Toàn cảnh tác động của đại dịch Covid–19 đến thị trường lao động việc làm

Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới, do tác động của đại dịch Covid – 19, kinh tế nhiều nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, trong những tháng đầu năm 2020 đều tăng trưởng âm, và dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức âm 5% cho cả năm 2020.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2020 đạt 0,36% và 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, một số địa phương tăng trưởng âm, ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực nhất, mức tăng trưởng chỉ đạt 0,57%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.

Trong 7 tháng đầu năm, chỉ có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% số doanh nghiệp, giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 63,461 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực có số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ năm 2019: Bất động sản 927 doanh nghiệp tăng 98,5%; lưu trú và ăn uống 2.040 doanh nghiệp tăng 74,1%; giải trí 265 doanh nghiệp, tăng 69,9%.

Cao điểm trong tháng 4 thực hiện giãn cách toàn xã hội, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm tới 45,2% so với cùng kỳ năm 2019; 7.267 doanh nghiệp “rút lui” khỏi thị trường, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Dù vắc-xin cho virus SARS-COV-2 đã có mặt trên thị trường Nga.

Nhưng tình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp và chưa có dấu hiệu ổn định. Do vậy, kinh tế thế giới tiếp tục khủng khoảng chưa có điểm dừng. Các dự báo tăng trưởng mới nhất của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng rất thấp cho cả năm 2020, ở mức khoảng 2,8%.

GDP tăng trưởng thấp, cùng với số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, doanh nghiệp thành lập mới giảm đã tác động rất mạnh đến thị trường lao động Việt Nam. Tính chung số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm là 1,2 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 2,26%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%. Tính riêng quý II/2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 4,46% và đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua.

 

 

Trong 6 tháng đầu năm có 30,8 triệu lao động bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 và có thể gia tăng vào cuối năm. Trong đó 28,7 triệu lao động giảm thu nhập. Nhóm lao động làm công ăn lương có mức độ giảm mạnh nhất trong thời gian qua. Tháng 4, cao điểm của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội nên 76% doanh nghiệp phải cho nhân viên chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc hoặc bố trí làm việc luân phiên. Số mất việc làm gần 270 ngàn người (chiếm 40,29% tổng 4 tháng đầu năm).

Tháng 5 - 6 và đầu tháng 7, Việt Nam bước đầu khống chế được dịch bệnh nên số lao động bị mất việc làm bình quân mỗi tháng khoảng 72 ngàn lao động, số lao động tạm thời ngừng việc đã giảm đáng kể chỉ còn hơn 1 triệu lao động. Từ cuối tháng 7 đến nay, tình hình dịch bệnh lại diễn biến phức tạp khiến Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phải tiến hành cách ly xã hội cục bộ đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm, số lượng lớn lao động tiếp tục phải ngưng việc tạm thời.

Tính đến cuối tháng 8/2020, gần 1 triệu lao động bị mất việc làm. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72,0% lao động, khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Lao động trong nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất là 13,3% và 12,6% lao động tạm thời phải nghỉ việc không lương; 12,7% và 11,4% lao động bị giảm lương. Lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ nghỉ việc nhiều nhất là 28,7%, khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%.

Các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng nhiều hơn. Đông Nam bộ 7 tháng đầu năm có gần 400 ngàn lao động bị mất việc làm, TP. HCM có gần 200 ngàn lao động, Bình Dương hơn 90 ngàn lao động, Đồng Nai gần 70 ngàn lao động. Hà Nội cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng khi có trên 70 ngàn lao động bị mất việc làm.

Tại thời điểm tháng 4/2020, có tới 36,2% lao động ngành lưu trú, 33,8% lao động ngành ăn uống phải nghỉ không lương. Ngành hàng không tuy chỉ có 5,9% lao động phải nghỉ việc không lương nhưng lại có tới 94,9% lao động bị giảm lương, 64,7% lao động phải áp dụng giải pháp giãn việc/nghỉ luân phiên.

