Thời gian qua, công tác khuyến nông cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) là một trong những điểm đổi mới quan trọng của hoạt động khuyến nông giai đoạn hiện nay. Đây là hoạt động cơ cấu lại tổ chức khuyến nông gắn với địa bàn các xã, đa dạng hóa hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả là nền tảng kết nối giữa nông dân, tổ chức nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã chủ động tiếp cận và tham mưu Sở NN-PTNT triển khai xây dựng tổ KNCĐ tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập khoảng 130 tổ KNCĐ với khoảng 900 thành viên; trong đó, xây dựng 11 mô hình điểm, mỗi huyện từ 1 - 2 tổ để làm cơ sở nhân rộng cho các xã còn lại. Thành viên của tổ là cán bộ hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, nông nghiệp, thú y, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Trong đó, Chủ tịch Hội Nông dân xã thường kiêm nhiệm vị trí tổ trưởng.
Tổ KNCĐ có các chức năng, nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp; hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian qua, Phòng Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông các khu vực, Hội Nông dân các huyện lựa chọn và định hướng cho các tổ KNCĐ tập trung các hoạt động cho sản phẩm phù hợp với cây trồng tại địa phương cũng như kỹ năng tư vấn sản phẩm. Ngoài ra, còn tập huấn về xây dựng mã số vùng trồng và liên kết với doanh nghiệp.
Bến Tre hiện đã có nhiều tổ KNCĐ hoạt động nổi bật và rất hiệu quả như Tân Thiềng, Phú Phụng, Vĩnh Thành (Chợ Lách); An Hiệp, Tân Phú (Châu Thành); An Thuận (Thạnh Phú). Các tổ đã liên kết được với doanh nghiệp đầu vào mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đồng thời tăng cường tư vấn, hỗ trợ người dân các dịch vụ tỉa cành tạo tán, giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn. Nhiều tổ đã phối hợp tiêu thụ trái cây, hỗ trợ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị.
Theo Trạm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Ba Tri - Giồng Trôm, tổ KNCĐ là một điểm mới quan trọng của hoạt động khuyến nông trên địa bàn các xã trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay. Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, tất cả các xã ở huyện Giồng Trôm và Ba Tri đều có tổ KNCĐ, với tổng số 41 tổ, 483 thành viên, trong đó, Giồng Trôm 20 tổ, Ba Tri 21 tổ. Các tổ đã thực hiện nhiều mô hình như ủ phân hữu cơ, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế…
Qua thời gian hoạt động, các tổ KNCĐ trên địa bàn 2 huyện Giồng Trôm và Ba Tri đạt những kết quả tích cực, góp phần phát triển nghề chăn nuôi bò gắn với thương hiệu “Bò Ba Tri”; liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các giống lúa chất lượng cao; ký kết hợp đồng rau hữu cơ với doanh nghiệp tại TP.HCM; hỗ trợ xây dựng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói...
Huyện Chợ Lách có 11 tổ KNCĐ, hầu hết hoạt động hiệu quả. Ông Trần Minh Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, Hội thường xuyên phối hợp với ngành khuyến nông mời bà con tham gia các buổi tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi. Năm nay, mỗi xã đều có từ 2 cuộc tập huấn trở lên; đặc biệt là phân bón.
Vĩnh Thành là địa phương có nghề làm vườn, đặc biệt là làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng phát triển mạnh ở Chợ Lách. Hằng năm, địa phương có khoảng 12 triệu sản phẩm cây giống các loại sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn; hơn 6 triệu sản phẩm hoa kiểng, trong đó chủ lực là cây mai vàng, ngoài ra còn có tắc kiểng, kiểng bonsai, kiểng lá, hoa treo. Một số dịch bệnh thường xuất hiện trên cây giống và hoa kiếng như bọ trĩ, tuyến trùng, cháy nụ, thối nụ... Các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là xâm nhập mặn; ngoài ra, giá cả một số mặt hàng nông nghiệp như thuốc, phân bón tăng cao khiến bà con lo lắng.
