Vùng đất khô hết ‘khát’

 

 

Những ngày cuối tháng 6, dưới cái nắng hầm hập như đổ lửa mùa hè, chúng tôi ngược lên cánh đồng Chà Vum, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Khác hẳn những năm hạn trước đây, người dân phải ngưng sản xuất vì không có nước, những cánh đồng khô nứt nẻ vào mùa khô, cây cối xơ xác thì nay thay vào đó là những cánh đồng xanh ngát ngút tầm mắt của các loại cây trồng.

Ngày trước, cánh đồng rộng hàng trăm ha được lấy nước từ hồ Phước Trung, nhưng hồ này chỉ có dung tích 2,3 triệu m3 nên chỉ sản xuất được 1- 2 vụ/năm. Những năm hạn thì chỉ sản xuất được vụ hè thu. Còn bây giờ cánh đồng Chà Vum đã sản xuất liên tục 3 vụ/năm, tất cả là nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Chúng tôi tiếp tục vòng sang cánh đồng thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn trên con đường bê tông phẳng lỳ, thẳng tắp được xây dựng chạy qua cánh đồng để quản lý đường ống chính kênh Tân Mỹ. Ngày trước, vào mùa khô người dân phải bỏ đất hoang, đợi khi mùa mưa tới mới sản xuất rau, đậu hay bắp, còn nếu năm hạn thì hầu như bỏ không.

Thế nhưng giờ đây, đập vào mắt chúng tôi là màu xanh của ngô, đậu xanh, cỏ voi và những vườn cây ăn trái như táo, nho, xoài... Thậm chí, những trang trại nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành.

Nằm cạnh trạm bơm TM 10, ruộng đậu xanh 3 sào (1 sào 1.000m2) của gia đình chị Bo Thị Tiếu, thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn đang vào thời kỳ thu hoạch, ruộng đậu xanh tốt, trĩu trịt quả. Để kịp thu hoạch, ngoài 2 vợ chồng, gia đình chị còn phải thuê thêm 3 người nữa.

 

Chị Bo Thị Tiếu cho biết: “Trước đây chưa có hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, mỗi năm nhà mình chỉ trồng đậu hoặc bắp một vụ trong mùa mưa, nhưng từ năm 2020 khi hệ thống kênh chính Tân Mỹ được xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì mình không còn lo nước tưới nữa. Do hệ thống kênh chính được xây dựng bằng đường ống thép, dùng áp lực nên tôi chỉ phải đầu tư một đoạn đường ống, khi nào cần tưới thì chỉ mở van nước chảy vào ruộng mà không cần phải dùng máy bơm. Nhờ có nước mỗi năm mình sản xuất được 3 vụ. Đầu năm trồng đậu xanh, sau đó trồng bắp và cuối năm lại trồng đậu phộng”, chị Tiếu phấn khởi nói.

Cũng theo chị Tiếu, nhờ có nước tưới chủ động nên năng suất cây trồng được nâng cao. Như ruộng đậu xanh vụ này, mỗi sào gia đình thu được trên 2 tạ hạt, với giá bán hiện nay 30.000 đồng/kg thì gia đình cũng thu được 20 triệu đồng, còn trồng bắp và đậu phộng mỗi vụ cũng thu được khoảng 15 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế gia đình được nâng cao, có tiền lo cho con ăn học.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thành Khải, thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn hiện nay có 7ha đất nông nghiệp chuyên trồng bắp, mía, cỏ chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình anh hiện cũng đang nuôi 40 con bò. Nhớ lại vài năm trước đây, anh Khải cho biết, khi chưa có nước từ kênh Tân Mỹ, gia đình anh chỉ canh tác 2ha đất nông nghiệp, do không chủ động được nước tưới nên chỉ sản xuất một vụ trong mùa mưa. Tuy nhiên, những năm khô hạn kéo dài thì đành bỏ trống đất.