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, quý II/2020 có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động; 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

8 tháng đầu năm, dịch Covid-19 cũng đã tác động lớn tới tiền lương, thu nhập của người lao động. Theo Điều tra Lao động việc làm quý II của Tổng cục Thống kê, quý II/2020, thu nhập của lao động làm công hưởng lương đạt bình quân 6,3 triệu đồng/tháng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, tiền lương, thu nhập của người lao động ở quý II/2020 lại bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập bình quân tháng của lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

 

Lao động khu vực phi chính thức là nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động. Tính chung trong nửa đầu năm 2020, số lao động phi chính thức bị mất việc, ngưng việc, rời khỏi thị trường lao động giảm gần 1,2 triệu người so với cuối năm 2019.

Nhóm Lao động khu vực nông thôn: Sản xuất nông nghiệp hầu như không chịu ảnh hưởng trực tiếp đáng kể của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng đã làm cho một lượng lớn lực lượng lao động nông thôn rời khỏi thị trường lao động.

Lao động có việc làm khu vực nông thôn quý II/2020 giảm 1,7 triệu người so cùng kỳ. Dịch bệnh đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch làng nghề, xuất khẩu các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp,… nên thu nhập của người lao động bị giảm đáng kể.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD), thu nhập của nhiều hộ nông dân giảm từ 35-40%.

Nhóm Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Cả nước hiện có trên 560.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào một số thị trường lớn như: Nhật Bản có 235.757 lao động, thực tập sinh; Đài Loan có 224.713 lao động; Hàn Quốc có 48.000 lao động; Rumani có 5.038 lao động; Đức có 916 điều dưỡng viên; Ba Lan có 588 lao động,...

Khi dịch bệnh bùng phát tại các nước có lao động Việt Nam, sức ép về việc đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam được đặt ra. Quyết định đàm phán với các nước để đảm bảo cho lao động về mặt việc làm, sức khỏe, y tế tại các nước sở tại chứ không đưa hết công dân về nước là một trong những việc khó khăn đã được triển khai.

Đến nay, lao động Việt Nam đã tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về y tế của nước sở tại và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chủ sử dụng lao động cũng như các chính sách hỗ trợ của nước sở tại. Lao động, yên tâm làm việc trong bối cảnh chung của những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các trường hợp bị nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 đều được khám chữa theo đúng quy định của nước sở tại.

Theo số liệu thống kê từ 115 doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 6.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do ảnh hưởng của Covid-19 (lao động mất việc làm vì doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thu hẹp sản xuất, phá sản; lao động hết hạn hợp đồng không thể gia hạn, ốm đau, thai sản...) nhưng chưa thể về nước do không có chuyến bay.

Trong trường hợp chưa thể về nước sau khi đã hết thời gian gia hạn thị thực, người lao động sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp, gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, cư trú tại nước ngoài, thậm chí có thể bị phạt tiền hoặc gặp khó khăn trong việc giải quyết quyền lợi, chính sách cho người lao động sau khi về nước.

Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện còn khoảng gần 8.000 lao động đã hoàn thành các khóa đào tạo, hoàn thiện thủ tục Visa nhưng không thể xuất cảnh do dịch bệnh ở các nước tiếp nhận vẫn diễn biến phức tạp.

Dù lao động mất việc làm gia tăng cao, nhu cầu tuyển lao động giảm từ 20 - 33% so với cùng kỳ, nhưng trong 8 tháng đầu năm vẫn có những ngành, nghề, địa phương có nhu cầu tuyển lao động. Điều này cho thấy tín hiệu, xu hướng mà thị trường lao động Việt Nam cần phải điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong quý I, vừa có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và dịch covid-19 bùng phát nên nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh, có nơi giảm tới 40%, nhưng đến tháng 5, 6 nhu cầu của một số nơi đã được cải thiện. Tổng hợp từ hơn 8.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 270 ngàn lao động, trong đó nhu cầu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 60%.

