Bà Nguyễn Thị Phượng dành thời gian xen kẹt giữa các cuộc họp tiếp chúng tôi khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - nơi bà giữ cương vị Phó Tổng giám đốc tất bật chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 33 năm thành lập (26/3).
Không hỏi về vốn vay, không bàn về lãi lời sau một năm vượt sóng gió Covid-19, chúng tôi nói chuyện về trồng cây - công việc mà Agribank âm thầm hoàn thành kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh năm 2020 với triết lý “Vì tương lai xanh - thêm cây, thêm sự sống”.
Mở đầu câu chuyện, bà Phượng nói đó là “mệnh lệnh của trái tim”, mà ích lợi trước mắt, thiết thực nhất chính là dành cho con cái mình:
“Mỗi người cha, người mẹ đều mong những đứa con của mình có cuộc sống và một tương lai được đảm bảo. Chúng ta có thể cho con những bộ quần áo đẹp, cho con học tập ở những ngôi trường tốt. Nhưng chúng ta không thể cho con một bầu không khí trong lành, một môi trường sạch nếu chúng ta không chịu chung tay hành động vì môi trường”.
“Vì tương lai xanh - thêm cây, thêm sự sống”. Thông điệp tốt đẹp này bắt nguồn như thế nào, thưa bà?
Như chúng ta đã biết, tác nhân gây biến đổi khí hậu một phần là do thiên tai, nhưng chủ yếu là do “nhân tai” thông qua các hoạt động phá rừng, đốt rừng, các dự án phát thải ra môi trường. Trái đất nóng lên, tầng ô-zôn bị bào mòn, những dòng sông ô nhiễm và không khí bị đầu độc.
Trước đây, chúng ta thường thấy trẻ con tắm mát ở những dòng sông; nông dân thoải mái lấy nước phục vụ tưới tiêu. Nhưng đến bây giờ, nhiều dòng sông trở thành dòng sông chết, vào mùa khô, nguồn nước trở nên khan hiếm vì rừng đầu nguồn đã mất.
Vào mùa mưa bão hàng năm, những trận lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đã cướp đi hàng chục, hàng trăm sinh mạng. Hoa màu, hạ tầng cơ sở bị hủy hoại gây thiệt hại nặng nề.
Sự ô nhiễm nguồn nước và thiên tai dẫn đến bệnh tật và nghèo đói, vì người dân không có đủ khả năng kinh tế để trang trải chi phí chữa bệnh và tái thiết sản xuất. Họ chưa kịp thoát nghèo thì đã tái nghèo.
Số lượng bệnh nhân không chỉ gia tăng ở đô thị. Ngay cả ở nông thôn, tỷ lệ người mắc ung thư cũng rất nhiều. Rất buồn là bây giờ ở những miền quê, chất lượng không khí đã ghi nhận chỉ số không khí vượt ngưỡng an toàn, chuyển từ “chỉ số xanh” sang “chỉ số vàng” và “chỉ số đỏ”.
Bởi vậy, Agribank đã phát động chương trình trồng cây xanh mang thông điệp “Vì tương lai xanh” nhằm chung tay xây dựng môi trường sống đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Người dân ở đó có đầy đủ lương thực, thực phẩm, nguồn nước sạch, không khí trong lành và có những rừng cây để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Với thông điệp “Vì tương lai xanh - thêm cây, thêm sự sống”, Agribank đã thực hiện lồng ghép rất nhiều chương trình, không chỉ là trồng cây mà còn có phong trào làm sạch môi trường biển; nói không với rác thải nhựa; nói không với khói thuốc lá; phong trào làm xanh hóa môi trường làm việc và các dự án hỗ trợ cộng đồng của Đoàn Thanh niên trong toàn hệ thống.
Trồng được 1 triệu cây xanh hẳn nhiên không dễ dàng gì khi chúng ta phải cần rất nhiều giống, quỹ đất khổng lồ, nhân lực… Làm cách nào Agribank có thể hoàn thành chỉ trong năm 2020?
Sở dĩ Agribank đưa ra mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong năm 2020, bởi ngân hàng có gần 40.000 cán bộ, người lao động trải khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước. Nếu làm một phép tính chia thì chỉ cần mỗi cán bộ của Agribank trồng 25 - 30 cây xanh trong 1 năm, thì toàn hệ thống đã có 1 triệu cây.
