“Móc treo” ở đây là một vật nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, được gắn lên cánh cửa hoặc bức tường trong phòng vệ sinh. Công dụng của móc treo cũng đơn giản như hình dạng của nó, là để mắc quần áo, ba lô, túi xách,... Chỉ có vậy thôi! Nhà vệ sinh ở các điểm du lịch càng cần đến móc treo, giúp du khách vừa giữ vật dụng cá nhân được sạch sẽ, vừa không phải vướng víu. Thật là tiện lợi!
Những tiện ích nhỏ gọn, không thể thiếu, như chiếc móc treo, đâu phải lúc nào cũng được để ý, chăm chút. Nhà tư vấn du lịch tập trung lập ra những kế hoạch hoành tráng. Người chủ cơ sở lưu trú, địa điểm khai thác du lịch bận rộn đong đếm chi phí, lợi nhuận.
Nhiều điểm đến du lịch, sau một thời gian phát triển rôm rả, được truyền thông, quảng bá, dần mai một, rồi biến mất. Biến mất có nhiều nguyên nhân, nhưng có khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, mà thật ra không nhỏ, đó là sự chỉn chu của người chủ.
Chiếc móc treo là ẩn dụ để nói về những điều tinh tế trong du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tham gia thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng, những người chủ là bà con nông dân, bà con dân tộc thiểu số, vốn ít có điều kiện tiếp cận những kiến thức về quản trị kinh doanh, ít có cơ hội trải nghiệm đó đây, cần bắt tay từ những chuyện tưởng chừng là nhỏ, như chiếc móc treo.
Đề án phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong những nội dung cấu thành “kinh tế nông thôn”. Trước khi bắt tay vào triển khai khoan vội hình dung người nông dân sẽ thu được bao nhiêu tiền.
Điều đầu tiên, hãy tự đặt ra những câu hỏi và trả lời từng câu hỏi đó. Đó là du lịch nông nghiệp nông thôn mang lại những giá trị gì? Loại hình này cần hội đủ những điều kiện gì? Ai sẽ là người tư vấn cho người dân? Nội dung tư vấn là gì? Người tham gia thật sự đã sẵn lòng và sẵn sàng dấn thân chưa? Đâu là những rủi ro gặp phải và khi gặp phải thì phải làm gì? Hãy tự trả lời và thảo luận với những người mai này sẽ trở thành người chủ những cơ sở du lịch để nhận lại những câu trả lời của họ.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại giá trị gì? Cho đối tượng nào? Những câu hỏi tưởng chừng không khó trả lời. Trước hết, là lợi nhuận mang lại cho những người chủ cơ sở du lịch và thu nhập trực tiếp, gián tiếp cho những lao động địa phương. Nhưng nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận và thu nhập, những con số hữu hình có thể đong đo đếm được, thì sẽ không nhận ra những giá trị vô hình, khó định lượng, mà lại bao trùm hơn, thậm chí đó mới là mục tiêu chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đó là giá trị mang lại cho cộng đồng. Một cơ sở du lịch hoạt động tốt mở ra nhu cầu phục vụ du khách từ ăn uống cho đến quà lưu niệm. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, những hộ gia đình trồng trọt, chăn nuôi tham gia cung cấp thực phẩm, những sản phẩm thủ công, những làng nghề sẽ được khôi phục, những sản phẩm OCOP từ làng xã, thôn bản sẽ được giới thiệu đi khắp nơi. Nhờ san sẻ lợi ích, cộng đồng sẽ đoàn kết, gắn bó nhau hơn, tư duy hợp tác dần được hình thành, để hướng tới những mục tiêu, sứ mệnh lớn lao hơn.
Đó là giá trị, thương hiệu của nền nông nghiệp. Thiên nhiên ưu đãi cho đất nước mình trải dài qua nhiều vĩ độ, vừa có đồi núi, đồng bằng, biển đảo. Hệ sinh thái đa dạng giúp cây trồng, vật nuôi càng thêm phong phú, độc đáo. Đặc sản vùng miền, tài nguyên bản địa thu hút du khách. Cách thức sản xuất truyền thống kết hợp kỹ thuật, quy trình tiên tiến sẽ giới thiệu cho du khách về một nền nông nghiệp có trách nhiệm. Mỗi thương hiệu nông sản được tin dùng, góp sức tạo dựng thương hiệu chung của nền nông nghiệp.
