Chiều tà, tôi cùng cán bộ nông nghiệp huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) theo chân ngư dân ra biển. Chiếc tàu đánh cá loại nhỏ đã được hoán đổi thành tàu hậu cần nghề cá xuất phát từ khu vực lấn biển đảo Hòn Tre rẽ sóng lao đi. Chẳng mấy chốc, làng bè nuôi cá biển dập dềnh theo con sóng hiện ra trước mắt.
Đảo Hòn Tre có một vịnh lớn hướng về đất liền và đã được đầu tư xây kè chắn sóng phía ngoài, tạo thành khu vực an toàn để tàu cá về đậu tránh trú bão và khá lý tưởng để neo bè nuôi cá. Không ít chủ bè nuôi cá ở đây là những ngư dân đánh bắt cá có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm, nhưng nay đã lên bờ, chuyển hẳn sang đầu tư nuôi biển.
Có lẽ nghề đi biển đã mang lại cho ngư dân Sáu Hơn (Lê Văn Hơn) một thân hình săn chắc và sức khỏe dẻo dai. Nhìn ông nhanh nhẹn tự quay máy, chạy tàu ra bè chăm sóc cá nuôi, khó ai có thể biết được Sáu Hơn năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Ông tâm sự: “Tôi ra đảo Hòn Tre lập nghiệp đã hơn nửa thế kỷ và chủ yếu là bám biển mưu sinh. Hồi xưa, vùng biển này tôm, cá rất nhiều, đánh bắt trúng lắm. Nhưng rồi nguồn lợi cạn kiệt dần. Nhận thấy nghề đi biển đã qua thời hoàng kim, tôi quyết định bán tàu đánh cá, lên bờ sinh sống”.
Gọi là lên bờ nhưng Sáu Hơn không hề bỏ biển, ông đầu tư nhà bè, làm lồng nuôi nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, như cá bớp, cá mú trân châu, cá chim vây vàng, cá bè vẫu… Ông bảo: “Để phát triển ngành thủy sản bền vững thì xu hướng chuyển dịch từ chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản là tất yếu. Con người không thể bắt tự nhiên sinh sản ra cá, tôm cho mình đánh bắt mãi được. Cần dựa vào lợi thế tự nhiên để nuôi trồng, tăng sản lượng thủy sản mà không làm cạn kiệt nguồn lợi”.
Tuy đã bỏ hoặc giảm đánh bắt hải sản tự nhiên, chuyển sang đầu tư nuôi lồng bè nhưng nhiều ngư dân ở Hòn Tre vẫn còn trăn trở khi chưa có đủ nguồn lực tiếp cận công nghệ lồng nuôi hiện đại do chi phí bỏ ra ban đầu khá cao. Nuôi bằng lồng cây gỗ tự chế thì chỉ có thể nuôi gần bờ, ven các đảo, nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi dễ bị dịch bệnh tấn công. Một số hộ cũng đã chuyển dần sang lồng nuôi bằng nhựa HDPE nhưng chưa nhiều…
Hơn 20 năm trước, con tôm sú theo dòng nước tự nhiên từ biển vào bờ. Từ một đối tượng có tập tính, môi trường sống khá xa lạ với những nông dân đã quen với nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, con tôm sú đã sớm lập nên kỳ tích, không chỉ trụ vững trên vùng đất lúa mà ngày càng mở rộng vùng lãnh thổ. Sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại đã thôi thúc nông dân đào ruộng, đắp bờ để nuôi. Cứ thế, diện tích nuôi tôm như vết dầu loang lấn dần từ biển vào bờ.
Các huyện vùng U Minh Thượng được xem là cứ địa của con tôm nước lợ nuôi theo hình thức quảng canh tôm - lúa tại tỉnh Kiên Giang. Nếu như khi mới hình thành, diện tích nuôi tôm - lúa toàn vùng ĐBSCL chỉ có vài chục ngàn ha thì nay đã mở rộng lên trên 200.000ha, trong đó riêng Kiên Giang chiếm khoảng phân nửa.
Đầu những năm 2020, nghề nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Kiên Giang đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, khi lần đầu tiên sản lượng thu hoạch cán mốc 100.000 tấn thương phẩm. Không chỉ vậy, mô hình nuôi tôm - lúa đã được nông dân phát triển thành hệ thống canh tác hiệu quả với sự kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích. Con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá nước lợ… đã có thể “sống hòa bình" trên ruộng lúa, mang lại giá trị cao cho nhà nông.
