Vết dấu chiến tranh, kinh tế trỗi dậy, tình cảm họ hàng giữa những người ở hai đất nước, tất cả đan xen ở cửa khẩu Bình Nghi, cuối dòng Kỳ Cùng chảy ngược.
Bên bờ sông Kỳ Cùng, lấy chiếc chân giả ghì chặt mấy ống luồng, ông Chuyên, cặm cụi cùng vợ đan lại chiếc mảng đã cong vênh. Một chân lành lặn, chiếc chân giả dài vượt qua đầu gối. Cựu sĩ quan biên phòng Đồn Bình Nghi, Lạng Sơn, khéo léo dùng chân giả như chiếc đòn bẩy, tay thoăn thoắt dùng kìm đan, xoắn dây thép. Tác phong của người lâu ngày trong quân ngũ. Dứt khoát, gọn ghẽ, bình tĩnh, không nóng nảy. Một quả mìn phát nổ trong lúc ông Chuyên đi tuần tra biên giới năm 1988 khiến ông phải gắn với cái chân giả đến bây giờ.
Bà Phượng, vợ ông Chuyên, tíu tít dọn dẹp xung quanh, tay không ngớt làm, miệng vẫn vui vẻ trò chuyện với hàng xóm đi ngang qua. Kỳ Cùng là sông chính của tỉnh Lạng Sơn, chảy trên Việt Nam khoảng 243 km. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để đổ vào biển Đông mà chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc sang Trung Quốc.
Con sông cũng ngăn cách nhà ông Chuyên với vài thửa ruộng ngô mà ông bà thuê của người khác. Người con gái duy nhất của ông bà, buôn bán tự do, không giúp được gì nhiều cho cha mẹ.
Chiến tranh, điều có lẽ rất xa lạ với giới trẻ chốn đô hội, có thể thấy rõ ở nhiều nơi tại biên giới.
Cách đồn vài km là Trạm Kiểm soát biên phòng Bình Nghi. Nơi đây sừng sững Tấm bia đá Tổ quốc ghi công, 11 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền đất nước. Có người là chiến sỹ, có người là đội trưởng. Họ đã dâng cả tính mạng cho Tổ quốc, sớm nhất là tháng 12/1978, khi biên giới đã có phần căng thẳng, muộn nhất là năm 1991.
Đứng bên này Trạm, có thể thấy rõ bên kia sông là Trạm tương ứng của Trung Quốc. Đây cũng là nơi có cửa khẩu đường sông duy nhất của Lạng Sơn. Ba năm nay, do Covid-19, cửa khẩu không hoạt động.
Cạnh bia Tổ quốc ghi công, là tấm bia hiện vật Mốc 1 Tây, đặt từ thời Công ước Pháp - Thanh năm 1895.
Vì đây là biên giới đường sông, nên có cột mốc đôi. Trung tá Tô Tiến Quỳnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Nghi cho biết: “Ngay tại trạm là cột mốc đôi số 1036. Đó là loại cột mốc được cắm trên những đoạn biên giới theo sông suối hay trên đường giao thông có phương tiện đi lại.
Khi cắm mốc đôi, vị trí mỗi mốc thường được bố trí sao cho đối xứng nhau qua một điểm và đánh số cột mốc kèm theo số hiệu phụ (1) hoặc (2). Số 1, 2 phải để trong ngoặc”. Hoạt động giao thương đường sông giữa hai nước diễn ra tại đây.
Đi sâu thêm một chút, sẽ đến mốc 1035, điểm cuối của sông Kỳ Cùng trước khi nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó gần 4 km là đoạn sông chung của 2 nước, phân chia bằng đường trung tuyến của dòng sông, nơi thường xuyên có hoạt động tuần tra chung giữ Biên phòng Việt Nam và Biên phòng Trung Quốc.
Sức sống ở Bình Nghi đang bừng lên từng ngày. Con đường từ Đường tỉnh 229 vào Đồn biên phòng, khu dân cư, cho đến tận Trạm biên phòng, nơi có cửa khẩu đường sông, toàn bộ đều đã trải nhựa hoặc bê tông. Xe tải chở hàng ra vào được.
Khi Trung Quốc mở cửa thông quan bình thường như trước Covid-19, việc phát triển mạnh ở cửa khẩu Bình Nghi, sẽ góp phần tăng lượng hàng hóa thông quan giữa hai nước, thay vì phụ thuộc vào các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam như hiện tại.
