“Nông thôn phải thực sự là nền tảng vững chắc trong dặm dài phát triển của dân tộc”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong.
Đọc tập thơ “Đêm ngồi ngã ba sông”, trong đó có những câu thơ như “Sao người Việt mình cứ mãi ra đi/ Đi, đi suốt, bao giờ thì dừng lại?”, tôi cứ hình dung rằng góc nhìn của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong về nông dân, nông thôn chắc phải bi kịch lắm, đau đớn lắm. Vậy mà không hẳn, nông dân, nông thôn trong ông còn là sự trăn trở, đau đáu và cả những khát vọng một ngày đó phải là nơi “muốn sống và muốn về”.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong mở đầu cuộc trò chuyện bằng tư cách của “một người con nông dân”, giống như những người ở thế hệ ông vẫn thường tự nhận: Thì đa số người Việt mình vẫn là sinh ra từ nông dân, từ nông thôn mà đi ra đó thôi.
Thế hệ ông đa phần đều tự nhận bản thân mình là những đứa con của nông dân lựa chọn nghiệp cầm bút, xin hỏi ông, tình cảm, trách nhiệm của các ông đối với nông dân, nông thôn như thế nào và ông nghĩ gì về thân phận người nông dân hiện nay?
Có thể nói rằng thân phận người nông dân hiện nay đã có những thay đổi rất lớn. Tiến bộ, bình đẳng và vị thế đã được nâng lên nhiều. Chúng ta thử đặt câu hỏi nông dân là ai? Thì vẫn là ông bà cha mẹ, cô dì chú bác mình, họ hàng mình, là máu mủ, ruột rà mình, cho nên nghĩ về nông dân, chắc chắn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của bất cứ ai.
Tuy nhiên ở một mặt nào đó tôi và nhiều người nữa ở thế hệ của tôi vẫn có cảm nhận rằng thân phận người nông dân, đời sống nông thôn của chúng ta chưa được như kỳ vọng. Nghĩ đơn giản nhất là mỗi lần về quê chẳng hạn. Về quê là tìm về cội nguồn, tìm về tình cảm gia đình nhưng quả thật những lần về như thế vẫn chưa vui được.
Ừ thì nông thôn thay đổi rất nhiều, làng quê phát triển hơn trước rất nhiều, giao thông thuận lợi hơn rất nhiều nhưng về quê mà gặp lại phố, đến đầu làng đã thấy phân lô bán nền, đã thấy nhà cao tầng, nhà ống mọc lên ngày một nhiều hơn... Đó chắc chắn không phải là nông thôn như chúng ta kỳ vọng.
Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… Nông thôn của họ đúng nghĩa là nông thôn, nhà cửa ở nông thôn là trang trại, về nông thôn là về với một khung cảnh khác hẳn với phố phường.
Còn ở ta, về nông thôn bây giờ, nhiều người nói đó là những “ngôi làng rỗng”, chỉ toàn thấy người già, toàn thấy nhà ống, không khác gì mấy so với phố phường. Nông thôn bị biến đổi quá nhiều. Ngay cả những ngôi làng cổ ở miền Kinh Bắc, làng tranh Đông Hồ giờ đây đã biến thành làng hàng mã, những ngôi nhà cao tầng với đủ loại kiến trúc hổ lốn cùng với lối sống hiện đại pha tạp, len lỏi về đến tận đường làng ngõ xóm.
Bản thân tôi vẫn thường suy nghĩ, phải chăng anh, tôi và nhiều thế hệ “những đứa con nông thôn” như chúng ta vẫn đang có suy nghĩ mỗi chuyến về quê chỉ như là bổn phận, chưa phải là nhu cầu tự thân, chưa thực sự muốn về.
Và lối suy nghĩ đó, lối tư duy đó dường như đang ngày một trượt dài, thưa ông?
Đúng thế. Có thể nói gần như tất cả chúng ta đang trượt dài theo một lối tư duy rất cũ về nông thôn. Chúng ta cứ nghĩ nông thôn chỉ là cái gốc của mình thôi mà chưa nghĩ được chính cái gốc đấy là giá đỡ và nền tảng của sự phát triển.
“Cái gốc của mình” có thể nhắc nhở cho chúng ta đừng quên nó mà chưa đặt ra trách nhiệm cần phải phát huy nền tảng đó lên để tiếp thêm cho mỗi cá nhân chúng ta những nội lực và xúc cảm, tiếp thêm cho chúng ta những cảm hứng vun đắp cho sự phát triển một cách bền vững.
