Thưa ông, quan điểm của ông về hai hướng đi nông nghiệp Việt Nam trong tương lai đã tạo được sự chú ý và bàn tán xôn xao. Tuy nhiên, với khuôn khổ một hội nghị trực tuyến, chắc ông vẫn chưa trình bày hết những trăn trở?
Hội nghị vừa rồi tập trung vào công nghiệp chế biến và cơ giới hóa. Theo tôi, cơ giới hóa nông nghiệp thì nên định nghĩa là sử dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp thì phải sản xuất ra được sản phẩm mà thị trường cần (sản lượng, chất lượng, giá cả) với chi phí hợp lý và cạnh tranh được trên thị trường mở trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Như vậy, không nên hình dung cơ giới hóa chỉ là quy mô phải rất lớn, mà cho cả quy mô vừa và nhỏ.
Cơ giới hóa ở quy mô lớn thì phải đáp ứng yêu cầu ổn định với sản lượng lớn và chất lượng an toàn và giá cả phải rẻ và cạnh tranh tốt nhất, như vậy phải gắn với loại hình nông sản (loại sản phẩm, loại cây trồng).
Ví dụ như đậu nành, bắp với Mỹ, chuối ở Nam Mỹ, Philippines... Còn cơ giới hóa ở quy mô vừa và nhỏ nhưng ứng dụng công nghệ cao, nên năng suất cao và chất lượng cao giúp giá bán cũng khá cao phải nhắc đến các mô hình ở các nước Nhật Bản hoặc Malaysia... Nói vậy, để thấy rằng nông nghiệp Việt Nam phải có sự chọn lựa để thay đổi là quy mô lớn với phương thức sản xuất công nghiệp, công nghệ phù hợp và quy mô vừa và nhỏ công nghệ cao và phải có giải pháp cơ giới hóa phù hợp tùy vào loại cây trồng và phân khúc sản phẩm của thị trường.
Còn vấn đề chế biến thì sao, thưa ông?
Chế biến cũng có nhiều dạng từ sơ chế đến tinh chế, theo loại hình nông sản và theo yêu cầu của thị trường. Đối với trái cây thì có một số chủng loại trái cây được trồng để chế biến và tỷ lệ nhỏ trái cây không đạt tiêu chuẩn bán tươi được thì mới đưa vào chế biến. Ví dụ như loại xoài keo dễ trồng, năng suất cao, giá rẻ nhưng sấy lên ăn rất ngon, và cho nhiều nước nên chỉ để dùng chế biến sấy khô, sấy dẻo, nước cốt, giá rẻ chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng trồng ở vùng đất xấu quy mô lớn vẫn hiệu quả. Còn xoài giống Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc thì chăm sóc khó hơn, chi phí cao hơn nhưng giá bán tươi rất cao, thấp nhất 40.000 đồng/kg và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ không đạt tiêu chuẩn bán tươi được thì mới đưa vào chế biến với giá rất rẻ.
Để bán tươi thì trái cây phải trồng và bảo quản trên nền tảng hữu cơ, được hiểu là cây ăn trái được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, kéo dài đời sống sinh học giúp trái cây có độ tươi ngon lâu hơn và ứng dụng công nghệ bảo quản không dùng thuốc… đồng thời nông sản hữu cơ có giá mắc hơn nhiều lần so với thông thường....
Hiện nay có ý nghĩ là để không lo được mùa mất giá, thì phải chế biến nhưng thật ra bán tươi là tốt nhất. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy chế biến, nhưng chủ yếu là thu mua, làm sạch, phân loại rồi bán tươi, còn loại kém chất lượng không bán tươi được mới chế biến, đồng thời, để duy trì dây chuyền chế biến thì họ phải phát triển vùng trồng chủng loại trái cây chỉ để chế biến. Ví dụ, doanh nghiệp mua của dân với giá đổ đồng 15 nghìn/kg, nhưng khi bán tươi thì giá 40 nghìn/kg. Lợi nhuận ấy gánh cho chế biến, vì loại chế biến thì chỉ có giá 5 nghìn/kg. Bản chất giá trị thật của nông sản vẫn nằm ở bán tươi.
Sau một thời gian ngắn Tập đoàn Thaco bắt tay với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để đầu tư nông nghiệp, thì ngày 24/3/2019 đã có 30 container chuối từ cảng Chu Lai xuất sang Thanh Đảo (Trung Quốc). Giá trị lô hàng ấy khoảng nửa triệu USD. Vậy thì bài toán bán tươi và chế biến của chuối, được ông cân nhắc như thế nào?
Về chuối thì chủ yếu bán tươi và đã có nền sản xuất nông nghiệp theo phương pháp công nghiệp khép kín chuỗi giá trị từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói phân phối bán lẻ đã hình thành từ rất lâu ở Nam Mỹ, Philippines, gần đây là ở Việt Nam. Có thể nói là chuối được xếp vào loại trái cây có quy trình sản xuất bài bản. Chúng tôi đang bán tươi tỷ lệ là trên 95% giá bình quân hiện nay 12.000 đồng/kg tại vườn nhưng loại không đạt chuẩn bán tươi dùng để chế biến có giá chỉ 1.500 đến 2.000 đồng/kg.
Ông nghĩ sao về vai trò của các nhà phân phối?
Sản xuất nông nghiệp phải theo yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập. Các hiệp định thương mại đã ký kết, mở ra thị trường rất lớn. Chúng ta không chỉ đem nông sản đến thị trường của các nước, mà chúng ta còn phải cạnh tranh với nông sản của các nước trên thị trường nội địa. Nông nghiệp là ngành có sức lan tỏa ngay đến người dân, không phải đòi hỏi thời gian chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật như sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên phải xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt - phân phối, trong đó nhà phân phối là rất quan trọng.
Tôi không thích khái niệm thương lái vì thương lái giống như là môi giới không bỏ vốn ra hoặc bỏ vốn ra rất ít, khi gặp bất trắc phát sinh thì quay lưng. Còn nhà phân phối “đích thực” phải có đạo đức, trách nhiệm, năng lực biết thị trường cần gì để hợp đồng nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Như vậy, nông dân là đối tác trong chuỗi giá trị do nhà phân phối cầm trịch có thể chịu trách nhiệm toàn diện như cung cấp giống, công nghệ và vật tư thiết bị trồng trọt chăm sóc để có được sản phẩm đúng cung ứng cho thị trường, chịu trách nhiệm bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn nông dân như người sản xuất theo đơn đặt hàng, nghĩa vụ của người nông dân kết thúc khi thu hoạch và bàn giao sản phẩm.
Vai trò nhà phân phối “đích thực” là rất quan trọng trong việc định hướng và cầm trịch chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nếu không có nhà phân phối, cứ để nông dân tự trồng tự bán thì bi kịch “được mùa mất giá” còn kéo dài.
Tóm lại, nền nông nghiệp chúng ta phải kiên trì xây dựng nền tảng hữu cơ, với trái cây thì tập trung bán tươi rồi chế biến, cơ giới hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng máy móc hợp lý ở quy mô nhỏ đồng thời ứng dụng quản trị số hóa với lộ trình phù hợp và đề cao vai trò nhà phân phối “đích thực” cầm trịch chuỗi giá trị từ trồng trọt đến thị trường trong giai đoạn sắp đến, từ đó xây dựng hệ sinh thái cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”, chúng tôi thấy ông có đề cập một cách không hài lòng về thực trạng “giải cứu nông sản”...
Bản thân tôi không thích từ “giải cứu” vì từ này không nên có trong nền kinh tế thị trường. Như việc Thaco đầu tư vào Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, mà nói “giải cứu” thì không ngân hàng nào cho vay, vì làm kinh tế là phải tạo ra sản phẩm và có hiệu quả. Trong kinh doanh, người nọ khó khăn cũng mở ra cơ hội cho người kia. Thaco giúp Hoàng Anh Gia Lai cũng là mở ra cơ hội để phát triển mảng sản xuất kinh doanh nông nghiệp cho Thaco.
Dùng từ “giải cứu” rất phi thị trường, làm cho nền sản xuất kinh doanh nông nghiệp mang hình ảnh là một ngành gần như có rất nhiều rủi ro, bất khả kháng, không biết làm cái gì mới làm… nông nghiệp. Trong khi đó đất nước mình phải xem nông nghiệp là một ngành kinh tế, từ “giải cứu” làm mất đi nhuệ khí của nông dân. Chúng ta phải nghĩ và làm cho người nông dân là một thành phần trong một ngành sản xuất kinh doanh có giá trị về dài hạn, có thể gặp những rủi ro khách quan thua lỗ trong ngắn hạn là thường tình trong kinh doanh chứ không phải nhìn thấy ở nông dân hình ảnh cần thương xót tội nghiệp!
Vậy muốn chấm dứt “giải cứu nông sản” thì nhà phân phối phải có khả năng cân bằng thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu?
Đúng! Mô hình chuỗi giá trị nông sản của chúng ta ở thị trường nội địa chưa rõ ràng. Nhà phân phối phải tính toán, có sản phẩm thì xuất khẩu, có sản phẩm thì phải bán cho người tiêu dùng trong nước. Nếu xuất khẩu gặp trở ngại thì nhà phân phối có thể giải quyết bằng bài toán bảo quản, bán ra thị trường nội địa hoặc bất khả kháng thì chế biến.
Yếu tố dịch chuyển thị trường rất quan trọng. Giá xuất khẩu 40 nghìn/kg, còn giá nội địa 30 ngàn/kg, thì dĩ nhiên ưu tiên xuất khẩu. Khi xuất khẩu trục trặc, thay vì tốn phí lưu kho thì nhà phân phối có thể gia tăng thị trường nội địa bằng cách giảm giá. Nhà phân phối biết điều tiết lợi nhuận thì dung hòa được thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Nếu làm tốt việc điều tiết thì sẽ không có chuyện giải cứu. Tôi nói thực tâm, trái cây thì phải bán trong chợ chứ, sao lại đem đổ ra ngoài đường để bán “giải cứu”. Nhiều anh em có tấm lòng tương thân tương ái là rất đáng quý nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài và nên thận trọng trong truyền thông.
Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19, có những ngành kinh doanh ảnh hưởng nặng và trực tiếp, có những ngành ảnh hưởng gián tiếp và nhẹ hơn và có những ngành được hưởng lợi như là sự tất yếu trong sản xuất kinh doanh. Vấn đề là chúng ta tổ chức một mô hình kinh doanh nếu có cơ hội thì tận dụng để tạo lợi nhuận cao nhất, đồng thời trong những trường hợp rủi ro thì vẫn đảm bảo được mất mát ít nhất.
Nhiều người đã không giấu được sự ngạc nhiên khi chứng kiến một nhân vật thành đạt trong ngành công nghiệp ô tô như ông lại bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Xin hỏi thật, cảm giác của Chủ tịch Thaco khi bắt tay vào làm nông nghiệp, có giống cảm giác năm xưa anh kỹ sư Trần Bá Dương cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM về Biên Hòa để làm thợ sửa xe rồi từ đó kiến thiết sự nghiệp ô tô Trường Hải - Thaco?
Cái này xuất phát từ cơ duyên. Hay nói rành mạch hơn, từ đồng cảm mà kết lên một câu chuyện. Trong con người tôi không đặt vấn đề phải chuyên làm cố định một cái gì, mà đặt trong hoàn cảnh nào, cùng với điều kiện nào thì mình sẽ làm thêm được gì. Và khi làm thì làm cho đúng để nắm bắt cơ hội và phát triển.
Với ngành công nghiệp ô tô, Thaco đang thực hiện chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các nhà sản xuất ô tô quốc tế, trước mắt là cố gắng đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% và cho thị trường Đông Nam Á. Hiện nay, các đối tác của tôi đều có truyền thống rất lâu đời, có thị trường, có công nghệ nguồn… nhưng vẫn rất chật vật để tồn tại và phát triển. Tự làm mọi thứ trong sản xuất ô tô thì phải có lộ trình phù hợp và chúng tôi đang thực hiện rất quyết liệt lộ trình này.
Đối với nông nghiệp mặc dù mới làm nhưng cảm thấy rất hứng thú, nông trường trồng trọt chăn nuôi cũng được ví như nhà máy sản xuất trong nông nghiệp nhưng cây trồng, vật nuôi thì có khả năng giao lưu dễ dàng, gần gũi với con người. Nếu chúng ta đặt hết tâm trí vào công việc thì sẽ lắng nghe được cây trồng vật nuôi cần gì và nếu làm đúng thì thấy được sinh lực và kết quả ngay và ngược lại, làm nông nghiệp cho tôi hứng thú như là ngày xưa khi khởi nghiệp trong ngành ô tô, khi sửa được xe hỏng trở nên chạy tốt.
Nếu ông không ngại, chúng tôi muốn được nghe chiến lược của Thaco trong lĩnh vực nông nghiệp?
Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta chấp nhận sự cạnh tranh và hợp tác giữa ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế này với ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khác. Chúng ta có lợi thế ở loại sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Tôi xin mạn phép nói thẳng, chúng ta có thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân trong khoảng cách gần, hơn nữa diện tích trồng nông sản nhiệt đới của Trung Quốc rất ít. Cụ thể hiện nay Thaco đầu tư trồng chuối một cách tự tin. Vì sao? Vì đất nước trồng chuối lớn nhất trong khu vực là Philippines không thể cạnh tranh với Việt Nam khi muốn đến thị trường Trung Quốc, và cả thị trường Nhật Bản hoặc Hàn Quốc với chi phí vận chuyển đắt gấp đôi.
Tôi quan niệm, khi làm gì cũng phải nghĩ đến cạnh tranh tầm quốc gia. Nền kinh tế của Việt Nam xuất phát là nông nghiệp với lực lượng lao động cần cù và xuất thân từ nông thôn. Nếu chúng ta tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tốt để nguồn nhân lực này quay về nông thôn sản xuất nông nghiệp với thu nhập ổn định thì chắc chắn có lực lượng sản xuất tốt hơn các quốc gia khác. Vì các nước khác đã tập trung phát triển công nghiệp nhiều năm, thì việc kéo nhân lực ở ngành khác trở về làm nông nghiệp là không dễ.
Thaco sẽ tham gia xây dựng ngành nông nghiệp quy mô lớn với quản trị theo phương pháp công nghiệp có chuỗi giá trị khép kín, phù hợp với loại cây trồng, vật nuôi trong tương lai cùng với mô hình giao khoán, chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từng bước xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam có tính tổ chức, theo một cấu trúc bền vững, chuyên môn cao, gắn với thị trường tạo ra và chia sẻ thu nhập cho nông dân.
Tôi vẫn xem nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nếu làm tốt trên nền tảng hữu cơ thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh quốc tế, đồng thời có tính ảnh hưởng lan tỏa rộng và nhanh đến đời sống nhân dân Việt Nam.
Xin cảm ơn những bộc bạch nhiều suy tư tốt đẹp của ông. Kính chúc ông sức khỏe!