Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc hướng tới mốc kỷ lục 5 tỷ USD

Thưa ông, xin được bắt đầu câu chuyện xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bằng xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 8/2024. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt tới gần 600 triệu USD. Đây có phải là con số kỷ lục về xuất khẩu trong 1 tháng sang thị trường này?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Đúng vậy, đây là con số cao nhất đạt được trong một tháng về xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Sở dĩ xuất khẩu trong tháng 8 sang Trung Quốc đạt kim ngạch cao như vậy là nhờ vào xuất khẩu sầu riêng - mặt hàng đang chiếm khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Tháng 8 và tháng 9 là thời điểm sầu riêng ở Tây Nguyên thu hoạch chính vụ. Tây Nguyên hiện đang chiếm khoảng một nửa diện tích sầu riêng cả nước. Vì vậy, trong thời điểm Tây Nguyên thu hoạch chính vụ, sản lượng sầu riêng Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, tháng 8, tháng 9, sản lượng sầu riêng ở các nước như Thái Lan, Malaysia lại rất ít. Do đó, dù sản lượng dồi dào, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn giữ được mức giá tốt, qua đó, giúp cho xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt mức kỷ lục trong tháng 8.

Ước tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đi các thị trường đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, tức là đã vượt qua kỷ lục xuất khẩu sầu riêng đạt được trong năm 2023 (hơn 2,2 tỷ USD). Dự báo khi kết thúc năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt hơn 3 tỷ USD, và chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng, những loại trái cây nào đang xuất khẩu tốt sang thị trường Trung Quốc trong năm nay, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc trong năm nay cũng tăng trưởng rất tốt và chuối Việt Nam đã vượt qua chuối Philippines để chiếm thị phần lớn nhất trong nhập khẩu chuối của Trung Quốc. Việc chuối Việt Nam vượt qua chuối Philippines có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là sản lượng chuối của Philippines bị giảm nhiều do mưa bão, dịch bệnh héo rũ Panama, khiến cho sản lượng chuối xuất khẩu của nước này đi tất cả các thị trường đều bị giảm, trong đó có thị trường Trung Quốc. Ngành chuối Philippines cũng đang gặp phải những khó khăn về logistcis, vận chuyển…

Nguyên nhân chủ quan là chuối của Việt Nam ngày càng được cải thiện về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc có những giống chuối kháng bệnh héo rũ Panama cũng đang giúp ngành chuối Việt Nam có sự ổn định về sản lượng và chất lượng. Chi phí logistics cũng là một lợi thế cạnh tranh của chuối Việt Nam so với các nguồn cung cấp khác, nhất là khi cơ sở hạ tầng giao thông, logistics đang được đầu tư ngày càng nhiều. Đây là những yếu tố quan trọng để chuối Việt Nam chiếm gần 50% thị phần chuối nhập khẩu vào Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay.

Xoài cũng là một loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng trong năm nay, với mức tăng gần 30% trong 8 tháng qua. Năm ngoái, xuất khẩu xoài đạt khoảng 250 triệu USD. Với mức tăng trưởng tốt về xuất khẩu sang Trung Quốc, xuất khẩu xoài năm nay có thể đạt 350 triệu USD. Nhìn chung, phần lớn các loại trái cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc đang có mức tăng trưởng cao, từ 25-30%, riêng sầu riêng có khả năng tăng trưởng từ 40% trở lên.

Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc tuy giảm do bị cạnh tranh mạnh mẽ từ thanh long sản xuất ở Trung Quốc, nhưng thanh long vẫn đang là loại trái cây đứng thứ 2 về kim ngạch và góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Việt Nam có nhiều loại trái cây được người Trung Quốc ưa thích, nhưng vì sao hiện chỉ có sầu riêng đạt kim ngạch tỷ đô và có mức tăng trưởng vượt trội như vậy?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Trung Quốc là nước sản xuất trái cây hàng đầu thế giới. Ngoài các loại trái cây ôn đới, họ cũng sản xuất được nhiều loại rau quả nhiệt đới như chuối, xoài… và gần đây là thanh long, với sản lượng không nhỏ. Chính vì vậy, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ ở mức khoảng vài trăm triệu đến dưới 500 triệu USD.

Trái thanh long tuy từng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, nhưng từ khi Trung Quốc trồng được thanh long với diện tích và sản lượng lớn, xuất khẩu thanh long sang thị trường này đã giảm xuống khá nhiều, hiện chỉ còn ở mức hơn 500 triệu USD.

