Đó là nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 4/2024. "Thẻ vàng" của EC là cơ hội để các nhà quản lý, từng địa phương nhìn nhận lại hướng đi của mình.
"Thẻ vàng" IUU khiến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản. Do đó, quyết tâm gỡ được "thẻ vàng", tránh bị "thẻ đỏ" là cơ hội để hải sản Việt nâng cấp, lấy lại uy tín và mở cơ hội lớn vào các thị trường khó tính.
Luật Thủy sản 2017 quy định rất rõ việc nghiêm cấm đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Thế nhưng, phải đến khi EC áp dụng "thẻ vàng" IUU thì chúng ta mới thật sự ý thức rõ ràng hơn, xắn tay vào giải quyết những hậu quả.
Lịch sử phát triển nghề cá đã để lại cho ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều "nút thắt" rất khó gỡ. Giống như nhiều tỉnh thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xuất phát từ nghề cá nhỏ, manh mún và trải qua nhiều năm không được quản lý chặt chẽ.
“Đừng nghĩ đến việc thay đổi chỉ để phục vụ cho việc gỡ ‘thẻ vàng’ IUU mà phải là vì sự sống còn của bà con ngư dân, ngành thủy sản của chúng ta. Đừng làm vì đối phó mà hãy vì ngành thủy sản minh bạch và trách nhiệm. Đã đến lúc, ngành thủy sản của chúng ta cần phát triển bền vững và nghĩ đến cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong mỏi.
Phải thừa nhận, trong thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết tâm thực hiện các phần việc theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). Điều này được cả Bộ NN-PTNT và EC ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngổn ngang. Bà Rịa - Vũng Tàu cần những hành động quyết liệt và triệt để hơn nữa để dứt điểm các tồn đọng.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: Cấu trúc ngành thủy sản nhỏ lẻ, manh mún như thế này sẽ dễ phát sinh những tình huống không mong muốn bất cứ lúc nào. Do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết tâm thì cần quyết tâm hơn nữa, đã mạnh tay xử lý thì cần triệt để hơn.
Những ngày nước rút, khi đợt kiểm tra của đoàn EC đến gần, cả hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều tập trung để giải quyết các phần việc còn dang dở. Tất cả đều hoạt động với phương châm: không có vùng cấm, đúng người đúng tội và không bỏ lọt trường hợp vi phạm.
Tổng số tàu cá của tỉnh đến hiện nay là 4.345 tàu, trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.623 tàu, vùng lộng 610 tàu và vùng ven bờ là 1.112 tàu. Tàu cá vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá là 2.557/2.623.
Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện có 1.140 tàu cá “3 không” và 605 tàu cá chưa đủ điều kiện xuất bến. Chi cục Thủy sản tỉnh đang cùng các địa phương để đôn đốc và hỗ trợ ngư dân hoàn thiện các thủ tục như giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận đăng ký tàu cá… để có thể xuất bến.
Hằng tuần, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều họp bàn, đánh giá lại mọi công tác trong nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU. Nhờ đó, mọi khó khăn được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung, tháo gỡ lập tức. Cùng với đó, phần việc nào còn chậm trễ, thiếu sâu sát thì được chấn chỉnh, tăng tốc.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương, lực lượng chấp pháp trên địa bàn nhất quán, thông báo cho các chủ tàu buộc phải có đủ giấy tờ hợp lệ, còn hạn mới được phép xuất bến. Trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị buộc quay trở lại cảng, xử phạt hoặc thậm chí là khởi tố hình sự, tùy thuộc vào mức độ quan trọng của tình hình.
Đối với 1.140 tàu cá “3 không” và chưa đủ điều kiện, lãnh đạo tỉnh yêu cầu lực lượng biên phòng không cho phép xuất bến, đồng thời giám sát chặt chẽ và gửi thông tin vị trí neo đậu về Chi cục Thủy sản để tổng hợp báo cáo Đoàn thanh tra EC. Các chủ tàu cũng được yêu cầu không để ngư lưới cụ trên tàu.