Tư duy của chúng ta vẫn theo kiểu đầu tư phát triển nông thôn như một sự trả ơn đối với những đóng góp to lớn của nó trong lịch sử dân tộc. Không phải như thế, tư duy phải nâng lên một tầm cao mới, bởi vì nông thôn chính là gốc rễ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước, cần phải nghĩ đến vấn đề quy hoạch lại một cách nghiêm túc.
Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều kiện thiên nhiên và địa lý để phát triển hài hòa cả ba khía cạnh nông nghiệp, nông thôn, nông dân như Việt Nam. Ví dụ Nhật Bản chẳng hạn. Đất nước họ phát triển trên đống hoang tàn, nông thôn và thành phố như nhau nên khi bắt đầu tái thiết họ đã không có được sợi dây gắn kết giữa nông thôn và thành phố như người Việt.
Nói cách khác sự gắn bó mật thiết với nông thôn chính là một thế mạnh của người Việt Nam và tôi cho rằng chúng ta chưa phát huy được thế mạnh đó. Cần phải có những tính toán, chính sách, chiến lược đầu tư cho nông thôn, dựa vào nông thôn để phát triển đất nước công nghiệp và hiện đại, bởi chỉ có như thế mới là phát triển vững bền.
Dịch bệnh Covid-19 chính là một minh chứng rất rõ cho chúng ta thấy rằng nông thôn giống như một pháo đài trước những biến động của thời cuộc. Làng là nơi sinh ra, lớn lên rồi rời đi của đa số người ở phố hiện nay, nhưng hễ bất cứ khi nào gặp gian nan, khi tăm tối, khi tuyệt vọng... thì làng vẫn lại là nơi sẵn sàng đón ta về, bao bọc, an ủi, vỗ về, nâng đỡ, thậm chí tha thứ cho ta mà không bao giờ kèm theo điều kiện nào cả.
Trong bối cảnh càng ngày thế giới càng nhiều biến động mà chúng ta không lường trước được thì trở về làng để giảm thiểu những tác động tiêu cực của những biến động ấy có thể là xu thế thời cuộc và chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho điều đó.
Nông thôn vẫn là gốc rễ và phải là nền tảng của sự phát triển, nhưng chính trong thơ ông đã viết: “Thế mà vẫn cứ đi, đi không ngừng nghỉ”, chẳng lẽ chúng ta cứ đi mãi như thế hay sao và liệu đến bao giờ mới có thể trở về?
Tôi nghĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nông thôn vẫn là một cái “mỏ neo”, là sợi dây căn cốt níu giữ tâm hồn của những người con xa xứ, ly hương, gìn giữ những giá trị văn hóa tiềm ẩn, gìn giữ những giá trị nhân bản từ truyền thống tổ tiên, dòng họ của con người ta.
Ai đi xa rồi cũng có lúc phải trở về. Tôi nói điều này khi tôi đã ngoài 60 tuổi và đúc kết từ chính bản thân tôi, nhiều người khác ở thế hệ của tôi.
Còn các bạn, có thể các bạn còn trẻ, còn hướng về phía trước, còn đi xa nhiều hơn nữa, nhưng đến một lúc nào đó các bạn sẽ thấy làng quê vẫn luôn luôn đón đợi mình trở về và bản thân mình sẽ thấy phải trở về.
Khi viết bài thơ “Sao người Việt mình cứ mãi ra đi?”, tôi cũng đã tự hỏi mình sao bao năm nay người Việt mình cứ đi mãi như thế, rất ít ai có suy nghĩ về làng để sống? Đó là một câu hỏi lớn và thực sự rất khó trả lời. Bởi vì khi chúng ta vẫn còn suy nghĩ, còn tư duy về làng như một bổn phận thì chắc chắn nông thôn sẽ không bao giờ phát huy được giá trị của nó.
Những giá trị nguồn cội, giá trị văn hóa, giá trị gia đình, dòng họ… cần phải được đầu tư, giữ gìn, nuôi dưỡng bằng chính nhu cầu tự thân của mỗi chúng ta. Tất nhiên, một điều kiện cần nữa như tôi đã nói, Nhà nước cũng phải có định hướng để xây dựng nông thôn thực sự là nơi đáng sống, đáng để trở về.
Vấn đề phải chăng vẫn là chính sách, thưa ông?
Nhìn lại công cuộc xây dựng Nông thôn mới của chúng ta đã có rất nhiều thành tựu, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nó giống một vòng tròn phát triển, đã đến ngưỡng và cần phải nâng cao lên một tầm mới và phải thay đổi căn bản về tư duy.