Giá trị văn hoá địa phương, giá trị vô hình, khi được khơi gợi và lan toả, có thể chuyển hoá thành nguồn lợi hữu hình. Du lịch nông nghiệp, nông thôn giàu tính trải nghiệm, ngoài cảm nhận về cảnh quan thiên nhiên, đời sống nông thôn, đặc trưng ẩm thực,… còn là cơ hội để du khách tìm hiểu sự đa dạng, phong phú về văn hoá, với những điểm nhấn riêng biệt.
Dịch vụ du lịch đòi hỏi sự tinh tế, chỉn chu từ những chuyện thật nhỏ như chiếc móc treo. Điều này không giống như mở một cửa hàng ăn uống hay một khu nhà trọ, dù cùng là dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Điều này không giống như chuyện bán mua, dù cùng là kinh doanh dịch vụ. Gọi chung là du lịch, nhưng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn khác với những loại hình du lịch khác. Du lịch nông nghiệp, nông thôn vừa phải được tổ chức chuyên nghiệp, không cẩu thả, luộm thuộm, vừa phải gìn giữ từng nét chân chất, dung dị như cuộc sống hàng ngày của người nông dân nơi làng quê, thôn bản.
Từ câu chuyện móc treo, nghĩ rộng hơn đến tư duy làm du lịch. Đó chính là tối ưu hoá tiện ích cho du khách, là gửi trao cảm xúc đong đầy cho du khách. Nào là khóm hoa, thảm cỏ, cây xanh, nào là băng ghế nghỉ chân, nào là chỗ che mưa chắn nắng trên quảng đường tham quan. Nào là một ổ cắm sạc pin, kết nối wifi, sọt chứa rác. Nào là một mắc treo áo khoác, áo mưa, nào là một khu vệ sinh sạch thơm, vị trí sao cho vừa không quá “lộ liễu”, lại vừa dễ tìm.
Rồi nào là sự tinh tươm trên bàn ăn, tinh tế trong phục vụ. Đấy mới chỉ là “phần nhìn”, còn “phần chất” lại càng phải chú trọng nhiều hơn. Nào là sự đon đả, chào mời của người bán vé, nhân viên bảo vệ, tiếp tân,… Nào là lời thuyết minh am tường, sâu sắc của cô hướng dẫn viên. Nào là lời cám ơn, lời xin lỗi, câu chúc thượng lộ bình an, hẹn ngày gặp lại.
Những câu chuyện kể về lịch sử địa phương vừa thực vừa hư về ý nghĩa từng địa danh. Những hoa văn, họa tiết đậm nét dân tộc, những bài dân ca đậm chất địa phương, văn hoá bản địa. Những sản phẩm đặc sắc từ các làng nghề.
Tất cả là những “món quà”, những kỷ niệm để du khách mang về và định ngày trở lại để tiếp tục khám phá nét đẹp, chiều sâu của nơi chốn đáng đến. Chỉ khi tự hào với công việc của mình, người quản lý mới thấy khó chịu khi chỗ này rách rưới, chỗ kia hoa héo cỏ tàn, một vòi nước bị rò rỉ, một chậu rửa cáu bẩn, mới thấy nặng lòng khi nhân viên của mình phục vụ không tốt, lời ăn tiếng nói thiếu lịch sự.
Muốn không rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”, người lãnh đạo ngành văn hoá, nông nghiệp phải ngồi lại thảo luận với nhau. Ngành nông nghiệp phải chuẩn bị những việc gì, đâu là những gì sẽ gây ấn tượng với du khách về cách làm nông, về đặc sản mình có? Ngành du lịch cần phải phối hợp những gì, đâu là nét riêng cần giới thiệu với khách? Lãnh đạo địa phương không chỉ quan tâm tổ chức những sự kiện quảng bá du lịch hoành tráng, mà cần đến tận nơi để chuyện trò, truyền cảm hứng, cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng cho bà con.
Có dịp đến một điểm du lịch homestay của một đất nước gần gũi, giờ vẫn còn vương vấn nhiều cảm xúc. Sạch sẽ, chỉn chu, tươm tất là những điều nhìn thấy được. Không phân biệt chủ khách, mà không khí như trong gia đình, là điều cảm nhận được. Ấn tượng nhất khi xe chuẩn bị chuyển bánh ra về, chủ nhà còn khệ nệ mang ra nải chuối để khách lót dạ dọc đường. Hình như đó không phải là người chủ homestay với du khách, mà là người thân quen của nhau.
Trước khi tính đến chuyện lớn, chuyện hoành tráng, hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ, thật nhỏ như chiếc móc treo, như nải chuối làm quà! Hãy nhắc nhau rằng: “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở”!