Ba tháng cuối năm 2023, ngay khi vừa mới thành lập, để giúp nông dân khắc phục những khó khăn, Tổ KNCĐ Vĩnh Thành đã phối hợp mở 3 lớp tập huấn về chăm sóc cây giống và hoa kiểng cho 120 người. Năm 2024, Tổ tiếp tục mở 1 lớp tập huấn về khắc phục sau hạn mặn trên cây giống cho 47 hội viên và 1 lớp tập huấn về phòng chống chảy nụ, cháy lá trên cây mai vàng cho 76 hội viên. Ngoài ra, còn phối hợp mở 6 lớp tập huấn về sửa kiểng, tạo mã QR cho sản phẩm cây giống hoa kiểng, giải pháp chăm sóc mai vàng, tập huấn làm du lịch... Đặc biệt, trong công tác tư vấn, Tổ còn phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ FELIX hướng dẫn 55 nông dân đăng ký tài khoản và tải app để giao dịch mua bán trên sản thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Duy Ninh (ở ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành) có 1,7 công đất vườn trồng mai ghép. Nhờ tích cực giới thiệu trên mạng xã hội nên mai vàng được bán quanh năm thay vì chỉ ngồi trông chờ vào thương lái vào mỗi dịp Tết cổ truyền như ngày trước. Mỗi năm, thu nhập từ mai vàng mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông cũng tham gia tổ KNCĐ để hướng dẫn các thành viên trong trong các tổ hợp tác của ấp kỹ thuật trồng mai vàng và bán hàng online. Hiện ấp này có 1 tổ hợp tác mai vàng, 2 tổ nghề nghiệp mai vàng, 1 tổ hội giảm nghèo.
“Diện tích đất của gia đình hẹp, nhờ bán online tháng nào cũng có thu nhập nên đời sống đỡ hơn trước. Có ngày mình bán được hơn 20 đơn. Cây mai có giá chừng vài trăm nghìn đến 2 triệu đồng, rất dễ bán. Cái nào mình biết mình san sẻ cho anh em, cái nào mình không biết mình cũng học hỏi lại từ anh em để rút kinh nghiệm”, ông Ninh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tổ KNCĐ xã Vĩnh Thành còn tích cực vận động thành lập mới 3 tổ hợp tác mai vàng, kiểng với 40 thành viên; 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp chuyên mua bán hàng online ấp Vĩnh Phú và ấp Phú Hội; 1 tổ hội nghề nghiệp giảm nghèo chuyên sản xuất tắc kiểng với 10 thành viên. Các thành viên tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nâng cao tay nghề.
Ông Nguyễn Văn Phúc là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời là thành viên tổ KNCĐ xã Vĩnh Thành. Hiện ông đang làm chủ cơ sở sản xuất hoa kiểng Tùng Vĩnh Phúc với trên 16 mặt hàng cây tùng kiểng được thương mại, sản lượng hàng năm khoảng 100.000 sản phẩm. Đáng chú ý, trong số này có đến 90% sản lượng được tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử nhờ vào các đội bán hàng online tại địa phương. Hiện cơ sở của ông Phúc đã giải quyết việc làm cho 7 lao động cố định với thu nhập 7 triệu đồng/tháng và 6 lao động thời vụ với mức thu nhập 500 - 600 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, ông cũng liên kết với hơn 10 hộ để trồng gia công cây tùng. Các nông dân được ông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tùng đạt hiệu quả. Khi bà con có nhu cầu bán lại, ông thu mua để giải quyết đầu ra cho bà con. Qua đó, giúp cải thiện đời sống của bà con từ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên khá.
Theo UBND xã Vĩnh Thành, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đã vượt 82 triệu đồng/năm, trong này có phần đóng góp của tổ KNCĐ. Nói về định hướng sắp tới của Tổ KNCĐ, chị Lê Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Tổ trưởng chia sẻ, Tổ sẽ tiếp tục phối hợp Phòng NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Trạm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ Mỏ Cày Bắc – Chợ Lách sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về cây giống hoa kiểng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Đồng thời, vận động bà con dự trữ nước ngọt để phòng chống hạn mặn trong mùa khô. Ngoài ra, vận động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nền tảng mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm tốt hơn.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre đã tổ chức 4 lớp tập huấn năng cao năng lực cho cho 160 học viên là tổ trưởng và thành viên các tổ Khuyến nông cộng đồng đã thành lập.
Nội dung các lớp tập huấn tập trung vào phương pháp khuyến nông cộng đồng (tư vấn nông dân tại hiện trường); các kỹ năng khuyến nông (kỹ năng thảo luận nhóm, kỹ năng tư vấn dịch vụ nông nghiệp) và nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, liên kết chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng trên cây ăn trái, dừa uống nước tại Bến Tre. Ngoài phần học lý thuyết tại hội trường, các học viên đã đến tham quan, học tập mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành.
