Vì sao lũ tại Hà Tĩnh không lớn nhưng thiệt hại nặng?

Mưa lũ trong 3 ngày đã cướp đi sinh mạng 3 con người, xé toang nhiều công trình thủy lợi và nhấn chìm nhiều tài sản, hoa màu của người dân Hà Tĩnh.

Sau thảm họa lũ kép vào năm 2020, mùa mưa ở Hà Tĩnh những năm sau khá bình yên. Đến năm 2023, hạn hán lịch sử kéo dài đến tận cuối tháng 9 khiến các hồ đập trơ đáy, nguy cơ “khát” nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong năm 2024.

Đầu tháng 10/2023 những đợt mưa vàng bắt đầu xuất hiện nhưng lượng mưa thấp so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Đùng một cái, chỉ trong 3 ngày (từ 28 – 30/10) mưa trút xối xả, chỉ tính riêng ngày 29/10, lượng mưa đo được tại huyện Hương Khê lên đến hơn 400mm, vượt mức báo động III.

Theo ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, nếu tính tổng lượng mưa cả đợt thì chỉ hơn 550mm nhưng tần suất mưa lại rất cực đoan. Mưa đổ dồn trong ngày 29/10 kết hợp thủy điện Hố Hô xả lũ khiến lũ lên nhanh, mức độ ngập lụt nghiêm trọng.

“Với đặc điểm địa hình của Hương Khê như một thung lũng lòng chảo nên mưa lớn trong thời gian ngắn đẩy lũ trên sông Ngàn Sâu lên nhanh. Đồng thời, cũng dẫn tới việc nước rút chậm, gây khó khăn trong quá trình khắc phục hậu quả lũ lụt”, ông Bá phân tích.

Tại huyện Vũ Quang, đã rất lâu rồi mới ghi nhận lũ lên trên mức báo động II. Lượng mưa đo được tại trạm thủy văn lên tới trên 450mm, gây ngập lụt khu dân cư, sạt lở ở nhiều vùng hạ du như xã Đức Giang, Đức Liên, Đức Bồng… Tuy nhiên, may mắn hơn Hương Khê, mức độ ngập lụt và thiệt hại ở huyện Vũ Quang không lớn bởi tác dụng cắt lũ của hồ chứa nước Ngàn Trươi là cực kỳ lớn.

“Nếu không có hồ chứa Ngàn Trươi cắt lũ gần 273 triệu m3 nước, không chỉ các xã vùng hạ của huyện Vũ Quang mà cả huyện Đức Thọ cũng sẽ bị nhấn chìm trong biển nước, thiệt hại khó lường”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nói.

Như ông Trần Đức Bá phân tích, đợt lũ lần này tuy không lớn nhưng vì diễn biến nhanh với lượng mưa cực đoan nên thiệt hại vẫn khá nặng nề. Vùng thiệt hại chủ yếu là huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên.

Theo thống kê mới nhất, tại huyện Hương Khê, mưa lũ cướp đi sinh mạng 3 người ở xã Hà Linh và xã Hương Thủy. Toàn huyện có gần 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng. Trong đó có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện.

Nhiều tuyến đường bị cô lập ảnh hưởng đến giao thông đi lại; nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du.

Cùng đó, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Hương Liên, Hương Đô, Hà Linh, Hương Trạch; bờ sông Tiêm đoạn xã Hương Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn huyện có hơn 42 ha cây trồng vụ đông bị hư hại và hơn 250ha cây ăn quả bị ngập. Ước tính thiệt hại bước đầu do lũ lụt gây ra khoảng trên 150 tỷ đồng.

Ông Hồ Phúc Trường, Trưởng thôn 4, xã Hòa Hải chia sẻ, trận lũ này quá bất ngờ do mưa và lượng nước dâng lên rất nhanh. Gần 100 hộ dân trong thôn vừa gieo trỉa 4 ha ngô vụ đông thì nay đã bị xóa sạch.

Theo bà Trần Thị Hương, thôn 8, xã Hòa Hải, lũ lên nhanh nên gia đình bị động trong việc di dời tài sản. Hàng chục con gà bị trôi theo lũ, lúa và đồ dùng trong nhà bị ngập nước, hư hỏng.

Đối với huyện Vũ Quang, toàn huyện bị ngập lụt khoảng 29,2km đường giao thông, cô lập 915 hộ dân; 56 hộ dân bị sạt lở đất vườn. Đặc biệt, lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 30/10 tại xã Đức Hương khiến 2 hộ bị ảnh hưởng, rất may không có thiệt hại về người, một số tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng.