Năm 2018, theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tràng Định, xã Đào Viên, nơi có cửa khẩu Bình Nghi có khoảng 40 xuồng máy, chuyên phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Các xuồng hoạt động từ bến Nà Mằn đến điểm thông quan hàng hóa thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Pác Lạn, thôn Pác Lạn, xã Đào Viên trên đoạn sông Kỳ Cùng với chiều dài hơn 6 km.
Năng lực vận tải mỗi xuồng giao động từ 10 đến 30 tấn, hành trình vận chuyển đa dạng, từ 2 đến 6 km cho mỗi chuyến hàng tùy theo yêu cầu của chủ hàng. Toàn bộ các xuồng đều do người dân tự mua sắt thép về lắp dựng, với chi phí từ 100 đến 120 triệu đồng/xuồng. Một số người làm nghề đưa hàng qua xuồng nói để vận chuyển một chuyến hàng, tiền vận chuyển từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chuyến tùy theo chiều dài hành trình, chưa bao gồm phí bốc vác.
Từ hoạt động của các xuồng, hàng trăm hộ dân các xã Đào Viên, Quốc Việt có thêm việc làm, thu nhập từ hoạt động bốc xếp hàng hóa từ các xe container xuống các xuồng máy. Thời chưa Covid, nhiều người ở Đào Viên có thu nhập mỗi ngày đạt từ 200 đến 220 nghìn đồng/người; lúc cao điểm đạt tới 400 nghìn đồng/người/ngày; số xuồng hoạt động tại bến Nà Mằn lên tới 100 xuồng chạy suốt ngày đêm.
Cư dân hai bên bờ sông Kỳ Cùng đoạn qua cửa khẩu Bình Nghi có quan hệ họ hàng gần gũi. Thời trước, người bên này sông vẫn vừa hò đối đáp, vừa trò chuyện với họ hàng bên kia sông. Nay thì Internet, mạng xã hội phát triển, hai bên vẫn thường xuyên video call trò chuyện.
Đồn biên phòng Bình Nghi, dĩ nhiên toàn cán bộ, chiến sĩ nam giới. Vì thế, họ phải nhiều phen lúng túng khi đón đoàn giáo viên, sinh viên gồm cả nam lẫn nữ của một trường Đại học tại Hà Nội đến thăm hồi đầu năm.
Một dãy phòng của cán bộ, chiến sĩ được dành cho cô giáo, nữ sinh. Chuyện không dừng ở đó. Lắm nữ sinh nhất định chỉ ăn cơm bằng thìa, không dùng được đũa. Có người hăng hái đi cùng lính biên phòng, để “xem các anh làm dân vận”. Đến nhà dân, sinh viên luống cuống vì cả dân lẫn bộ đội đều ngồi đất.
“Có chén nước, dân đổ vào cái giẻ để lau bàn. Rồi vẫn giẻ ấy dùng lau chén, rót nước. Bát đũa thì khi nào hết mới rửa. Sinh viên ở Thủ đô lên chắc sợ. Ở với đồng bào mà sạch quá cũng khó. Tất nhiên nói vậy không phải chê bai. Nhiều gia đình đồng bào ở sạch lắm, có cả nóng lạnh. Số ít vậy thôi”, chỉ huy Đồn Biên phòng Bình Nghi, kể lại.
Góc tích cực, là những cô cậu quen chăn ấm đệm êm, đã hiểu hơn về cuộc sống, về đất nước khi được đồng hành cùng chiến sĩ biên phòng. Nhiều cô cậu tóc xanh tóc đỏ, nữ giới hút thuốc lá điện tử phì phèo, trở nên khiêm nhường, yêu lao động hơn. Thay vì cắm mặt vào điện thoại, sinh viên hào hứng cùng cán bộ, chiến sĩ tăng gia lao động.
Cửa khẩu Bình Nghi có Quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt với quy mô hơn 98,7 ha. Cửa khẩu này đang thực hiện thủ tục để được nâng cấp thành cửa khẩu song phương.
Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư theo quy hoạch gồm: Nhà làm việc liên ngành, Nhà công vụ, hệ thống điện, nước; Tuyến giao thông đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên đấu nối với đường tuần tra biên giới đã đưa vào khai thác sử dụng; Tuyến đường và cầu đường bộ qua khu vực mốc 1035 đã hoàn thành... đáp ứng tốt công tác quản lý cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh cả đường sông và đường bộ.