Thông qua các lớp tập huấn đã giúp các học viên nâng cao kỹ năng và năng lực hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng như kỹ năng tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất cho hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX. Một số chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt cũng đã được chuyển tải tới học viên gồm: Xác định nhu cầu dinh dưỡng và phối hợp khẩu phần, chế biến thức ăn cho gia súc nhai lại quy trình kỹ thuật ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; Quản lý mã số vùng trồng; kỹ thuật canh tác dừa uống nước; cách nhận biết và phương pháp xử lý phèn và mặn đối với cây ăn trái; những lưu ý khi xử lý ra hoa cây ăn trái (bưởi da xanh, sầu riêng).
Tại khu vực Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách, Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách thường xuyên hướng dẫn hỗ trợ tổ KNCĐ tư vấn nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng đối với một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn (sầu riêng, chôm chôm, dừa). Hướng dẫn tổ KNCĐ tư vấn nông dân chăm sóc cây trồng trong thời gian hạn mặn; giải pháp sản xuất sầu riêng, chôm chôm theo hướng an toàn, hướng dẫn nông dân ủ phân và canh tác dừa theo hướng hữu cơ và các giải pháp quản lý sâu bệnh trên cây trồng và các chính sách của nhà nước về nông nghiệp. Giới thiệu và hỗ trợ, hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các cuộc hội thảo và xây dựng mô hình trình diễn trên cây trồng. Định hướng tổ KNCĐ liên kết với hợp tác xã trong liên kết đầu ra của sản phẩm. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt tổ KNCĐ góp phần nâng cao nhân thức của các thành viên trong tổ hoạt động. Hỗ trợ xây dựng kế hoạch và định hướng hoạt động cho tổ KNCĐ.
Thực tế, các tổ KNCĐ ở Bến Tre bước đầu đã hoạt động hiệu quả. Tổ KNCĐ được thành lập về chuyên môn là “cánh tay nối dài” của hệ thống khuyến nông để truyền tải thông tin, kỹ thuật khoa học đến với người nông dân, doanh nghiệp tổ hợp tác, HTX một cách hiệu quả. Các tổ KNCĐ là đầu mối tổ chức tư vấn chuyển giao kỹ thuật, liên kết tốt trong việc thực hiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của xã, giúp các tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh các tổ hoạt động hiệu quả, thực tế do nhiều tổ mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp không ít khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ KNCĐ; đặc biệt là kiến thức phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Công cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ còn giới hạn.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai các tổ KNCĐ, ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết: “Để tổ KNCĐ phát triển mạnh và bền vững trong thời gian tới, yếu tố quan trọng nhất là cần có chế độ phù hợp cho lực lượng tham gia; chọn thành viên tổ cần có tâm huyết, kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng tham gia. Nhóm cần có sự đồng ngôn, đồng thuận và đồng hành trong các công việc của địa phương. Cần có sự đào tạo các quy trình công việc, kỹ năng cơ bản như tư vấn, quảng bá, kết nối công nghệ, kinh tế, kế hoạch. Có sự chỉ đạo giám sát và động viên kịp thời, khích lệ, ghi nhận, hỗ trợ của các cấp, chính quyền huyện, xã tham gia của các tổ chức đoàn thể. Trang bị trang thiết bị cần thiết và tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho thành viên”.
Ngoài ra, ông Châu Hữu Trị cũng kiến nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần sớm nhân rộng mô hình, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động của tổ KNCĐ.
Bên cạnh đó, các địa phương đồng loạt kiến nghị hỗ trợ để các tổ KNCĐ có điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm. Cũng theo Trạm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Ba Tri - Giồng Trôm, để tổ KNCĐ hoạt động ngày càng đúng định hướng, có chiều sâu và bền vững, thời gian tới, cần tạo điều kiện để các tổ học tập kinh nghiệm lẫn nhau, thông qua thực tiễn hoạt động rút ra những kinh nghiệm để các tổ ngày càng hoạt động tốt hơn. Các thành viên tổ cần nâng cao, cập nhật những thông tin, kiến thức về nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tổ hợp tác gắn với liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng...
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT thôn tỉnh Bến Tre cho rằng, hướng tới cần tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ KNCĐ, đồng thời phát triển thêm tại các xã còn lại, cần thiết có thể thành lập 2 tổ mỗi xã. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.