“Đợt mưa lũ lần này, thực trạng đáng báo động nhất là sạt lở các tuyến đường giao thông, kè sông và khu vực đồi núi, đe dọa an toàn cho các hộ dân sống trong khu vực”, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

 

Đơn cử là sự cố sạt lở mái ta luy của tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km 354+900 đến 355+400 khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt, thuộc địa bàn thôn Liên Châu, xã Đức Liên (huyện Vũ Quang) vào rạng sáng ngày 30/10. Lúc bấy giờ, do mưa lớn khiến nhiều khối đất đá bị trôi khỏi nền đường và khoét hàm ếch tại một số vị trí. Nhiều đất đá, cây xanh từ trên núi sạt lở, tràn xuống bồi lấp một số đoạn đường sắt qua địa phận của xã Đức Liên.

Ngay sau đó, bất chấp mưa lớn, đơn vị quản lý tuyến đường sắt phối hợp chính quyền địa phương huy động hơn 120 người làm việc suốt đêm để khắc phục sạt lở. Phải đến chiều tối ngày 31/10 sự cố mới khắc phục xong để thông tuyến đường sắt.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên. Sông Ngàn Mọ là một trong những con sông lớn tại Hà Tĩnh, có chiều dài khoảng hơn 70km, bắt nguồn từ núi Cúc Thảo, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên chảy qua địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà rồi đổ ra biển Đông.

Tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, đoạn sông Ngàn Mọ có chiều dài khoảng 6km, đi qua 9 thôn. Nhiều năm qua, bờ sông liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở. Đặc biệt, từ giữa tháng 10 đến nay, sau những cơn mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.

Theo rà soát, toàn xã Cẩm Duệ đang có 14 điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ, trong đó có 4 vị trí sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 150m, ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân.

Tại nhà ông Cao Nam Tình, thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, điểm sạt lở ăn sâu vào khu vực đất vườn và gây nứt toác nhiều công trình phụ như tường rào, sân, nhà vệ sinh. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hôm 14/10, chính quyền đã huy động 200 người vận chuyển 100m3 đá hộc, 50 lưới thép cùng nhiều cọc tre gia cố, khắc phục sạt lở.

Thế nhưng, mưa lũ từ ngày 29 - 30/10 khiến tình trạng sạt lở tái diễn, uy hiếp và làm hư hỏng các rọ đá, bờ kè tạm.

“Từ hôm 29/10, mưa lớn, nước đổ về tạo sóng vỗ mạnh. Cả đêm, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, ông Cao Nam Tình nhớ lại.

Thượng tá Nguyễn Xuân Quảng, Chính trị viên - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên cho biết, trước tình trạng nguy cấp, từ ngày 31/10, đơn vị điều động 48 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với 100 người thuộc lực lượng địa phương khắc phục nhiều điểm sạt lở. Theo Thượng tá Quảng, các lực lượng đã vận chuyển 100 rọ đá, 200m3 đá hộc, 500 cọc tre để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, nguy cơ xung yếu cao.

Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cho hay, trước mắt huyện huy động các lực lượng triển khai khắc phục tạm thời sự cố sạt lở để đảm bảo cuộc sống và tài sản cho người dân xã Cẩm Duệ.

“Về lâu dài, huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ gói khẩn cấp khắc phục thiên tai với kinh phí 15 tỷ đồng để xây kè kiên cố chống mưa lũ”, ông Thành nói.

Đợt mưa lũ lần này cũng gây thiệt hại khá nặng đối với một số công trình thủy lợi. Đặc biệt là sự cố vỡ đập Tắt ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê. Theo ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn làm vượt khả năng chống đỡ của một số công trình hồ đập xung yếu, xuống cấp. Đây chính là biểu hiện rõ nét về thực trạng biến đổi khí hậu.

“Gần đây mưa không rải đều như các năm trước mà cục bộ tại một số địa phương. Hơn nữa thảm thực vật trên rừng trồng giữ nước hạn chế đã tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến công trình thủy lợi”, ông Thịnh phân tích nguyên nhân lũ không lớn nhưng vẫn gây ra sự cố vỡ đập.

Theo ông, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 130 hồ chứa hư hỏng có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023; trong đó 47 hồ chứa xung yếu. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa chưa đúng mức khiến cho các công trình ngày càng “run rẩy”.

Trong chuyến kiểm tra tình hình mưa lũ và thực trạng hồ đập thủy lợi tại tỉnh Hà Tĩnh mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ghi nhận nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu phức tạp sẽ còn đe dọa nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ của địa phương đã xây dựng từ hàng chục năm qua, nhất là huyện Hương Khê – “rốn lũ” của Hà Tĩnh.

Tại huyện này còn có thủy điện Hố Hô, một quả “bom nước” treo trên đầu hàng chục nghìn hộ dân. Tỉnh Hà Tĩnh cần đánh giá tác động của hồ chứa này để có giải pháp phù hợp; kiến nghị thay đổi quy trình vận hành hồ chứa với mục tiêu đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

“Đối với các công trình thủy lợi, trước mắt nhanh chóng khắc phục hạ tầng thủy lợi thiết yếu, trong đó có đập Tắt, xã Hòa Hải, Hương Khê để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Việc sửa chữa, xây dựng hồ, đập phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Đến ngày 2/11, nước lũ tại huyện Hương Khê, Vũ Quang cơ bản đã rút hết. Với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”, từ ngày 1/11, các lực lượng Công an, Quân đội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã đến các hộ dân ngập lụt hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh môi trường, sắp xếp lại cuộc sống cho người dân.

