Mỗi chuyến thăm quê

Tình yêu quê hương là cầu nối giữa tình yêu gia đình và tình yêu đất nước. Thiếu tình yêu quê hương tâm thức con người sẽ dễ bị đứt gãy, như bị đánh mất những điều gì lớn lao, cao cả. May mắn thay, dù ở bất cứ vị trí xã hội như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu, mỗi người đều dạt dào tình yêu quê hương trong sâu thẳm tâm hồn. Tình yêu quê hương trong mỗi người cũng thật giản đơn, là hãy làm điều gì đó có ích cho nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành.

Quê hương mình đã thay da đổi thịt từng ngày. Các làng nghề truyền thống tiếp tục khởi sắc: Nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc vừa có sự kiện gây tiếng vang; Nghề dệt chiếu Định Yên, Nghề dệt khăn rằn Long Khánh được phục hồi gắn với du lịch; Nghề bột Tân Quy Đông vừa được vinh danh; Nghề làm nem Lai Vung nối kết các điểm tham quan quýt hồng thành một hành trình. Chợ quê bên bờ Tân Thuận Đông vẫn tấp nập cuối tuần, nhiều địa phương đang tham khảo để thực hiện…

Các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã và đang chuẩn bị hình thành: Làng bè An Phong, Tiên Sen Tân Mỹ… Các hội ngành hàng ra đời, tập hợp sức mạnh của những người chung một ước mơ đi xa, vươn cao.

 

 

Đến thăm những Hội quán thân quen, thật vui khi cảm nhận được các thành viên vẫn tự tin tiếp nối hành trình bắt đầu từ 7 năm trước. Nhiều Hội quán mới tiếp tục ra đời, nhiều Hội quán được củng cố và giới thiệu nhiều nội dung sinh hoạt phong phú. Như vậy, một thiết chế cộng đồng tự nguyện, tự quản, tự quyết định đã bén rễ một cách nhẹ nhàng, sâu sắc vào xã hội.

Nhiều hợp tác xã được nâng cao chất lượng hoạt động, thành lập mới với sự tham gia nhiều thành phần hơn, đa dạng lĩnh vực hơn. Thông qua các buổi sinh hoạt Hội quán, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, bà con đã dần thích ứng dần xu thế mới: ứng dụng khoa học công nghệ, số hoá, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Thấp thoáng hình dáng làng thông minh, nông nghiệp thông minh và hình mẫu những người nông dân tử tế trên mọi nẻo miền quê. 

Đàn cò ngàn con bay về cánh đồng Tràm Chim tạo nên hình ảnh vô cùng ấn tượng, biểu hiện đất lành chào đón đàn chim về nhà. “Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ” từ tầm nhìn của lãnh đạo quê mình, đang được xúc tiến.

Hình ảnh con sếu từ lâu đã được gắn trên biểu tượng của quê mình nhưng thưa vắng dần trong nỗi khắc khoải bao người. Sếu không chỉ là động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới mà còn là biểu tượng gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Sự hiện diện của đàn sếu là chỉ dấu môi trường đã được phục hồi sau bao năm bị con người tác động một cách tiêu cực. Nghe bà con chung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim chia sẻ những lời tâm huyết mà cảm nhận được sự háo hức chờ đợi ngày đàn sếu trở về với quyết tâm cùng nhau giữ mãi đất lành. 

Mỗi chuyến về thăm quê còn gợi lên bao điều suy nghĩ, còn nhiều việc cần phải làm. Xã hội luôn vận động nhanh với tốc độ chưa từng thấy. Hãy nhìn vào tốc độ viễn thông, từ 2G, 3G, đến 4G nay đã bước sang 5G rồi điều gì sẽ tiếp tục xảy ra? Trước sự thay đổi nhanh như vậy, chỉ cần một giây phút chần chừ, do dự, chậm chân, tự bằng lòng, sẽ dễ bị vượt qua.

Nghe tin một sản phẩm mới được đưa ra thị trường, mô hình mới ra đời là bao cảm xúc lẫn lộn. Hành trình ra đời cái mới không bao giờ “thuận buồm xuôi gió”. Đằng sau mỗi sản phẩm khởi nghiệp, điểm du lịch cộng đồng là công sức và vốn liếng, tâm huyết và niềm tin của bà con mình. Dẫu biết sự sàng lọc trong thị trường cạnh tranh thành công hay thất bại là điều bình thường, tuy nhiên vẫn thấy chạnh lòng trong nuối tiếc: giá như mọi người sát sao hơn nữa. 

Trước khi bắt tay làm bất kỳ điều gì, đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ đoàn thể cần tìm hiểu mục tiêu, ý nghĩa, giá trị của công việc mình được giao phó. Phải tiên liệu, thảo luận về những rủi ro phía trước. Phải nhận diện được đâu là cơ hội và thách thức, điểm mạnh và điểm yếu.

Mỗi công việc, nhất là công việc càng mới mẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ yêu thương đối với bà con. Những điều mới mẻ không chỉ ban hành được nghị quyết, đề án, kế hoạch là sẽ thành công; không chỉ vài ba buổi tập huấn, tuyên truyền là mọi việc sẽ đâu vào đấy. “Còn có thể làm gì tốt hơn nữa không?” cần là câu hỏi xuyên suốt. 

Những sản phẩm mới, mô hình mới đâu phải ra đời là xong, là cứ thế mà thẳng tiến, bao nhiêu rủi ro chực chờ phía trước. Mình vừa có sản phẩm mới thì người khác rồi cũng sẽ có sản phẩm mới tốt hơn, mình có mô hình mới thì rồi người khác cũng sẽ có mô hình mới hay hơn.

Do đó, cần định kỳ đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều và đổi mới sáng tạo liên tục. Đội ngũ công chức, cán bộ đoàn thể cần hướng tới vai trò tư vấn xã hội, giúp cộng đồng phát triển, thay vì chỉ tư duy hành chính, quản lý đơn thuần. Đội ngũ có nhiệm vụ huấn luyện cho bà con cũng cần được học, được huấn luyện, cập nhật thường xuyên.

Bác Hồ đã từng nhắc nhở: “Vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi”. 

Không ai sinh ra đời là biết tất cả dù học hàm học vị cao đến đâu, dù thứ bậc xã hội như thế nào. Không ai có thể tự mình làm được tất cả mà không có sự hỗ trợ từ người khác. Đọc sách là cách tự học hiệu quả. Cùng nhau học tập sẽ giúp tiến bộ nhanh hơn. Và mỗi một phần việc, dù nhỏ nhất, đơn giản nhất, cũng đều được hoàn thành bằng cả trách nhiệm, bổn phận và tình yêu quê hương Đất Sen Hồng.

Đường đi xa lắm ai ơi

Nước non ngàn dặm, biển trời mênh mông

Xích Lô
Tiến Thành
Lê Hoàng Vũ