“Thế nhưng bây giờ đã khác, từ năm 2020 khi có nguồn nước mát từ kênh Tân Mỹ tưới tắm cho cây trồng vùng khô hạn này, mỗi năm người dân đã sản xuất được 3 vụ với nhiều loại cây trồng khác nhau. Cái hay của hệ thống kênh này là chúng tôi chỉ cần dẫn nước đường ống từ kênh về ruộng, khi cần tưới chỉ việc mở van là nước chảy vào ruộng, không tốn công, chi phí gì cả”, anh Khải nói và cho biết, nhận thấy điều kiện sản xuất thuận lợi, gia đình đã mua thêm 5ha nữa để trồng mía, trồng cỏ và trồng đậu, bắp. Nhờ vậy mỗi năm anh Khải có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Ông Chăm Ngọc Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Sơn cho biết, toàn xã hiện có khoảng 8.000ha đất nông nghiệp. Trước đây, khi nhà nước chưa đầu tư kênh Tân Mỹ bà con rất khó khăn, vất vả về nguồn nước tưới. Ngoài diện tích hưởng từ một số công trình thủy lợi thì nhiều diện tích đất nông nghiệp không chủ động nước nên đành bỏ trống đất đai trong mùa khô, chỉ khi vào mùa mưa mới sản xuất cây trồng cạn như rau màu, đậu đỗ, bắp… nhưng cũng rất bấp bênh, năng suất không cao.

“Mọi thứ đổi thay kể từ năm 2020 khi nhà nước đầu tư kênh Tân Mỹ. Toàn xã có khoảng 1.800ha được hưởng nước từ hệ thống thủy lợi này. Việc sử dụng nước từ kênh Tân Mỹ có nhiều thuận lợi vì đây là kênh tự chảy bằng áp lực. Bà con không cần sử dụng máy bơm, chỉ lắp đặt hệ thống ống và mở van thì nước sẽ chảy vào tận ruộng nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhân công”, ông Chăm Ngọc Hoàng Lan phấn khởi cho biết.

 

 

Ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận (đơn vị đang vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ) cho biết, hồ chứa nước Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu m3 được đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 đến nay, có nhiệm vụ tưới cho 7.480 ha. Ngoài ra còn có nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ và các ngành công nghiệp khác của tỉnh Ninh Thuận.

“Qua quá trình quản lý, khai thác, vận hành, đến nay hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã cấp nước sản xuất trên 2.000 ha; Tạo nguồn, cấp nước cho một số hệ thống thường xuyên bị thiếu nước như hệ thống hồ chứa nước Cho Mo với nhiệm vụ cấp nước, tiếp nước cho 662 ha; Tiếp nước bổ sung cho khu tưới của hồ Phước Trung với diện tích 375 ha, hồ chứa nước Thành Sơn với diện tích 150 ha. Ngoài ra còn chủ động cấp nước sinh hoạt với tổng lưu lượng khoảng 9.000 m3/ngày đêm”, ông Lưu Anh Tuấn cho hay.

Mặc dù chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, kênh nhánh và đường ống dẫn nước, tuy nhiên, hồ chứa nước Sông Cái từ khi đưa vào vận hành cho đến nay phát huy hiệu quả rất lớn. Nếu như trước đây một số vùng tưới của xã Nha Hố, Mỹ Sơn và cánh đồng Chà Vum của huyện Ninh Sơn chỉ sản xuất được 1 vụ/năm thì hiện nay khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đưa vào hoạt động, những diện tích trên đã sản xuất được 3 vụ/năm.

Đối với thời tiết khô hạn như năm 2024, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ mang lại ý nghĩa rất lớn đối với Ninh Thuận. Theo đó, hồ chứa nước Sông Cái đã chủ động điều tiết tiếp nước cho hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm, khi mà trước đây lưu lượng phát điện của Nhà máy thủy điện Đạ Nhim hạ thấp, đặc biệt trong các tháng mùa khô của năm 2024 thì lưu lượng phát điện rất thấp, chỉ duy trì từ 2-3 m3/s, đáp ứng được 20% nhu cầu của hạ du.

Trong thời điểm đó, Công ty đã chủ động tiếp nước từ hồ chứa nước Sông Cái để bổ sung kịp thời lượng nước thiếu hụt từ việc điều tiết của Nhà máy thủy điện Đạ Nhim cho khu vực hạ du của đập Nha Trinh – Lâm Cấm, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất.

Đặc biệt, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cung cấp nước cho nhà máy nước Tháp Chàm với công suất 80.000 m3 ngày đêm, đảm bảo nước sinh hoạt và cấp nước sản xuất cho hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm, nhất là các hệ thống cuối kênh Nam và kênh Bắc trước đây thường xuyên thiếu nước.

