Gọi là “cuộc hội ngộ” bởi vì những điều suy ngẫm không chỉ bên trong Hội nghị mà còn được gặp gỡ, lắng nghe, sẻ chia từ những người thầy tâm huyết với sứ mạng đào tạo nhân lực cho nông nghiệp nước nhà. Những người thầy xem “làm nông nghiệp là yêu nước!”. Nhớ lại một câu ngạn ngữ trong sách xưa: “Ba người đi cùng tất có người là thầy của ta”. “Người Thầy” - hai tiếng thiêng liêng đã vượt khỏi khuôn khổ của một nghề nghiệp để trở thành thiên chức. Vinh dự cho tôi được hội ngộ những người thầy trên mọi miền đất nước.
Ngày nay tư duy tuyến tính không đủ để xử lý những vấn đề phong phú, đa dạng, phức tạp, vì vậy cần đến tư duy phi tuyến tính. Cũng như đứng bên trong khung - “think inside the box”, luôn bị giới hạn bởi 4 bức tường, cần bước ra đứng bên ngoài khung - “think outside the box”, đôi khi sẽ nhìn vấn đề đơn giản hơn, thanh thoát hơn. Bộ óc thiên tài như Albert Einstein đã đúc kết: “Logic sẽ đưa chúng ta đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đi tới bất cứ đâu”. Trí tưởng tượng cũng giống như tầm nhìn cho tương lai vậy.
Bắt đầu dòng chảy cảm xúc từ ngôi trường đăng cai sự kiện, Trường Cao đẳng cơ giới và Thủy lợi. Cơ ngơi hiện đại, phòng học chỉn chu, thiết bị thực hành ngăn nắp, cảnh quan xanh tươi với hàng cây, bãi cỏ, khóm hoa, mặt hồ. Sinh viên, học sinh tươm tất áo quần, gương mặt sáng và ánh mắt rất trong. Tất cả được khởi tạo từ những người đặt nền móng ban đầu cho đến những thế hệ sau tiếp nối.
Thành quả hôm nay cũng đến từ những chương trình hợp tác, đa dạng hóa nguồn lực và tiếp cận phương pháp giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Một ngôi trường xứng đáng được xem là hình mẫu về giáo dục nghề nghiệp.
Đến thăm khu thực hành nông nghiệp, vẩn vơ nghĩ đến mô hình “Farm trong trường” cũng như “Trường trong farm”. Nơi mảnh đất đồi dốc sỏi đá tưởng chừng như không thể ươm những mầm xanh, sau thời gian “vun trồng đất” nay thấp thoáng những luống rau xanh, ngô sắn, những nhà lưới, những khu cây lâm nghiệp tiếp cận mô hình carbon thấp.
Nghe thầy cô giáo chia sẻ những khó khăn buổi đầu và niềm hạnh phúc hôm nay khi cùng với học sinh của mình làm nông. Cảm phục thay sự cần mẫn, nhẫn nại của những người thầy đang từng ngày “gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng tương lai”.
Như một câu nói rất hay của người Do Thái: “Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước, thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ”, hôm nay chúng ta gieo trồng, tương lai chúng ta nhận lại thành quả.
Từ những chia sẻ của thầy Hiệu trưởng để biết được rằng mọi vấn đề đều có giải pháp. San gạt đất đồi do thầy trò khoa cơ giới đảm nhiệm. Khung nhà lưới do học sinh cơ khí thiết kế, sản xuất, lắp dựng. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt do khoa tự động hoá thi công.
Những luống nho đang mùa thu hoạch nhờ hợp tác với các viện trường chuyển giao. Điều đó cho thấy, nếu người lãnh đạo biết kích hoạt nguồn lực bên trong, nối kết nguồn lực bên ngoài thì sẽ “làm được điều có thể” từ “những điều tưởng chừng không thể”.
Trở lại Hội nghị, hình như vấn đề “tự chủ” đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường. Cảm xúc chung hiện nay là: tương lai nào cho nông nghiệp nước nhà khi nhân lực nông nghiệp đáng báo động? Nào là học sinh giờ đây thường định hướng theo các ngành học hiện đại, dễ tìm việc làm, thu nhập cao. Nào là người bên ngoài thì không muốn bước vô, người bên trong lại muốn bước ra, gọi theo ngôn ngữ chuyên gia là “chảy máu chất xám”.
