Việt Nam giữ vai trò chiến lược trong phát triển bền vững chăn nuôi toàn cầu

Trong tháng 10, một sự kiện quan trọng đã khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam đối với hành trình thúc đẩy chăn nuôi bền vững trên toàn cầu.

Từ ngày 14 - 18/10 tại Hà Nội và Quảng Ninh, Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) kỷ niệm 50 năm thành lập và ra mắt Chiến lược mới về Phát triển chăn nuôi bền vững.

Kể từ năm 1999, ILRI đã đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam, triển khai nhiều dự án nghiên cứu quan trọng, từ an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, cho đến biến đổi khí hậu và sản xuất chăn nuôi bền vững. Năm 2006, ILRI chính thức thành lập văn phòng tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, Một sức khỏe và cải thiện năng suất chăn nuôi.

Nhân ngày Một sức khỏe (3/11), Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn với giáo sư Appolinaire Djikeng - Tổng giám đốc ILRI kiêm Giám đốc điều hành Hệ thống Nông nghiệp Thực phẩm Bền vững của CGIAR.

 

- Trước tiên, nhân Ngày Một sức khỏe, thưa ngài Tổng giám đốc, ông có thông điệp nào muốn gửi đến những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và môi trường, cũng như nông dân chăn nuôi ở Việt Nam?

GS Appolinaire Djikeng: Nhân dịp ngày Một Sức khỏe, tôi xin gửi lời chúc mừng tới các đồng nghiệp ở Việt Nam và toàn thể nông dân, cán bộ và nhà quản lý.

Có thể khẳng định, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực Một sức khỏe, là hình mẫu về quốc gia ứng phó hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh từ động vật, dịch bệnh qua biên giới và vấn đề kháng kháng sinh.

Các bạn không chỉ phản ứng kịp thời với những mối nguy về sức khỏe cộng đồng. Việt Nam còn có khung pháp lý với quy định rõ ràng, tạo điều kiện cho những nỗ lực liên ngành. Đây là thành tựu rất đáng tự hào.

Thêm vào đó, các cơ quan ở Việt Nam, từ trường đại học, viện nghiên cứu, đến các Bộ, ban, ngành… đều đã lồng ghép phương pháp tiếp cận Một sức khỏe vào trọng tâm các hoạt động ở các cấp. Các tổ chức quốc tế và phi chính phủ hoạt động cũng nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo tích cực từ phía chính phủ Việt Nam để triển khai Một sức khỏe.

Ngoài lời chúc mừng, tôi muốn các đồng nghiệp ở Việt Nam tự hào về những gì đã đạt được, nhưng cũng đừng xem đó là điểm dừng. Hãy tiếp tục dẫn dắt, đổi mới, và phát huy vai trò tiên phong trong lĩnh vực quan trọng này.

- Xin cảm ơn thông điệp đầy ý nghĩa của ông. Tiếp nối câu chuyện về hợp tác để cùng phát triển, xin ông cho biết lý do ILRI chọn Việt Nam làm nước đăng cai kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức?

GS Appolinaire Djikeng: Tôi xin chia sẻ từ hai góc độ. Thứ nhất là tầm quan trọng chiến lược hợp tác giữa ILRI và Việt Nam. Sự lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đăng cai kỷ niệm 50 năm thành lập ILRI thể hiện mối quan hệ đối tác truyền thống giữa chúng tôi và Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của nước bạn trong thúc đẩy ngành chăn nuôi trong khu vực.

Việt Nam luôn là đối tác tích cực đồng hành cùng chúng tôi trong nỗ lực nâng cao năng suất và sức khỏe chăn nuôi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho hàng triệu người dân.

Thứ hai, đây cũng là cách ILRI khẳng định cam kết của với Chính phủ Việt Nam. Việc lựa chọn Việt Nam cho thấy ILRI luôn sát cánh cùng các quốc gia tiên phong quản lý chăn nuôi bền vững và áp dụng các phương pháp đổi mới dựa trên bằng chứng khoa học.

Chúng tôi coi dịp kỷ niệm 50 năm thành lập là cơ hội để cùng nhìn lại những thành tựu chung,  từ đó củng cố cam kết lâu dài trong việc phát triển ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

- Một điểm đặc biệt, đó là chiến lược giai đoạn mới của ILRI hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của Việt Nam. Ông nhận định thế nào về điều này?

GS Appolinaire Djikeng: Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì chúng tôi đã xây dựng chiến lược của mình sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tác.

