8 triệu đồng cho 1 con rệp và hành trình chinh phục các thị trường

New Zealand với chôm chôm, Nhật Bản với sầu riêng, Mỹ với mía tím… đó là cách Ameii dùng đặc sản của Việt Nam để chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính.

Theo pháp nhân, Công ty CP Ameii Việt Nam (Ameii) mới bước chân vào thị trường nông sản được 3 năm, từ 2018. Nhưng trước đó, hoạt động xuất khẩu nông sản của Ameii đã bắt đầu từ năm 2013, khi đó là một phần của Công ty Datcom, chuyên về công nghệ thông tin. Thời điểm Ameii có tư cách pháp nhân riêng là lúc hoạt động liên quan đến nông sản của công ty đã rất trơn tru, ổn định.

Năm 2013, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT của Ameii hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Công ty Datcom. Nhưng trước đó, ông đã có hàng chục năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, cụ thể là mía đường.

“Khi làm nông nghiệp, có thời điểm chúng tôi phụ trách dự án trồng mía ổn định kinh tế cho bà con di dân từ vùng lòng hồ thủy điện. Tôi nhận ra rằng, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp luôn cấp thiết vì nông nghiệp là cái lõi của sự phát triển”, Chủ tịch HĐQT của Ameii kể lại.

Xác định nông nghiệp vẫn còn giá trị rất lớn để khai thác vì ngoài thiết yếu thì trình độ sản xuất, chế biến, khả năng mở rộng thị trường đều rất tiềm năng, ông Tiến và các đồng nghiệp quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Phương hướng đã rõ, nhưng để xác định được bán cái gì, bán ở đâu không phải là câu chuyện đơn giản. Ameii mất gần 3 năm để tìm ra được câu trả lời. Trong thời gian đó, công ty tổ chức nghiên cứu sâu về cả thị trường lẫn mặt hàng nông sản.

Sau khi nghiên cứu, công ty tiến vào lĩnh vực nông nghiệp với phương châm lựa chọn thị trường khó tính ngay từ đầu vì chinh phục được thì đường đi tiếp theo sẽ rất thuận lợi. Lựa chọn đầu tiên của Ameii là đem chôm chôm xuất khẩu sang New Zealand.

Kết quả này được đưa ra sau quá trình phân tích thế mạnh các trái cây Việt Nam được thực hiện cùng lúc với phân tích về tiềm năng các thị trường cao cấp trên thế giới. Điểm giao thoa của 2 phân tích này là chôm chôm và New Zealand.

Chôm chôm là sản phẩm mà Ameii xác định làm “chất dẫn” để đưa thêm nhiều nông sản khác vào New Zealand, sau đó biến New Zealand thành “chất dẫn” để đi được nhiều thị trường khác.

“Chiến lược của chúng tôi là dùng sản phẩm đặc sắc nhất, phù hợp nhất, đột phá nhất để mở cửa cho thị trường mới, chứ không ào ạt. Khi đã khơi thông, đối tác có thể đặt chúng tôi hàng chục mặt hàng, đó là lúc chúng tôi khẳng định được uy tín của mình”, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Năm 2013, yêu cầu của khách hàng chưa cao, mặc dù New Zealand không phải là thị trường dễ tính. Quả chôm chôm Việt Nam lại có nhiều lợi thế hơn so với các nước trong khu vực, lợi thế mùa vụ, lợi thế chất lượng và lợi thế giá.

 

 

Về cơ bản, trước khi xuất khẩu quả chôm chôm cần được phân loại, xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh và xử lý màu bằng hợp chất hữu cơ. Sau khi đến người tiêu dùng New Zealand, quả vẫn giữ nguyên được màu sắc, hương vị.

Thành công đến ngay từ lô chôm chôm đầu tiên của Ameii xuất khẩu sang New Zealand. Người tiêu dùng đón nhận và có phản hồi tốt mặc dù Ameii mới là đơn vị thứ 2 của Việt Nam đưa loại quả này đến quốc gia châu Đại Dương.