Tất cả mong muốn thể chế được tháo gỡ, nguồn lực ngân sách đầu tư nhiều hơn, chính sách hỗ trợ học phí cao hơn,… để nông nghiệp nước nhà xứng tầm là “lợi thế quốc gia”.
Nông nghiệp, theo dòng lịch sử con người, có lẽ là ngành ra đời sớm nhất sau khi loài người bước qua thời kỳ đánh bắt, hái lượm. Cũng bởi vì vậy, các trường dạy về nông nghiệp cũng sớm ra đời hơn các ngành kinh tế, kỹ thuật hiện nay.
Ngành nông nghiệp theo tư duy sản xuất truyền thống là tạo ra sản lượng lương thực đủ nuôi sống con người. Theo tiến trình phát triển của nhân loại, nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng trong khi đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Hiện nay, nông nghiệp không còn đơn thuần là một ngành sản xuất mà đã phát triển thành một ngành kinh tế, khoa học nông nghiệp cũng không chỉ có công nghệ, kỹ thuật mà còn bao hàm cả yếu tố xã hội và nhân văn vì nói đến nông nghiệp là nói đến nông thôn, người nông dân.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến tất cả ngành kinh tế kỹ thuật, trong đó có nông nghiệp. Trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn giúp chuyển nền nông nghiệp truyền thống năng suất thấp, chất lượng thấp, trở thành nền nông nghiệp thông minh năng suất cao, chất lượng cao. Mục tiêu phát triển bền vững đang hướng đến xu thế tăng trưởng xanh, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Giá trị nông nghiệp được nhân lên nhiều lần nếu phát huy giá trị đa dụng: nông - lâm tái sinh, trồng trọt kết hợp thuỷ sản, chăn nuôi, nông nghiệp sinh thái,… Giá trị nông nghiệp được gia tăng nếu kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp trải nghiệm, giáo dục nông nghiệp.
Từ “Farm trong trường” ở Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi gợi mở cách thay đổi giáo trình trong các cơ sở đào tạo. Cũng là học cơ khí nếu bổ sung thì trở thành môn học cơ khí nông nghiệp.
Cũng là cơ giới nhưng nếu bổ sung sẽ trở thành môn học cơ giới hoá nông nghiệp. Cũng là logistics nhưng nếu bổ sung thì trở thành môn học logistics nông nghiệp. Cũng là thương mại điện tử nếu bổ sung sẽ trở thành môn học thương mại điện tử nông sản...
Theo tư duy tích hợp sẽ có các môn học liên ngành, cơ hội việc làm rộng mở hơn. Như vậy, học bất kỳ nghề nào đều có thể làm nông nghiệp, và học nông nghiệp cũng có thể làm được nhiều nghề. Trường học là nơi kích hoạt phong trào khởi nghiệp sáng tạo, phát minh học đường,…
Từ những sản phẩm nghiên cứu của học sinh, sinh viên, nhà trường kết nối, đưa đến bà con hợp tác xã, hội quán nông dân, vừa thí điểm, vừa hoàn thiện và nhân rộng. Đó chẳng phải là “Từ trường tới farm”?
Công thức người thành công thường đến từ tình yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu chính mình. Vì vậy, dạy cho học sinh biết tình yêu với thiên nhiên, biết tự hào với nghề nghiệp, trước khi dạy những môn kỹ thuật.
Học sinh được chơi mà học, học mà chơi: chơi với đất, với nước; chơi với muôn loài, với thiên nhiên; chơi với hội hoạ, với âm nhạc; chơi với các môn sinh hoạt tập thể. Học sinh được gần gũi với thầy cô, tâm sự về gia đình, mong muốn của bản thân và được thầy cô trực tiếp lắng nghe, chia sẻ.
Những ý tưởng sáng tạo có thể xuất hiện ở bất cứ không gian và thời gian nào. Nhiệm vụ của người thầy là kích hoạt cho những ý tưởng không ngừng sinh sôi. Đó chính là phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” - tạo ra môi trường giúp học sinh phát huy mọi tố chất tiềm ẩn.
Hãy chiêm nghiệm lời nhà bác học Galileo Galilei: “Chúng ta không thể dạy người khác bất cứ thứ gì, chúng ta chỉ có thể hỗ trợ họ tự khám phá ra điều đó”.
Và tôi đã thấy thấp thoáng những ngôi trường hạnh phúc bắt đầu từ hôm nay…