“Gần 300 chiến sỹ công an của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Tĩnh đã về giúp người dân và các cơ quan, đơn vị dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục thiệt hại, tập trung tại các trường học và cơ sở y tế. Nhờ sự chung tay của các lực lượng đến nay phòng học của các nhà trường đã được dọn sạch sẽ, đảm bảo đón học sinh trở lại trường học tập”, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê thông tin.

Theo ông, song song với khắc phục hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng, địa phương này chú trọng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, nhất là các biện pháp phục hồi đối với cây ăn quả (cam, bưởi bị đổ ngã), triển khai sản xuất vụ đông theo kế hoạch. Riêng với diện tích cây trồng vụ đông bị hư hại, huyện tiếp tục tổng hợp đầy đủ và sẽ có chính sách để hỗ trợ bà con tái sản xuất.

Đối với huyện Vũ Quang, công tác khắc phục hậu quả tập trung vào dọn dẹp rác thải, xác gia súc, gia cầm và gia cố các điểm sạt lở tại các tuyến đường xung yếu. Tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường sống, phòng các loại dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Khi được hỏi về kinh nghiệm hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho rằng, sự chủ động của người dân là quan trọng nhất.

Ở những vùng thấp trũng như xã Đức Giang, Đức Bồng, Đức Hương… hầu hết gia đình nào cũng có chạn, gác xép hoặc xây nhà vượt lũ; trang bị thuyền bè đề phòng lũ lên đột ngột kịp thời bảo đảm an toàn tính mạng. Các tài sản như gà lợn, trâu bò đều di tản lên chuồng trại 2 tầng của gia đình hoặc chủ động gửi nhờ ở các hộ dân ở khu vực đồi núi cao ráo.

Với khu vực vùng núi như xã Hương Minh, Quang Thọ, Thọ Điền… thiên tai chủ yếu là lũ quét và sạt lở đất, do đó hàng năm địa phương đã chủ động tuyên truyền, thông tin về các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất như tiếng động lạ, vết nứt, nước suối đổi màu để người dân phòng tránh. Cung cấp số điện thoại cứu hộ cứu nạn tại địa phương để bà con liện hệ trong tình huống khẩn cấp.

Bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Hà Tĩnh cần nói không với việc chuyển đổi rừng nghèo thành đất sản xuất và phải khôi phục, làm giàu trở lại cho rừng, thậm chí tính đến giải pháp chuyển đổi các vùng đất trồng trọt hiệu quả thấp thành rừng tự nhiên nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng trên các vùng đối núi, đất dốc.

“Sạt lở đất rất khó lường và thường xảy ra vào ban đêm, gây nên hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, trước dự báo các đợt mưa lớn chúng tôi sẽ chủ động rà soát, lập danh sách, thông báo cho từng hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở để bà con sẵn sàng sơ tán khi có lệnh. Trường hợp người dân không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản”, ông Sơn chia sẻ.

Về lâu dài, cách ứng xử thích hợp nhất với tình trạng sạt lở đất, lũ lụt tại các cùng núi, đất dốc là quy hoạch và bố trí dân cư khoa học. Cần giới hạn quy mô các điểm dân cư, cơ sở kinh tế trong các vùng này để giảm thiếu tác động đến địa hình hiện trạng cũng như hậu quả về người và của có thể xảy ra.

Việc xây dựng công trình trên vùng đồi núi, đất dốc không làm bừa bãi, tùy tiện. Khi thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết sẽ không khác gì phá hoại sự ổn định của địa hình và kích hoạt nguy cơ trượt sạt lở đất, gây lũ lụt.

Hạn chế tối đa việc xẻ núi đắp đường, chia cắt địa hình khi xây dựng các công trình cầu cống, đường sá…

Đặc biệt, với những địa phương có nhiều công trình hồ chứa lớn đặt trên địa bàn như: Cẩm Xuyên (hồ Kẻ Gỗ); Vũ Quang (hồ Ngàn Trươi); Hương Khê (hồ Hố Hô); thị xã Kỳ Anh (hồ Thượng Sông Trí)… yếu tố góp phần giảm thiểu thiệt hại cả về công trình và ngập lụt vùng hạ du chính là theo dõi sát diễn biến mưa, lưu lượng nước về hồ để vận hành xả lũ đúng quy trình. Tránh tình trạng xả lũ cấp tập khi mưa hạ du đang lớn và xả vào ban đêm, khiến người dân trở tay không kịp.

Thanh Nga
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Thanh Nga - Quốc Toản
Thanh Nga - Quốc Toản