Để hiện thực hóa quyết tâm tháo "thẻ vàng" IUU, mới đây, UBND tỉnh đã gửi công văn tới TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở NN-PTNT về việc điều tra, xét xử nghiêm các vụ việc liên quan đến chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh sớm đưa ra xét xử công khai, xem xét tổ chức xét xử lưu động đối với những vụ án liên quan đến tàu cá vi phạm chống khai thác IUU nhằm tạo sự răn đe, chấm dứt tình trạng này trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Làm nghề khai thác thủy sản mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP Vũng Tàu) lại cảm thấy bất lực trong từng chuyến đi biển như hiện tại. Trước đây, mỗi chiếc thuyền của ông chỉ mất khoảng 1 tháng đi biển là có thể đánh bắt được đầy khoang. Còn bây giờ, ông phải mất khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng bám biển mà khai thác thủy sản cũng chỉ được phân nửa. Trong khi đó, tiền dầu và chi phí nhân công tăng lên, giá thủy hải sản thì mỗi ngày một thấp đi.
“Ngư dân chúng tôi là người cảm nhận rõ nhất việc thủy sản đang mất dần, không còn nhiều như trước đây. Phải nói rằng, biển đang dần cạn kiệt cá. Đánh bắt được một mẻ thủy sản rất khó khăn. Trong khi đó, hải sản lại đang mất giá nên nhiều người càng phải tranh thủ khai thác nhiều hơn, bám biển dài ngày hơn để tránh lỗ trong mỗi chuyến vươn khơi”, ông Ngọc chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Hiền (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) từng có 3 tàu đánh bắt xa bờ. Giá xăng dầu, thù lao cho nhân công tăng cao làm chi phí một chuyến biển đội lên hơn 30%, trong khi sản lượng đánh bắt sụt giảm do ngư trường cạn kiệt. Liên tiếp thua lỗ, ông Hiền buộc phải cho 2 tàu nằm bờ từ lâu.
“Một chuyến biển đi biển của tôi thường kéo dài 2 tháng và tiền đầu tư là khoảng 800 triệu đồng để mua dầu, đá, thực phẩm và trả lương cho bạn thuyền. Nhưng mỗi chuyến như vậy, tiền bán cá, mực chỉ đạt khoảng 300 triệu đồng. Càng đi càng lỗ. Thế nên, ngư dân đành để tàu nằm bờ, chờ tình hình ổn hơn”, ông Hiền ngán ngẩm.
Xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) là địa phương có tỉ lệ tàu nằm bờ khá nhiều của tỉnh. Phần lớn số tàu nằm bờ này là do đi biển thua lỗ, không thể tiếp tục vươn khơi. Thời điểm này bán ghe cũng không ai mua, chỉ đành "xẻ tàu bán ve chai".
Theo ông Phan Thạch, Chủ tịch xã Phước Tỉnh, giá 1 chiếc tàu khi đóng mới khoảng 4-5 tỷ đồng, sau khi hoàn thiện trang bị sẽ là 8 tỷ đồng. Thế nhưng, khi bán "ve chai" kiểu này thì cao lắm cũng chỉ được 200-300 triệu đồng.
“Tàu được mua về cũng được tháo ra lấy máy, phụ tùng và lấy gỗ để bán củi. Các tàu đánh bắt này chủ yếu theo hình thức giã cào đôi, thuộc dạng hạn chế, giảm dần theo quy hoạch của tỉnh để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp phục hồi trở lại”, ông Thạch chia sẻ.
Nói về nguồn lợi thủy hai sản, ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch Hội nghề cá TP Vũng Tàu cho biết, tỉnh cần có quy định cụ thể về việc cấm biển trong năm. Lấy ví dụ về thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tàu thuyền cũng không thể vươn khơi đánh bắt, nguồn lợi thủy hải sản được sinh sôi đáng kể.
“Chỉ trong một thời gian ngắn không đánh bắt mà cá, mực sinh sôi đáng kể. Thậm chí có khoảng thời gian chúng bơi vào gần bờ dày đặc. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm hơn với biển khơi, nguồn lợi thủy sản, cần có khoảng thời gian cố định cấm đánh bắt trong năm”, ông Tôn đóng góp ý kiến.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, thời gian tới cũng sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh, trình kế hoạch quy định về việc cấm biển nhằm cho thủy hải sản có thời gian sinh sôi, phát triển.
