Cuộc đời làm báo, với tôi, được về với ruộng đồng, gặp gỡ những người nông dân, tiếp xúc với cây lúa, củ khoai, con gà, con cá…, đó là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc bởi được học hỏi từ những con người sống tận cùng với đồng ruộng.
![ve-voi-ruong-dong-054524_82.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054524_82.jpg)
Một buổi tối đầu đông 2023. Trong một quán nhỏ gần Hồ Gươm, tôi tình cờ gặp một người đàn ông dáng nhỏ thó nhưng rắn đanh, và gương mặt hồn hậu. Đi cùng ông là 3 - 4 cô gái. Họ nói giọng Nam Bộ. Những thanh âm nhẹ, ngọt ngào của vùng đất Chín sông. Trong lúc mấy cô gái chuyện trò rôm rả, người đàn ông nhỏ bé ấy lặng lẽ hút thuốc. Thuốc Zet - loại thuốc lá thịnh hành ở miền Tây.
Tôi mạnh dạn làm quen, và biết được đó là một gia đình vừa từ Hậu Giang ra Bắc, đang ngập tràn cảm xúc trước nhịp sống hối hả của Thủ đô. Ông tên Nguyễn Hữu Nhiều, nhà ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang). Qua câu chuyện của ông, tôi hình dung ra vùng quê hiền lành, yên ả bên con kênh Xáng Xà No nổi tiếng, những chiếc ghe chở đầy lúa gạo mỗi vụ mùa, những vườn cây trĩu quả, và tôm cá xênh xang của xứ sở gạo trắng, nước trong…
Vậy mà thành duyên! Một tháng sau đó, trong một chuyến công tác miền Tây, tôi được đến tận nhà ông ở, tận mắt chứng kiến sóng nước Xà No – con kênh đào từ thời Pháp thuộc đã góp phần hình thành những cánh đồng tươi tốt, thẳng cánh cò bay…
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/5308-ve-voi-ruong-dong-055256_622.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054536_115.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/mobile_ema/2024/06/21/b1-02-0545.jpeg)
Trong điện thoại, tôi lưu tên ông: ‘Tía Nhiều’, và ông cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm tôi, gọi con, xưng ‘tía’, câu cuối cùng bao giờ cũng nhắc dặn: chừng nào vô Hậu Giang, ghé thăm tía!
Xáng Xà No – con kênh đào ngót một thế kỷ đánh thức những miệt vườn trù phú, kẻ một trục xương sống từ Cần Thơ, qua Ngã Bảy, Vị Thanh rồi chạy miết xuống cửa biển Rạch Giá (Kiên Giang). Những kênh nhỏ trổ nối với Xáng Xà No theo hình xương cá, cứ cách một km chẵn chặn lại có một nhánh kênh đào, từ đó hình thành những địa danh “xứ Ngàn” của vùng đất Hậu Giang.
Ở xứ Ngàn, tôi được gặp những người nông dân đầy khí chất. Đó là lão nông Bùi Thiện Nghệ (xã Vị Thanh) - người có cái tên đọc lên đầy kiêu hãnh, và cái tên đã vận vào tính cách: ông là một trong những nông dân giỏi trong vùng. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nghệ nằm nép mình dưới những rặng dừa vài chục năm tuổi, trông ra con kênh đào đang mùa nước nổi, đỏ nặng phù sa. Bên ngoài mép kênh, cũng vẫn hàng dừa hiền hòa soi bóng, nếu không có một chiếc ghe xé nước lao đi khiến sóng nước bị xô dạt sang hai bên tạo thành những tiếng ì oạp, thì tưởng như, nơi vợ chồng ông Nghệ ở, nó cách xa rất nhiều những ồn ào.
Năm 2016, ông Bùi Thiện Nghệ cùng một vài nông dân xã Vị Thanh mạnh dạn đề xuất với Trung tâm Khuyến nông của tỉnh để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp có tên HTX Tân Tiến liên kết những người nông dân cùng chí hướng. Mục đích to lớn mà ông Nghệ nghĩ tới, là bảo nhau làm lúa an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại. Tiếp đó là bảo vệ nhau trước những tay “cò lúa” chuyên đứng ra làm trung gian thu mua lúa của nông dân, nhưng thực chất là dìm giá, ép giá bà con, khiến người nông dân thành quả thu được không được là bao.
