9 nhiệm vụ trọng tâm ngành Nông nghiệp năm 2023

Guồng quay công việc đã bước sang tháng 2, nghĩa là hơn 1/12 quỹ thời gian trong năm 2023 chúng ta đã sử dụng hết. Hoạt động kinh tế - xã hội vận động không ngừng, thời gian không chờ đợi chúng ta. Trong khi nông dân, doanh nghiệp luôn dõi theo mỗi hành động của chúng ta xem có điều chỉnh, phản ứng kịp thời trước sự thay đổi nhanh chóng cùng bao điều khó khăn, thách thức phía trước hay không. Đặc biệt hôm nay là Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc giục mỗi Đảng viên công tác trong ngành nông nghiệp tiếp tục làm tốt chức trách, bổn phận, đóng góp tích cực cho sự nghiệp “Tam Nông”.

Tại buổi họp này, chúng ta tạm gác niềm vui năm cũ, cùng ngồi lại thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Những nhiệm vụ cụ thể, từng cơ quan, đơn vị, các đồng chí Thứ trưởng đã và sẽ chỉ đạo. Theo tôi, trong triển khai kế hoạch thường niên, sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận về mục tiêu có ý nghĩa quyết định. Đối với công việc hàng ngày, hàng tháng, từng đồng chí cần chủ động, linh hoạt điều hành, triển khai theo diễn biến thực tế luôn đa dạng, phong phú và sinh động. Tôi đã từng chia sẻ rằng, đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với góc nhìn như vậy, tôi nêu mấy vấn đề sau đây.

Thứ nhất, năm 2023 là năm tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn và cụ thể hơn trong “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường, khơi thông thị trường quyết định sản xuất bền vững, tín hiệu thị trường là chỉ dấu cho đầu vào sản xuất. Tư duy kinh tế là “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”. Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi… là mục tiêu cuối cùng. Muốn vậy, phải kết hợp nông nghiệp, với công nghiệp chế biến từ sơ đến sâu, dịch vụ thương mại nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, kinh tế tập thể. Muốn vậy, phải phát huy tính đa chức năng, đa giá trị các công trình hạ tầng Bộ đang quản lý. Muốn vậy, phải tiếp cận khái niệm “kinh tế nông thôn” như là một tư duy phát triển.

Tư duy thị trường, tích hợp đa giá trị phải được cụ thể hoá trong từng chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, chương trình hợp tác quốc tế,… Tư duy tích hợp đa giá trị phải trở thành “phản xạ” của các lãnh đạo đơn vị, hình thành thói quen trong trao đổi công việc hàng ngày giữa các lãnh đạo cục, vụ, trung tâm, viện, trường với các địa phương. Chúng ta đang có các Vườn Quốc gia với sự phong phú về đa dạng sinh học. Chúng ta đang quản lý hồ đập thuỷ lợi hoành tráng như những kỳ quan nhân tạo cạnh bên thiên nhiên hùng vĩ. Chúng ta còn những cánh rừng ngập mặn ven biển với sinh cảnh ấn tượng. Tất cả đều là tài nguyên đa dụng, đa chức năng, đa giá trị cần phải được kích hoạt, tạo ra những giá trị cao hơn nhiều lần giá trị đơn dụng, đơn chức năng, đơn giá trị.

Thứ hai, năm 2023 là năm thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hoá”. Chuẩn hoá từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hoá quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hoá vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hoá quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Chuẩn hoá quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch. Tôi nhận được nhiều lời đề nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia sẵn sàng và sẵn lòng đồng hành hỗ trợ chúng ta trong việc chuẩn hoá này. Đặt hàng trên các trang thương mại điện tử, người dùng có thể cập nhật trạng thái đơn hàng theo thời gian thực tế, từ khi xác nhận, đóng gói, chuyển đơn vị vận chuyển, đến lúc vào kho phân loại và trên đường giao hàng,… Chúng ta có thể thực hiện điều tương tự đối với giấy tờ, thủ tục không?

Thứ ba, năm 2023 là năm thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Thiết kế chính sách phải đảm bảo phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng, đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng. Tôi thực sự sốt ruột khi nhận được thông tin các quốc gia láng giềng có những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân gần như ngay lập tức, khi đối mặt những biến động do giá cả đầu vào tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Nghị quyết 19 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã định hướng hỗ trợ nâng cao năng lực cho nông dân trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nêu cần có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trong bối cảnh khó khăn, thách thức và để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chúng ta có chậm hay không? Tôi đề nghị các đồng chí liên quan trả lời câu hỏi này!