Theo đó, 2 khu vực sẽ triển khai cấm khai thác thủy sản ở vùng biển gồm: Vùng ven biển Xuyên Mộc ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc với diện tích gần 8.500ha, từ 1/10 - 31/10 hằng năm và vùng ven biển Vũng Tàu - Tiền Giang với diện tích 184.300ha trong các khoảng thời gian từ 1/1 - 31/4; 1/7 - 31/8 và 1/11 - 30/11. Đây là các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.
“Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ cấm các loại nghề, ngư cụ sử dụng khai thác thủy sản gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh. Khai thác thủy sản phải có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực”, ông Thi cho biết.
Để nâng cao trách nhiệm với nguồn lợi thủy sản, hằng năm, các sở ngành và địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thường xuyên thả tái tạo nguồn lợi thủy sản. Không chỉ góp phần bổ sung con giống hải sản cho biển mà góp phần nâng cao ý thức cho đại dương.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài việc cấm biển có thời hạn, tỉnh cần tiếp tục thực hiện giảm dần số lượng tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản và khai thác có chọn lọc.
Ngoài ra, tỉnh cần quy hoạch những không gian nuôi biển, đưa ngư dân tham gia các hợp tác xã, hướng dẫn nuôi lồng bè để chủ động hơn, giảm mật độ đội tàu. Tại mỗi bến cảng thì cơ quan chức năng và các nhà vựa, đầu nậu, doanh nghiệp và ngư dân xuất, cập bến làm sao gắn bó, hỗ trợ để tạo ra hệ sinh thái từng cảng.
Tính đến ngày 21/8, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 4.354 tàu cá đã đăng ký và quản lý trên phần mềm VNfishbase, giảm 279 tàu so với cuối năm 2023. Trong đó, giảm nhiều nhất là tàu trên 15m đánh bắt vùng khơi, giảm 123 tàu, hiện còn 2.636 tàu cá. Kế đến là tàu hoạt động vùng ven bờ có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, giảm 120 tàu, hiện còn 1.108 tàu cá. Vùng lộng còn 610 tàu, giảm 36 tàu.
Định hướng của tỉnh sẽ tiếp tục giảm số lượng tàu cá tối thiểu thêm 12% để bảo đảm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững. Hơn nữa, để ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển bền vững, tỉnh đồng thời tập trung đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi nuôi trồng, khai thác, sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị.
"Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, chúng ta cần cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt là các tàu khai thác ven bờ. Cùng với việc cắt giảm tàu cá để bảo vệ nguồn lợi, các địa phương cần quan tâm đến đời sống sinh kế của ngư dân theo hướng hỗ trợ nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng...”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, nhấn mạnh.
Một số năm gần đây, khi việc khai thác hải sản không còn được như kỳ vọng, nhiều ngư dân đã chuyển hướng, chuyển đổi sinh kế và lên bờ để chuyển hướng sản xuất. Trong đó, phải kể đến ông Nguyễn Văn Nhỏ (ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) với việc làm chả mực gắn với sản phẩm OCOP 3 sao. Hay anh Võ Văn Ê (ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng phát triển sản phẩm tôm, mực khô gắn với OCOP.
Thế nhưng, để khuyến khích, nhân rộng những mô hình này cho bà con ngư dân không phải là điều dễ dàng. Tỉnh cũng đã có những hỗ trợ cả về chuyên môn, kinh phí cho nhiều mô hình nhưng không mang lại hiệu quả cao. Dự kiến, trong thời gian tới, đề án quy hoạch và chuyển đổi ngành nghề thủy sản của tỉnh sẽ được thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội và chính sách hỗ trợ cho ngư dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài, thích hợp với việc nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, nuôi biển chỉ được áp dụng tại huyện Côn Đảo với 6 hộ nuôi trồng. Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay, do Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển tổng hòa kinh tế biển nên việc nuôi biển sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến những lợi ích khác như: vận tải biển, du lịch biển, an ninh quốc phòng…
Hiện 6 hộ nuôi biển tại Côn Đảo cũng đang trong thời gian xem xét gia hạn giấy phép nuôi trồng. Với điều kiện nước biển sâu, ít bị ô nhiễm và ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều ngư dân cũng mong muốn được cấp giấy phép nuôi trồng ở Côn Đảo, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh.