Qua 9 tháng đầu năm 2024, nông dân Kiên Giang đã thả nuôi trên 136.000ha tôm nước lợ, trong đó nuôi theo hình thức tôm - lúa hơn 107.000ha. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi toàn tỉnh đạt trên 112.000 tấn, dự kiến cả năm sẽ vượt xa mốc 130.000 tấn theo kế hoạch đề ra.
Dư địa để Kiên Giang phát triển nghề nuôi tôm vẫn còn khá lớn, khi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả tiếp tục được chuyển đổi sang phát triển các mô hình như: Tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm - cua kết hợp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư, triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp 2 - 3 giai đoạn. Đồng thời, tiếp tục ổn định phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa có điểu kiện chuyển đổi mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Kiên Giang có bờ biển dài trên 200km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, ngư trường của tỉnh rộng 63.290km2, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Từ lâu, nghề khai thác thủy sản luôn chiếm một vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành thủy sản giải quyết việc làm cho gần 200.000 người trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, dịch vụ và chế biến xuất khẩu thuỷ sản. Trong đó, số lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản là trên 70.000 người.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tàu đánh cá phát triển một cách tự phát không theo quy hoạch dẫn đến mất cân bằng về ngành nghề trên các ngư trường. Cường lực khai thác lớn, khai thác quá mức dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm rất nghiêm trọng. Tình trạng thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động đã qua đào tạo theo các chức danh trên tàu theo quy định. Các cơ sở hậu cần nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất, nhất là các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.
Hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến biển thấp, ngày càng giảm dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm, thậm chí thua lỗ. Sản lượng khai thác hải sản có chiều hướng giảm mạnh, từ mức hơn 565.700 tấn (năm 2021) giảm xuống còn chưa tới 524.000 tấn (năm 2022). Năm 2024 này, ước sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh có khả năng chỉ đạt khoảng 415.000 tấn, thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản để bù đắp sản lượng, giá trị khai thác giảm để đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực thuỷ sản và đồng thời tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, năm 2024, tỉnh có kế hoạch về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn, giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước, sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 130.000 tấn, tăng khoảng 9.000 tấn so với kết quả thu hoạch năm 2023.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt trên 611.500 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 319.600 tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng gần 292.000 tấn. Sản lượng thủy sản tăng so cùng kỳ chủ yếu là từ nuôi trồng do lượt diện tích thả nuôi tăng mạnh, đến nay đạt gần 303.100ha.
Như vậy, để hoàn thành kế hoạch tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng cả năm 2024 đạt 800.000 tấn, 3 tháng cuối năm sản lượng phải đạt 188.500 tấn. Trong đó, phấn đấu duy trì ổn định sản lượng khai thác đạt khoảng 95.000 tấn, góp phần nâng tổng sản lượng khai thác cả năm đạt 415.000 tấn. Sản lượng thủy sản nuôi đạt khoảng 93.500 tấn, cả năm đạt khoảng 385.000 tấn.
Theo như kịch bản này, thì đây là lần đầu tiên Kiên Giang đạt được mức gần cân bằng giữa sản lượng khai thác và nuôi trồng. Và chắc chắn những năm tới, thủy sản nuôi trồng sẽ vượt và chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong sản lượng thủy sản của tỉnh.
Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, cho biết, hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện “Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”. Theo đó năm 2024, mục tiêu phấn đấu phát triển nuôi cá lồng bè đạt 6.800 lồng, sản lượng cá thu hoạch đạt gần 21.500 tấn. Nuôi nhuyễn thể diện tích hơn 26.000ha, sản lượng 96.600 tấn, nuôi trai cấy ngọc diện tích 100 ha mặt nước biển, sản lượng thu hoạch 210.000 viên.
Trong những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký dự án đầu tư nuôi biển và thực hiện khảo sát chọn vùng nuôi biển công nghiệp tại các xã đảo, vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nuôi biển như: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Công ty CP Đầu tư phát triển Đức Trường, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bát Ngọc… đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, đánh giá, vùng biển Kiên Giang có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển. Để đầu tư vào Kiên Giang, Công ty Australis Việt Nam đã chọn vùng biển Nam Du (huyện Kiên Hải) đầu tư nuôi cá chẽm xuất khẩu. Kết quả thử nghiệm, đánh giá về các yếu tố môi trường, dòng chảy, nhiệt độ, tốc độ tăng trưởng của cá… đều rất khả quan. Từ đó, có thể khẳng định, đây là vùng biển có chất lượng tốt để đầu tư nuôi cá xuất khẩu, trong đó có cá chẽm.