Ví dụ chúng ta thử đặt vấn đề xem có cần chính sách và quy hoạch lại làng quê không? Chính sách và quy hoạch để làng không tự phát nhà ống, nhà phân lô nữa mà phải “mở làng” ra, chuyển đổi và nâng cao giá trị của đất đai để có thêm đất mà “mở làng”...
Từ đấy, người ta có thể xây dựng những ngôi nhà mới ở làng đúng với nhu cầu là nơi gặp gỡ nguồn cội, lưu giữ truyền thống, như một nơi trở về nghỉ ngơi, gắn kết với gốc rễ của mình thì sẽ tác động đến những người trẻ, nhắc nhở họ ý thức về điều đó thì họ sẽ có những chuẩn bị, vun đắp, đóng góp để xây dựng cho mình, cho dòng họ của mình tốt hơn cái nơi mà họ sẽ trở về sau này.
Làm được như thế, thì trong tương lai, thành phố sẽ bớt áp lực về dân cư hơn và nông thôn sẽ hiện đại hơn, ưu tú hơn…
Nhìn về nông thôn, nhìn về gốc gác của chúng ta, mỗi thế hệ sẽ thấy khác nhau và có thể cảm nhận rõ khoảng cách thế hệ cùng với khoảng cách giữa nông thôn và thành thị cứ xa dần. Như ông nói, làng là mỏ neo, văn hóa là sợi dây kết nối, vậy thì nếu chúng ta không vun đắp “mỏ neo”, không gìn giữ và nuôi dưỡng “sợi dây kết nối”, hậu quả sẽ là gì?
Chúng ta vừa có một hội nghị rất lớn về bàn về văn hóa ở quy mô toàn quốc, ở đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn lời tiền nhân khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Nói như thế để thấy vai trò của văn hóa là gốc rễ, dù chúng ta có hướng đến phát triển như thế nào đi chăng nữa thì văn hóa vẫn phải tiếp tục được xây dựng và chấn hưng.
Tất cả chúng ta đều biết con Lạc cháu Hồng là một truyền thống văn hóa của người Việt, dòng họ là một truyền thống văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị về phong tục, nguồn cội của người Việt… Trong công cuộc phát triển đất nước, những sự “ra đi” của người Việt ít nhiều đã gây ra những tổn thương về văn hóa, nhưng tôi vẫn luôn tin vào sức sống của văn hóa truyền thống ở làng quê bởi nền tảng của làng quê vẫn đủ điều kiện để vực dậy những sức sống của văn hóa ngàn năm.
Tôi về làng và vẫn gặp được những điệu hò, những làn điệu dân ca trong những đêm hội làng mặc dù không được như hồi xưa. Liền anh, liền chị có thể ca quan họ cổ xong lại quay ra với nhạc hiện đại ngay, nhưng điều này vẫn ẩn chứa sức sống tiềm tàng của văn hóa. Cần phải nâng niu và gìn giữ, bởi nếu cứ kéo dài như hiện nay, trong 20 năm nữa, một thế hệ nữa thôi thì có thể văn hóa nông thôn sẽ mất đi một nửa và đến một lúc nào đó, tôi sợ rằng không còn văn hóa truyền thống ở làng quê.
Là một con người hiện đại hãy sống với nhịp điệu phát triển của thế giới, của công nghiệp 4.0, của thế giới phẳng nhưng văn hóa truyền thống ở nông thôn vẫn phải bền gốc rễ. Càng toàn cầu hóa lại càng phải giữ được gốc rễ bởi vì gốc rễ chính là bản sắc trong phát triển đô thị, để chúng ta hòa nhập mà không hòa tan.
Tất nhiên, nếu mình không gìn giữ được văn hóa truyền thống thì con người vẫn sẽ phát triển thôi, nhưng đó là sự phát triển mà người trẻ Việt Nam sẽ không khác gì so với người Thái Lan, Hàn Quốc… Tức là không có bản sắc riêng để phân biệt.
Vậy theo ông cần điều gì để có thể đảm bảo được sự phát triển hài hòa?
Chúng ta đang khuyến khích con em mình hướng đến những giá trị của “công dân toàn cầu”, nhưng tôi luôn nghĩ phải là “công dân toàn cầu người Việt Nam”. Chúng ta phải chú ý đến yếu tố người Việt Nam, người của làng quê Việt Nam là công dân toàn cầu mới là cái đích đúng để chúng ta hướng đến.