Nuôi biển tại Côn Đảo cũng đang chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với thiên tai và bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, cho biết, công ty cũng sẵn sàng có những chính sách ưu đãi cho người nuôi biển tại Côn Đảo nói riêng.
Trái ngược với tình hình ảm đảm của khai thác hải sản, Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển mạnh mẽ việc nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 5.425,7 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 12.971 tấn.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được triển khai hiệu quả tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua. Toàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31ha. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể.
Khu vực nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Lộc An (tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là doanh nghiệp tư nhân nuôi trồng tôm thẻ chân trắng lớn nhất của tỉnh. Khu nuôi trồng và xử lý nước thải của công ty có diện tích 300ha. Nhìn từ trên cao, hệ thống các hồ nuôi tôm với 560 ao nuôi, 300 ao xử lý nước, 280 ao ương và 2 hồ chứa nước biển, 1 ao nước thải như những mê cung khổng lồ.
Minh Phú Lộc An cũng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để giúp tôm khỏe mạnh, không sử dụng hóa chất và kháng sinh khi nuôi tôm. Nhờ đó, môi trường cũng ít bị ảnh hưởng, tăng giá trị cho con tôm thẻ chân trắng.
Minh Phú Lộc An còn đầu tư 230 tỷ đồng xây dựng đường ống dài 4,5km lấy nước biển vào nuôi tôm. Với việc chủ động lấy được nước biển sâu, ít ô nhiễm mà công ty chủ động được nguồn nước trước những biến đổi về thời tiết. Minh Phú Lộc An còn đang mở rộng liên kết theo chuẩn công ty và sẽ bao tiêu sản phẩm.
Các mô hình hợp tác xã trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh cũng đang minh chứng hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi tôm của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa). Ngay từ 5 năm trước, hợp tác xã đã nuôi tôm trong nhà màng và ứng dụng nước tuần hoàn.
Nhờ đó mà các vụ tôm của hợp tác xã không bị tác động bởi mưa, nắng. Dù mưa to hay dài ngày thì tôm cũng được cách ly, ít mắc dịch bệnh.
“Chính vì kiểm soát được nguồn nước, oxy và hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết nên chúng tôi đạt chất lượng tôm sạch nhờ không phải sử dụng kháng sinh. Chính vì thế, tôm thương phẩm của Hợp tác xã cũng được nhiều mối chào mua với giá tốt, cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thị trường”, ông Chuyên cho hay.
Hàu Long Sơn cũng là một trong những điểm nhấn trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây không chỉ được mệnh danh là vương quốc hàu và các loài cá lồng bè mà còn là điểm du lịch trải nghiệm, ẩm thực khá ấn tượng của tỉnh.
Hiện, trên khúc sông Chà Và gần cầu Long Sơn có hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lồng nuôi, diện tích mặt nước đạt 3.000ha với các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Sản lượng các loài thủy sản tại Long Sơn đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm, trong đó đa phần là con hàu.
Ngoài việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi hàu, HTX Như Ý Long Sơn còn mở nhà hàng ngay trên sông để phát huy tối đa giá trị mà con hàu mang lại. HTX Như Ý Long Sơn đang làm tốt cả hai nhiệm vụ trong một mô hình, đó là nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh cũng đang phát triển nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng sinh thái. Cụ thể, nuôi trên nước ngọt được phát triển tại khu vực xã Suối Rao, xã Láng Dài, xã Tóc Tiên; nuôi ở vùng mặn lợ tại hạ lưu sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạch Tranh, sông Ray, rừng ngập mặn. Còn việc nuôi trên biển đang được tỉnh triển khai tại khu vực sông Rạng - Chà Và - Mũi Giui, sông Dinh, sông Cỏ May - Cửa Lấp và Côn Đảo. Các mô hình được xây dựng theo hướng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả.
“Chúng tôi sẽ tập trung phát triển nuôi lồng bè trên sông, trên biển, ven biển và hải đảo theo hướng công nghệ cao theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021”, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin.