Sự kiện ra mắt Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Bộ NN-PTNT đã diễn ra gần nửa tháng, nhưng những trăn trở, kỳ vọng của các chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương về việc xây dựng vùng đất “Chín Rồng” trở thành một thực thể kinh tế phát triển bền vững vẫn là chủ đề nóng.
Ông Lê Thanh Tùng – Chánh Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL (Văn phòng điều phối), cho rằng: “ĐBSCL không chỉ là một tổng thể mà còn là một chỉnh thể”. Bởi vậy, chúng ta không thể làm một bài toán cộng cho vùng, mà phải làm bài toán hòa tan cho ĐBSCL.
Để làm được điều đó, chúng ta cần có cách nhìn đồng thuận của gần 20 triệu người dân ĐBSCL, trong đó có 10 triệu nông dân; có sự đồng thuận của 13 tỉnh, thành và rất nhiều cơ quan chuyên môn. Mục đích cao nhất là làm sao có thể khai thác hiệu quả hơn những lợi thế của vùng ĐBSCL. Đồng thời chúng ta cùng nhau khắc phục được những yếu tố bất lợi cho sự phát triển của toàn vùng.
Văn phòng điều phối sẽ là nơi hội ngộ của tất cả những người có tâm huyết phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, cũng là sự hội ngộ của tất cả các yếu tố về văn hóa, tri thức trong và ngoài nước.
“Tôi cho rằng, chúng ta đang có trong tay tất cả công cụ để phát triển ĐBSCL, từ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và cả mức độ đầu tư... Với khẩu hiệu 'Hội ngộ đồng bằng, kết nối đồng bằng, thịnh vượng đồng bằng', nếu quyết tâm cao, chúng ta sẽ góp phần lớn trong sự phát triển bền vững của mảnh đất “Chín Rồng”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ trong buổi phỏng vấn tại Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ông kỳ vọng điều gì khi Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL được thành lập?
Bộ NN-PTNT thành lập Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL là phù hợp với chủ trương chung về phát triển ĐBSCL của Chính phủ. Bởi, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn có rất nhiều hoạt động diễn ra hằng ngày, hằng giờ từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, thương mại, xuất khẩu...
Song song với đó, các hệ thống chuyên môn, kỹ thuật (cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; chứng nhận chất lượng sản phẩm…), tổ chức của nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải đi kèm theo và được lồng ghép thông qua những chương trình lớn, mang tính chất tổng thể.
Nếu không có Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn thì chúng ta có làm được hay không? Tôi cho rằng chúng ta vẫn làm được, tất cả các tỉnh đều làm được. Tuy nhiên, nó sẽ có sự rời rạc và người ta sẽ không thể nào hình dung được không gian chung của ĐBSCL và làm sao để phát triển cộng đồng khoảng 20 triệu người dân, trong đó có 10 triệu nông dân như thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho từng cá nhân, từng hợp tác xã, từng doanh nghiệp, từng địa phương. Chúng ta sẽ không thể phát huy tối đa tiềm năng, nền tảng đã có để mang lại một sức cạnh tranh tốt cho địa phương.
Ví dụ, nếu nói về phát triển lúa ở ĐBSCL với 1,8 triệu ha, tỉnh nào cũng có lợi thế cả và ai cũng có thể phát triển lúa một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, sản phẩm lúa của ĐBSCL không đồng nhất. Từng tiểu vùng trong đồng bằng lại có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cơ cấu giống lúa, chất lượng sản phẩm lúa gạo và tập quán canh tác.