Thứ tư, năm 2023 là năm triển khai chủ trương tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Huy động các viện, trường, nhà khoa học chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta cần sớm xây dựng các khung đề cương hướng dẫn tri thức hoá với đa dạng đối tượng tham gia, đa dạng hình thức, đa dạng cấp độ, đa dạng không gian.

Tôi thực sự vui mừng khi ý tưởng “tri thức hoá nông dân”, “nông dân chuyên nghiệp” gần đây đã được lan toả trong xã hội. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, người nông dân đã nhắc đến những mục tiêu này. Trên các phương tiện truyền thông cũng đã xây dựng các chuyên mục, chuyên đề giới thiệu, cập nhật kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường,… đến người nông dân. Tri thức hoá nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chính là giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với tư duy mới cho nông dân. Không thể ngày một ngày hai, không theo hình thức khai giảng và tốt nghiệp như cách thức thực hiện theo các chương trình đào tạo hay khóa tập huấn chính quy, mà sẽ cập nhật liên tục, thường xuyên, theo từng chuyên đề thiết thực.

Thứ năm, năm 2023 là năm triển khai Chiến lược khoa học công nghệ. Trong đó, tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ… về với làng quê nông thôn. Những sáng kiến khoa học thay thế phần nào phân thuốc vô cơ để giảm chi phí, xử lý môi trường sẽ phục vụ hiệu quả hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Những sáng kiến khoa học nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo quản và chế biến nông sản đang được bà con nông dân trông chờ. Ưu tiên các đề tài khoa học công nghệ gắn trực tiếp với nhu cầu của nông dân, các hợp tác xã, đồng thời, kết nối các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện với các vùng nguyên liệu lớn.

Tôi quan niệm rằng, tính thiết thực, hữu ích của các sáng kiến khoa học công nghệ không phụ thuộc quá lớn vào phạm vi, nguồn vốn, đội ngũ nghiên cứu. Bà con nông dân, các hợp tác xã, nông trại đang khát khao những công nghệ, máy móc có thể đơn giản thôi, nhỏ thôi, nhưng tạo ra năng suất cao hơn, giúp bảo quản, chế biến sâu hơn. Những điều tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng sẽ tạo ra sự lan toả và trở thành những điều lớn lao sau này.

Thứ sáu, năm 2023 là năm tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong vận hành bộ máy. Để chuyển đổi nền nông nghiệp, bộ máy của chúng ta cần chuyển động nhanh hơn, chủ động tiếp cận cái mới, tiếp thu những điều mới. Chúng ta sẽ triển khai văn hoá làm việc trong bộ máy. Văn hoá làm việc dựa trên tinh thần nghĩ khác, làm khác. Văn hoá làm việc tiến từ cách nghĩ nhỏ đến cách nghĩ lớn, từ cách làm nhỏ đến cách làm lớn, từ “không thể làm được” đến “có thể làm được”. Văn hoá làm việc dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, tôn trọng, cộng đồng trách nhiệm trong một đơn vị và giữa các đơn vị với nhau vì mục tiêu chung.

Tôi thích câu châm ngôn vừa nhìn thấy ở một điểm dừng chân: “Cuộc sống giống như lái một chiếc xe đạp. Để giữ thăng bằng bạn phải luôn chuyển động về phía trước”. Một tựa sách cũng rất ấn tượng: “Khí hậu đang thay đổi, sao chúng ta lại không?”. “Why not?” - “Tại sao không?” cũng là văn hoá làm việc của chúng ta!

Thứ bảy, năm 2023 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Tôi thực sự lo lắng chúng ta đang chậm chân và lại lỡ chuyến tàu, so với cách thức các doanh nghiệp và xã hội đang tiếp cận con tàu chuyển đổi số. Chúng ta thiếu nguồn vốn hay thiếu kiến thức, sự tự tin, hoặc do lúng túng trong cách phối hợp triển khai, hoặc chưa nhìn thấy hết giá trị của chuyển đổi số hỗ trợ chuyển động cả bộ máy và một ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những giá trị mới. Thật không thể phủ nhận rằng, chuyển đổi số đang “gõ cửa” từng ngôi nhà, từng doanh nghiệp, còn cánh cửa của Bộ chúng ta và từng đơn vị trực thuộc thì sao?