Trong suốt gần hai thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi luôn là thấu hiểu những gì mà Việt Nam thực sự cần. Khi phát triển chiến lược, chúng tôi bắt đầu từ quá trình tham vấn ở cấp quốc gia và khu vực. Chúng tôi đã tổ chức các buổi tham vấn trong khu vực với sự có mặt của cơ quan chuyên môn Việt Nam.

Ngay cả đối với những nước châu Phi Kenya hay Ethiopia, bạn cũng sẽ thấy sự tương đồng trong các kế hoạch hành động. Bởi, chúng tôi đã thiết kế chiến lược này để phù hợp với nhu cầu của các khu vực và các quốc gia mà chúng tôi đang phục vụ.

Năm 2030 là cột mốc quan trọng khi Liên hợp quốc sẽ đánh giá lại các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cách chúng ta giải quyết vấn đề giảm đói nghèo. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở một số mục tiêu, nhưng không phải tất cả.

Vì vậy, tôi cho rằng đến năm 2030, chúng ta cần phải xem xét lại, nhận diện những lĩnh vực còn thiếu sót và tiếp tục cải thiện. Công việc của ILRI tập trung vào 5 lĩnh vực tác động, những yếu tố này đóng vai trò như “chỉ số trung gian” để đánh giá thành quả đạt được trên con đường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

- Chiến lược giai đoạn 2024–2030 của ILRI đặt ra mục tiêu lớn, đó là tác động đến cuộc sống của 300 triệu người. Vậy ông có thể chia sẻ hình dung của mình về hệ thống chăn nuôi công bằng và bình đẳng khi triển khai chiến lược mới này không?

GS Appolinaire Djikeng: Chúng tôi triển khai dự án tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh… Chỉ tính dân số Việt Nam đã vượt quá 100 triệu người. Nigeria có dân số gần 200 triệu, và ở Ethiopia dân số cũng đã trên 120 triệu. Còn nhiều quốc gia khác có quy mô dân số rất lớn, với bộ phận lớn người dân vẫn dựa vào chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính.

Đây chính là những quốc gia chúng tôi mong muốn đo lường được tác động của mình để hướng đến mục tiêu 300 triệu người. Điều này hoàn toàn khả thi, nhưng khi đặt ra mục tiêu này, chúng tôi cũng hiểu rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ILRI.

- Nhưng để nhân rộng các giải pháp và mô hình chăn nuôi bền vững, sẽ cần rất nhiều nỗ lực phải không, thưa ông?

GS Appolinaire Djikeng: Đúng vậy. Nhân rộng quy mô và phạm vi của nghiên cứu khoa học là thử thách lớn cho bất kỳ sáng kiến nào của ILRI. Giải pháp có hiệu quả cho 100 nghìn nông dân, không có nghĩa là nó có thể hiệu quả với 1 triệu hay 10 triệu người.

Nhân rộng quy mô của các sáng kiến khoa học là lĩnh vực khá mới. Trong khoảng 8 đến 10 năm qua, chúng tôi đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chúng ta đánh giá xem liệu giải pháp đã sẵn sàng để được nhân rộng? Chúng ta sẽ mở rộng nó như thế nào, cùng với ai?

Với vai trò là tổ chức nghiên cứu khoa học toàn cầu, chúng tôi không thể tự mình nhân rộng quy mô những mô hình tân tiến. Điều quan trọng là phải thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược – với cộng đồng, các tổ chức quốc tế và cả khối tư nhân – để có thể đưa đổi mới sáng tạo đi xa hơn. Một số giải pháp sẽ đòi hỏi tinh thần khởi nghiệp xã hội, tiếp thị các mặt hàng nông sản, hoặc xây dựng chuỗi giá trị cho nông dân.

Tôi xin đưa ra ví dụ. Nếu chúng ta có thể xác định được nguồn gen vật nuôi phù hợp, như các giống gia súc chịu được nhiệt độ cao, nông dân sẽ muốn đầu tư vì họ biết đây là lựa chọn an toàn.

Khi nông dân tiếp cận các giống gen tốt hoặc nguồn giống phù hợp, họ sẽ giảm thiểu được rủi ro mất vật nuôi trong điều kiện khắc nghiệt như nắng nóng và khô hạn. Đây là những giải pháp hoàn toàn có thể thương mại hóa.

Kể từ năm 2025, các chương trình của ILRI sẽ bao gồm hợp phần về nhân rộng quy mô. Mảng khoa học này nhằm tận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ, v.v… Chúng tôi tìm cách tổng hợp những dữ liệu và kiến thức toàn cầu để thực sự đẩy mạnh chương trình nhân rộng quy mô của mình.

Đây cũng là lĩnh vực nghiên cứu cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ  về tài chính mà còn là xây dựng các liên minh hợp tác, nhằm đảm bảo tính liên ngành vì sự phát triển bền vững.