Tôi gặp chị Út Tảo, vợ anh Nguyễn Văn Em trên cánh đồng mẫu lớn. Người phụ nữ có gương mặt hiền khô, phúc hậu. Chị đứng trên bờ, đội chiếc nón lá nhìn chăm chú một người đàn ông đang khéo léo điều khiển chiếc máy bừa, chà mặt ruộng thật phẳng phiu để chuẩn bị cho buổi sớm mai sẽ gieo sạ giống lúa mùa mới.
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/4629-ve-voi-ruong-dong-054613_172.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/mobile_ema/2024/06/21/chu-pah-2-0546.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/5030-ve-voi-ruong-dong-055018_666.jpg)
Chị tên thật là Lê Thị Tảo (SN 1971), là thứ 8 trong gia đình có 13 anh em. Năm 1990, cô gái Hậu Giang xinh đẹp 20 tuổi Lê Thị Tảo về làm dâu đất Vị Trung, vẫn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, cây lúa. Chồng chị, anh Em là con trai út. Ở miền Tây, người con gái có gia đình thường được gọi bằng tên chồng. Cái tên “Út Tảo” của chị có từ khi đó.
Ở miền sông nước Cửu Long, việc đồng áng nặng nhọc thường do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Nhưng, chị Út Tảo thì khác. Chị cùng chồng chia sẻ những nặng nhọc, lo toan, trải qua từ giai đoạn làm ruộng bằng tay, cày bừa, cuốc đất, gặt lúa, đập lúa bằng bồ, sau này là máy tuốt đạp chân, tiếp tục cơ giới hóa là máy tuốt kéo dọc các xóm ấp…
Tôi gặp anh nông dân Trần Văn Triệu (ấp 6, xã Vị Tân, Tp Vị Thanh) – người được “chọn mặt gửi vàng” gieo trồng 10.000 chậu lúa để phục vụ sự kiện trọng đại của ngành nông nghiệp: Festival lúa gạo quốc tế Hậu Giang tổ chức vào tháng 12/2023. Với tất cả tình yêu ruộng đồng, hơn 2 tháng trời, anh Triệu chăm sóc từng chậu lúa như chăm sóc những chậu cây cảnh: đất trồng lúa được lấy từ đất đồng, phơi nắng cho ải đất, sau đó ủ phân hữu cơ.
10.000 chậu lúa của anh Triệu sau đó được dùng để trình diễn “Con đường lúa gạo”, với đầy đủ các giai đoạn phát triển theo vòng đời cây lúa: lúa đang vào kỳ sinh trưởng, đẻ nhánh; lúa trổ đòng, vào bông; lúa chuẩn bị chín, và một khu vực lúa chín trĩu bông sắp cho thu hoạch... để tái hiện sinh động và mang lại xúc cảm cho du khách.
Tôi nhớ bàn tay to bản, xù xì, thô ráp; gương mặt góc cạnh, nước da óng lên màu đồng hun của anh nông dân Phạm Văn Triệu…
Những người nông dân như ông Bùi Thiện Nghệ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Em, chị Út Tảo, anh Phạm Văn Triệu…, họ rất kiệm lời, ít nói. Nhưng, cùng với hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL, họ là những người chung tay làm nên vùng lúa 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải. Họ là những người sống tận cùng với đồng ruộng!
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054701_797.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/mobile_ema/2024/06/21/b2-02-0547.jpg)
![ve-voi-ruong-dong-054733_943.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054733_943.jpg)
Tháng 6/2023, tôi về Thái Bình đúng thời điểm chị Trần Thị Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vừa “tậu” một chiếc máy bay không người lái để phun thuốc sâu cho cánh đồng mẫu lớn. Chiếc máy bay còn nguyên trong hộp giấy, mới coóng, và có lẽ nó là hiện thân của bao hy vọng, mong chờ, ấp ủ của một “nữ đại điền” dám nghĩ dám làm trên quê lúa Thái Bình.
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-055103_825.jpg)
Chị Lanh sinh năm 1977, là Giám đốc HTX Quang Lanh - cái tên được hình thành từ việc ghép tên chung của hai vợ chồng.
Quãng năm 2012, Thái Bình chia lại ruộng, từ những thửa ruộng nhỏ lẻ gộp lại thành một thửa lớn, vừa giúp sản xuất tập trung, vừa tăng thêm tổng diện tích bởi bớt đi những bờ ngăn, bờ thửa. Những ngày đầu, bà con còn giữ ruộng, nhưng rồi nông nghiệp không hiệu quả, các công ty về quê ngày mỗi nhiều, thanh niên bỏ ruộng đi làm công nhân, ruộng đồng để hoang. Xót ruộng, tiếc đất, chị Lanh đứng lên thuê lại hết ruộng trong xã, rồi thuê thêm ruộng của các xã khác trong huyện, thành cánh đồng đại điền với tổng diện tích trên dưới 100ha.