Ví dụ giống lúa ST25 có thể phát triển ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang nhưng không thể phát triển ở An Giang, Đồng Tháp. Vì thế, khi Văn phòng điều phối được thành lập, chúng tôi sẽ cập nhật, phổ biến thông tin cho từng địa phương để các địa phương định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh mình, huyện mình, xã mình và thậm chí là của từng cá nhân. Trong một chừng mực nào đó, xét về mặt tổng thể, 13 tỉnh, thành, chúng ta cần hạn chế tối đa sự trùng lắp, không tạo ra sự cạnh tranh, làm giảm giá trị của sản phẩm, của ngành hàng. Vai trò của sự điều phối sẽ nằm ở chỗ đó.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự điều phối của Văn phòng điều phối không can thiệp bất cứ yếu tố tăng trưởng, phát triển nào của các địa phương mà cung cấp thông tin, gợi ra những vấn đề cần phải suy nghĩ và có sự hợp tác của các địa phương với nhau để cùng phối hợp và phát triển được.
Ngoài lúa gạo, Văn phòng điều phối sẽ định hướng các địa phương phát triển các ngành hàng chủ lực như trái cây, thủy sản như thế nào?
Không chỉ ngành hàng lúa gạo, ĐBSCL còn là trung tâm của ngành hàng trái cây với diện tích canh tác gần 400.000ha. Nhiều cây trồng có giá trị cao như sầu riêng, bưởi, cam, xoài, chôm chôm, nhãn, thanh long…
Về mặt lý thuyết, thanh long có thể trồng ở 63 tỉnh, thành của Việt Nam nhưng tại sao bây giờ chỉ tập trung tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Các tỉnh khác có thể trồng nhưng chúng ta không nên mất thời gian, mất công sức và nguồn lực đầu tư để trồng vài chục, vài trăm ha. Bởi, nó không tạo thành vùng nguyên liệu hàng hóa để thu hút thương lái, doanh nghiệp về tiêu thụ. Giả sử, tỉnh nào cũng phát triển cây thanh long, vô hình trung nó tạo ra sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh đó không mang lại lợi ích cho người nông dân, không mang lại lợi thế đặc thù của từng địa phương mà sẽ kéo giảm giá trị nông sản của chúng ta.
Hoặc cây cam, bưởi da xanh có thể phát triển tốt ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang nhưng nó không thể phát triển ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu được. Đây là những thông tin hữu ích mà chúng tôi sẽ phổ biến để các địa phương cân nhắc các yếu tố phát triển.
Ngành hàng thủy sản cũng vậy. Đối với tôm nước lợ, chúng ta có nhiều kỹ thuật nuôi trồng khác nhau, từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh hoặc canh tác tôm – lúa. Đối với tôm nước ngọt, chúng ta có các mô hình kết hợp nuôi tôm càng xanh với trồng lúa mùa lũ, hay xen canh cá – lúa mùa lũ ở những khu vực nước ngọt vùng thượng nguồn, vùng giữa, vùng hạ…
Mỗi vùng có đặc thù sinh thái khác nhau, và chúng ta phát triển những sản phẩm đặc thù đó dựa trên ưu thế của địa phương để hình thành một hệ thống canh tác hài hòa, mang lại nhiều sinh kế cho người dân. Rất may mắn rằng Văn phòng điều phối có đầy đủ các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật để tư vấn cho các địa phương và người dân.
Ở ĐBSCL, chúng ta cũng thấy nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng tuy nằm ở một huyện, một tỉnh nào đó, nhưng tầm ảnh hưởng của nó rất rộng lớn. Bởi vậy, rất cần cơ quan tham mưu điều tiết, vận hành công trình một cách minh bạch, chính xác và hiệu quả để các địa phương khác cùng hưởng lợi.
Ví dụ cống Cái Lớn – Cái Bé vừa được Thủ tướng nhấn nút khánh thành. Mặc dù công trình này nằm ở tỉnh Kiên Giang nhưng có thể phát huy hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Thậm chí, nếu chúng ta khai thác tối đa hiệu năng của hệ thống thì có thể phát huy hiệu quả ở cả Thành phố Cần Thơ. Bởi khi đóng cống, chúng ta không chỉ giữ lại được nguồn nước ngọt ở một con sông mà có thể đưa vào rất nhiều kênh rạch, từ mạng lưới kênh rạch đó nguồn nước có thể lan tỏa đi rất nhiều hướng khác nhau.
