phi lên núi rồi biến mất một cách đầy bí ẩn.

Vườn quốc gia Bạch Mã cách trung tâm thành phố Huế chừng 40km, là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ tây sang đông.

Vườn có tổng diện tích gần 37.500 ha, là một khu rừng nguyên sinh rộng lớn, có 2.420 loài thực vật cùng 1.715 loài động vật đa dạng, trong đó gồm nhiều loài quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Theo lời kể của những người dân địa phương, Vườn quốc gia Bạch Mã được phát hiện và khai phá bởi vị kỹ sư cầu đường người Pháp tên M.Girard vào năm 1932, và nơi đây đã trở thành khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1945. Núi Bạch Mã thuộc địa phận huyện Phú Lộc, nằm nép mình bên dãy Trường Sơn trông giống như một con ngựa trắng duỗi chân hướng ra đại dương.

Đây cũng là trung tâm của dải rừng tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam nối từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào. Do có vị trí địa lý thuận lợi là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, nơi giao lưu của hai luồng khí hậu Bắc - Nam và cũng là nơi giao lưu của hệ thực vật á nhiệt đới và nhiệt đới, với địa hình chuyển tiếp từ vùng núi thấp đến đai cao trên 1.700m nên nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây rất đa dạng về thành phần loài.

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại địa phương: Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsii) chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia  rộng 50.000 ha ở vùng rừng Bạch Mã - Hải Vân. Dự án này do ông Girard đề xuất vào năm 1932. Đến năm 1933, một kỹ sư người Pháp khác là ông Raoul Desmarest đã được khâm sứ Trung kỳ ủy thác thực hiện nghiên cứu khảo sát đầu tiên nhằm quy hoạch vùng đỉnh núi Bạch Mã.

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, ngày 15/7/1991, Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập, với diện tích 22.031 ha thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đến ngày 2/1/2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được mở rộng lên 37.487 ha, thuộc địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam.

Đến nay, Vườn quốc gia Bạch Mã là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), có chức năng quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, bảo tồn, cứu hộ, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, cung ứng dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ du lịch sinh thái...

Trong Vườn quốc gia Bạch Mã không có dân cư sinh sống. Ở vùng đệm có 4 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Ka tu, Vân Kiều và dân tộc Mường. Vùng đệm có diện tích 58.676 ha, trải dài trên 2 tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam, gồm 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông và Đông Giang, 15 xã, thị trấn gồm có 109 thôn.