Là một công dân toàn cầu người Việt Nam anh có thể đối thoại với mọi nơi trên thế giới, có thể cả thế giới biết đến anh, nhưng khi về làng anh vẫn ngồi nói chuyện được với người làng, vẫn là người làng, được người làng yêu mến và muốn gần gũi, trò chuyện mới là bản sắc. Chính bản sắc đó sẽ giúp anh khi đi ra với thế giới càng trở nên hấp dẫn hơn.
Đây là vấn đề lớn và tôi cho rằng, xây dựng nông thôn trong thời kỳ mới là phải tạo ra được những cơ sở vật chất và điều kiện mới để phát huy tốt hơn văn hóa của người Việt với những giá trị gắn bó với truyền thống và từ đấy đẩy mạnh được công cuộc giáo dục văn hóa, truyền thống, giữ gìn đạo lý và bản sắc cho các thế hệ tương lai.
Nếu đáp ứng được những tiêu chí hiện đại và đáp ứng được nhu cầu gắn bó với gốc rễ và văn hóa của những công dân thời hiện đại thì nông thôn và thành thị sẽ là đôi cánh của con người thời đại mới. Vẫn phát triển, vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa và cập nhật, đồng hành với hiện đại để có thể hội nhập toàn cầu hóa. Nông thôn và đô thị lúc đó sẽ là một đôi cánh hài hòa của phát triển.
Nhân nói đến văn hóa, cũng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xưa kháng chiến khó khăn là vậy nhưng chúng ta có bao tác phẩm hay, nghệ sĩ nổi tiếng khiến cả triệu trái tim rung động. Bây giờ nhìn thấy có ai, tác phẩm lớn nào không. Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi...".
Trở lại với câu chuyện nông thôn, dù chúng ta luôn nói rằng đây là mảnh đất màu mỡ, đề tài vô tận nhưng nghịch lý là những tác phẩm văn học, báo chí về nông thôn ngày càng vắng bóng. Ông nghĩ gì về điều đó và liệu thực tiễn đó có bất công với những gì mà nông dân, nông thôn đã và đang đóng góp, hi sinh không?
Tôi cho rằng về tài năng, các nhà văn Việt Nam không thiếu nhiều lắm đâu. Tuy nhiên, thực tế đúng như anh nói, hãy thử nhìn mà xem, không riêng gì đề tài nông thôn, nông dân mà ngay cả những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc hiện nay chúng ta đều đang thiếu những tác phẩm tương xứng. Đất nước đã có những thành tựu phát triển trong kinh tế, xã hội, còn văn học thì chưa có, chưa đáng kể. Nó còn cần cả nhiều yếu tố khác nữa hay sao đó.
Với văn chương, không phải lúc nào cũng có nhân tài đủ để tạo nên những thành tựu và cũng không chỉ riêng nhân tài là đủ mà cần phải hội tụ nhiều yếu tố. Nhà văn muốn có tác phẩm hay ngoài tài năng cần phải có cả cơ duyên. Thực tế phát triển của đất nước không thiếu đề tài cung cấp cho nhà văn, nhưng dường như chúng ta thiếu cùng lúc cả ba yếu tố: tài năng, tâm huyết và sự xả thân quên mình cho sáng tạo.
Vừa rồi Báo Văn nghệ có bài viết nêu vấn đề: Đảng đã đề ra việc phải bảo vệ các đảng viên dám nghĩ dám làm, thì trong văn chương cũng cần phải bảo vệ những nhà văn dám viết. Cán bộ, đảng viên chưa dám nghĩ, dám làm, thì thân phận nhà văn dám viết chắc chắn cũng không nhiều. Thực tiễn đúng như thế và tôi cho rằng chúng ta cũng cần kêu gọi và bảo vệ các nhà văn dám phát biểu, dám viết về những trăn trở thời cuộc, những đề tài nóng bỏng, phản ánh hiện thực cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Với nông dân, nông thôn, nếu dùng từ “bất công” thì vô cùng nhưng cũng có lẽ là như thế. Thực tế như thế, số phận đất nước như thế, đời sống ngổn ngang nóng bỏng như thế, mà không có tác phẩm lớn thì đúng là bất công rồi còn gì. Tuy nhiên, đó là sự bất công không thể san bằng được bằng một chính sách, bằng cuộc vận động mà nó phải chờ đợi vào những cái cao hơn. Đó là sự xuất hiện những con người đủ tầm cỡ để tư duy về điều đó, có tài năng lớn và đầy bản lĩnh để sáng tạo nên những tác phẩm xứng đáng viết về Nhân dân và Đất nước của mình trong giai đoạn phát triển hiện nay.