- Ông đánh giá thế nào về những thách thức mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á và châu Phi phải đối mặt, khi họ vừa phải  mở rộng sản xuất chăn nuôi nhưng cũng phải hạn chế tác động đến môi trường?

GS Appolinaire Djikeng: Thách thức lớn mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt trong phát triển chăn nuôi chính là năng suất còn ở mức thấp. Vì vậy, ILRI nỗ lực thúc đẩy năng suất chăn nuôi ở các quốc gia đối tác.

Tuy nhiên, các hoạt động của chúng tôi không chỉ đơn thuần nhằm nâng cao năng suất, mà còn để đưa ra giải pháp bền vững cho nông nghiệp.

Bản chất của vấn đề là phải tìm ra sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và tính bền vững. Chúng ta đều biết chăn nuôi có tác động đến môi trường. Câu hỏi chủ đạo của các nhà nghiên cứu ILRI là: Làm thế nào để có thể thu hẹp sự chênh lệch về năng suất giữa các khu vực mà vẫn đảm bảo yếu tố môi trường?

Một trong những hướng hành động chính của chúng tôi là giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các hệ thống sản xuất, bất kể quy mô lớn nhỏ. Mục tiêu cốt lõi của ILRI là cung cấp cho nông dân giải pháp khoa học mang tính hệ thống, giúp họ tiếp cận các giống vật nuôi phù hợp, chế độ dinh dưỡng tốt. Từ đó, ILRI cam kết không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giúp toàn bộ hệ thống bền vững.

- Trước đây, châu Phi từng là nơi hấp thụ carbon, nhưng hiện nay lại tạo ra nhiều khí thải carbon, đặc biệt khi khu vực này đang nỗ lực tăng năng suất. Ông nhìn nhận thế nào về thách thức kép này?

GS Appolinaire Djikeng: Xét về mặt tương đối, châu Phi vẫn phát thải ít hơn nhiều so với các châu lục. Tổng lượng khí thải từ châu Phi thấp hơn đáng kể so với các khu vực khác.

Thách thức của chúng ta nằm ở chỗ các hệ thống chăn nuôi còn kém hiệu quả. Nếu nhìn vào lượng carbon phát thải trên mỗi kilogram sản phẩm thịt hoặc sữa, thì chúng ta vẫn chưa tối ưu hóa được quá trình sản xuất.

Vì lý do này, có một số ý kiến cho rằng nên từ bỏ hoàn toàn chăn nuôi. Nhưng chúng ta không thể làm thế.

Quan điểm của tôi là giới khoa học cần đưa ra giải pháp nhằm cải thiện hệ thống, để phát thải ít hơn trên mỗi kilogram sản phẩm nhưng vẫn duy trì được sản xuất. Thế giới có đủ sự đa dạng về tài nguyên, công nghệ và tri thức để thực hiện điều đó. Với những nỗ lực từ ILRI, tôi tin rằng đây là một hướng đi rất tích cực.

Khi các hệ thống chăn nuôi được tối ưu hóa và vận hành hiệu quả, nó sẽ giúp ích cho nông dân ở những cộng đồng có thu nhập thấp và đặc biệt là ở châu Phi.

Điển hình, nếu có những cú sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng, các con vật nuôi sẽ khó thích ứng với điều kiện khắc nghiệt. Trong trường hợp người chăn nuôi thiếu thức ăn trong đợt hạn hán, họ cũng đối mặt với rủi ro giảm sản lượng.

Điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện là mang đến cho nông dân động lực để vừa duy trì hoạt động chăn nuôi, vừa tăng cường khả năng chống chịu cho vật nuôi.

ILRI đang cung cấp gói giải pháp về chọn lọc giống phù hợp. Chúng tôi không muốn đưa những động vật không chịu được nhiệt đến những nơi có khả năng gia tăng nhiệt độ.

Thay vào đó, Viện nghiên cứ muốn cung cấp những giống vật nuôi có thể sinh trưởng tốt, duy trì khả năng sinh sản, ngay cả trong điều kiện căng thẳng do nhiệt. Ngoài ra, chúng tôi muốn kết hợp các giải pháp tối ưu về nguồn thức ăn phù hợp với các hệ sinh thái trên thế giới.

Nông dân toàn cầu đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu. Trong nhiều trường hợp, như ở vùng Sừng châu Phi, nhiệm vụ của ILRI là duy trì sức khỏe vật nuôi trong thời gian hạn hán kéo dài từ 4 - 6 tháng.

Quỳnh Chi - Linh Linh - Bảo Thắng
Tiến Thành
Tùng Đinh
Thanh Thủy