Tuy nhiên, thành công không kéo dài lâu, chỉ sau một lô hàng, đối tác tuyên bố muốn chuyển đổi ngành nghề, không nhập nông sản nữa. “Nếu hiểu rất rõ về đặc tính sản phẩm, hiểu rất rõ về đặc điểm thị trường, chúng ta sẽ tìm ra được cách tiếp cận và đánh thức được tiềm năng của các đặc sản Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT Ameii chia sẻ bài học đầu tiên về xuất khẩu nông sản.

Dừng lại nhưng không phải chấm hết, Ameii phải tìm hướng đi mới. Lần này, họ chọn Nhật Bản với “chất dẫn” vào đất nước mặt trời mọc là quả sầu riêng, cụ thể là giống Ri 6 đặc sản.

 

4 năm sau New Zealand, Ameii bắt đầu tìm hiểu, đàm phán với đối tác Nhật Bản. Quá trình này kéo dài đến gần 1 năm vì cả 2 bên đều thống nhất rằng, tìm hiểu có thể lâu một chút nhưng khi đã thực sự hiểu nhau thì làm ăn sẽ rất suôn sẻ, lâu dài.

Dù đã hiểu nhau nhưng trong kinh doanh không thể tránh khỏi những khi xảy ra vấn đề, hàng hóa không như mong muốn rồi xảy ra tranh luận. Nhưng nhờ thiện chí của cả 2 bên, sau tất cả lại ngồi cùng với nhau, tìm phương án xử lý, cùng nhau tốt hơn lên.

“Trên quả sầu riêng thường có rệp sáp. Đây là đối tượng buộc phải loại bỏ hoàn toàn trước khi xuất khẩu, thế nhưng thời gian đầu chúng tôi có lần vẫn bỏ sót, dù đã dùng đủ các biện pháp. Sang Nhật, cứ mỗi con rệp tốn 8 triệu đồng để loại bỏ, đếm rệp chi tiền”, ông Tiến kể.

Là chuyện ngoài ý muốn, đối tác của Ameii cũng rất sốt ruột cho bạn hàng. Họ đề nghị 2 bên cùng đặt vấn đề với cơ quan chức năng, chuyên gia của mỗi nước để tìm ra giải pháp. Nhờ kết hợp thông tin từ chuyên gia của cả Việt Nam và Nhật Bản, sau này không con rệp nào còn sót lại trên những quả sầu riêng của Ameii nữa.

Nhưng mất 8 triệu cho mỗi con rệp chưa phải là bài học lớn nhất của Ameii với thị trường Nhật Bản. Có lần bị nông dân qua mặt, công ty mất trắng cả container sầu riêng, đền cho đối tác hàng trăm triệu đồng.

Khách hàng Nhật rất khó tính, yêu cầu với nông sản rất cao. Với sầu riêng, quả phải đủ 5 hộc, tròn đều, trọng lượng xấp xỉ 2,2kg/quả, tuổi phải từ 8-9 tháng. Những yêu cầu này khi đi xem thử thì rất đơn giản nhưng đến khi giải quyết đơn hàng lớn mới là vấn đề.

Và việc đền hàng trăm triệu đồng cũng từ đây mà ra, nguyên nhân sâu xa là do đội ngũ kỹ thuật, kiểm định của công ty còn non kinh nghiệm. Nông dân phun Kali để kích thích cây tăng trưởng, khiến quả non tuổi vẫn có thể đạt yêu cầu nếu chỉ nhìn từ bề ngoài và Ameii lĩnh đủ.

Chủ tịch HĐQT của Ameii nhớ lại: “Lô đầu tiên, phía Nhật Bản hủy hoàn toàn vì không đạt chất lượng, chúng tôi phải đền hơn 600 triệu tiền hàng. Sau 5 lô sầu riêng đầu tiên, chỉ có 1 lô thành công, còn lại đền không nhiều thì ít, tính ra trong 1 năm không thu được đồng lãi nào từ sầu riêng. May là chưa lỗ”.

Để giải quyết vấn đề này, Ameii phải thay đổi nguồn cung, đồng thời thuê thêm những chuyên gia cao cấp hơn để làm công tác kiểm định. Phía Nhật Bản cũng thuê chuyên gia và gửi thông tin tư vấn sang Việt Nam để cùng nhau giải quyết khó khăn chung. Đến thời điểm này, gần như đã không còn phát sinh lỗi, từ sầu riêng tươi cho đến cấp đông.