Tính riêng các tháng 5, 6, 7 đã có hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19 như: Lắp ráp linh kiện điện tử và ngành dệt may.

Điển hình như: Công ty TNHH Luxshare -ICT Việt Nam cần tuyển 18.000 lao động, Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải tuyển hơn 10.000 lao động, Công ty TNHH Cannon Việt Nam 3.000 lao động, Công ty SamSung Việt Nam tuyển dụng hơn 2.000 cử nhân, kỹ sư, Công ty Cổ phần may Bắc Giang LGG cần tuyển 2.020 công nhân may, Công ty TNHH Crystal Martin cần tuyển 2.000 công nhân,…

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thu thập thông tin để đánh giá, dự báo thị trường lao động bằng nhiều hình thức. Với kết quả phân tích, dự báo tình hình, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách về lao động, việc làm cụ thể:

Phát huy hiệu quả hoạt động của định chế trung gian thị trường lao động – hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm

Bộ đã chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm bám sát, kịp thời thông tin những biến động của thị trường lao động của trên địa bàn. Các Trung tâm thường xuyên bám sát nhu cầu tuyển dụng lao động, tình hình sa thải, cho lao động thôi việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm có phương án về cơ sở vật chất, nhân sự, tổ chức thực hiện các dịch vụ công về việc làm một cách khoa học để vừa đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn vừa phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay từ khi có dấu hiệu bùng phát dịch, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải nghiên cứu cách thức, tổ chức hoạt động một cách hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp.

Theo đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã vận hành và thể hiện được vai trò, sứ mệnh trong việc của mình là hỗ trợ tài chính cho người lao động bị mất việc làm thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và có các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp sớm tìm được việc làm mới (tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo hướng nghiệp,…); hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải người lao động: Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 1/1/2020 đến 21/8/2020 là 760.290 người, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Bình quân mỗi tháng có 95 ngàn người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cao điểm nhất tập trung vào tháng 5 với 160.247, tháng 6 với 137.508 người (tăng gần 53% so với cùng kỳ năm 2019).

Số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế. Các địa phương có số lượng người thất nghiệp đến đăng ký nhiều nhất như: TP. HCM 132.501 người, Bình Dương 73.193 người, Đồng Nai 46.252 người, TP. Hà Nội 54.415 người,… Đông Nam Bộ có tới 287.886 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong gần 8 tháng qua.

Dưới tác động của dịch Covid-19, lao động phổ thông, lao động nữ bị ảnh hưởng mạnh nhất. Lao động phổ thông chiếm tới 71,4% tổng số người nộp hồ sơ, lao động nữ cao gấp 1,4 lần so với nam giới.

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tất cả các độ tuổi đều tăng, trong đó nhiều nhất là độ tuổi từ 25 - 40 tuổi, chiếm 67,2%. Lao động nộp hồ sơ đông nhất ở ngành chế biến, chế tạo 46,2%; hoạt động dịch vụ 25,1% và đông nhất ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tỉ lệ lần lượt 57%, 38,4%. Số lao động trước khi bị mất việc làm là thợ may, thêu và các thợ liên quan chiếm tỉ lệ cao nhất chiếm 25,8% tổng số người nộp hồ sơ.

“Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc đã tiếp nhận hơn 7.000 hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời, thẩm định hồ sơ và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 6.500 người” - Bà Trần Thị Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với hỗ trợ tài chính cho người lao động, các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH các địa phương đã kịp thời thay đổi phương thức, cải tiến quy trình để tăng cường kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến cho người lao động, để người lao động sớm quay trở lại được thị trường. Trong 7 tháng đầu năm, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019, gần 14 ngàn lao động đã được giới thiệu việc làm mới.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 150.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 54.000 lao động nghỉ việc không lương. Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã và đang từng bước thay đổi cách thức hoạt động, nhằm bảo đảm vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Do đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã kết nối hàng chục ngàn người lao động với 3.158 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 50.067 vị trí việc làm. - Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ sở đào tạo hầu hết phải đóng cửa nhiều tháng để đảm bảo phòng chống dịch và phải thay đổi phương thức đào tạo, nên số lao động được hỗ trợ học nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ có gần 16 ngàn lao động được hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 5.344 tỷ đồng để giải quyết cho 430.576 người hưởng chế độ trợ cấp thấp nghiệp và các chi phí khác để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Có thể nói, khi cú sốc kinh tế xảy ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp cho Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động đều chủ động, thích ứng ngay với hoàn cảnh. Doanh nghiệp không phải loay hoay tìm nguồn để chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động; Nhà nước không phải bố trí kinh phí, tìm giải pháp trước mắt khi lao động thất nghiệp số lượng lớn; người lao động được kịp thời được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (tiền trợ cấp, hỗ trợ học nghề, được tư vấn, giới thiệu việc làm).

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH còn hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp về việc chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động.

Theo đó, một số địa phương đã xây dựng phương án xử lý khi có các doanh nghiệp lớn cắt giảm lao động như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội như: Có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động; hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường đối thoại để người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật như tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ phép… để đảm bảo việc làm cho người lao động và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, sau khi thực hiện mọi biện pháp, phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động, Sở LĐ-TB&XH các địa phương phối hợp với Công đoàn các cấp và các cơ quan liên quan hướng dẫn, thực hiện giám sát doanh nghiệp lập phương án sử dụng lao động phương án cắt giảm lao động và giải quyết chế độ cho người lao động, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp khác để giới thiệu, tìm kiếm việc làm mới phù hợp cho những lao động bị mất việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm giúp họ tìm việc; hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người lao động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo để sớm ổn định cuộc sống.

Bộ LĐ-B&XH chỉ đạo thúc đẩy tạo việc làm trong và ngoài nước, tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm.

Theo tổng hợp từ các địa phương, trong 8 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho gần 770 nghìn lao động, đạt 52% kế hoạch đặt ra. Trong đó, riêng tháng 4, số việc làm được giải quyết việc làm thấp nhất, chỉ tạo việc làm được cho khoảng 50 ngàn người.

Tháng 6, 7 đã giải quyết việc làm cho 240 nghìn lao động (chiếm 33,6% tổng số việc làm 7 tháng). Số lao động được giải quyết việc làm tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp linh kiện điện tử,… Tổ chức thực hiện Quỹ quốc gia về việc làm với vai trò hỗ trợ tạo việc làm trong nửa đầu năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn về giải ngân, triển khai các hoạt động dự án cho vay tạo việc làm nhưng đã cố gắng để doanh số cho vay đạt 711 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho 28.379 lao động, trong đó lao động nữ là 11.266 người, lao động người khuyết tật là 899 người, lao động là người dân tộc thiểu số là 1.519 người.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH còn theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thương lượng, đối thoại để giải quyết các kiến nghị của người lao động, sớm ổn định tình hình, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại bình thường; trực tiếp gặp gỡ trao đổi với các tập đoàn, hiệp hội lớn để tháo gỡ cụ thể những khó khăn cho các doanh nghiệp về các vấn đề lao động thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH.

Đàm phán với các nước mà có lao động Việt Nam làm việc để đảm bảo các quyền lợi cho lao động Việt Nam về y tế, sức khỏe, các chi phí tiền lương,…để tránh sự đảo lộn lớn, nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam. Tổ chức chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách trật tự, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.

 

“Gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 – chính sách chưa có tiền lệ, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương”

Khi đại dịch xảy ra và đem lại rủi ro lớn bất thường có tính phi thị trường, nhiều người lao động, đối tượng yếu thế trong xã hội không thể tiếp cận các cơ chế hỗ trợ rủi ro của các định chế thị trường sẵn có, không được hỗ trợ đầy đủ bởi lưới an sinh, dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội nếu để thị trường tự vận hành và điều tiết.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (gói 62.000 tỷ).

Gói hỗ trợ cũng đã bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể, kịp thời hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương. Tính đến ngày 31/7/2020, các địa phương đã thực hiện giải ngân trên 11.985 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12 triệu người và 13.275 hộ kinh doanh, trong đó cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng, cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, đối tượng thuộc diện chính sách nào thì đã được tiếp cận, thụ hưởng đúng chính sách đó.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP đối với người dân, người lao động cho phù hợp; đề xuất gói hỗ trợ lần 2 tập trung vào các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.

Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, thị trường lao động nước ta chưa hoàn thiện, các định chế thị trường của thị trường lao động mới hình thành và phát triển thực sự từ 10 năm qua, thể chế và năng lực vận hành đều còn yếu và có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Lưới an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, mới thực hiện vai trò giá đỡ cho một phần của thị trường lao động.

Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, trong vai trò là định chế kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động vượt qua các cú sốc về việc làm – thu nhập, phát triển yếu, chưa được đầu tư đúng mức, còn bị hạn chế về chính sách phát triển.

Nhiều cấp, nhiều ngành, chính quyền nhiều địa phương cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho các chính sách lao động việc làm và các Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Hệ thống thông tin về lao động và việc làm của Việt Nam còn kém phát triển, có thông tin điều tra của Tổng cục Thống kê, nhưng chưa thực sự có các nghiên cứu, thu thập, công bố thông tin về thị trường lao động thường xuyên hàng tháng (cung cầu lao động toàn quốc, theo ngành nghề, trình độ, địa phương, các kênh thị trường lao động, chi phí giao dịch thị trường, giá vị trí việc làm, thu nhập, việc làm tạo ra, mất đi…)…

Điều này khiến thị trường lao động Việt Nam có hiện tượng vón cục tại các địa bàn lớn, rời rạc ở các địa bàn nhỏ và cơ bản phân tán, không có sự liên thông, liên kết trên toàn quốc.

Bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức trong thị trường lao động Việt Nam lớn là một hạn chế cơ bản, và là nguyên nhân khiến nhiều chính sách phát triển thị trường lao động của nước ta trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Việt Nam hiện có khoảng 39,9 triệu lao động không có giao kết hợp đồng chính thức, bao gồm khoảng 19 triệu lao động trong khu vực phi chính thức phi nông nghiệp. Lao động phi chính thức cơ bản chưa tiếp cận tới các định chế kết nối cung - cầu lao động như các Trung tâm Dịch vụ việc làm và không nằm trong hệ thống thông tin thị trường lao động sẵn có.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang đánh giá quá trình triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động việc làm trong thời gian vừa qua để đề ra các giải pháp cấp bách trong khi đại dịch đang tiếp diễn.

Trước mắt, một giải pháp quan trọng là tiếp tục phát huy các định chế sẵn có của thị trường lao động việc làm như các Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp việc làm để đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường, tạo liên thông toàn quốc. Bên cạnh đó tiếp tục phát huy vai trò của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ chi trả kịp thời cho người lao động mà còn được sử dụng cho tư vấn, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép sử dụng từ 3-5 nghìn tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đào tạo lại, để thích ứng với thị trường lao động hậu Covid-19. Đồng thời, tiếp tục bám sát thực tế, thu thập thông tin thị trường để cung cấp cho Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Định hướng phát triển lâu dài, thích ứng với trạng thái phát triển lao động việc làm và an sinh xã hội mới – thời kỳ “hậu Covid

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho thị trường lao động việc làm khủng khoảng trầm trọng, nhiều vấn đề thực tiễn đã đặt ra khi xây dựng cơ chế chính sách đối phó khủng hoảng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng thị trường lao động việc làm nước ta để thích ứng với một nền kinh tế thế giới đổi thay. Việc nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận, ban hành cơ chế và triển khai chính sách cho thị trường lao động định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, đồng bộ là yêu cầu cấp bách.

Lê Tuấn,Minh Hiến
Gia Minh
NNVN