Với các chương trình đầu tư công như hệ thống đê bao, đường giao thông, ví dụ, chúng ta đầu tư hệ thống đê bao cho vùng thượng tại An Giang, Đồng Tháp, Long An (hay vùng giáp ranh với đầu sông Tiền, sông Hậu) hàng năm chịu rất nhiều ảnh hưởng của lũ, chúng ta đầu tư hệ thống đó không chỉ là đầu tư cho một tỉnh, mà các công trình còn góp phần điều tiết nước cho vùng giữa và vùng hạ lưu.
Như vậy, chúng ta đã có cách nhìn đồng thuận của gần 20 triệu người dân ĐBSCL trong đó có 10 triệu nông dân; có sự đồng thuận của 13 tỉnh, thành và rất nhiều cơ quan chuyên môn. Mục đích cao nhất là làm sao có thể khai thác hiệu quả hơn những lợi thế của vùng ĐBSCL. Đồng thời, chúng ta cùng nhau khắc phục được những yếu tố bất lợi cho sự phát triển của toàn vùng.
Văn phòng điều phối của Bộ NN-PTNT sẽ làm những việc hết sức cụ thể, hết sức sát sườn và gần gũi. Từ đó, chúng ta góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng có thể thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của từng tỉnh với một sự đồng thuận cao nhất, một lượng thông tin dồi dào nhất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và nhiều nông dân, nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương đều trăn trở trước câu hỏi: “ĐBSCL nhiều tiềm năng nhưng tại sao không ‘cất cánh’ được?”. Theo ông, làm thế nào để người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình?
Trước hết dựa trên các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu và các nguồn lực xã hội, từng địa phương có thể tìm kiếm những sản phẩm đặc thù riêng để có thể phát triển và tạo sinh kế cho người dân địa phương đó. Nó có thể xuất phát từ một ấp, có thể xuất phát từ một xã, hợp tác xã. Ví dụ như các sản phẩm OCOP, đó là ở phạm vi hẹp.
Nhưng nếu ở phạm vi toàn vùng, chúng ta có 1,8 triệu ha đất lúa, gần 400.000ha trồng cây ăn trái. ĐBSCL không chỉ có không gian nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt mà còn có vùng biển rộng lớn, bờ biển kéo dài từ Long An đến Hà Tiên (Kiên Giang). Chúng ta có cả Biển Đông và biển Tây Nam.
Do đó, chúng ta không nhìn ĐBSCL với 13 địa giới hành chính cấp tỉnh nữa, mà đó là một tổng thể hài hòa về mặt điều kiện tự nhiên, về quy luật phát sinh, phát triển cả bất lợi và lợi thế của thời tiết, khí hậu. Chúng ta nghiên cứu cho cả ĐBSCL chứ không tính toán cho từng tỉnh.
Cần lưu ý rằng, tính tổng thể ở đây không phải là cộng tất cả lại, mà nó bao hàm cả sự khác biệt ở những điểm nhỏ. Như vậy chúng ta sẽ thấy ĐBSCL phát triển không mang tính chất riêng rẽ về địa giới hành chính, cũng không mang tính chất riêng lẻ về quy định riêng của từng địa phương. Chúng ta cũng sẽ thấy ĐBSCL có 25 triệu tấn lúa/năm, tương đương với đó chúng ta sẽ có 25 triệu tấn rơm rạ/năm. Chúng ta sẽ có 10 triệu tấn trái cây và xấp xỉ 1 triệu tấn thủy sản mỗi năm. Đó là những sản phẩm mà chúng ta có thể thấy được về mặt sản lượng.
Ngoài ra, chúng ta sẽ có rất nhiều sản phẩm vô hình ở góc độ nhân văn, văn hóa của đồng bằng. Khi nông sản của ĐBSCL được đưa ra thị trường, nó sẽ bao hàm cả giá trị thân thiện của một vùng đất nổi tiếng thế giới. Chúng ta sẽ nhìn thấy những con người đồng bằng với nền văn hóa 300 năm, văn hóa của sự khai khẩn đất hoang. Giá trị gia tăng của nông sản sẽ nằm ở đó.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể khai phá rất nhiều tiềm năng của ĐBSCL thông qua các hệ thống canh tác khác nhau nếu thật sự sử dụng nguồn lực lao động đúng, đầu tư về cơ giới, về tất cả những yếu tố phục vụ cho sản xuất… Làm được điều đó, sẽ có nhiều loại nông sản được hình thành trong tương lai mà chúng ta không thể mường tượng được.