Đối diện cửa khẩu phụ Bình Nghi là cửa khẩu Bình Nhi Quan thuộc thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Bình Nghi Quan (Trung Quốc) có diện tích quy hoạch khoảng 8,34 ha được đầu tư đồng bộ về sơ sở hạ tầng như: Các bến bãi, nhà kiểm soát liên hợp và nhà công vụ cho các lực lượng chức năng, đã bố trí đủ các lực lượng chức năng để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.
Khu vực cửa khẩu hiện có 4 dự án đầu tư bến bãi với tổng vốn đăng ký đầu tư là 823,9 tỷ đồng; cả 4 dự án đều được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, có chứa 1.000 - 1.200 container, đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp và cư dân biên giới.
Với ưu thế vừa là cửa khẩu đường sông vừa là cửa khẩu đường bộ, hiện nay Chính phủ hai Bên Việt - Trung đang chỉ đạo các cấp tiến hành các thủ tục ngoại giao để nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nghi Quan thành cửa khẩu song phương; các cơ quan chức năng đang tham mưu để chính quyền hai bên Tỉnh-Khu xem xét đưa vào sử dụng tuyến đường bộ qua mốc 1035 để nâng cao hiệu quả thông quan hơn nữa.
Hiện nay việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Bình Nghi chủ yếu thực hiện bằng đường sông, do đó lượng hàng hóa xuất nhập khẩu không nhiều, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh. Trong thời gian tới, khi khai thông tuyến đường bộ qua mốc 1035 và cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nghi Quan được nâng cấp thành cửa khẩu song phương, sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng kim ngạch của các doanh nghiệp hai bên.
Từ Đồn Biên phòng Bình Nghi, xuôi sông Kỳ Cùng khoảng 8 km thì sẽ đến biên giới với Trung Quốc, nơi có Cửa khẩu Bình Nghi, cửa khẩu đường sông duy nhất của tỉnh Lạng Sơn.
Trong đêm mùa đông, vào đúng đợt không khí lạnh tăng cường mạnh nhất trước năm mới 2023, nhiệt độ ở đây chỉ loanh quanh 7-8 độ C nhưng điện thoại báo “cảm nhận thực tế như 5 độ C”.
Bên đống lửa hồng, Thượng tá Đinh Xuân Việt, Đồn trưởng bắt đầu trải lòng về những hoạt động của đơn vị, anh mở đầu: “Mấy chục anh em trong đơn vị chúng tôi đều xác định phải lấy nghề để lập nghiệp. Là bộ đội nhưng với dân bản ở đây chúng tôi chẳng khác gì một hộ dân, tham gia với bà con từ những cái nhỏ nhất”.
Nói đơn giản như, từ việc hiếu đến việc hỷ của bà con trong 2 xã Đào Viên và Tân Minh của huyện Tràng Định là địa phận quả lý của Đồn đều có sự tham gia của cán bộ, chiến sỹ.
“Việc hỷ thì người dân mời đến chung vui, việc hiếu thì nắm thông tin là chúng tôi cũng cắt cử người xuống chung tay hỗ trợ bà con”, Đồn trưởng chậm rãi nói khi những bóng lửa lập lòe đang nhảy múa trên khuôn mặt dễ gần nhưng rất cương nghị của anh.
Theo Thượng tá Việt, nếu đã định gắn với binh nghiệp thì phải sống, phải yêu cuộc sống bộ đội, mở rộng ra là gắn bó, chia sẻ và dành được tình cảm của nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào thiểu số ở một trong những khu vực biên giới vắng vẻ nhất của tỉnh.
Ở Lạng Sơn, không có nhiều đồn biên phòng có sự gắn kết với địa phương tốt như ở Bình Nghi, hàng năm, đồn vẫn phối hợp với các xã xây dựng kế hoạch, tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, lựa chọn những phần việc phù hợp để giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, góp phần tăng cường mỗi quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân trên địa bàn đóng quân.
Cụ thể, Trung tá Trịnh Đức Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã phân công 12 đảng viên tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ tại các thôn trên địa bàn 2 xã, giao nhiệm vụ cho 14 cán bộ phụ trách 64 hộ gia đình và cử các đội công tác xuống cơ sở nắm bắt tình hình địa bàn.