Có diện tích canh tác lớn, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư máy móc, cơ giới hóa nông nghiệp, tiên phong khởi xướng phong trào đại điền trên quê lúa.
Khi mang những chiếc máy cày, máy bừa, máy gặt, máy cấy, rồi tiếp đó là máy bay không người lái về đồng đất Bình Minh, không ít người nghi ngại: máy to như thế chỉ làm được chân ruộng lớn, chân ruộng nhỏ thì chịu chết; rồi gặt đập tại bờ, thóc nó rơi vãi, hao hụt, còn gì mà ăn… Nhưng đã nghĩ lớn, làm lớn, chị Lanh cứ dấn mà làm. Trải qua gần chục năm, giờ đây, bà con gọi chị với cái tên đầy ngưỡng mộ “nữ đại điền” quê lúa.
Năm 2019, một nhóm những người canh tác lúa với diện tích quy mô lớn tại Thái Bình tập hợp nhau dưới tên gọi “Hội những người cấy lúa quy mô lớn”. Khi đó, có 7 - 8 hộ cấy lúa quy mô tính theo đơn vị ha tại huyện Kiến Xương. Đến năm 2022, Câu lạc bộ Đại điền đã mở rộng với trên 300 thành viên, sản xuất lúa quy mô từ vài chục ha trở lên. Trên toàn tỉnh Thái Bình hiện có 1.700 đại điền nếu tính diện tích từ chục ha trở lên. Nếu tính những hộ canh tác quy mô 2ha trở lên, con số này khoảng 2.800 đại điền.
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054746_197.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/mobile_ema/2024/06/21/b3-02-0547.jpg)
Việc mở rộng về quy mô diện tích, sự thống nhất về một chủ thể sản xuất đã giúp những người làm nông nghiệp ở Thái Bình có cơ hội nghĩ lớn, làm lớn: những đại điền quy mô vài chục cho tới cả trăm ha đã bỏ hàng chục tỷ đồng để cải tạo đồng ruộng, đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Anh Đỗ Văn Dân (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) - một trong những đại điền lớn ở Thái Bình hiện canh tác 50ha lúa của gia đình đồng thời làm dịch vụ thêm 50ha cho bà con, đưa tổng diện tích lúa của nông hộ này là trên 100ha.
Tháng 7/2023, Đỗ Văn Dân “gặp hạn”: sự cố chập điện dẫn tới hỏa hoạn tại kho chứa lúa, sấy lúa của gia đình anh. Lúc đó, trong kho đang trữ 400 tấn thóc. Bà con hàng xóm kéo tới hỗ trợ giúp chặn được đám cháy. Tuy nhiên, sự cố này khiến gia đình anh thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Đối với người nông dân, đây là một số tiền rất lớn.
Nhưng, không ngã lòng, đứng lên từ mất mát, anh Dân gọi thợ về sửa lại nhà kho, xốc tinh thần chuẩn bị cho vụ mùa mới...
Cuối năm 2023, lúa gạo được mùa, được giá, những nông dân như anh Dân, chị Lanh… được hái quả ngọt. “Làn gió đại điền” thực sự là làn gió mát lành đang mang lại những hạnh phúc cho người nông dân quê của những “chị Hai năm tấn”.
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-055134_907.jpg)
![ve-voi-ruong-dong-054812_285.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054812_285.jpg)
Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên những ngày đầu tháng 7/2023, tôi được gặp và tận thấy đời sống của những người công nhân cao su trên vùng đất cao nguyên đang đổi thay từng ngày.
Tại những huyện mới thành lập như Ia H’Drai, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), song hành cùng những lô cao su 16 – 20 năm tuổi đang bước vào độ sung mãn nhất, những khu quần cư của công nhân người dân tộc thiểu số từ các tỉnh Bắc Trung Bộ vào lập nghiệp cũng dần ấm vùng đất mới. Họ chọn cây cao su làm chỗ dựa, chọn làm công nhân cao su để khởi nghiệp. Những khu dân cư tại xã vùng biên Ia Dom, Ia Dal, Ia Tơi đã minh chứng điều đó.