Trong một bức tâm thư gửi cho tôi, một nông dân đã bày tỏ rằng: “Big data, một số dữ liệu có thể đã có một phần, nhưng phần lớn dữ liệu theo thời gian thực (loại cây trồng, mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng, dịch hại,...) phải qua smartphone của từng nông dân. Số hóa đầu vào của từng hộ nông dân chưa có, số hóa quy trình sản xuất, số hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lấy ở đâu? Số hóa thị trường, dự báo thị trường? Tất cả số liệu nếu không có những app, phần mềm miễn phí, dễ tiếp cận dành cho nông dân thì sẽ không có big data. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải là “bà đỡ” cho những phần mềm này!”. Và thêm một câu hỏi mà chúng ta không thể chậm trễ hơn: “Hơn nữa chính cơ quan Bộ phải chuyển đổi số trước. Liệu Bộ trưởng có thể yêu cầu các đơn vị trực thuộc trả lời xem bao nhiêu giấy tờ, quy trình chuyển sang điện tử được không?”.

Chúng ta cần trăn trở về những chỉ số xếp hạng có tính cải cách gần đây của Bộ: xếp 11/17 về cải cách hành chính, 16/17 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Các chỉ số đó nói lên nhiều điều cần phải làm, làm sớm, làm ngay, không được tìm bất kỳ lý do nào để biện minh, thoái thác. Chỉ số xếp hạng phải trở thành động lực để chúng ta chấp nhận thách thức và tìm giải pháp vượt lên.

Thứ tám, năm 2023 là năm nâng cao chất lượng đào tạo theo tư duy mở của các viện, trường, tổ chức thí điểm xây dựng hệ hoặc trường cấp 3 nông nghiệp trong các trường cao đẳng, đại học. Tôi đề nghị trong năm 2023 chúng ta không nên tiếp tục than phiền về cơ chế tự chủ, vì để giải quyết vấn đề này đòi hỏi thời gian và ở cấp vĩ mô. Mỗi khi than phiền, tôi đề nghị các đồng chí hãy đọc quyển sách: “Thay đổi một suy nghĩ, thay đổi cả cuộc đời”. Với mạch tư duy như vậy, mỗi người lãnh đạo đơn vị thay đổi một suy nghĩ sẽ giúp cả đơn vị của mình thay đổi. Cảm xúc quyết định năng lượng trong mỗi người. Cảm xúc tích cực tạo nguồn năng lượng dồi dào, tạo nguồn cảm hứng trong công việc thay vì than phiền. Ai đó nói rằng: “Người thành công tìm giải pháp. Người thất bại tìm cách biện minh!”.

Mỗi khi cảm thán về học sinh không còn yêu thích học chuyên ngành nông nghiệp, tôi xin chia sẻ một gợi mở của nguyên Bộ trưởng Nông Lâm Nhật Bản:  “Khi than vãn học sinh không đam mê học nông nghiệp, thì hãy trả lời tại sao như vậy, và chúng ta đã làm gì để giúp học sinh có thêm cảm hứng với nông nghiệp qua từng tiết dạy?”. Một ngôi trường cấp 3 nông nghiệp giản dị, mà cả thầy lẫn trò đều vui khi dạy và học trong từng buổi học, trong sinh hoạt hàng ngày. Khi tôi chia sẻ về mô hình trường cấp 3 nông nghiệp ở Nam Định, nhiều đồng chí thiên về việc đánh giá, phân tích giáo trình giảng dạy kiến thức kinh tế nông nghiệp. Thực sự giá trị của mô hình đó còn ẩn chứa nhiều điều sâu sắc. Đó là dạy làm người - khi bước vào cuộc sống với bất cứ nghề gì, cũng hãnh diện về công việc của mình và luôn mong muốn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Đó là sự lành nghề và thái độ yêu nghề. Như vậy, không chỉ các môn về nông nghiệp, mà tất cả các môn học nghề nghiệp khác cũng đều hướng đến các giá trị cốt lõi. Và ngay chúng ta cũng nên tự hỏi rằng, mình đã thực sự lành nghề và yêu nghề chưa, mình có đam mê cháy bỏng về nghề nghiệp, biết cách tìm niềm vui trong công việc và biến công việc thành niềm vui chưa? Mình làm việc vì ai?