Bên cạnh đó, hoạt động trồng cây của mỗi cán bộ cũng sẽ lan tỏa được thông điệp ý nghĩa đến những người thân trong gia đình và cộng đồng dân cư, qua đó tạo thành một phong trào ý nghĩa.
Trước khi đưa ra mục tiêu trên, chúng tôi đã thảo luận, trao đổi với anh em ở chi nhánh. Họ khẳng định quyết tâm chung tay cùng các đối tác, doanh nghiệp, địa phương để hoàn thành kế hoạch.
Với những nỗ lực của toàn hệ thống, Agribank đã hoàn thành chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong năm 2020. Năm 2021, Agribank tiếp tục đặt mục tiêu sẽ có thêm 1 triệu cây xanh mới được trồng ở các địa bàn trên cả nước.
Như bà chia sẻ, kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh được triển khai ở rất nhiều địa bàn khác nhau, địa hình khác nhau trên cả nước. Làm thế nào để Agribank chọn được những bộ giống cây trồng phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, giúp cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt?
Có lẽ đây là sở trường và thế mạnh của Agribank, bởi suốt hơn ba thập niên vừa qua, chúng tôi đã đồng hành và sát cánh với “tam nông”. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm và hiểu vùng đất nào sẽ phù hợp nhất với loại cây gì.
Bên cạnh đó, đồng hành cùng Agribank còn có các cơ quan chuyên ngành về nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện để lựa chọn cây giống đạt chất lượng tốt, sạch bệnh. Sau một thời gian trồng, cây đã bén rễ, phát triển xanh tốt và có cành. Chỉ sau 5 năm nữa, chúng ta sẽ có những hàng cây bắt đầu khép tán.
Việc trồng cây thì rõ ràng không phải câu chuyện "tiền tươi thóc thật". Vậy, khi Agribank phối hợp trồng cây xanh, địa phương có mặn mà không?
Rất vui và rất phấn khởi vì ý tưởng trồng cây xanh của Agribank được các địa phương hoan nghênh và phối hợp rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng được khuyến khích tiếp tục các dự án trồng cây mới, và các địa phương sẵn sàng bố trí địa điểm, khu vực phù hợp để cán bộ Agribank trồng cây.
Hàng năm, mỗi cán bộ Agribank ủng hộ ít nhất 3 ngày lương để cùng chung tay thực hiện các mục tiêu hỗ trợ an sinh xã hội, chúng tôi đã trích ra một phần từ quỹ này để thực hiện các hoạt động trồng cây xanh. Ngoài ra, mỗi dự án trồng cây có thể sẽ có thêm nguồn đóng góp khác từ các đối tác, doanh nghiệp đồng hành cùng Agribank để hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ai cũng mong muốn sẽ được thấy những khu đất trống, đồi trọc phủ lên màu xanh của cây, và chúng ta sẽ ít phải nhìn thấy sự tang thương sau mỗi trận lũ, mưa bão đổ về. Chúng ta sẽ giúp giảm đi những hoàn cảnh, phận đời khó khăn, và chúng ta cũng thấy hạnh phúc hơn.
Dự án trồng cây xanh của Agribank ưu tiên ở khu vực nào, thưa bà?
Tại 63 tỉnh, thành phố đều có các dự án trồng cây xanh, và trước hết Agribank sẽ ưu tiên trồng cây ở những vùng đất bị xói lở do thiên tai, đất trống, đồi trọc cần được phủ xanh.
Đối với địa bàn đô thị, chúng tôi khảo sát và trồng cây lấy bóng mát trên một số tuyến đường nội bộ của cụm dân cư các chi nhánh Agribank cũng thực hiện các dự án trồng cây xanh và trang trí những vườn hoa để tạo cảnh quan.
Ở vùng nông thôn và đồng bằng, chúng tôi sẽ ưu tiên những con đường do huyện, xã, thôn quản lý và không nhất thiết phải là các khu đất rộng lớn. Rất nhiều địa bàn có thể trồng được hàng nghìn cây xanh một lúc. Chúng tôi có những dự án nhỏ nhưng hiệu quả cao. Ví dụ như dự án trồng cây tại trường mẫu giáo, tiểu học, phổ thông trung học, các bệnh viện.