Trong số những công nhân tôi gặp, chị Hà Thị Lận (SN 1988), nữ công nhân xuất sắc của Nông trường cao su Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy) là một gương mặt đầy ấn tượng.
Dời vùng quê nghèo Quan Sơn (Thanh Hóa) vào Ia H’Drai lập nghiệp năm 2011, vợ chồng chị đã chứng minh, “cao su đi dễ khó về” chỉ là giai đoạn xa xưa thời thực dân đô hộ. Ngày nay, những vùng đất mới ở Tây Nguyên, cây cao su vươn mình phủ bóng, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn công nhân. Nó đang là “cây hy vọng” trên vùng đất khó.
Tôi nhớ mãi ngôi nhà thưng gỗ của vợ chồng Lận dựng trên ô đất do công ty cao su Sa Thầy cấp cho công nhân, đẹp đẽ và vuông vắn. Sau nhà, anh Dựa, chồng Lận đã bỏ công khai khẩn, vỡ được một khoảng đất ở khu đồi dốc để trồng điều. Vườn điều sau gần chục năm đã sum suê. Dựa làm thêm khu chuồng heo thả hai con heo nái sinh sản, mỗi năm bán mấy lứa heo giống. Thêm con gà, con vịt chạy nhông nhông, có thêm cái ăn tươi…
Quốc lộ 14C vừa làm mới, thảm nhựa đẹp đẽ chạy qua vùng biên, đánh thức huyện mới Ia H’Drai. Nhà Lận thành đất mặt đường. Cả khu dân cư của xã Ia Dom gồm ba thôn, hầu hết đều quần cư bám theo quốc lộ bỗng trở nên sáng bừng…
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/5526-ve-voi-ruong-dong-055515_605.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054825_813.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/mobile_ema/2024/06/21/b4-02-0548.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/5556-ve-voi-ruong-dong-055544_415.jpg)
Khu dân cư 41 của xã Ia Tơi mới lập 6 năm, thế mà nơi đây đã có gần 50 nóc nhà quần cư dọc con đường trổ từ ngã ba trung tâm xã.
Một cây bơ bẽn lẽn đứng bên mép con đường đất đỏ hỏn, dấu hiệu cho thấy nó mới được trồng dăm năm trở lại đây, khi có con người đến sinh cơ, lập ấp. Chỉ chục năm nữa, nó sẽ vụt trở thành một cái cây cường tráng, rồi theo thời gian, nó sẽ là cây cổ thụ ở vùng đất mới, xúm xít xung quanh là những khu dân cư đông đúc, bình yên.
Bên ngôi nhà mới của công nhân Vi Văn Dự (Nông trường cao su Mom Rây), hơn chục công nhân trong màu áo xanh đồng phục kéo tới, trò chuyện cùng chúng tôi. Những khát vọng ấp ủ, những hạnh phúc giản dị, đời thường khi cuộc sống đã ổn định, bám rễ khiến tôi lây niềm vui của họ.
Công nhân nông trường Mom Ray 4 hầu hết là bà con người Mường, người Thái ở Quan Hóa (Thanh Hóa) “đầu quân” từ năm 2011, nhiều người trước đó đã làm cao su ở các tỉnh khác, nhiều người ở quê được bạn bè đi trước giới thiệu dẫn dắt nhau lên làm công nhân. Cho nên, rất nhanh, xóm người Mường, người Thái vùng Quan Hóa - Bá Thước trên đất mới Kon Tum đã sớm đi vào nền nếp.
Ngược ngàn lên cực Bắc, tôi gặp Sùng Mí Chứ, cán bộ y tế của thôn Sán Séo Tỷ (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Nhà của Chứ nằm giữa bạt ngàn ngô và bạt ngàn đá. Con đường mòn dẫn vào nhà Chứ men theo những mỏm đá, đạp lên đá mà đi.
Vợ chồng Chứ và bà mẹ người Mông hơn 80 tuổi sống giữa mênh mông đá, mênh mông ngô, mênh mông núi. Câu chuyện tôi và Chứ bên bếp lửa cạnh bờ rào đá. Mẻ rượu ngô đang cất trên chiếc thạp nhôm, rượu nhỏ từng giọt tí tách qua chiếc ống nhựa rồi rơi xuống can nhựa hứng phía dưới.