Thứ chín, năm 2023 là năm tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp. Tôi có điều kiện tiếp xúc, trực tiếp và qua các kênh tương tác đa dạng, đa chiều, từ cán bộ về hưu, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân, kiều bào, cán bộ tại cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia của tổ chức quốc tế, các nhà báo, phóng viên, biên tập,… Tôi luôn tự nhắc mình rằng xã hội lớn lao vô cùng, có sức mạnh vô cùng, tâm huyết vô cùng.

Mỗi người đều mong muốn đóng góp nhiều hơn cho nền nông nghiệp đất nước. Cần có kênh kết nối những sáng kiến xã hội, nếu không sẽ là sự lãng phí nguồn lực đất nước. Khi và chỉ khi có sự kết nối giữa những người tâm huyết trong xã hội với cán bộ, công chức tâm huyết trong bộ máy, chúng ta mới nhân lên nhiều lần kết quả mang lại, rút ngắn con đường đạt được mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn. Tôi đề nghị các đồng chí thấm đẫm tinh thần: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Hệ sinh thái nông nghiệp sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn và đi xa hơn. Muốn có hệ sinh thái mở rộng và bền chặt, chúng ta cần nhất quán “tư duy mở”. Với tư duy mở như vậy, chúng ta cùng nhau gửi một thông điệp rằng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn sẵn lòng, cầu thị chào đón những sáng kiến xã hội. Với tư duy mở như vậy, chúng ta cam kết đồng hành cùng mọi hoạt động có liên quan của các nhóm xã hội. Với tư duy mở như vậy, việc tham vấn chính sách không phải nhằm thực hiện theo quy định mà trên tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng, lắng nghe sự phản hồi và tương tác với xã hội.

Đôi tháng nữa là tôi và các đồng chí, đồng nghiệp trải qua hai năm gắn bó và làm việc cùng nhau. Theo quan sát và cảm nhận của tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giàu trí tuệ, tâm huyết và nhất là không thiếu khát khao dấn thân cống hiến. Một đội ngũ như vậy hoàn toàn có thể làm những điều lớn lao hơn cho nông nghiệp nước nhà, cho người nông dân. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, muốn đạt được mục tiêu cao cả, cần phải có điều kiện đủ.

Điều kiện đủ là chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy, đổi mới phương thức làm việc, văn hoá làm việc. Điều kiện đủ là chúng ta luôn nhìn vào “những điều chưa làm được” thay vì chỉ nhìn vào “những điều đã làm được”. Điều kiện đủ là chúng ta phải không ngừng học hỏi, mạnh dạn học hỏi, với tâm thức là “những điều chúng ta biết luôn ít hơn những điều chúng ta chưa biết”.

Cũng giống như trong các môn thể thao đồng đội, không phải bao gồm những vận động viên kỳ tài, ngôi sao, thì lúc nào cũng chiến thắng. Cũng giống như trong dàn nhạc giao hưởng, không phải bao gồm những nhạc công xuất chúng, thì trình diễn được tác phẩm hay. Cũng giống như trong thế giới tự nhiên, những con chim có sải cánh dài rộng, vẫn luôn cần đến cả đàn bên cạnh, để bay cao, bay xa. Vấn đề là cách thức phối hợp nhịp nhàng, là trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau, là quan hệ có tính cộng sinh, “win win – tất cả cùng thắng”. Đó chính là văn hoá làm việc đem đến thành công cho cả tập thể và từng cá nhân.

Tôi xin gửi lời cám ơn trân trọng đến tất cả các đồng chí, đồng nghiệp về một năm đã có nhiều thay đổi và kỳ vọng rằng sự thay đổi sẽ còn nhanh hơn, mạnh hơn, sâu hơn trong năm 2023. Cần nhớ rằng “thay đổi” là từ khoá được nhắc nhiều lần nhất trên toàn cầu. Ngoài kia gió đang thổi, thổi mạnh lắm, gió mạnh có thể trở thành cơn bão chực chờ cuốn lấy những do dự, chần chừ, đứng yên!

Xin chúc sức khoẻ và thành công đến với tất cả các đồng chí, đồng nghiệp!

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
TL