Ở các đồn biên phòng, khẩu hiệu hành động “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” luôn nổi bật nhất, dễ thấy nhất, dễ ghi nhớ nhất.
Phát huy tinh thần đó, Đồn Biên phòng Bình Nghi thực hiện phương châm châm “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ bám nắm cơ sở, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp dân thu hoạch mùa màng, hỗ trợ người dân giống cây trồng, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó là những chương trình hỗ trợ hết sức ý nghĩa như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” hay “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của đồng bào.
“Hạnh phúc của chúng tôi là được thấy những em nhỏ được cán bộ, chiến sỹ của đồn hỗ trợ đạt được thành tích tốt trong học tập. Khi ấy thấy đồng lương anh em trích ra làm chương trình dù không lớn nhưng đầy ý nghĩa”, Thượng tá Đinh Xuân Việt nói rồi đẩy thanh củi cho ngọn lửa bùng lên, rực rỡ như cuộc đời binh nghiệp của anh và những đồng đội nơi đây.
Mặt nước Kỳ Cùng luôn bình lặng, xanh dịu. Nhưng ẩn dưới sự thanh bình đó, là dòng nước xiết. Đưa nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đi trên dòng sông, Đại úy Nguyễn Anh Tú nhiều lần phải nhấc chân vịt của mảng máy lên, cho mảng tự trôi. “Nước xiết lắm, không quen là va vào đá mắc cạn ngay”, Đồn phó Đồn biên phòng Bình Nghi nói.
Nếu cứ xuôi theo dòng, sẽ sang địa phận Trung Quốc, nơi con sông được gọi là Bình Nhi Giang. Bắt nguồn từ xã Bắc Xa cao 1.166m, huyện Đình Lập, Lạng Sơn, mỗi năm đôi lần dòng sông trở nên “giận dữ”, nước dâng cuồn cuộn. Trời đông buốt giá. Khách đến thăm đồn dễ viêm họng chỉ sau nửa ngày, dù đã khăn áo đầy đủ. Nhưng cũng chỉ nửa ngày sau sẽ hết, bởi quân y của đồn đã có sẵn vườn thuốc nam, chữa từ tả lỵ đến thương hàn, khớp, xương.
Thời trước, muốn đến đồn nhiều khi phải để xe máy lại khu dân cư gần đó, rồi đi bộ hoặc đi mảng vào. Nay thì con đường bê tông đã khiến mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Cuộc sông người dân cũng khấm khá hơn với nhiều nhà kiên cố, vật dụng đầy đủ.
Nói về chuyện nghỉ phép, chắc không nhiều nơi mà lính biên phòng vất vả như ở Lạng Sơn. Thiếu tá Nguyễn Hữu Oanh, người trực chốt Covid của Đồn Biên phòng Bình Nghi, kể: “Tôi trực xuyên Tết từ 2019 đến 2022, theo yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Đến năm 2022, thì được nghỉ phép chia đôi, nghĩa là trước Tết nghỉ 2 ngày, sau Tết 2 ngày”.
Thế nên mới có chuyện mùng 2 Tết, ông Oanh khăn gói từ Lạng Giang lên lại đơn vị, để anh em khác được nghỉ. Còn Tết sắp tới, Thiếu tá Oanh cười bảo: “Năm nay lại xuyên Tết, để anh em trong đơn vị còn được nghỉ nữa chứ”.
Trong lán dựng theo quy chuẩn của Bộ Quốc phòng cấp cho các đơn vị biên phòng, Thiếu tá Oanh cùng các đồng đội cũng đã chuẩn bị hòm hòm cho Tết. Gà, bồ câu, rau củ tăng gia ngay ngoài lán.
Quả đồi nơi biên phòng cắm chốt, cũng được dân địa phương giúp san phẳng một phần để dựng lán. Trước kia, nơi họ ở nằm ngay ngã ba thung lũng hun hút gió lạnh ngày đêm. Điện cũng do dân giúp. Còn nước, thì lính biên phòng đào giếng cạnh khe cách đó nửa cây số rồi bơm lên lán. Sau nhiều lần bị vỡ ống nước, đến nay chuyện nước nôi đã ổn định với ống nhựa tổng hợp dày dặn.