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054847_76.jpg)
Mùi rượu ngô thơm lựng, nồng nàn, ngai ngái. Biết bao mẻ rượu đã được nấu trên chiếc bếp này. Mùi rượu ngô tưởng như đã ám sang cả bờ rào đá, khiến đá cũng trở nên say, từ nhiều năm trước. Và gió cao nguyên vùng cực Bắc quá thể mênh mông. Gió từ thung tràn vào nhà Chứ qua cánh cửa mở toang. Ngôi nhà như chiếc phễu hút gió, tưởng như cũng đang bồng bềnh.
Sẽ khó để tôi nhớ về Sùng Mí Chứ nếu như anh không phải là một nông dân Mông mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trên vùng núi đá đầy những khó khăn, bất trắc do thiên tai, hạn hán này. Vượt lên khắc nghiệt, Chứ tự mình vượt lên gỡ khó, bằng những nương ngô trên mảnh đất ông cha, bằng việc nuôi con bò Mông – giống bò bản địa để vừa lấy sức kéo, vừa nhân giống. Nhưng, Chứ không làm giàu cho riêng mình. Anh cho các gia đình khác trong bản mượn bò giống, chừng nào đẻ ra hai con bê con, anh sẽ lấy về một con, để lại một con cho nhà kia có tư liệu sản xuất. Con bò mẹ, lại tiếp tục chuyển sang những nhà khó khác...
![](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-054906_91.jpg)
Tôi nhớ hình ảnh con gà mẹ ủ rũ bị cột một chân, đầu kia sợi dây buộc vào chiếc cột gỗ trước cửa nhà Lầu Mí Mua (thôn Làng Chải, xã Cán Chu Phìn). Đám gà con tha thẩn bên cạnh mẹ. Xung quanh con gà mẹ u buồn, lố nhố hơn chục con người, lớn bé, gái trai, trẻ già tụm lại. Trời xẩm tối, một bé gái bế con gà mẹ vào nhà, rồi cẩn thận đặt nó vào trong một chiếc hòm gỗ thông cũ kỹ đã bong tróc hết lớp sơn. Dường như, đàn gà là tài sản quý giá của nhà Mua, phải trông chừng thật cẩn thận.
Những bản làng ở Hà Giang tôi qua, bản làng nào cũng toát lên vẻ nghèo khó. Nhưng, những tấm lòng đôn hậu, ấm áp thì không bao giờ lạnh. Người vùng cao, họ mang cả tấm lòng đãi khách. Như Sùng Mí Chứ, anh giấu nồi mèn mén phía sâu trong chiếc chạn bát, nấu một nồi cơm gạo trắng, gọi một thanh niên nhà kế bên sang trợ giúp Chứ vây bắt một con gà Mông toàn thân đen sì – thứ gà thuốc đặc sản chỉ nặng hơn 1kg; múc một ca rượu ngô ấm nóng từ bếp vào đãi khách… Bữa trưa thịnh soạn ở nhà chứ, đến giờ tôi vẫn như cảm thấy men rượu ngô lửng lơ say…
Đi nhiều, gặp nhiều, tôi chứng kiến những cuộc sống bản làng, nó khác với cuộc sống thành thị nơi tôi đang sống. Tôi thấy được những thiếu thốn vật chất của họ, nhưng cũng nhận ra, những ngột ngạt, bức bối, tù túng của cuộc sống đô thị - thứ mà chúng ta không có, đó là những môi trường sống trong lành, thứ mà Sùng Mí Chứ, như Tía Nhiều, lão nông Bùi Thiện Nghệ…, hay những người dấn thân như anh Dân, chị Lanh làm đại điền trên quê lúa…, họ đang có rất nhiều.
“Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Đó là một câu văn trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – nhà văn mà tôi rất yêu những câu chữ của ông, những câu từ bình dị, gần gũi nhưng luôn ánh lên những ánh sáng ấm áp. Nguyễn Huy Thiệp viết về đồng rừng, viết về nông thôn, nông dân như viết về chính mình.
Tôi thấy hình ảnh của tôi trong đó. Tôi thấy hình ảnh những người nông dân quê tôi trong đó. Khi đi làm, tiếp xúc với những nông dân ở khắp các vùng miền, tôi nhận thấy hình ảnh của họ trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Thứ mà tôi tự đúc rút, đó là những người nông dân ở mỗi vùng miền, họ đều có một tính cách riêng, đầy bản sắc, mà nếu để gọi tên, thì đó là “khí chất”!
![ve-voi-ruong-dong-055224_389.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2024/06/21/ve-voi-ruong-dong-055224_389.jpg)