Khi hành trình trồng 1 triệu cây xanh năm 2020 của Agribank hoàn thành cũng là lúc Thủ tướng Chính phủ truyền đi thông điệp “Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”. Bà suy nghĩ gì về thông điệp của người đứng đầu Chính phủ?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, sáng kiến phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ là một thông điệp có tính lan tỏa rộng hơn nhiều so với chỉ tiêu 1 tỷ cây xanh.
Vì ở đó chúng ta nhìn thấy trách nhiệm của cả cộng đồng, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sống.
Ngoài ra, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang có những hoạt động làm tổn hại đến môi trường sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng cần có giải pháp để hạn chế tối đa việc phát thải gây ô nhiễm.
Tôi cho rằng, đó là một “thông điệp kép” rất nhân văn.
Để một chương trình ý nghĩa như vậy được lan tỏa rộng khắp và đi vào cuộc sống như mục tiêu tốt đẹp Thủ tướng Chính phủ đề ra, theo bà chúng ta cần làm gì?
Tôi cho rằng, phát động phong trào trồng cây xanh không phải là một mệnh lệnh từ cấp trên, mà đó là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người. Biến đổi khí hậu và thiên tai không phải là nguy cơ nữa, mà đang hiện hữu xung quanh chúng ta.
Hàng năm, chúng ta phải chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau thương từ hậu quả của thiên tai, bão lũ, của thời tiết cực đoan, những con số thống kê về người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư.
Khi chúng ta thấy đó là mối nguy, thì tất cả chúng ta phải hành động, không thể chậm trễ hơn được nữa, đó là mệnh lệnh của trái tim phát ra từ trong ý thức mỗi con người.
Môi trường xanh có mối quan hệ như thế nào đến phát triển kinh tế xanh, đặc biệt là gắn với hoạt động của Agribank - một ngân hàng có sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn?
Đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, để Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững, không có con đường nào khác, chúng ta phải phát triển kinh tế xanh, cùng với bảo vệ môi trường sống, đảm bảo tương lai cho mỗi người dân Việt Nam và cả thế hệ con em của chúng ta nữa.
Ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1604) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/ bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Agribank đã và đang triển khai các chương trình tín dụng nông nghiệp sạch và cũng đang tích cực triển khai các dự án đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về kinh tế xanh; các chương trình ưu đãi tín dụng cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động đến môi trường và các dự án bảo vệ tầng ô-zôn.
Sau hơn 3 năm triển khai các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, dư nợ cho vay của Agribank đã đạt con số hàng trăm nghìn tỷ đồng, với hàng ngàn dự án trên khắp các vùng miền cả nước.
Thông qua đó, người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã có nguồn lực đầu tư để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang châu Á, châu Mỹ và châu Âu...
Thường khi thực hiện các phong trào vì cộng đồng, nhiều đơn vị hay chọn những hoạt động có thể nhìn thấy hiệu quả sau thời gian ngắn. Còn đối với việc trồng cây xanh thì có khi phải 5 năm - 10 năm nữa người ta mới cảm nhận được thành quả. Phải chăng, Agribank đang hướng tới những hoạt động cộng đồng bền vững hơn chứ không phải là đánh trống phô trương bề nổi?
Hoạt động trồng cây của Agribank cũng giống như quá trình chúng tôi đồng hành với người nông dân để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Một đồng vốn đầu tư của năm nay, ít nhất 3 - 5 năm sau mới thấy được hiệu quả.
Từ cuộc sống nghèo cho đến đủ ăn, đến phát triển kinh tế bền vững và làm giàu là cả một hành trình vất vả, đầy rẫy khó khăn nhưng với Agribank, đó không chỉ là sứ mệnh, ở đó còn là tình cảm, là trách nhiệm với cộng đồng. Agribank rất tự hào đã được nhận danh hiệu vì cộng đồng rất ý nghĩa.
Bằng những đóng góp cho môi trường và xã hội, Agribank được tổ chức Asian Banking & Finance trao tặng danh hiệu Ngân hàng thực hiện trách nhiệm xã hội và chương trình Xanh của năm 2020 (Giải nhì khu vực Châu Á Thái Bình Dương).
Có lẽ thế là đủ!
Xin cảm ơn bà!