“Để phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cũng như khai thác hết hiệu quả tưới của công trình, chúng tôi kiến nghị các đơn vị là chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ của một số hạng mục đang được đầu tư, nhất là các hệ thống dẫn nước, chuyển nước từ Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cho các hệ thống hồ chứa như Sông Trâu, Bà Râu và một số hệ thống thuộc tiểu dự án nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn, Phước Nhơn, Nhơn Hải, Thanh Hải. Đặc biệt, đầu tư hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 Tân Mỹ để đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa nguồn nước của hồ chứa nước Sông Cái”, ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết.

Ông Phí Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (đơn vị chủ đầu tư dự án thủy lợi Tân Mỹ) cho biết, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã được đầu tư và thi công xây dựng cơ bản hoàn thành cụm đầu mối hồ Sông Cái, đập dâng và hệ thống kênh chính từ K0 đến K29+614. Hiện từng bước đáp ứng nhiệm vụ và phát huy hiệu quả dự án.

Dự án còn có nhiệm vụ cấp nước tưới bổ sung cho 1.870 ha đất nông nghiệp thuộc khu tưới các hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu và đập dâng Ba Hồ; Tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa kết hợp cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp… Cấp nước tưới trực tiếp cho 680 ha khu tưới đầu mối hồ Sông Cái.

Do đó, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước khu tưới hồ Sông Cái và hệ thống chuyển nước Tân Mỹ đến hồ Bà Râu và hồ Sông Trâu là rất cần thiết, để đảm bảo đáp ứng toàn bộ nhiệm vụ dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã được phê duyệt. Khi đó sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận, góp phần giải quyết vấn đề hạn hán. Ngoài ra, còn tạo nguồn cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp, du lịch,... ven biển phía Bắc Ninh Thuận.

Hiện nay Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 đang triển khai xây dựng đường ống chuyển nước đến hồ Bà Râu và hồ Sông Trâu. Theo kế hoạch thực hiện thi công xây dựng trong 2 năm 2024 và 2025. Tỉnh Ninh Thuận đã giao một phần mặt bằng để triển khai thi công. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 7 đang phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt băng phần còn lại, phấn đấu trong tháng 6/2024 có đủ mặt bằng để thi công đồng loạt, hoàn thành trong năm 2025 để phát huy tối đa hiệu quả dự án.

 

 

Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn được thành lập vào năm 2019, có diện tích 5.000m2 chuyên sản xuất dưa lưới. Hiện tại công ty đã đưa vào sản xuất 2.000m2, diện tích còn lại chuẩn bị đưa vào sản xuất.

Anh Lê Trịnh Trường Giang, kỹ thuật viên Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh cho biết, với điều kiện khí hậu nắng nóng quanh năm, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn nên chất lượng dưa ở đây rất ngon. Ngày mới hoạt động, do chưa có hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, toàn bộ nước tưới cho khu sản xuất công ty phải sử dụng bằng nguồn máy từ công trình nhà máy cấp nước sạch nông thôn.

“Từ năm 2020 khi có nguồn nước từ kênh Tân Mỹ, do được chuyển nước bằng đường ống thép nên nước rất sạch, chúng tôi lấy mẫu text, các chỉ tiêu đều đảm bảo. So với việc sử dụng nước máy trước đây, việc sử dụng nguồn nước từ kênh Tân Mỹ giúp Công ty giảm được chi phí rất nhiều và không lo thiếu nước sản xuất”, anh Lê Trịnh Trường Giang cho hay.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN -PTNT Ninh Thuận cho biết, để phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận đã có định hướng hạn chế mở rộng diện tích sản xuất lúa, bởi việc sản xuất lúa vừa tốn nhiều nước mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Vì vậy, tại vùng hưởng lợi của dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh đã định hướng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng đặc thù sử dụng đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm nước.

Trong tổng số diện tích hưởng lợi 7.480 ha, chúng tôi đinh hướng quy hoạch trồng mía 500 ha; rau màu 1.800 ha (nha đam, măng tây, dưa lưới, hành, tỏi và rau đậu); cỏ chăn nuôi 1.000 ha; nho 2.000 ha; táo 1.000 ha; cây ăn quả khác 500 ha và đất sử dụng mục đích khác (như đường xá, bờ mương...) 230 ha. Đối với diện tích lúa 450 ha, chúng tôi chủ trương duy trì diện tích đã sản xuất và đã canh tác 1 vụ/năm.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, trong đó quy hoạch phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại vùng tưới Tân Mỹ như, nho, táo, hành tỏi, dưa lưới, nha đam…”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Mai Phương - Phương Chi
Trương Khánh Thiện
Phương Chi - Mai Phương
Phương Chi