Do đó, Văn phòng điều phối sẽ là sự hội ngộ của tất cả các yếu tố về văn hóa, về tri thức trong và ngoài nước. Tôi cho rằng, chúng ta đang có trong tay tất cả công cụ để phát triển ĐBSCL, từ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và cả mức độ đầu tư...
Và từ “hội ngộ đồng bằng” đến “kết nối đồng bằng”, với sự quyết tâm cao, chúng ta sẽ góp phần lớn trong sự phát triển thịnh vượng của đồng bằng.
Xin ông cho biết những định hướng lớn mà Văn phòng điều phối đề ra nhằm phát triển ĐBSCL thành một vùng kinh tế nông nghiệp bền vững trong tương lai?
Về những định hướng của Văn phòng điều phối, trước hết phải làm thế nào để Văn phòng trở thành điểm đến thân thiện của tất cả những người làm nông nghiệp và quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (gồm các cơ quan của Sở NN-PTNT các tỉnh; các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn; các phóng viên báo đài về nông nghiệp nông thôn; khách quốc tế). Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi tọa đàm, buổi gặp gỡ hàng tháng, hàng tuần để chúng ta cùng điều phối theo các chủ đề của từng địa phương.
Các sự kiện không cần quá hoành tráng cũng không quá phô trương, không cần quá khép kín, mà đây là không gian mở. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT có thể cùng về tham dự, và đây là nơi chúng ta có thể giãi bày những mong muốn của cá nhân, của tập thể, của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các địa phương. Đó là điều đầu tiên chúng tôi kỳ vọng.
Thứ hai, chúng tôi đang kết nối với các kênh thông tin về nông nghiệp, nông thôn và mong muốn có một trang thông tin riêng (hoặc phụ trang) là nơi để các nhà khoa học, các nhà phản biện, các ý kiến có thể quy tụ lại để tập hợp, nghiên cứu.
Chúng tôi cũng muốn có một chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để học tập các kinh nghiệm hay, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển ĐBSCL…
Một số chuyên gia cho rằng, muốn kết nối các địa phương ở vùng ĐBSCL thì chúng ta phải xác định được mô hình nông nghiệp chủ đạo cho toàn vùng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, ĐBSCL bên cạnh là một tổng thể, nó còn là một chỉnh thể. Chúng ta không thể làm một bài toán cộng cho vùng, mà phải làm bài toán hòa tan cho ĐBSCL. Chúng ta không có một mô hình chung cho tất cả vùng sinh thái ở ĐBSCL, tuy nhiên chúng ta cũng không thể cát cứ mỗi một tỉnh là một mô hình riêng. Do đó, chúng ta phải kết hợp giữa tổng thể và chỉnh thể.
Các yếu tố đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi, tập quán canh tác và tri thức canh tác cần nhìn trên bình diện tổng thể. Nhưng chúng ta có những chỉnh thể để từng khu vực sẽ có một hệ thống canh tác phù hợp.
Ví dụ các hệ thống canh tác lúa – tôm, hệ thống canh tác lúa cá, vườn - ao… không thể phát triển cho toàn vùng ĐBSCL được nhưng nó sẽ tạo ra một dấu ấn riêng cho từng địa phương hoặc có thể nhiều địa phương.