“Bây giờ chỉ cần các vườn đạt tiêu chuẩn báo có hàng thì sẽ lên đường đi Nhật ngay. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10-14 tấn sầu tươi và đông lạnh được Ameii xuất đi Nhật Bản, lúc cao điểm có khi vượt 20 tấn/tuần”, ông Tiến hồ hởi nói về thành quả sau 4 năm tìm hiểu, chinh phục thị trường Đông Á này bằng sầu riêng.

Sau sầu riêng, năm 2019, Ameii và đối tác bắt tay vào tìm hiểu về khả năng đưa vải đi Nhật. Một bản hợp đồng cam kết được ký, cụ thể, mỗi năm Ameii sẽ cung cấp 500 tấn vải cho bạn hàng.

Dù thời điểm đó vải chưa nằm trong danh mục xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản nhưng 2 bên đều đã chuẩn bị rất kỹ càng. Thậm chí, đối tác của Ameii còn làm truyền thông trong hệ thống siêu thị của mình từ trước khi quả vải được cấp phép với thông điệp: “Vải Việt Nam sắp có mặt ở đây”.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân, lượng vải Ameii xuất khẩu sang Nhật năm 2020 rất khiêm tốn, chỉ hơn 30 tấn.

Các nguyên nhân đó là, thứ nhất, do dịch Covid-19 nên chỉ có 1 chuyên gia Nhật sang làm công tác kiểm định, vào thời điểm vải đã thu rộ. Thứ hai, chỉ có 1 buồng khử khuẩn bằng Methyl bromide nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thứ ba, lượng vải đủ chất lượng xuất đi Nhật của năm ngoái cũng không nhiều.

Từ bài học đó, năm nay Ameii đã tìm ra cách khắc phục và trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa vải sang Nhật trong vụ 2021 vào ngày 23/5 vừa qua. Ngoài ra, công ty cũng lập một cơ sở khử khuẩn bằng Methyl bromide riêng tại Hải Dương với công suất vào khoảng 2,5 tấn/mẻ, mỗi ngày có thể làm đến 3-4 mẻ.

Tính đến đầu tháng 6, công ty đã đưa được gần 50 tấn vải đi Nhật và Chủ tịch HĐQT của Ameii tiết lộ thêm, hợp đồng đã ký giữa 2 bên cho vụ vải năm 2021 là 300 tấn.

Trong 2 năm, Ameii đang xuất khẩu sang Nhật Bản hàng loạt nông sản sau thành công của sầu riêng. Đó là vải, dừa, mía tím và đã đàm phán xong về nhãn nhưng đang chờ thông qua danh mục. Theo các hợp đồng đã ký kết, mỗi năm đối tác Nhật Bản sẽ nhập của Ameii 1.000 tấn nhãn và 500 tấn vải, nhiều khả năng quả nhãn sẽ được chấp thuận vào cuối năm 2021.

Khi được hỏi về định hướng phát triển của Ameii trong tương lai, Chủ tịch HĐQT không ngần ngại khẳng định chiến lược của công ty là dùng các nông sản thế mạnh để chiếm lĩnh các thị trường, chứ không phải trở thành một nhà bán buôn với các sản phẩm đại trà.

Trong tương lai, bên cạnh các sản phẩm tươi và chế biến thô, Ameii còn phát triển thêm về chế biến sâu. Kế hoạch trước mắt là xây dựng nhà máy chế biến trên diện tích khoảng 5 ha ở Hải Dương và tỉnh đang lựa chọn vị trí cho doanh nghiệp.

Sau khi nhà máy ra đời, Ameii sẽ làm thêm các sản phẩm cấp đông, sản phẩm bột rau quả, sản phẩm chiên sấy. Trong đó, các loại bột rau quả hiện nay có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực làm bánh, sản phẩm dinh dưỡng. Các dây chuyền chiên sấy có thể dùng để chế biến chuối, khoai lang, cà rốt… tạo ra thêm sản phẩm để cung cấp cho các thị trường đã được khơi thông bằng “chất dẫn” tươi.

Thậm chí, mục tiêu lâu dài của Ameii là có thể tự sản xuất được các sản phẩm dinh dưỡng từ bột rau quả chứ không chỉ là cung cấp nguyên phụ liệu đơn thuần nữa.

Mở biên kinh doanh, các sản phẩm thủy sản cũng nằm trong tầm ngắm của Ameii. Năm nay, công ty đã xuất thử một container ếch, lươn, cá tra và diêu hồng, tất cả đều được đối tác đánh giá cao. Tuy nhiên, để đảm bảo cho mọi việc thuận lợi, 2 bên sẽ cần làm việc kỹ hơn nữa về các sản phẩm này.

Phát triển công ty nhưng cũng không quên mục tiêu cùng bà con nông dân, công nhân ở địa phương làm giàu, phát triển.

Mùa vải năm nay, công nhân của Ameii làm công tác sơ chế tại xưởng ở Hải Dương khấm khá. Công nhân nữ được trả 250.000 đồng/ngày công, còn nam giới hưởng lương 300.000 đồng/ngày, đây là mức cao so với mặt bằng chung.

“Mình phải đem lại một giá trị khác, đem lại thu nhập cho công nhân, đem lại lợi nhuận cho nông dân. Có thể điều đó khiến giá thành của quả vải cao hơn, nhưng với chất lượng được đảm bảo, khách hàng Nhật Bản vẫn rất hài lòng”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Với bà con nông dân, Ameii xác định mục tiêu lâu dài là xây dựng những vùng nguyên liệu chất lượng và tạo ra mối liên kết bền vững. Năm 2020, công ty đã thành lập HTX Ameii Việt Nam, đặt tại Hải Dương với 37 thành viên ở giai đoạn 1, chủ yếu sản xuất vải.

Tuy nhiên, con số này đang tăng lên không ngừng, lý do là Ameii luôn sẵn sàng thu mua vải với giá tốt hơn giá trị trường nếu bà con đảm bảo được các tiêu chuẩn mà công ty đưa ra. Giá vải chợ 25.000 đồng/kg thì công ty mua giá 40.000 đồng/kg, khi giá vải chợ xuống 18.000 đồng/kg, công ty vẫn mua 27.000 đồng/kg.

“Làm sao có càng nhiều bà con tham gia vào chuỗi liên kết càng tốt. Không có gì ổn định bằng liên kết với bà con nông dân, tạo ra vùng nguyên liệu của mình. Nếu chỉ phát triển cơ sở sản xuất, chế biến mà quên đi nền tảng về nguyên liệu thì chắc chắn hệ thống của chúng tôi sẽ không bền vững, không hoạt động lâu dài được”, ông Tiến khẳng định.

Do đó, một trong những trọng tâm phát triển của Ameii là tạo mối liên kết sâu với bà con nông dân, hình thành các hợp tác xã không chỉ riêng cho quả vải mà mở rộng ra nhiều loại nông sản. Tham vọng hơn, Ameii mong muốn mỗi xã viên của mình trở thành một kênh liên kết với các hộ sản xuất ngoài HTX.

“Mong muốn của chúng tôi là mỗi bà con xã viên phải trở thành một chuyên gia tư vấn về xuất khẩu. Xã viên của Ameii khi đó có thể đưa ra những quy trình sản xuất chuẩn chỉ, giúp những nông dân khác tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu cho các thị trường khó tính.

Ở chiều ngược lại, những xã viên này lại đóng vai trò kết nối, đưa các doanh nghiệp về tiêu thụ những sản phẩm nói trên. Chỉ cần doanh nghiệp đưa ra yêu cầu, họ sẽ giới thiệu đến tận vườn để thu mua”, Chủ tịch HĐQT của Ameii chia sẻ về ước mơ của doanh nghiệp mình.

Xa hơn nữa, công ty muốn mở rộng sang cả mảng du lịch sinh thái nông nghiệp, tận dụng những lợi thế thiên nhiên của Hải Dương. Để làm được điều đó, một quá trình nghiên cứu nữa đang được tiến hành, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia về du lịch.

Cũng như những con đường khác mà Ameii đã đi, sản phẩm du lịch có thể cần nhiều thời gian để ra đời, nhưng một khi đã chạy được thì sẽ chạy tốt, chạy ổn định, chạy lâu dài.

 

Võ Văn Việt
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Lê Hoàng Vũ - Đinh Tùng
Đức Minh - Quang Dũng