Nghề nuôi bò nói chung và bò sữa nói riêng là mô hình chăn nuôi đang phát triển khá mạnh trong đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng.
Sau hơn 1 năm, chúng tôi quay lại với vùng đất xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Đây là một trong những xã khó khăn, ngoài trồng lúa tạo nguồn thu nhập chính, vài năm gần đây, bà con tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt, bắt đầu chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi bò sữa.
Men theo con lộ nhựa vừa được xây dựng khang trang dẫn vào ấp Tâm Lộc. Ngăn cách bởi một con kênh, bên kia bờ là trại bò sữa hơn 20 con của ông Sơn Đức. Xung quanh là đồng lúa mênh mông và một đồng cỏ hơn 20 công (1 công là 1.000m2) được ông Đức trồng các loại cỏ voi, nhật xạ, lông tây… để làm nguồn thức ăn bổ sung cho bò.
Ngày trước, nông dân này chuyên thu mua nông sản ở các rẫy trong ấp, rồi mang ra chợ bán. Đến năm 2012, nhận thấy mô hình nuôi bò sữa đang phát triển, trong khi đó gia đình còn nhiều đất đai bỏ trống. Đặc biệt, cách nhà tầm 5km có điểm thu mua sữa bò của trang trại bò sữa Tân Tài Lộc, tạo thuận lợi cho việc sản xuất và đầu ra tiêu thụ sản phẩm của gia đình. Từ đó, ông Đức quyết định đầu tư mua 4 con bò sữa về nuôi và mở rộng cho đến hôm nay.
“Hồi đó bò sữa không dễ mua, tôi mua 4 con, tốn 4 cây vàng. Đàn bò bây giờ phát triển nhiều lắm, tôi đã loại bớt còn khoảng 22 con. Mình học thêm nghề thú y để biết cách nhận biết bệnh cơ bản trên đàn bò, cách phòng và điều trị bệnh”, ông Sơn Đức bộc bạch.
Tùy theo chất lượng, giá sữa được thu mua từ 14.500 – 16.500 đồng/kg. Trung bình 10 con bò đang lấy sữa trong chuồng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mang lại thu nhập cho gia đình ông Đức khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Nhìn vợ ngồi bên cạnh, ông Đức cười tươi, rồi khẳng định: “Từ lúc chuyển qua mô hình chăn nuôi bò sữa, đời sống gia đình tốt hơn nhiều, tiền bạc xoay sở khá. Do đó tôi muốn đeo nghề này để phát triển trang trại lớn, phải nuôi nhiều”.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, ông Đức có nguồn lực đầu tư chuồng trại kiên cố, rồi tiếp cận được nguồn vốn vay không lãi suất để mua máy băm cỏ, con giống. Đồng thời, tận dụng nguồn rơm rạ từ trồng lúa, ông xây kho dự trữ, tạo thức ăn thô cho bò.
Thời tiết ở đồng bằng hiện đang vào mùa mưa, ngồi nhẩm tính, ông Đức dự đoán nếu mưa kéo dài 7 – 10 ngày, đồng cỏ có thể bị ngập rồi chết, thiếu thức ăn cho bò. Rồi chỉ tay về phía kho trữ rơm, ông Đức nói nhẹ “phải mở rộng ra thôi”.
Ông Trương Tấn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, trước kia Đại Tâm vốn là xã nghèo, đông đồng bào dân tộc Khmer. Từ khi bà con được tiếp cận với Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, đã tạo công ăn việc làm ổn định, đời sống bà con cơ bản được nâng cao.
Trong đó, cũng không thể thiếu vai trò của Ban quản lý Dự án, kịp thời lựa chọn, hỗ trợ đầu tư cho bà con phát triển đàn bò. Đặc biệt là việc kết nối, xây dựng điểm thu mua sữa bò trên địa bàn xã, đã tạo điều kiện cho bà con gắn bó với nghề.
Nói về sự ra đời và phát triển của Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, ông Tăng Thanh Trí, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên bộc bạch, trước đây địa phương nhận được sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng (IRLP) do Canada tài trợ. Hộ nuôi được hỗ trợ bò cái lai sind lai với tinh bò sữa, để cho ra những con bò sữa nuôi và phát triển đến ngày hôm nay. Mô hình này đã hỗ trợ cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo, thậm chí là làm giàu.