Điển hình như mô hình lúa - tôm đang phát triển ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh… nhưng trong tất cả những hệ thống canh tác lúa - tôm đó sẽ có những đặc thù khác nhau. Ví dụ như lúa tôm ở Sóc Trăng thì có thể là lúa ST25 và tôm sú. Giống ST25 có thể mang qua Kiên Giang, Bạc Liêu nhưng mỗi nơi lại kết hợp trồng lúa và nuôi một đối tượng thủy sản khác (hoặc cùng một loài tôm nhưng kết hợp với giống lúa khác). Như vậy, mặc dù mô hình lúa - tôm là một hệ thống canh tác tổng thể, nhưng từng địa phương sẽ tạo ra những chỉnh thể để có sự hòa tan.
Thực ra ĐBSCL chỉ có 2 con sông là sông Tiền và sông Hậu, chảy dài trên chiều dài khoảng 250km. Nhưng nước sông Tiền và sông Hậu lại đổ những cửa sông khác nhau. Phù sa của thượng nguồn sông Tiền tại Đồng Tháp, Long An, An Giang hoàn toàn khác với phù sa của sông Hậu tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang và nó khác xa với phù sa khi ra đến các cửa sông tại Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Đối với ĐBSCL, trên hai con sông đó, nếu chúng ta khai thác ở từng vùng đất khác nhau, nó sẽ mang một nền văn hóa khác nhau, sẽ có những sản phẩm mang giá trị tinh thần khác nhau. Vì thế, chúng ta không bán một hạt lúa hay một trái cây ở một miếng vườn, một thửa ruộng nữa mà chúng ta nên bán một sản phẩm với nền văn hóa ở vùng thượng lưu, vùng giữa hay vùng hạ du. Cái đó việc của các địa phương và Văn phòng điều phối sẽ có trách nhiệm tham gia vào.
Vậy làm sao để chúng ta kết nối không gian sản xuất với không gian văn hóa, không gian du lịch nông thôn để tích hợp đa giá trị trong từng vùng sinh thái?
Nếu nhìn một cách đơn thuần, các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL không phong phú bằng các địa phương khác, hoặc là rừng, hoặc là biển, hoặc là một không gian nào đó mang tính chất mênh mông do lập địa tương đối đồng nhất. Các hệ sinh thái cũng không mang tính chất khác biệt nhiều lắm, ví dụ như vườn, ruộng, biển, kênh rạch. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khai thác du lịch ĐBSCL ở tính chuyên biệt.
Ví dụ, khi chúng ta khai thác du lịch miệt ruộng, điển hình là những cánh đồng lúa. Về mặt không gian, ĐBSCL có những khu ruộng lúa rất lớn, nhưng thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ kéo dài khoảng 100 ngày.
Chúng ta có thể khu trú lại không gian và điều chỉnh thời điểm gieo cấy (mỗi ngày gieo cấy một khu ở phạm vi hẹp) để trong cùng một khu ruộng rộng lớn, chúng ta có thể thấy được sự phát triển của cây lúa qua từng thời kỳ (mạ non, đẻ nhánh, đứng cái làm đòng, vào hạt chắc xanh, chín vàng và thu hoạch).
Chúng ta cũng có thể minh họa những hoạt động của nông dân tương ứng với mỗi giai đoạn sản xuất lúa. Từ đó, khách du lịch sẽ thấu hiểu được văn hóa và giá trị ẩn chứa trong từng hạt gạo sau khi thu hoạch, chế biến và đến tay người tiêu dùng.
Song song với đó, chúng ta có thể tái hiện lại phương thức canh tác lúa thủ công qua từng giai đoạn: cách đây 50 năm; cách đây 30 năm và phương thức canh tác lúa hiện đại, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ 4.0 ngày nay. Từ đó, khách du lịch sẽ thấy được hành trình khai phá vùng đất ĐBSCL cũng như khơi dậy niềm tự hào của người dân đồng bằng. Họ sẽ hiểu được vì sao trước năm 1986 chúng ta đói ăn, nhưng sau năm 1986, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo.
Không chỉ đối với cây lúa, chúng ta cũng có thể áp dụng cách thức này để phát triển du lịch miệt vườn với các loại cây ăn trái, các đối tượng nuôi trồng thủy sản… để xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển du lịch nông thôn, đa dạng hóa sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!