Khi xuất khẩu sang Trung Quốc, những loại trái cây Việt Nam thường khó cạnh tranh với trái cây bản địa cùng loại do phải cộng nhiều chi phí cho logistics, thuế… Mặt khác, nếu cùng loại trái cây, người tiêu dùng Trung Quốc thường ưu tiên sử dụng hàng nội địa hơn để ủng hộ sản xuất trong nước. Những rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều loại trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Đó là nguyên nhân chính khiến cho kim ngạch của nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang khó vượt qua được mức 500 triệu USD.

Nhưng với trái sầu riêng thì lại khác. Thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn loại trái cây này. Trung Quốc cũng đã bắt tay trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam, nhưng diện tích và sản lượng hiện không đáng kể. Hay có thể nói, đến giờ này, Trung Quốc chưa có ngành hàng sầu riêng nội địa. Vì vậy, sầu riêng Việt Nam hay sầu riêng Thái Lan, Malaysia... chưa gặp phải sự cạnh tranh từ sầu riêng của Trung Quốc, mà chỉ phải cạnh tranh với nhau. Điều này đang giúp cho xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua nhờ sản lượng lớn, chất lượng tốt và thời gian thu hoạch rải đều trong cả năm.

Do sầu riêng nhập khẩu chưa phải cạnh tranh với sầu riêng nội địa ở thị trường Trung Quốc, nên không chỉ Việt Nam, mà xuất khẩu rau quả của Thái Lan sang Trung Quốc cũng đang phụ thuộc rất lớn vào trái sầu riêng.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 3 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2023. Với kết quả đó, ông nhận định ra sao về xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong cả năm nay?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay sẽ tiếp tục thuận lợi. Trung Quốc chuẩn bị bước vào mùa lạnh, là thời điểm sản xuất nhiều loại rau quả gặp khó khăn, nên nước này phải tăng nhập khẩu rau quả, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam. Bên cạnh đó, dịp cuối năm, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về rau quả phục vụ cho các dịp lễ, tết. Với kim ngạch đã đạt được trong 8 tháng đầu năm, cùng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm, dự báo trong cả năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong mấy năm trở lại đây. Các Nghị định thư cho phép xuất khẩu một số loại trái cây Việt Nam sang Trung Quốc đang đóng vai trò như thế nào vào sự tăng trưởng này, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã ký được những Nghị định thư có ý nghĩa rất lớn với xuất khẩu rau quả, đặc biệt là Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022. Từ khi có Nghị định thư này, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Có thể nói, sầu riêng đang là “động lực” chính để ngành rau quả liên tiếp đạt những cột mốc mới, rất ấn tượng về xuất khẩu từ năm 2023 đến nay.

Mới đây, chúng ta ký thêm được 2 Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, 2 sản phẩm này của Việt Nam cũng sẽ đến được thị trường Trung Quốc sau khi các doanh nghiệp đã có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được các quy định khác của Trung Quốc và ký kết được những đơn hàng xuất khẩu. 

Ngoài sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác đang diễn biến thế nào trong năm nay, và dự kiến xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt bao nhiêu, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Ngoài thị trường Trung Quốc, thì hầu hết các thị trường lớn của rau quả Việt Nam cũng đang có sự tăng trưởng rất ấn tượng. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 227 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 215 triệu USD, tăng 45%. Xuất khẩu sang Thái Lan đạt 163 triệu USD, tăng 89% …

 

Dân số tăng, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe đang tăng lên trên toàn cầu, là những nguyên nhân chính đang giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả đi các thị trường đã đạt 5,6 tỷ USD. Dự báo trong cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD.

Thưa ông, với nhu cầu tiêu thụ rau quả đang tăng nhanh trên toàn cầu, sau khi đạt mốc 7 tỷ USD trong năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể vươn tới mốc nào trong thời gian tới?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Với nhu cầu sử dụng thực phẩm lành mạnh, trong đó có các loại trái cây, rau củ, đang ngày càng gia tăng ở các thị trường, tôi cho rằng, ngành rau quả Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và tiếp tục tăng trưởng về xuất khẩu. Với tiềm năng của ngành rau quả Việt Nam, hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.

Xin cám ơn ông!

Thanh Sơn - Nguyễn Thủy
Tiến Thành
Thanh Sơn - Nguyễn Thủy