Do là nuôi thử nghiệm nên Công ty Australis Việt Nam mới đưa vào thả nuôi quy mô nhỏ, với 6 lồng nuôi bằng nhựa HDPE, thả nuôi được 50.000 con cá chẽm. Trong khi chờ thủ tục giao khu vực biển, dự kiến trong năm 2025, công ty sẽ đưa vào 2 khu nuôi, mỗi khu khoảng 14 lồng nuôi thương phẩm, sản lượng có thể đạt từ 200-300 tấn/lồng để sát với thực tế khi đầu tư nuôi quy mô công nghiệp.
Theo đánh giá, điều kiện tự nhiên của tỉnh Kiên Giang rất thuận lợi cho phát triển nuôi biển ven bờ và xa bờ. Tiềm năng diện tích mặt nước ven biển, hải đảo còn khá lớn, chất lượng môi trường nước phù hợp với các đối tượng thủy sản nuôi biển và có thể thả nuôi được quanh năm.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cái khó hiện nay là thủ tục cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển từ chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước rất chậm, thời gian kéo dài, thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương.
Ngoài ra, nuôi ngoài đảo xa, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn rất hạn chế, khó khăn về logistics, làm tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Nếu những khó khăn này sớm được tháo gỡ, Công ty Australis Việt Nam sẵn sàng đầu tư lớn vào Kiên Giang, để phát triển nghề nuôi biển hiện đại.
Theo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, Kiên Giang sẽ được xây dựng trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của cả nước.
Trong đó, sẽ khai thác lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển công nghiệp tạo ra sản phẩm có thương hiệu, chuyển đổi lồng bè nuôi truyền thống (vật liệu gỗ) sang lồng nuôi HDPE giúp tăng năng suất, cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo.
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất nước, với 8.219 tàu cá đã được đăng ký hiện nay. Trong đó, riêng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ là 3.055 tàu, đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Thời gian qua, đội tàu cá của tỉnh Kiên Giang luôn được đầu tư hiện đại hóa, cơ giới hóa. Cơ cấu nghề khai thác được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh khai thác tại vùng khơi, duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, định hướng phát triển thủy sản của tỉnh trong thời gian tới dựa vào 3 trụ cột chính, đó là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Quán triệt, thực hiện chủ trương giảm sản lượng khai thác thủy sản, tăng nuôi trồng thủy sản để bù đắp sản lượng, giá trị khai thác bị giảm, để đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản và đồng thời tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Để phát triển ngành thủy sản nói chung và ngành khai thác thủy sản nói riêng một cách hiệu quả và bền vững thì cần tổ chức, quy hoạch lại nghề nghề đánh bắt một cách khoa học. Trong đó, thực hiện sắp xếp lại đội tàu theo hướng giảm về số lượng, tập trung giảm tàu có công suất nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng. Chuyển một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái như lưới kéo sang nghề đánh bắt thân thiện với môi trường như nghề câu, lưới vây… Tiếp tục không cho đóng mới tàu cá và không cho phát triển thêm tàu cá làm nghề lưới kéo.
Cùng với đó, là áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy hải sản đánh bắt. Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ lạnh thấm, cải tiến vật liệu hầm bảo quản, ứng dụng phương pháp giữ độ tươi của cá bằng công nghệ đá sệt và bể cá nhựa cốt sợi thủy tinh. Hướng dẫn ngư dân liên kết tổ chức sản xuất theo tổ, đội, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, thông tin ngư trường, giá cả và dịch vụ hậu cần khai thác nguồn lợi trên biển. Nhằm tăng thời gian bám biển, sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn, góp phần phát triển khai thác theo hướng hiệu quả, bền vững.
Thực hiện tốt việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
Phối hợp với Bộ NN-PTNT đẩy nhanh xây dựng cảng cá động lực tại Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ để sớm đưa vào sử dụng; Chuẩn bị đầu tư các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão nằm theo quy hoạch hệ thống Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Triển khai chính sách đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chính sách đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề từ đánh bắt hải sản ra các ngành nghề khác hoặc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động dịch vụ khác, như phát triển du lịch. Tăng cường năng lực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Huy động nguồn lực vào tham gia bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hằng năm, tổ chức thả con giống thủy sản xuống thủy vực để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang còn xây dựng Đề án chuyển đổi nghề khai thác hải sản sang nghề ngoài khai thác hải sản và nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng đến nguồn lợi, môi trường sinh thái. Có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi sang nghề mới phù hợp, gắn với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.