Giai đoạn phát triển đỉnh điểm, đàn bò sữa của huyện lên tới 2.700 con, tuy nhiên đến nay do nhiều con đã già, thải loại nên hiện chỉ còn khoảng 1.300 con. Ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên xác định, mô hình cần được nhân rộng và phát triển.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đã không còn phù hợp. Do đó, huyện Mỹ Xuyên định hướng tập trung phát triển đàn bò sữa ở quy mô trang trại, gia trại. Bởi chăn nuôi nhỏ lẻ, tốn nhiều công sức, chi phí nuôi cũng khá cao nên lợi nhuận không nhiều.
Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển đàn bò theo hướng VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ hố ủ phân, nhà chứa rơm…
Đặc biệt là hỗ trợ cho bà con đàn bò sữa F1, bên cạnh đó khuyến khích hộ chăn nuôi bò tự tạo ra đàn F1, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
Nói về kinh nghiệm nuôi bò sữa, ông Lý Ny ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề khá tự tin với tuổi nghề trên 20 năm của mình.
Vỏn vẹn 1 con bò sữa từ ngày đầu phát triển mô hình chăn nuôi, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, ông đầu tư thêm 2 con và đến nay tổng đàn bò đã phát triển lên 8 con. Trung bình mỗi tháng, gia đình cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng từ việc bán sữa bò.
16 giờ, chúng tôi có mặt tại HTX nông nghiệp EverGrowth, một trong hai điểm thu mua sữa bò cho bà con trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Xe máy bắt đầu ra vô tấp nập, người thì chở theo 1 bình chứa sữa, có người 2 - 3 bình. Trên mỗi bình đã được đánh sẵn số thứ tự, để thuận lợi cho việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sữa.
Quá trình từ lúc bà con mang sữa đến HTX, lấy mẫu, cân sữa, kiểm tra chất lượng và chiết vào bồn diễn ra rất nhanh chóng, chưa đầy 5 phút. Mỗi xã viên được phát 1 tấm thẻ có in mã vạch, được tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân, khối lượng sữa mỗi lần cân hay các dịch vụ sử dụng tại HTX.
Mỗi ngày, HTX sẽ tổ chức 2 đợt thu mua cho bà con xã viên, với sản lượng trung bình 7 – 8 tấn/ngày.
Ông Huỳnh Giang Lam, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp EverGrowth bộc bạch, HTX khởi điểm thành lập vào năm 2004, với sự hỗ trợ của Dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng do Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ.
Thời điểm đó, mô hình chăn nuôi bò sữa còn khá mới mẻ ở Sóc Trăng. HTX thành lập chỉ có 47 xã viên và 170 con bò. Đa phần nguồn sữa nguyên liệu được giao cho Nhà máy sữa Cần Thơ, thuộc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trải qua nhiều biến động, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, bà con gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển sữa đi tiêu thụ. Nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, dẫn đến giảm đàn.
Bối cảnh này cũng tạo ra cơ hội để bà con cải tạo lại đàn bò, loại bỏ những con yếu, khả năng cho sữa kém. Đến nay, tổng đàn bò sữa của HTX được duy trì ổn định, trên dưới 3.000 con, của hơn 1.400 xã viên.
Tuy tổng đàn giảm, nhưng quy mô đàn trên từng hộ lại tăng lên, bà con tập trung cải tạo chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh cho đàn bò, nhờ đó chất lượng sữa được nâng cao, quy mô đàn tăng, đây là điểm nhấn của dự án.
HTX đã trang bị 3 xe bồn, trữ lạnh, với sức chứa 13,5 tấn/xe để vận chuyển sữa nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến tại Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.
Để giữ chân xã viên, HTX thực hiện thu mua toàn bộ lượng sữa bò cho bà con. Đồng thời cung cấp các dịch vụ như: máy vắt sữa, bình trữ sữa, thức ăn, tư vấn kỹ thuật, gieo tinh, điều trị bệnh cho vật nuôi… Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng phát triển hộ nuôi mới, khuyến khích bà con tăng đàn.
HTX nông nghiệp EverGrowth đang áp dụng chính sách 60% lợi nhuận hàng năm của HTX sẽ được chia lại cho tất cả xã viên vào cuối năm, dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ (bán sữa và mua thức ăn).
Từ huyện Mỹ Xuyên, chúng tôi đi tiếp theo đường tỉnh 934 về hướng huyện Trần Đề, rồi rẽ vào con đường lộ mới, bao quanh là những cánh lúa bạt ngàn để đến được nhà ông Hồ Minh Liệt ở ấp Tiên Cường 2, xã Thạnh Thới An.
Đây là trang trại nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP do Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây dựng từ năm 2021.
Ở đây các phụ phế phẩm nông nghiệp được ông Liệt tận dụng tối đa để xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Chất thải từ chăn nuôi bò được đưa qua hố ủ kết hợp với men vi sinh để tạo thành phân bón hữu cơ, rồi tiếp tục cung cấp cho việc trồng cỏ, làm thức ăn thô xanh cho bò.
“Lúc trước những hộ nuôi vài ba con không đủ sống, phải đổi làm nghề khác. Một con bò mỗi năm sinh sản hay lắm được 1 con, phải tăng đàn lên, mới có thể bám đất, bám nghề ở địa phương”, ông Liệt bày tỏ.
So với phương pháp chăn nuôi truyền thống, ông Liệt đánh giá, nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP không khó, chủ yếu phải thực hiện ghi chép nhật ký, không sử dụng các chất tăng trọng và thực hiện công tác tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn bò.
Tuy nhiên, hiện nay giá bán thịt bò giữa phương pháp chăn nuôi truyền thống và nuôi theo quy trình VietGAHP đang “cào bằng”. Sản phẩm được sản xuất an toàn, chứng nhận rõ ràng lại chưa có đầu ra ổn định, cạnh tranh trên thị trường. Đây là cái khó chung của ngành chăn nuôi và mô hình nuôi bò thịt ở Sóc Trăng nói riêng.
Ông Liệt đang ấp ủ kế hoạch mở rộng đàn bò thịt và đi sâu phát triển các sản phẩm chế biến từ thịt bò như: bò viên, khô bò… Ông Liệt mong muốn, có thêm nguồn lực hỗ trợ từ Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng trong việc xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo hướng VietGAHP, công nghệ chế biến.
Ngày 8/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị Quyết số 174/NQ-HĐND thông qua Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 3814/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Đến năm 2022, thời điểm Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng được triển khai giai đoạn 2 đến nay, tổng đàn bò thịt do dự án hỗ trợ đạt trên 48.800 con và 6.750 con bò sữa.
Dự án đã đào tạo, tập huấn chăn nuôi bò sữa cho đội ngũ dẫn tinh viên, kỹ thuật thú y bò sữa đạt 15 người. Bình quân mỗi xã có 2 kỹ thuật viên. Giải quyết việc làm cho 11.000 lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn.
Ông Trần Văn Đốm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, từ dự án đã hình thành một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu: nuôi bò thịt hướng VietGAHP, nuôi bò sữa tiêu biểu hay một số mô hình trồng cỏ tạo nguồn thức ăn thô xanh. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức bà con, chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang hướng hàng hóa.
Trong đó, 10 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP đã được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học; 36 mô hình bò sữa kiểu mẫu; 190 mô hình ủ phân Compost, ủ được 510 tấn phân bò. Các hộ nuôi tận dụng nguồn phân này để cải tạo đất, bón cỏ và cây trồng khác... giảm chi phí phân bón hóa học.
Thay đổi đáng kể trong ngành chăn nuôi là các hộ dân nông thôn mạnh dạn tăng quy mô đàn. Quan tâm, tận dụng nguồn phụ phế phẩm trong nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế gây ảnh hưởng môi trường. Từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tạo ra kinh tế ổn định cho bà con.
Thời gian tới, dự án tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa bằng công tác thụ tinh nhân tạo, từ nguồn tinh bò thịt, bò sữa ngoại nhập. Khuyến khích bà con chuyển đổi để tăng quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại.
Đặc biệt, dự án cũng hướng đến đào tạo ra một đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ hộ nuôi trong công tác giống. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi để giảm sức lao động. Tăng cường kết nối tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa.
Đối với bò thịt, vẫn còn khó khăn trong việc tập trung nguồn lực tăng giá trị chuỗi liên kết.
Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 – 5 con, tăng số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đào tạo, tập huấn nâng cao đội ngũ dẫn tinh viên, kỹ thuật thú y đạt 60 kỹ thuật viên. Diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 3.000 ha. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn.